ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG (QUẢNG BÌNH) - HOÀNG CUNG TRONG LÒNG ĐẤT
Thứ ba, 19 Tháng 3 2013 09:13
Nguồn: Lê Phương Thanh
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất”, động Thiên Đường (thuộc huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bỉnh) là một trong những kỳ quan tráng lệ và huyền ảo bậc nhất thế giới. Từ TP. Đồng Hới, hơn một giờ ngồi trên xe, chúng tôi đã có mặt tại Trung tâm Du lịch sinh thái động Thiên đường. Một điều đặc biệt khiến tôi thích thú là sự hiện diện của những chiếc ô tô chạy bằng năng lượng điện thân thiện với môi trường. Đường vào động Phong Nha - Kẻ BàngBước qua 524 bậc thang đá, một dãy núi đá vôi hùng vĩ hiện ra trước mắt. Khó có thể hình dung, trong lòng một quần thể núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lại có một hang động cao và dài (31km) đến thế. Thật bất ngờ, cửa động chỉ nhỏ vừa đủ một hai người bước qua. Chúng tôi nối nhau đi từng bước, từng bước… đầy hồi hộp và háo hức. Mới vừa bước chân qua cửa hẹp, một làn khí mát lạnh phả ngay vào người, tim tôi dường như đập nhanh hơn, tôi đưa mắt nhìn quanh và có cảm giác như đang lạc vào một cõi trần gian không có thực. Không có từ nào tả hết vẻ đẹp của động Thiên Đường. Vì nhiệt độ trong hang luôn ở 20 - 210C, nên chúng tôi cảm nhận được từng luồng hơi mát từ dưới động thổi ngược lên, trái ngược hẳn với cái nắng nóng 36 - 370C ngoài trời. Nền động là đất dẻo, lại rộng và khá bằng phẳng nên rất thuận lợi cho du khách tham quan. Hang động Thiên ĐườngĐể phục vụ du khách thưởng ngoạn mà không tác động tiêu cực đến nền động, một con đường bằng gỗ táu hàng trăm bậc, dài 1km đã được xây dựng. Hành trình trên con đường gỗ được công nhận dài nhất Việt Nam này, chúng tôi say mê ngắm nhìn động Thiên Đường như ngắm một tòa lâu đài diễm lệ với vô số nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ lạ, hấp dẫn. Ban Quản lý Trung tâm du lịch sinh thái động Thiên Đường đã bố trí ánh sáng trắng, nhờ đó chúng tôi có thể quan sát được màu sắc nguyên thủy của thạch nhũ. Tùy vào cảm nhận của mỗi người, mỗi khối thạch nhũ đều đem lại cho người xem một trí tưởng tượng bay bổng, đó có thể là bức rèm cửa mềm mại, bức tranh sơn mài sặc sỡ màu sắc, nhà rông Tây Nguyên, đại bàng tung cánh, hay có thể là hình ảnh của Phật Bà Quan Âm, đức mẹ đồng trinh tay bế hài đồng…  Muôn hình thạch nhủMột điều đặc biệt nữa là trong động còn có các hồ nước trong vắt và không thể xác định nguồn từ đâu. Có chỗ, những giọt nước mát lạnh từ trần động nhỏ xuống nền đá, tạo ra những âm thanh là lạ, huyền bí vô cùng. Phía sâu trong động, có một đám thạch nhũ rất khác lạ chưa từng thấy ở các hang động khác, đó là những hạt màu trắng bạc, tròn và to như đồng tiền kim loại xếp ngay ngắn cạnh nhau trên một triền đá rộng, có thể nhặt lên từng hạt để ngắm nghía. Không chỉ ngạc nhiên khi thưởng lãm một kỳ quan thiên nhiên tráng lệ, chúng tôi còn bất ngờ trước sự đầu tư xây dựng bài bản, công tác quản lý môi trường và tổ chức hoạt động du lịch chuyên nghiệp ở nơi đây, nhất là đội ngũ nhân viên trong bộ đồng phục bắt mắt luôn nở nụ cười chào đón và hướng dẫn khách nhiệt tình chu đáo suốt hành trình tham quan. Mặc dù giá vé khá cao, với 120.000 đồng/khách và 160.000 đồng/chuyến ô tô điện cho 6 người, nhưng những gì diễn ra thực sự đáng giá.
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 17:15 )
THÁM HIỂM HANG SƠN ĐOÒNG
Thứ ba, 19 Tháng 3 2013 08:43
Nguồn: Báo Pháp luật
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được các nhà khoa học và các nhà thám hiểm công nhận là hang kỳ vĩ nhất thế giới.
Năm 2009, hang Sơn Đoòng ở Phong Nha-Kẻ Bàng đã được đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh công bố là hang động lớn nhất thế giới. Trong chuyến trở lại tìm kiếm thêm hang động mới gần đây, chúng tôi may mắn được cùng đoàn của ông Howard Limbert thám hiểm Sơn Đoòng cùng với đội làm phim hùng hậu của Nhật. Cung đường ngoạn mục Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh gồm 12 người do ông Howard Limbert dẫn đầu. Theo đoàn còn có 15 người làm phim của hãng NHK (Nhật) và hơn 50 người khuân vác. Êkíp của đoàn làm phim hùng hậu với máy móc đặc chủng. Chúng tôi được phép cùng theo đoàn với ba lô trên vai. Từ cây số 35 của đường Hồ Chí Minh tây Trường Sơn, mọi người tập hợp, khuân vác đồ đạc. Đường đi xuống đổ về một con dốc sâu hun hút mà người địa phương gọi là dốc Đoòng. Lối mòn đi dưới rặng cây già cỗi cao hàng chục mét. Đây là khu rừng gần như nguyên sinh. Từng thân gỗ vút cao, bám đầy rêu phong. Đi một buổi, chạm nắng buổi trưa, chúng tôi đến bản Đoòng của người Vân Kiều với sáu hộ, 21 khẩu. Đây là những người Vân Kiều ở phía Trường Sơn, huyện Quảng Ninh chạy lũ quét năm 1993 và định cư ở thung lũng tuyệt đẹp này. Họ sống với cây cỏ tự nhiên, tự cung tự cấp lương thực, chủ yếu là làm lúa nước ven suối, bắt cá từ suối, lấy mật ong trên những lèn đá cao.
Sau bữa trưa cơm nắm muối vừng, hơn 100 người chúng tôi trải nghiệm sự thơ mộng diệu kỳ của con suối Rào Thương dài cả cây số. Cây rừng xanh ngắt, hai bên là những dãy núi đá vôi chồng lớp, hùng vĩ đến lạ thường. 4 giờ chiều, giữa mây nước Rào Thương, mọi người hạ trại dưới sự chỉ dẫn của trưởng đoàn Howard Limbert. Một cửa hang hùng vĩ hiện ra, đó là Hang Én, một hang động rộng lớn, tuyệt đẹp. Nhưng anh Hồ Khanh, người phát hiện hang Sơn Đoòng, nói sáng mai, khi chạm vào Sơn Đoòng, khái niệm hang động hoàn toàn biến mất, một thế giới khác lạ hiện ra hơn cả thần thoại. Chạm vào vũ trụ thu nhỏ
Động. Ảnh Minh Quê Sau một đêm lửa trại, bắt cá ở Rào Thương, ngả lưng trong lòng Hang Én, nghe tiếng hàng triệu chim én vi vút, sáng ra ai nấy khoan khoái và hào hứng muốn đến hang động lớn nhất thế giới thật nhanh. Đi hết 1,7 km chiều dài Hang Én, qua một lòng hang rộng lớn, một hồ nước trong xanh là đến cửa sau của Hang Én. Từ đây, thêm vài giờ đi bộ nữa, chúng tôi chạm vào một trong những kỳ quan của nhân loại ở thế kỷ 21. Ông Howard Limbert ca ngợi sự kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng: “Chúng ta đang chứng kiến một hang động cực kỳ lớn mà tất cả tài liệu của loài người chưa hề chứng nhận từ năm 2009 trở về trước. Nó không chỉ là hang động mà là một vũ trụ thu nhỏ, một thế giới mênh mông chưa một ai chứng kiến”. Cửa hang rộng lớn, cao và sâu đến cả trăm mét. Gió hắt ra những luồng hú rợn người bao trùm cả một góc rừng. Đoàn thám hiểm leo dây xuống trước, kết những đinh vít vào tường hang. Dây thừng được neo chặt vào đó để mọi người tuần tự đi xuống lòng hang Sơn Đoòng. Đặt chân vào lòng hang lại không thể tưởng tượng ra đây là một hang động. Nhiều đoạn cao không thể thấy trần hang, cũng không thấy vách hang ở hai bên. Có những lúc toàn đoàn tắt hết các thiết bị máy móc, đèn chiếu sáng cá nhân, mọi người ngừng nói chuyện. không gian đen đặc như ở ngoài vũ trụ, một sự huyền diệu, bí hiểm khó tả mà chỉ gặp một lần ở Sơn Đoòng. Chúng tôi vượt qua một con suối sâu chảy xiết trong lòng hang, sau đó đến một trong những đại thạch nhũ khổng lồ cao hơn 100 m mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter trong đoàn ví chiều cao bằng tòa nhà 40 tầng ở New York (Mỹ). Các cấu trúc ở đây to lớn, hùng vĩ hơn bất cứ sự tưởng tượng nào của con người. Nơi rộng nhất của hang Sơn Đoòng được ông Howard Limbert thuyết trình rằng ba chiếc máy bay cỡ lớn có thể cùng bay hàng ba thoải mái. Cửa sau hang Én, Ảnh MINH QUÊ
Những trầm tích qua thời gian hàng trăm triệu năm, những dấu tích bào mòn của hàng tỉ trận siêu lũ lên hai bên bức vách của Sơn Đoòng. chúng tôi như chạm vào cuốn sách hóa thạch cổ xưa nhất của trái đất về địa mạo địa chất. “Nó như cho thấy kho tàng cổ xưa chưa một ai chiêm ngưỡng, chưa một dấu chân người, cho đến một ngày chúng tôi ngỡ ngàng đi vào đó” - ông Howard Limbert ngợi ca. Vườn địa đàng Sơn Đoòng Hang động lớn nhất thế giới không chỉ hấp dẫn bởi cấu tạo thạch nhũ mê hoặc và khổng lồ mà còn gây sửng sốt trong lòng hang có một khu rừng hang động ở một hố sụt rộng khoảng 2 ha. Chính khu rừng đã tạo ra sức mê hoặc tuyệt vời với Sơn Đoòng. Không ở bất cứ nơi đâu lại có hình thái rừng trong hang động. Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh nhận xét khu rừng này có đầy đủ những loài thực vật nhiệt đới trên núi đá vôi. Ở trong này không có đất, thành tố quan trọng cho cây cối sống nhưng những mầm sống vẫn tiến triển, bởi chúng có ánh nắng để quang hợp và cây cối mọc lên từ các hạt mầm có ánh sáng chiếu vào. Từ đó, rễ cây ở đây phải tiến hóa vô cùng mạnh mẽ, tạo ra một hợp chất như acid để biến những lớp đá cứng thô thành mùn như đất, tạo ra năng lượng và vươn lên. Trên lớp đá vôi chắc cứng, các loài thực vật không còn cách nào khác là có một dung môi từ rễ cây như acid để bào mòn dần từng lớp đá phía trên để trưởng thành. Các nhà khoa học cũng chỉ cho đoàn làm phim của Nhật và chúng tôi thấy không chỉ cây rừng trong hang trưởng thành mà cấu trúc canxi non cũng đang dần lớn lên theo năm tháng, nghĩa là chúng cũng sinh trưởng như một loài của tự nhiên. Một khu vực vài mét vuông canxi được đánh dấu từ năm 2010 đến 2012 đã sinh trưởng thêm gần 1 cm và đều hướng đến vùng có ánh sáng. Bước đầu các nhà khoa học nhìn nhận canxi non được lớn lên ngoài hơi ẩm, chúng dường như có một thứ ký sinh nào đó kích thích phân hủy hóa học với đá vôi để tạo ra môt thứ tương tự thạch nhũ nhưng sinh trưởng nhanh hơn. Canxi đang sinh trưởng. Ảnh: MINH QUÊ
Chúng tôi đắm mình trong khu rừng hang động đã được gọi tên là vườn địa đàng (Eden). Các nhà khoa học gọi đấy là chén thánh của địa mạo địa chất. Trong khu vực vườn địa đàng, các nhà khoa học đoàn thám hiểm đã tìm ra ba loài mới về cuốn chiếu, rận gỗ và một loài giáp xác khác. Ở khu rừng, có đến gần 400 loài thực vật, trong đó có những loài chim phía ngoài di cư vào sinh sống rất đẹp và lạ mắt. Rời vườn địa đàng Sơn Đoòng, đi nữa, phía cuối hang là bức tường cao hơn 150 m, hoàn toàn là canxi tinh khiết, thế giới không có bức tường nào đồ sộ như thế. Các nhà khoa học chưa xác định được độ dày, chỉ xác định chiều cao và độ rộng hơn 100 m. Vượt qua bức tường này bằng thang dây của đoàn thám hiểm, chúng tôi xuống một hồ nước rộng lớn, tuyệt đẹp với các măng đá nhô lên như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Cả đoàn cùng gói đồ đạc trong những túi đặc dụng, những chiếc xuồng hơi được bơm căng để chở máy ảnh, hơn 30 phút sẽ đến cửa sau của Sơn Đoòng, hết chuyến thám hiểm chiều dài hang động lớn nhất thế giới 9,6 km. Từ cửa sau, chỉ mất hơn 3 giờ đi bộ, chúng tôi đã trở ra với đường Hồ Chí Minh, hoàn thành chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới. Chia tay chúng tôi, ông Howard Limbert nói rằng: “Sơn Đoòng là gia tài của Việt Nam, cần bảo tồn và giữ gìn nó như thiên nhiên đã tạo ra và bảo quản cho chúng ta hàng trăm triệu năm qua. Nó vô cùng quý giá mà chỉ có quê hương các bạn mới vinh hạnh được sở hữu”.
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 17:15 )
SÔNG NGẦM PHONG NHA - KẺ BÀNG XỨ SỞ DIỆU KỲ
Thứ ba, 19 Tháng 3 2013 08:36
Nguồn: Báo Du lịch
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện

Được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước, trong lòng hệ thống núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là hàng trăm hang động lớn nhỏ, ẩn chứa những vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa. Đối với các nhà khoa học, Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là "vương quốc hang động" với những giá trị về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học…
Còn với nhiều du khách, trong đó có tôi, Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi hội tụ những vẻ đẹp của chốn bồng lai, mà chỉ cần một cái với tay, bạn sẽ dễ dàng chạm vào tiên cảnh...
Khi tham gia chuyến thám hiểu con sông ngầm bí ẩn trong lòng động Phong Nha với chiều dài 1.500m, tôi cảm thấy mình đã may mắn hơn cô bạn Alice ở xứ sở diệu kỳ trong câu chuyện cổ tích ngày xưa rất nhiều. Nếu 500m đầu tiên trong lòng động lấp lánh ánh sáng kỳ ảo và vẫn lao xao những âm thanh của đời thường vọng vào, thì trên 1.000m tiếp theo, Phong Nha trở nên hoang sơ và kỳ vĩ, bóng tối và ánh sáng đan xen, tiếng mái chèo khua nước hòa trong tiếng đập cánh của đàn dơi, tiếng tí tách kiên nhẫn của những giọt nước chảy qua hàng trăm triệu năm... chào đón du khách. Đoàn chúng tôi ngồi trên thuyền độc mộc (và cả thuyền kayak) chầm chậm trôi trên sông, nơi bóng tối trở nên nhạt nhòa bởi ánh sáng từ những chiếc đèn pin đội đầu và tiến sâu vào lòng núi. Lòng hang hẹp dần và trần hang như lùi lại tít trên cao. Sông chảy dích dắc, những mái chèo khua nhẹ để du khách ngẩn ngơ trước nhiều lối rẽ bất ngờ. Với tay qua mạn thuyền, tôi gần như chạm vào những chùm thạch nhũ rủ xuống từ trần hang, những đàn dơi ràn rạt vỗ cánh, dạn dĩ bay qua như muốn chạm vào tóc, vào vai những người khách lạ đang thám hiểm xứ sở diệu kỳ... Và không chỉ có thạch nhũ, sông sâu, đàn dơi và bóng tối, gió trong lòng động Phong Nha cũng hào phóng vô cùng. Lặng lẽ và bất ngờ, gió cứ miên man thổi qua đoạn eo thắt của dòng sông ngầm và đến giờ vẫn là điều bí ẩn khi ở nơi này bóng tối vẫn mặc tình bao phủ. Một chút rồi thôi, khi thuyền trôi qua nơi này, dòng sông lại trở lại nét tĩnh lặng vốn có. Thong dong uốn lượn, thắt mở bất ngờ, khi du khách đủ phân vân để tự hỏi mình rằng dòng sông sẽ tiếp tục đưa ta đến chốn nào, thì bất chợt dòng sông biến mất... Nơi dòng sông ngầm biến mất giờ mở ra một không gian rộng lớn, nơi này được gọi là động Huyền Không. Tôi chưa hiểu hết nguồn gốc của tên gọi này, nhưng cảm giác vô ưu là có thật, khi tôi đứng ở đây, trên “viên cuội” khổng lồ có thể chứa được cả hàng trăm người và chạm tay vào những cô tiên xinh tươi hay ông Phật có nụ cười rất đỗi hiền từ. Có người bảo tôi, rằng nếu trong lòng đang ấp ủ những điều ước, ngay bây giờ, bạn hãy gửi lời nguyện cầu của mình vào trong gió, trong nước, trong sự bí ẩn và quyến rũ của động Huyền Không, khi bạn chạm tay vào hình ông bụt. Và không riêng chỉ mình tôi, những người đồng hành dũng cảm, say mê khám phá dòng sông ngầm bí ẩn trong lòng động Phong Nha, cũng đang lặng lẽ gửi những điều ước của mình ở chốn Huyền Không... Sau gần hai mươi năm đón khách, tour mạo hiểm khám phá chiều sâu bí ẩn 1.500m động Phong Nha đã mở ra một trang mới để du khách tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt tác từ quá trình kiến tạo địa chất khu vực núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Dòng sông ngầm sẽ đưa bạn đến nơi giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hư và thực, đón nhận những ngọn gió kỳ lạ như thổi đến từ thiên đường. Bạn tôi, người đã có hàng ngàn lần dẫn du khách vào tham quan động Phong Nha, quen từng khúc quanh, ngả rẽ, nhưng lần đầu tiên chèo thuyền độc mộc tiến sâu vào động Phong Nha đã để lại trong lòng bạn những cảm xúc kỳ lạ...



Các khối thạch nhủ lạ mới phát hiện trong đông Phong Nha
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 17:05 )
CỔ TÍCH ĐÁ ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG
Thứ ba, 19 Tháng 3 2013 06:09
Nguồn: Theo iHay
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Tôi đã đi khắp các hang động nổi tiếng ở Việt Nam. Từ Thiên Cung (Hạ Long), Phong Nha
và Tiên Sơn (Quảng Bình) đến Ngườm Ngao (Cao Bằng)... và cho rằng Phong Nha đẹp và hoành tráng nhất. Nhưng nhận định trên sẽ bị đảo lộn bởi những chuyện cổ tích đá ở động Thiên Đường.
Động nằm trên núi trong vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 1991, một “lâm tặc” tìm trầm có máu phiêu lưu, tình cờ phát hiện hang lạ. Khác với nhiều hang động trong vùng mà ông từng biết, động mới có cửa hẹp, đi ngang, gió lạnh như muốn bế thốc người, rít qua vách đá hù dọa. Năm 2005, sau nhiều chuyến tìm kiếm hang động mới ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thất bại, đoàn thám hiểm hoàng gia Anh, theo lời kể của dân địa phương, đã tìm gặp Hồ Khanh, người đã phát hiện ra động lạ và rất có duyên với các hang động mới. Suốt 2 năm ròng, khám phá thêm nhiều hang động đẹp nhưng vẫn chưa gặp lại “cố nhân”. Năm 2007, đoàn thám hiểm về nước, Hồ Khanh vẫn thủy chung tìm kiếm. Đầu năm 2008, Hồ Khanh mới gặp lại “người đẹp”, 17 năm sau lần gặp đầu tiên. Khi dẫn đoàn thám hiểm hạnh ngộ, họ hỏi ý kiến ông và đặt tên là Thiên Đường (Paradise cave). Hồ Khanh là người dẫn đường cho đoàn thám hiểm phát kiến nhiều hang động mới và họ dành cho ông quyền đặt tên, theo thông lệ quốc tế. Đã có động Nghĩa (tên vợ), động Thái Hòa (tên con), động Hùng (tên bạn)... Còn riêng ông, vẫn chưa có tên, dù là tấm bảng nhỏ ngay động Thiên Đường...
Động Thiên Đường, Phong Nha - Kẻ Bàng.
Đúng như tên gọi, Thiên Đường là một trong những hang động nguy nga, tráng lệ hàng đầu của thế giới, có chiều dài 31,5 km, đang được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư và khai thác. Đến Thiên Đường, phải theo đường Hồ Chí Minh, qua Phong Nha chừng 27 km. Vừa xuống xe ngay cổng, khách đã cảm thấy sự khác biệt. Khí hậu dịu hơn, không gian thoáng đãng và sự chăm chút của con người. Có thể đi xe điện với các nữ lái xe duyên dáng hay trekking thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng trên đoạn đường khoảng chừng 1,5 km. Để lên cửa hang ở độ cao 360 m, có 2 lựa chọn. Nếu có sức thì vượt 524 bậc thang đường thẳng. Còn không thì đi dốc vòng, cũng chưa tới 1 km. Nhớ thực hiện đúng phương châm dã ngoại khi leo dốc là “Ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau” và khi xuống dốc là “Ngực tấn công, mông phòng thủ”. Theo kinh nghiệm của tôi, khi lên nên đi đường dốc và xuống bằng cầu thang. Khá khen cho nhà đầu tư đã chăm chút từng lối đi, thùng rác cho đến nhà vệ sinh, tạo cho du khách cảm giác tin cậy về chất lượng dịch vụ.
Vừa đến cửa, Thiên Đường đã tưởng thưởng và nồng nhiệt chào đón khách bằng những làn gió hào phóng, mát rượi. Cửa động hẹp và nhỏ đến bất ngờ, nhưng chỉ mấy bước là Thiên Đường hiện ra, lộng lẫy, hớp hồn du khách. Choáng ngợp vì sự kỳ ảo của vô số nhũ thạch và măng đá, từ hình dạng đến màu sắc, từ tuổi đá đến cấu tạo. Động khô, không có sông ngầm và khá bằng phẳng. Hệ thống cầu thang gỗ khang trang, dài hơn 1.000 m, rộng 2 m, vững chãi đón khách thưởng ngoạn, cứ như lạc vào lâu đài cổ tích đá. Cách quãng, lan can lại được biến tấu thành ghế dựa cho khách nghỉ chân. Tôi rất thích ý tưởng sáng tạo và tinh tế này. Tôi cũng thú vị với cách sử dụng khéo léo các bóng đèn LED, tạo cảm giác gần gũi như ánh sáng tự nhiên, không cần “phấn son lòe loẹt” hoặc phải “giải phẫu thẩm mỹ” như nhiều hang động khác. Động dài 31,5 km nhưng chỉ mới đưa vào khai thác hơn 1 km. Bề ngang rộng nhất gần 200 m, chỗ hẹp nhất chừng 30 m. Trần động, nơi cao nhất chừng 80 m, chỗ thấp nhất chỉ hơn 10 m. Động Thiên Đường đứng đầu bảng xếp hạng các hang động quốc tế về nhiều mặt. Đáng mừng là Quảng Bình đã “chọn mặt gửi vàng” chính xác. Vậy mà khi chưa đến, tôi cứ phập phồng vì sự tùy tiện của nhiều nhà đầu tư trước đó, mà suối khoáng nóng Bang (nóng nhất Việt Nam, 104oC) ở Lệ Thủy, Quảng Bình là điển hình. Càng đi sâu vào động, không khí càng mát lạnh. Nhiệt độ chênh lệch với bên ngoài khá lớn, chừng 16oC. Động Thiên Đường cũng vô địch về sự đa dạng của các hình thù nhũ đá. Chưa được “mục sở thị”, không thể nào hình dung, dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy. Khách cứ nhẩn nha khám phá, tự đặt tên cho từng khu vực hay từng khối thạch nhũ. Có khối hàng chục triệu năm, lấp lánh những tinh thể có cấu trúc tà phương là Cansit (CaCO3). Có khối trẻ măng, tươi rói, nhưng cũng vài trăm ngàn năm tuổi, vẫn đang tiếp tục hình thành, tí tách nước nhỏ giọt. Những thạch nhũ bền bỉ, kiên trì tác tạo ngày đêm, chưa bao giờ ngưng nghỉ và mỗi năm cao thêm nhiều nhất chỉ là 0,02 mm. Có cả thạch nhũ rời, như những viên bi tổ chảng, ngoan ngoãn nằm cạnh nhau, rất lạ. Có thạch nhũ cành như tổ ong khổng lồ và thạch nhũ màu xám tro huyền bí. Những nhánh dương xỉ bé tẹo, mượt mà xanh và kiên cường mọc kề bên thạch nhũ. Một hình ảnh tương phản đến lạ lùng. Được biết ở đây các nhà thám hiểm cũng vừa phát hiện loài bò cạp Thiên Đường, tên khoa học là Vietbocap thienduongensis Lourenco & Pham 2012... Chỉ hơn 1.000 m, Thiên Đường đã tạo nên sự choáng ngợp và sự khẳng định tên gọi của mình. Nào là cung Thạch Hoa Viên bề thế với những khối thạch nhũ đủ hình dạng cỏ cây, chim thú. Có cả tượng Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng. Nào cung Giao Trì, nơi Ngọc Hoàng bàn việc nước với các cận thần; có cả tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng; ruộng bậc thang và làng quê với ụ rơm, trâu cày... Nào cung Quảng Hàn với thác Thiên Hà, rèm the tiên nữ và các nàng tiên xõa tóc tắm suối. Nào cung Quần Tiên Hội Tụ với các tượng Phật A Di Đà, kỳ hưu, voi ma mút, thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh, Phúc - Lộc - Thọ, tháp Chăm (có người gọi là tháp Phật)... Hoành tráng hơn cả là Cung Đại Thánh Đường tựa như nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican. Cuối cùng là cung tái hiện Lịch Sử Trời Đất với thiên trụ, núi đôi, bầu sữa mẹ... Với tôi, ấn tượng nhất là tháp Liên Hoa như tòa sen đồ sộ (có người bảo giống cây thông Noel) và nhà sàn Tây nguyên rất độc đáo. Tôi cứ ngây người trước cảnh trí tuyệt vời, quên cả thời gian và không gian hiện hữu. Động Thiên Đường đón khách từ tháng 12.2010 và các công ty lữ hành đã nhanh chóng đưa vào tuyến điểm. Tháng 3 này, nhân kỷ niệm 14 năm thành lập, với sự hỗ trợ của các chuyên gia dã ngoại, Lửa Việt sẽ mở tuyến mới “Khám phá tiếp 6 km động Thiên Đường” bằng treking và bơi xuồng kayak. 1 km đã sững sờ, thêm 6 km nữa, chắc chắn trên cả tuyệt vời. Tour dành cho những người thích trải nghiệm, ưa mạo hiểm với những bất ngờ lý thú. Đoàn cũng sẽ viếng hang Tám Cô nổi tiếng linh thiêng với nhiều câu chuyện ly kỳ hư thực. Chỉ có 4 nữ nhưng chẳng hiểu sao lại gọi là Tám Cô?
Trước hang có cây Tình Yêu (cây si quấn chặt cây lim) thắm thiết. Rồi cây chuối cô đơn (chuối thường mọc theo cụm) cao gần 8 m và ra 8 buồng trái. Cặp tắc kè núi sinh 8 trứng và kêu 8 tiếng... Ngày 14.11.1972, bom Mỹ thả đã khiến 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh và làm sập cửa hang, bít lối ra của 8 thanh niên xung phong, trong đó có 4 nữ. Họ đã chiến đấu ngoan cường và lẫm liệt hy sinh vì đói khát khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1996, mãi 24 năm sau mới phá được cửa hang để xây mộ. Đoàn sẽ vượt sông Gianh, qua đèo Ngang đến Hà Tĩnh viếng chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh (chùa Hương ở Hà Tây là phiên bản sau này), tham quan nhà lưu niệm Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới người Việt Nam đầu tiên và nhà lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ ngành y Việt Nam. Tôi sẽ làm hướng dẫn viên và tặng bạn đọc Thanh Niên Tuần San mua tour một quý (3 tháng) báo tuần san làm quà cho vui.
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 17:03 )
|
|