GIỚI THIỆU VỀ ANH HÙNG LÂM ÚY

In

Lâm Úy sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 9 năm 1945. Khi hy sinh anh là tiểu đội phó bộ binh thuộc đại đoàn 325, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà nghèo, ngay từ nhỏ, Lâm Úy đã phải đi ở, làm thuê để kiếm sống. Cách mạng tháng Tám thành công, anh xung phong đi bộ đội và tình nguyện vào đội quân Nam tiến chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên.
Từ tháng 2 năm 1947 đến tháng 5 năm 1950, đơn vị Lâm úy về hoạt động và chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên. Anh đã chiến đấu hơn 30 trận, trận nào cũng bình tĩnh, dũng cảm, mưa trí và xông xáo. Đặc điểm chiến đấu của Lâm Úy là : dù một mình cũng kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, không có súng thì dùng mã tấu, súng hết đạn thì dùng lưỡi lê, báng súng, đánh giáp lá cà với địch. Anh đã diệt được hơn 100 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 15 súng các loại, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Đầu năm 1947, Lâm Úy xung phong dẫn một tổ đem cờ vào cắm ở đồn Phú Vinh (Huế). Khi tới chân hàng rào, Lâm Úy để anh em nằm ngoài yểm hộ, còn mình bí mật chui vào đồn, leo lên cắm cờ rồi lại bí mật luồn ra. Sáng hôm sau, nhân dân nhìn thấy lá cờ Tổ quốc hiên ngang phấp phới trên đồn địch, rất phấn khởi tin tưởng, trầm trồ khen ngợi bộ đội ta. Trái lại, kẻ địch rất hoang mang lo sợ.
Cũng trong thời gian này, anh về hoạt động phá tề, xây dựng cơ sở ở vùng Sào Nam (Lệ Thủy). Bọn địch thường tập trung nhân dân để tuyên truyền lừa gạt. Một hôm, Lâm Úy và 4 đồng đội, chỉ có mã tấu và lựu đạn, đã xông vào giữa lúc chúng đang tập trung nhân dân, chém chết tại chỗ 4 tên ngoan cố chống cự, bắt sống 8 tên và giải thích rõ chính sách của Đảng ta cho đồng bào biết.
Giữa năm 1948, đơn vị về hoạt động xây dựng cơ sở, tổ chức dân quân ở vùng Cảnh Dương - Tú Loan. Lâm Úy đã tích cực, xông xáo tuyên truyền giác ngộ quần chúng, tổ chức và hướng dẫn hoạt động cho dân quân. Một lần anh đưa dân quân vào sát đồn rồi một mình bò vào đặt mìn làm mẫu cho anh em học tập, giết 20 tên, gây được lòng tin tưởng cho anh em đánh giặc.
Cuối năm 1948, đơn vị bị địch phản kích bất ngờ. Chúng dùng một lực lượng lớn bao vây chặt trung đội anh. Đơn vị lui lên nấp kín ở mỏm Đồi Cao (gần Minh Lê). Bọn địch ở các hướng cùng tiến công lên. Ta chờ chúng đến thật gần, bất ngờ nhằm chỗ địch yếu nhất đồng loạt xung phong quyết liệt. Bọn địch hoảng sợ bỏ chạy, vòng vây bị phá vỡ, trung đội rút an toàn. Trong trận này, một mình Lâm Úy đã dùng lưỡi lê đâm chết 6 tên địch.
Tháng 1 năm 1950, Lâm Úy tham gia chống càn bảo vệ cán bộ và nhân dân vùng Bang rợn (Quảng Bình). Giặc Pháp dùng một tiểu đoàn có máy bay yểm hộ, hai lần tiến công đều bị đại đội anh đánh bật trở ra. Lần thứ ba, địch củng cố lại lực lượng, tập trung sức tiến công. Đơn vị bị thương vong một số, đạn gần hết; tình thế vô cùng hiểm nghèo. Địch vẫn tiến lên, chỉ còn cách ta độ 20 mét nữa. Lâm Úy dũng cảm nhảy lên khỏi công sự, dùng khẩu trung liên vừa cướp được của chúng, bắn mạnh vào đội hình quân địch, diệt hàng chục tên, bọn còn lại hốt hoảng bỏ chạy. Đơn vị đã đánh tan cuộc càn, diệt gần 1 đại đội địch, thu hơn 100 súng các loại.
Trận Xuân Bồ (tháng 5 năm 1950), địch tập trung một tiểu đoàn lính lê dương có máy bay, pháo binh yểm trợ hòng diệt chủ lực ta và phá hoại mùa màng của nhân dân ở vùng đồng bằng Lệ Thủy. Đơn vị được lệnh vượt sông chiến đấu. Lâm Úy hăng hái vượt trước. Sang tới bờ bên kia, đại đội đồng chí nhanh chóng xung phong tiêu diệt địch ngay, chiếm vị trí có lợi, làm chỗ đứng chân chiến đấu. Suốt từ 9 giờ đến 14 giờ, đơn vị đã đánh lui hơn 10 đợt phản kích của địch. Đạn gần hết, quân số lại thương vong nhiều. Lâm Úy vẫn bình tĩnh động viên anh em "tìm mọi cách diệt địch". Bản thân anh tự đi nhặt lựu đạn của địch về phát cho đơn vị chiến đấu, tiếp tục đánh lui hai đợt phản kích nữa. Nhưng rồi lựu đạn cũng hết. Lâm Uy liền nêu khẩu hiệu "Dùng lưỡi lê, báng súng quyết chiến đấu đến cùng!". Địch lại phản kích. Lâm Úy dẫn đầu đơn vị nhảy ra khỏi công sự, dùng lưỡi lê đâm chết 3 tên, vừa đâm được tên thứ 4, lưỡi lê mắc chưa rút ra được thì bị một tên khác lao vào ôm chặt. Mặc dù người nhỏ, sức yếu anh đã mưu mẹo quật ngã tên địch, một tay bóp bộ hạ, một tay bóp cổ, miệng cắn chặt vào bụng nó. Thấy vậy, những tên địch khác xả súng bắn vào đồng chí. Tuy bị thương nặng, Lâm Úy vẫn cố hết sức ghì chặt tên địch và kéo nó cùng lăn xuống sông.
Lâm Úy đã hy sinh vô cùng anh dũng. Khi được đồng đội vớt lên, hai tay Lâm Úy vẫn ghì chặt tên giặc và miệng vẫn còn cắn chặt vào bụng tên Pháp.
Lâm Úy đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 lần được Liên khu 4 và Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Bình khen.
Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Lâm Úy được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 16:52 )