Kỳ lạ làng thị trăm tuổi là “ân nhân” nhiều đời của người dân

In
Trong chiến tranh, thị là thứ cứu đói, che chắn cho người dân vượt qua mọi cơn an nguy, mưa bom bão đạn. Chính vì vậy, thị vừa là người bạn, vừa là ân nhân của họ.

Quả thơm dâng vua
Làng thị cổ trăm tuổi nằm ở xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngôi làng nằm bên bờ nam sông Son này vốn là một trong những nơi người Chăm khai hoang lập đất trước đó hàng nghìn năm.
Theo các bậc cao niên trong làng, vùng đất này xưa được gọi là làng cổ Cao Lao, có đến hơn một nghìn cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó, có những cây gần một nghìn năm tuổi. Đến nay, người dân không ai biết vì sao, vùng đất của mình lại mọc lên nhiều cây thị đến vậy. Chỉ biết rằng, các thế hệ người Cao Lao nối tiếp nhau ra đời, đã thấy những cây thị cổ thụ đứng sừng sững tự bao giờ.

Hiện, cả xã Mỹ Trạch còn hơn 50 cây thị cổ thụ.
Ở xã Mỹ Trạch hiện vẫn lưu truyền một truyền thuyết để giải thích nguồn gốc về cây thị. Chuyện kể rằng, người Chăm từng sinh sống trên mảnh đất này chẳng có gì làm đặc sản dâng các vị vua Chăm. Họ đã kiếm nhiều giống cây quý từ các địa phương khác về trồng, nhưng cây chẳng đơm hoa kết trái. Một hôm, có người nông dân nghèo vào rừng hái củi, bỗng nhiên ông ngửi thấy một hương vị lạ từ sâu trong rừng. Đi mãi đến mỏi chân, ông đứng trước một cây cổ thụ xum xuê trái, trái chín căng mọng, vàng óng, thơm đến lạ.
Chưa bao giờ ngửi được mùi thơm như thế, người nông dân vừa sẻ một đôi trái ngửi vừa nếm, thấy ngọt, liền đưa về báo cho vị quan chủ vùng. Vị quan lập tức cho người hái trái để dâng vua. Nhà vua tiếp nhận quả lạ, thích ngay mùi thơm của quả, hỏi quả gì, người Cao Lao vốn giọng quá “nặng”, đang muốn nói "thì chưa biết quả gì" nhưng phát âm chữ "thì" thành chữ "thị". Vua Chăm nghe vậy liền gọi đó là thị. Từ đó, người làng Cao Lao vào rừng, lấy hạt quả thị về gieo khắp làng để hàng năm lấy quả tiến vua. Không biết truyền thuyết cây thị có thật hay không, nhưng thị có rất nhiều ở xã Mỹ Trạch mà các xã khác quanh vùng không hề có.
Ông Nguyễn Trọng Chiến, 85 tuổi, trú xã Mỹ Trạch, giải thích thêm: “Tên gọi Làng Thị xuất phát từ lí do vùng đất này được trồng rất nhiều thị. Trước đây, trung bình mỗi nhà trồng một cây, có nhà trồng ba, bốn cây. Chính vì vậy, thị có khi trở thành khu rừng quanh năm rợp bóng mát, trẻ con rủ nhau chơi dưới tán thị như lạc vào khu rừng cổ tích vậy”.
Ân nhân của người dân
Dưới tán thị cổ thụ có tuổi đời khoảng 300 năm đứng sừng sững trước cổng nhà, ông Nguyễn Trọng Chiến nhớ lại những kỷ niệm gắn bó cùng “người bạn đời” thứ hai của mình. “Khi tôi ra đời, cây thị đã có, tính từ đời cố đến giờ là 7 đời rồi. Ngày xưa, thị là thứ nuôi sống dân nghèo, giúp họ vượt qua biết bao cơn khó khăn, bĩ cực. Chính vì vậy, mỗi nhà đều trồng ít nhất một cây. Khi thị xanh, người dân hái thị nấu với nhái, tạo thành món ăn rất ngon, mang dự vị đặc trưng không nơi nào có được. Bắt đầu tháng 6, tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa thị chín, lúc này, thị theo bước chân những người phụ nữ đội gánh, vượt đò đi đến các chợ Hạ Trạch, chợ Thanh Khê, chợ Ba Đồn.... Bán được thị, các chị lại đổi mua thức ăn, mua vải may quần áo mới cho đàn con thơ đang chờ ở nhà. Cũng bởi vậy, mỗi năm chỉ cần nhìn lên cây thị có nhiều quả hay không, người ta sẽ biết được nhà nào ấm no, nhà nào “thất bát”, ông Chiến nhớ lại.

Cây thị trở thành chứng tích lịch sử gắn bó với các thế hệ người dân ở đây.
Những khi quân địch đổ bộ vào vùng Nam sông Gianh, người dân Cao Lao nhờ cây thị mà chạy trốn bao phen. Người ta chọn những cây thị cổ cao nhất trong làng làm nơi quan sát sự di chuyển của quân địch. Đứng trên ngọn cây thị sẽ thấy rõ mồn một hướng di chuyển của chúng trên sông Gianh. Người quan sát sẽ rung lên một hồi kẻng báo động nếu thấy giặc đi về hướng làng Cao Lao. Nghe thấy tiếng kẻng báo động, trâu bò chạy trước, người chạy sau tìm cách trốn vào rừng sâu trú ẩn. “Ngày ấy, tiếng kẻng phát ra từ cây thị trở thành thứ âm thanh hết sức quen thuộc. Đến nỗi, trâu bò đang cày ngoài ruộng nghe thấy cũng tự giác nhanh chân chạy trốn, không cần sự dẫn dắt của con người”, một người dân cho biết.
Chỉ tay về phía gốc thị, bà Nguyễn Thị Gái, 90 tuổi, trú xã Mỹ Trạch bùi ngùi nhớ lại cảnh bao lần thị che chắn, bảo vệ dân làng thoát khỏi mưa bom bão đạn: “Trong chiến tranh, ba mẹ đào hầm ngay dưới gốc thị để trú ẩn. Mỗi lần nhìn thấy quân địch tấn công vào làng, cha tôi liền đưa cả nhà xuống hầm tránh nạn. Có lần quân địch kéo đến, chúng không thấy ai trong làng, liền châm lửa đốt nhà. Khi chúng rút đi rồi, cha tôi cùng người dân tìm cách dập lửa. Thị là loại cây có rễ chùm, vì vậy, nó có tác dụng giữ hầm thêm vững chắc. Nếu chẳng may bom rơi trúng, tán thị xum xuê, cây thị rắn rỏi cũng ngã mình ra đỡ đạn cho dân”.
Thi thoảng, lại có người lạ tìm đến nhà những người dân có cây thị cổ để hỏi mua với giá cao nhưng người dân quyết không bán. Họ lưu giữ cây thị cổ thụ như lưu giữ ký ức, chứng tích lịch sử của làng. Như lời cụ ông Nguyễn Văn Chiến khẳng khái: “Cây đã có vài ba trăm năm tuổi rồi nên không bán, cây đã trở thành cây di sản rồi...”.
Ông Phan Nam Tiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch cho biết, theo thống kê, hiện cả xã còn khoảng trên 50 cây thị cổ thụ, trong đó có 20 cây có tuổi đời hàng trăm năm. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở người dân chăm sóc và lưu giữ các cây thị cổ thụ. Với địa phương, cây thị cổ thụ không chỉ tạo ra môi trường trong lành, mà còn là những chứng tích lịch sử vô cùng quý giá, gắn bó với các thế hệ người dân nơi đây.
Ngô Thị Huyền