Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 3 2023 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25
27 28 29 30 31    

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2795
mod_vvisit_counterHôm qua3897
mod_vvisit_counterTuần này27124
mod_vvisit_counterTuần trước31632
mod_vvisit_counterTháng này134556
mod_vvisit_counterTháng trước93374
mod_vvisit_counterTất cả13515309

Có: 6 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với công tác giao thông, thủy lợi Quảng Bình

Email In PDF.
(QBĐT) - Bác Đồng Sỹ Nguyên là một người vào Đảng, hoạt động cách mạng từ lúc còn rất trẻ, có nhiều tài năng, công lao to lớn với đất nước và rất quan tâm đến quê hương. Tôi có may mắn, vinh dự được tiếp cận gián tiếp, trực tiếp với bác nhiều lần ở nhiều thời kỳ và trên các cương vị khác nhau của bác và của tôi.
Nhớ bác, tôi xin ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về bác trong công tác giao thông, thủy lợi. Vào năm 1969, sau khi Mỹ tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, Trung ương và lãnh đạo tỉnh quyết định tranh thủ thời cơ để làm thủy lợi giao thông, sản xuất lương thực, thực phẩm. Bộ và tỉnh quyết định xây dựng đập Minh Cầm, Đá Mài và công trình thủy lợi Rào Nan.
Ở Rào Nan, sau khi khảo sát địa hình, địa chất, Bộ Thủy lợi đề xuất phương án làm tuyến trên, sau Rục, để dẫn dòng xử lý được nền móng. Nhưng ở đó xa và hiểm trở, xử lý nền đá nứt nẻ, phức tạp, thời gian sẽ kéo dài. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan và lãnh đạo tỉnh triệu tập nhiều cuộc họp có cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo huyện và các ngành, có mời Chỉ huy Ban 67, Đoàn 559, học tập kinh nghiệm mở đường 20-Quyết Thắng (1966-1967). Để làm đập Rào Nan tuyến dưới, với nền móng là bùn đất phải có khối lượng đá hộc rất lớn theo thiết kế mặt cắt đập tràn hỗn hợp.
Đồng chí Hoàng Trá, Binh trạm trưởng Binh trạm 14 nói: “Khi nghe chúng tôi báo cáo, Tư lệnh ủng hộ tuyến này và việc giúp các địa phương sản xuất lương thực là một nhiệm vụ rất quan trọng của Cục tiền phương, Tổng cục Hậu cần và bộ đội Trường Sơn. Cũng có lúc mặc dù rất khó khăn nhưng tỉnh Quảng Bình đã đóng góp nhiều lương thực cho tiền tuyến”.
Năm 1969-1970, nhiều cán bộ được điều ra trực tiếp ở công trường, một nửa thanh niên xung phong của Đoàn 3 Quảng Bình công trường 20-Quyết Thắng, các cán bộ, công nhân đánh mìn, phá đá giỏi được điều động. Tỉnh thành lập thêm Đoàn 104, Đoàn 105 và huy động hàng trăm chiếc thuyền. Suốt ngày đêm công trường tấp nập hàng trăm thuyền chở đá từ thượng nguồn sông Nan, sông Son, từ Lèn Bảng về và theo cọc tiêu định vị thả xuống sông. Hai vai đập được đổ tường chắn bê tông cốt thép; ở giữa sông là một bãi cát hàng vạn khối có mái dốc rất xoải, trên mặt tràn và chân mái là rọ đá. Sau khi chặn được dòng, đã thi công một nửa thân đập phía trên bằng tấm ngăn, tầng lọc và đắp đất trong nước để ngăn mặn, dâng nước giữ ngọt, bơm dẫn về cánh đồng hơn 1.000ha của 9 xã.
Nay công trình đã được nâng cấp, hiện đại hóa tại đập cũ nhờ có thiết bị khoan cọc nhồi. Nhưng đập tràn ngăn mặn cấu tạo độc đáo, hỗn hợp đã tồn tại và phục vụ hơn 50 năm mặc dù bị bom đạn đánh phá nhiều lần. Trong thành công đó có sự quyết đoán của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan; ý tưởng, kinh nghiệm, sự giúp đỡ trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn.
Đầu năm 1973, tỉnh quyết định khởi công công trình đại thủy nông Mỹ Trung. Tôi được giao làm chủ nhiệm công trình. Công trình có khối lượng xây lắp rất lớn, nằm ở giữa cánh đồng rộng. Từ phía Tây không có đường đến, từ Quốc lộ 1 không có đường qua, thời gian thì eo hẹp, tranh chấp với việc địch có thể đánh phá lại. Sau hội nghị của lãnh đạo tỉnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, đầu tháng 3/1973, tôi và anh Lê Quý Hữu, Phó Ty Thủy lợi đến Chỉ huy sở Đoàn 559 gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo và đề nghị giúp đỡ. Tư lệnh đã đồng ý giao cho Cục Công binh của đoàn giúp thiết kế, cung cấp vật tư làm cầu phao 2 làn xe từ Quốc lộ 1 sang và phối hợp làm đường từ Quốc lộ 15 xuống công trường.
Đầu tháng 6/1989, sắp chia tỉnh Bình Trị Thiên, cánh đồng rộng lớn của huyện Lệ Ninh sắp vào vụ gặt, đã có một trận mưa tiểu mãn lớn khắp cả lưu vực sông Nhật Lệ, gặp đợt triều cường gây ngập úng rất nặng kéo dài. Tình hình vụ lúa sẽ mất trắng, đặc biệt là các khu ruộng lúa giống cho vụ sau. Đang lo lắng, thì Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm. Đồng chí Trần Đức Triển, Bí thư Huyện ủy Lệ Ninh đang lên tỉnh để chuẩn bị nhận chức Phó Chủ tịch đã cùng bác Nguyên và chúng tôi đi thuyền ra giữa vùng tả Kiến Giang, nước ngập mênh mông, bốc mùi lúa thối.
Về trụ sở UBND huyện, bác hỏi, chúng tôi báo cáo: Huyện cùng với hợp tác xã huy động nhân lực theo con nước để tiêu, tiết tự chảy, đắp hàn gắn bờ vùng, dùng lực lượng máy bơm hiện có để bơm úng. Khó khăn lớn vượt khả năng của huyện là thiếu máy bơm điện và dầu (lúc này toàn phân phối), thiếu hơn 1.000 tấn giống lúa cho vụ tới, tỉnh thì đang chuẩn bị chia và không có nguồn lực. Nghe xong, bác Nguyên chia sẻ, động viên chúng tôi và nhân dân, cùng thảo luận biện pháp trước mắt và lâu dài. Đồng thời, bác ký quyết định cấp 300 tấn thóc thuế ở 3 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh để đổi thóc giống và 100 máy bơm điện, dầu.
Chúng tôi báo cáo với bác về lâu dài tỉnh và huyện sẽ phát huy công trình Mỹ Trung ngăn mặn, ngăn triều cường, phối hợp lên đê và hệ thống cống nội đồng vùng thượng Mỹ Trung, chuẩn bị đủ lực lượng máy bơm; phục tráng nâng cấp bộ giống thích hợp; cơ cấu rút ngắn mùa vụ để thu hoạch sớm cả vụ đông-xuân và hè-thu. Bác đồng ý và ưu tiên phải làm nhanh kịp thời các việc trước mắt chống đói cho dân và khôi phục sản xuất. Tôi được Thường trực phân công cùng đồng chí Khởi, Trưởng trạm giống cầm 3 quyết định của bác Đồng Sỹ Nguyên đi 3 tỉnh lớn sắp chia để nhận thóc thuế; đến các công ty giống chọn giống cấp 1 thích hợp chuyển đổi, bù tiền đưa về kịp thời, cùng với số giống đã chuẩn bị trên địa bàn để làm vụ hè-thu và vụ đông-xuân sắp tới.
Năm 1997, tôi và đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trương Tấn Viên có một chuyến đi với bác Đồng Sỹ Nguyên và Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn để xem lại tuyến đường 12, đường 20, liên quan việc đề xuất tuyến đường Việt Lào xuyên Á và các cửa khẩu. Trong chuyến đi và khi về họp thảo luận, bác Nguyên và Bộ trưởng đã có những quyết định rất quan trọng, đó là: Tuy cảng thương mại cho bạn Lào thì đã được Trung ương quyết định là Vũng Áng, nhưng đường vận chuyển từ Vũng Áng và Hòn La thì phải qua Cha Lo vì đó là tuyến tốt nhất, một số đoạn trong chiến tranh chúng ta đã làm, đã sử dụng. Đường 12 đang gọi là tỉnh lộ 1 cần được đưa vào danh mục quốc lộ và đặt tên là Quốc lộ 12. Cửa khẩu Cha Lo nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Đường 20 cần được sửa chữa và nâng cấp; cho lập một cửa khẩu Cà Roòng-Noọng Ma, bởi vì vùng này phải có 2 tuyến đường sang Lào chính thức song song. Cần làm ngay đường nối Tân Ấp-Đồng Lê để tránh đi vòng.
Được biết Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn là một Chỉ huy của Ban 67 trong chiến tranh và cũng lăn lộn chiến đấu với bác Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh tiền phương của Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh Đoàn 559 nên thấy Bộ trưởng rất thông thuộc địa bàn Quảng Bình, rất yêu quý con người Quảng Bình. Bộ trưởng cũng chính là người kế tục công tác của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, nên rất thân thiết. Sau cuộc làm việc này, các bộ, ngành liên quan triển khai các quyết định.
Chúng tôi lập một Ban Chỉ đạo Cửa khẩu Cha Lo. Hải quan Quảng Bình làm chủ đầu tư, giao Sở Xây dựng đề xuất vị trí mặt bằng, đo vẽ lập quy hoạch, cử một đoàn gồm giám đốc các sở liên quan đi tham quan để thiết kế xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu. Cũng may là chúng ta có một khoảng thung lũng rộng lớn nằm giữa đồn biên phòng và cột mốc biên giới để thiết kế và xây dựng đồng bộ. Chúng ta cũng đã nâng cấp đường 20, xây dựng cửa khẩu Cà Roòng để giao thương.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn khảo sát xác định
tuyến đường Hồ Chí Minh hiện đại, ngày 7/5/1998. Ảnh: Tư liệu.
Trong cuộc làm việc này, chúng tôi cùng bác Đồng Sỹ Nguyên và Bộ trưởng trao đổi, nhận thấy: Quảng Bình là một tỉnh mà giao thông đủ dạng hình công trình và đã làm tốt. Các vị bộ trưởng từ Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đến nay đều sống và chiến đấu ở Quảng Bình, nay có đồng chí Giám đốc Sở GTVT được đào tạo chính quy đã làm việc ở Bình Trị Thiên. Vậy đề nghị các bác nên đưa lên Trung ương sử dụng để phát huy lợi thế và truyền thống. Sau đó Thường vụ Tỉnh ủy và bộ cân nhắc. Thật vui, trong 20 năm tiếp theo, đồng chí Giám đốc Sở GTVT của ta đã phát huy, đóng góp tốt ở cương vị Vụ trưởng rồi Thứ trưởng của bộ.
Năm 1997-1998, chúng ta xây dựng cầu Gianh. Bác Đồng Sỹ Nguyên, đặc phái viên Chính phủ thường xuyên đến kiểm tra thăm hỏi, nhắc nhở Tổng Công ty cầu Thăng Long và lãnh đạo tỉnh làm tốt các công việc giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công chất lượng; xác định đây là cây cầu lịch sử của đất nước. Ngày khánh thành thông xe, nhân dân tấp nập kéo về cầu. Bác Nguyên và Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn đến dự, tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu, cùng cắt băng khánh thành. Sau buổi lễ chúng tôi trao đổi, bác và Bộ trưởng đồng ý theo đề nghị của địa phương là chuyển các chiếc phà Gianh để tỉnh đầu tư làm bến phà Phù Trịch. Phà hoạt động được 10 năm đến khi có cầu Quảng Hải.
Trong một chuyến công tác ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều bác trong hội đồng hương đề nghị Quảng Bình cần xây dựng sân bay Đồng Hới. Nhà nước đang khó khăn thì ta làm theo cách đổi đất ở Đồng Hới lấy hạ tầng sân bay. Nóng ruột về việc này, tôi đã cùng anh Lê Trọng Sành, nguyên là sĩ quan không quân và anh Hoàng Quang Thuận đến gặp xin ý kiến bác Đồng Sỹ Nguyên ở T28.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo, bác vui vẻ nói: Sân bay Đồng Hới cần được phục hồi, xây dựng hiện đại là quá cần thiết, nhưng làm theo cách đó là không hay mà phải khẩn trương đi con đường chính thức, khảo sát lập hồ sơ để được bộ và Chính phủ duyệt đưa vào quy hoạch mạng lưới sân bay quốc gia, bố trí kế hoạch xây dựng giai đoạn năm 2000-2005 và tốt nhất là Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Bắc làm chủ đầu tư.
Sau khi tiếp thu ý kiến của bác, chúng tôi đã mời tư vấn, Cục Hàng không dân dụng làm việc. Các hội nghị đều có đại diện bộ, cục. Anh Nguyễn Sỹ Hưng, con trai bác Nguyên là cựu sĩ quan không quân, đương chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty hàng không Việt Nam tham gia rất nhiệt tình và được bác thường xuyên giúp ý kiến.
Tháng 10/1999, sau khi xem ti vi, thấy tôi trả lời phỏng vấn và có hình ảnh lũ lụt ngập sâu, cả vùng Lệ Thủy-Quảng Ninh, cả Quốc lộ 1. Bác Đồng Sỹ Nguyên điện vào ngay, dặn tỉnh tăng cường cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm đời sống nhân dân. Ở tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 15, những đoạn ngập cần tổ chức an toàn. Lâu dài, phải cùng bộ làm các đường tránh chống ngập lụt bảo đảm giao thông thông suốt. Chúng tôi vô cùng cảm động trước sự quan tâm của bác và vâng lời.
Tôi cũng đã nhiều lần cùng bác về thăm các cơ sở cách mạng, di tích lịch sử, nơi bác đã hoạt động ở trong tỉnh và Lào, như: Chiến khu Trung Thuần, chiến khu Võ Xá, Chỉ huy sở Hóa Tiến, Hiền Ninh, chiến khu Bến Triêm; đi dọc tuyến cũ Trường Sơn để định vị các mốc di tích lịch sử và xác định tuyến mới cho đường Hồ Chí Minh hiện đại, đến Khăm Muộn...
Được đọc lịch sử của tỉnh, được nghe bác và nhiều người kể chuyện, tôi thấy bác Đồng Sỹ Nguyên thực sự là một chiến sĩ cách mạnh trung kiên với Đảng, với dân, là một vị tướng tài, một nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế kiệt xuất của đất nước. Bác hiểu quê hương qua quá trình hoạt động cách mạng từ rất sớm và giúp đỡ, quan tâm sâu sắc đến sự phát triển quê hương cho đến cuối đời. Bác để lại nhiều bài học vô cùng sâu sắc.
Phạm Phước. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 26 Tháng 2 2023 03:17 )
 

Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Email In PDF.
(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923-01/3/2023), sáng nay, 24/2, tại TP. Đồng Hới, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.
Đến dự hội thảo có đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam; các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học cùng đại diện gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Toàn cảnh hội thảo.
Về phía tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng cán bộ, chiến sỹ và các em học sinh, sinh viên.
Khai mạc hội thảo, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh đã khái quát những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị, lĩnh vực khác nhau nhưng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một hoạt động lớn, thiết thực. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh: Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, Quảng Bình là vùng đất thiêng liêng, chứng kiến và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, có bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời, nơi giao thoa, hội tụ nhiều nền văn hóa lớn của dân tộc. Nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo.
Đặc biệt, nơi đây đã sinh ra 2 vị tướng tài ba, 2 người học trò ưu tú và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Cả cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương sáng, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Là người con ưu tú của quê hương, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh nhà cả trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh Quảng Bình rất vinh dự và tự hào được chọn làm địa điểm tổ chức hội thảo. Đây là dịp để tiếp tục khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và quê hương Quảng Bình.
Đồng thời, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân noi gương đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu, ra sức học tập, lao động và cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 tham luận từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học… Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng phát biểu chào mừng hội thảo.
Trong đó, có hơn 10 tham luận chất lượng được trình bày tại hội thảo, nêu bật một số vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp, vừa khẳng định những cống hiến xuất sắc của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên nhiều lĩnh vực, vừa thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân với Trung tướng.
Một số tham luận tiêu biểu, như: Dấu ấn của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trong quá trình xây dựng, phát triển của ngành Giao thông vận tải; Tổ chức hệ thống binh trạm trên đường Trường Sơn-sáng tạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên; Tác phong làm việc khoa học, tấm lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…
Tham luận tại hội thảo với chủ đề “Phát huy giá trị của đường Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, phát huy truyền thống đường Trường Sơn huyền thoại, sau 33 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Quảng Bình đã khai thác, phát huy thế mạnh của đường Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy để phát triển ngành du lịch, kết nối hàng hóa giữa các vùng miền, với cả nước, mở ra nhiều cơ hội lớn để chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế. Không ngừng nỗ lực, vượt khó khăn, thách thức, Quảng Bình đã có sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ và từng bước hình thành vóc dáng của một đô thị hiện đại trên hành lang kinh tế Đông Tây.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh đã điểm lại những đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đồng thời gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Bình đã có nhiều đóng góp cho sự thành công của hội thảo.
Một số hình ảnh tại hội thảo:

 
Chương trình văn nghệ chào mừng hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội thảo.

Ban chỉ đạo hội thảo.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tham luận tại hội thảo.

Cán bộ, chiến sỹ tham dự tại hội thảo.

Đại tá Phạm Văn Việt, nguyên Chính trị
viên phó Tiểu đoàn Công binh 77-Đoàn 559
chia sẻ những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Ban chỉ đạo hội thảo tặng quà cho gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, con trai Trung tướng
Đồng Sỹ Nguyên phát biểu cảm ơn tại hội thảo.
Diệu Hương
 

Phát biểu chào mừng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Email In PDF.
(QBĐT) - Sáng nay, 24/2, tại TP. Đồng Hới, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.
Tại hội thảo, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu chào mừng. Báo Quảng Bình trân trọng đăng nguyên văn bài phát biểu của đồng chí.
Kính thưa đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo hội thảo!
Kính thưa các đồng chí đại biểu, khách quý, các nhà khoa học và toàn thể các đồng chí tham dự hội thảo!

Hôm nay, Bộ Quốc phòng phối hợp Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”. Hội thảo là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với cách mạng Việt Nam nói chung và quê hương Quảng Bình nói riêng.

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư
Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chào mừng hội thảo.
Tỉnh Quảng Bình rất vinh dự được các cơ quan Trung ương chọn làm địa điểm tổ chức Hội thảo. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học; đại diện gia đình đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và toàn thể các đồng chí đại biểu đã về tham dự Hội thảo. Kính chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Kính thưa toàn thể các đồng chí!
Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, Quảng Bình là vùng đất thiêng liêng, là nơi khởi đầu cho công cuộc mở cõi về phương Nam của nước Đại Việt, đã chứng kiến và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, nơi giao thoa, hội tụ nhiều nền văn hóa lớn của dân tộc. Yếu tố lịch sử, văn hóa và thiên nhiên đã kiến tạo và rèn đúc con người Quảng Bình đức tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại mà bản lĩnh, ngoan cường, kiên trung, thông minh và quyết đoán, giàu chí tiến thủ, giàu lòng nhân ái, yêu nước nồng nàn, lao động sáng tạo.
Nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, như: Trương Xán, Dương Văn An, Nguyễn Đăng Tuân, Võ Xuân Cẩn, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Lê Trực,… Đặc biệt, nơi đây đã sinh ra 2 vị tướng tài ba, 2 người học trò ưu tú và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Cả cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương sáng, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Đặc biệt, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với những chiến công hiển hách, những đóng góp to lớn của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo xây dựng, phát triển, tổ chức chiến đấu, bảo vệ, khai thác đường Trường Sơn kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào, góp phần to lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị Tư lệnh quả cảm, mưu trí, thao lược nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, một con người sống “Trọn nghĩa - vẹn tình” với đồng đội và Nhân dân.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Cùng với tài năng thiên bẩm, truyền thống của quê hương Quảng Bình đã góp phần vào sự hình thành nhân cách, nâng bước đường hoạt động cách mạng của Trung tướng. Là người con ưu tú của quê hương, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh nhà cả trong thời chiến cũng như trong thời bình. Trong những năm tháng chiến tranh, là địa bàn chịu nhiều bom đạn đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ nhưng đồng thời cũng là nơi có vai trò quan trọng trên tuyến vận tải Trường Sơn, Quảng Bình đã thường xuyên nhận được sự theo dõi, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và sắc bén của vị tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.
Sau khi Quảng Bình trở lại với đơn vị hành chính cũ (1989), trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đồng chí đã dành nhiều thời gian vào thăm và làm việc với tỉnh. Trong những lần về thăm quê hương và những lần đoàn cán bộ của tỉnh đến thăm, Trung tướng đều có những lời chỉ bảo, ý kiến đóng góp tâm huyết đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, để từng bước xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Khắc ghi những lời căn dặn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Bình đã không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà theo các mục tiêu mà đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đề ra. Đến nay, Quảng Bình đã có những bước phát triển quan trọng, đạt được những thành quả tích cực trên tất cả các mặt: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Kính thưa các đồng chí!
Hội thảo hôm nay là dịp để tiếp tục khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và quê hương Quảng Bình. Đồng thời, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu, ra sức học tập, lao động và cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xin trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo; trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, tướng lĩnh, quý vị đại biểu đã đến với Hội thảo bằng các công trình nghiên cứu, các bài tham luận có ý nghĩa hết sức sâu sắc cả về lý luận, lịch sử và thực tiễn.
Một lần nữa, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, quý vị đại biểu, các nhà khoa học, cùng tất cả các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 24 Tháng 2 2023 12:59 )
 

4 tàu cá của ngư dân Quảng Bình bất ngờ bốc cháy dữ dội

Email In PDF.
Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, tuy nhiên toàn bộ tài sản, ngư lưới cụ, thiết bị điều khiển… đều bị hư hỏng nặng.
Sáng ngày 1/8, Đồn Biên phòng Roòn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết, trên địa bàn xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) vừa xảy ra sự việc 4 tàu cá của ngư dân bị bốc cháy dữ dội.
Cụ thể, khoảng 3h sáng ngày 1/8, tại khu vực neo đậu trên sông Roòn có 4 tàu cá bị cháy gồm: tàu QB-93628-TS của ông Phạm Ngọc Hưng (SN 1979); tàu QB-93426TS của ông Lê Mạnh Cường (SN 1983); tàu QB-93685TS của ông Phạm Ngọc Hùng (SN 1985) và tàu QB-33194 TS của ông Lê Ngọc Dũng (SN 1983) cùng trú tại xã Cảnh Dương.
Thời điểm xảy ra sự việc, lực lượng Đồn Biên phòng Roòn đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để chữa cháy.

Hiện trường vụ cháy
Sau nhiều giờ nỗ lực cố gắng chữa cháy, đám cháy trên tàu cá của ông Lê Mạnh Cường đã được dập tắt kịp thời; 3 tàu cá còn lại bị cháy rụi hoàn toàn, gồm tàu của các ông Phạm Ngọc Hưng, Phạm Ngọc Hùng và Lê Ngọc Dũng.
Rất may vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, tuy nhiên toàn bộ tài sản, ngư lưới cụ, thiết bị điều khiển… trên các tàu cá đều bị hư hỏng hoàn toàn, gây thiệt nặng.
Hiện Đồn Biên phòng Roòn, các cơ quan chức năng liên quan đang tích cực phối hợp với các chủ tàu cá tìm hiểu nguyên nhân, xác định thiệt hại do vụ cháy gây ra.
Quốc Tiệp (theo Vietnamplus.vn, Plo.vn)
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 03 Tháng 8 2022 15:52 )
 
Trang 1 trong tổng số 124 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện