Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 2 2023 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25
27 28          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay4274
mod_vvisit_counterHôm qua10243
mod_vvisit_counterTuần này42785
mod_vvisit_counterTuần trước66587
mod_vvisit_counterTháng này174208
mod_vvisit_counterTháng trước262023
mod_vvisit_counterTất cả469531

Có: 57 khách trực tuyến

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với công tác giao thông, thủy lợi Quảng Bình

Email In PDF.
(QBĐT) - Bác Đồng Sỹ Nguyên là một người vào Đảng, hoạt động cách mạng từ lúc còn rất trẻ, có nhiều tài năng, công lao to lớn với đất nước và rất quan tâm đến quê hương. Tôi có may mắn, vinh dự được tiếp cận gián tiếp, trực tiếp với bác nhiều lần ở nhiều thời kỳ và trên các cương vị khác nhau của bác và của tôi.
Nhớ bác, tôi xin ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về bác trong công tác giao thông, thủy lợi. Vào năm 1969, sau khi Mỹ tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, Trung ương và lãnh đạo tỉnh quyết định tranh thủ thời cơ để làm thủy lợi giao thông, sản xuất lương thực, thực phẩm. Bộ và tỉnh quyết định xây dựng đập Minh Cầm, Đá Mài và công trình thủy lợi Rào Nan.
Ở Rào Nan, sau khi khảo sát địa hình, địa chất, Bộ Thủy lợi đề xuất phương án làm tuyến trên, sau Rục, để dẫn dòng xử lý được nền móng. Nhưng ở đó xa và hiểm trở, xử lý nền đá nứt nẻ, phức tạp, thời gian sẽ kéo dài. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan và lãnh đạo tỉnh triệu tập nhiều cuộc họp có cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo huyện và các ngành, có mời Chỉ huy Ban 67, Đoàn 559, học tập kinh nghiệm mở đường 20-Quyết Thắng (1966-1967). Để làm đập Rào Nan tuyến dưới, với nền móng là bùn đất phải có khối lượng đá hộc rất lớn theo thiết kế mặt cắt đập tràn hỗn hợp.
Đồng chí Hoàng Trá, Binh trạm trưởng Binh trạm 14 nói: “Khi nghe chúng tôi báo cáo, Tư lệnh ủng hộ tuyến này và việc giúp các địa phương sản xuất lương thực là một nhiệm vụ rất quan trọng của Cục tiền phương, Tổng cục Hậu cần và bộ đội Trường Sơn. Cũng có lúc mặc dù rất khó khăn nhưng tỉnh Quảng Bình đã đóng góp nhiều lương thực cho tiền tuyến”.
Năm 1969-1970, nhiều cán bộ được điều ra trực tiếp ở công trường, một nửa thanh niên xung phong của Đoàn 3 Quảng Bình công trường 20-Quyết Thắng, các cán bộ, công nhân đánh mìn, phá đá giỏi được điều động. Tỉnh thành lập thêm Đoàn 104, Đoàn 105 và huy động hàng trăm chiếc thuyền. Suốt ngày đêm công trường tấp nập hàng trăm thuyền chở đá từ thượng nguồn sông Nan, sông Son, từ Lèn Bảng về và theo cọc tiêu định vị thả xuống sông. Hai vai đập được đổ tường chắn bê tông cốt thép; ở giữa sông là một bãi cát hàng vạn khối có mái dốc rất xoải, trên mặt tràn và chân mái là rọ đá. Sau khi chặn được dòng, đã thi công một nửa thân đập phía trên bằng tấm ngăn, tầng lọc và đắp đất trong nước để ngăn mặn, dâng nước giữ ngọt, bơm dẫn về cánh đồng hơn 1.000ha của 9 xã.
Nay công trình đã được nâng cấp, hiện đại hóa tại đập cũ nhờ có thiết bị khoan cọc nhồi. Nhưng đập tràn ngăn mặn cấu tạo độc đáo, hỗn hợp đã tồn tại và phục vụ hơn 50 năm mặc dù bị bom đạn đánh phá nhiều lần. Trong thành công đó có sự quyết đoán của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan; ý tưởng, kinh nghiệm, sự giúp đỡ trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn.
Đầu năm 1973, tỉnh quyết định khởi công công trình đại thủy nông Mỹ Trung. Tôi được giao làm chủ nhiệm công trình. Công trình có khối lượng xây lắp rất lớn, nằm ở giữa cánh đồng rộng. Từ phía Tây không có đường đến, từ Quốc lộ 1 không có đường qua, thời gian thì eo hẹp, tranh chấp với việc địch có thể đánh phá lại. Sau hội nghị của lãnh đạo tỉnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, đầu tháng 3/1973, tôi và anh Lê Quý Hữu, Phó Ty Thủy lợi đến Chỉ huy sở Đoàn 559 gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo và đề nghị giúp đỡ. Tư lệnh đã đồng ý giao cho Cục Công binh của đoàn giúp thiết kế, cung cấp vật tư làm cầu phao 2 làn xe từ Quốc lộ 1 sang và phối hợp làm đường từ Quốc lộ 15 xuống công trường.
Đầu tháng 6/1989, sắp chia tỉnh Bình Trị Thiên, cánh đồng rộng lớn của huyện Lệ Ninh sắp vào vụ gặt, đã có một trận mưa tiểu mãn lớn khắp cả lưu vực sông Nhật Lệ, gặp đợt triều cường gây ngập úng rất nặng kéo dài. Tình hình vụ lúa sẽ mất trắng, đặc biệt là các khu ruộng lúa giống cho vụ sau. Đang lo lắng, thì Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm. Đồng chí Trần Đức Triển, Bí thư Huyện ủy Lệ Ninh đang lên tỉnh để chuẩn bị nhận chức Phó Chủ tịch đã cùng bác Nguyên và chúng tôi đi thuyền ra giữa vùng tả Kiến Giang, nước ngập mênh mông, bốc mùi lúa thối.
Về trụ sở UBND huyện, bác hỏi, chúng tôi báo cáo: Huyện cùng với hợp tác xã huy động nhân lực theo con nước để tiêu, tiết tự chảy, đắp hàn gắn bờ vùng, dùng lực lượng máy bơm hiện có để bơm úng. Khó khăn lớn vượt khả năng của huyện là thiếu máy bơm điện và dầu (lúc này toàn phân phối), thiếu hơn 1.000 tấn giống lúa cho vụ tới, tỉnh thì đang chuẩn bị chia và không có nguồn lực. Nghe xong, bác Nguyên chia sẻ, động viên chúng tôi và nhân dân, cùng thảo luận biện pháp trước mắt và lâu dài. Đồng thời, bác ký quyết định cấp 300 tấn thóc thuế ở 3 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh để đổi thóc giống và 100 máy bơm điện, dầu.
Chúng tôi báo cáo với bác về lâu dài tỉnh và huyện sẽ phát huy công trình Mỹ Trung ngăn mặn, ngăn triều cường, phối hợp lên đê và hệ thống cống nội đồng vùng thượng Mỹ Trung, chuẩn bị đủ lực lượng máy bơm; phục tráng nâng cấp bộ giống thích hợp; cơ cấu rút ngắn mùa vụ để thu hoạch sớm cả vụ đông-xuân và hè-thu. Bác đồng ý và ưu tiên phải làm nhanh kịp thời các việc trước mắt chống đói cho dân và khôi phục sản xuất. Tôi được Thường trực phân công cùng đồng chí Khởi, Trưởng trạm giống cầm 3 quyết định của bác Đồng Sỹ Nguyên đi 3 tỉnh lớn sắp chia để nhận thóc thuế; đến các công ty giống chọn giống cấp 1 thích hợp chuyển đổi, bù tiền đưa về kịp thời, cùng với số giống đã chuẩn bị trên địa bàn để làm vụ hè-thu và vụ đông-xuân sắp tới.
Năm 1997, tôi và đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trương Tấn Viên có một chuyến đi với bác Đồng Sỹ Nguyên và Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn để xem lại tuyến đường 12, đường 20, liên quan việc đề xuất tuyến đường Việt Lào xuyên Á và các cửa khẩu. Trong chuyến đi và khi về họp thảo luận, bác Nguyên và Bộ trưởng đã có những quyết định rất quan trọng, đó là: Tuy cảng thương mại cho bạn Lào thì đã được Trung ương quyết định là Vũng Áng, nhưng đường vận chuyển từ Vũng Áng và Hòn La thì phải qua Cha Lo vì đó là tuyến tốt nhất, một số đoạn trong chiến tranh chúng ta đã làm, đã sử dụng. Đường 12 đang gọi là tỉnh lộ 1 cần được đưa vào danh mục quốc lộ và đặt tên là Quốc lộ 12. Cửa khẩu Cha Lo nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Đường 20 cần được sửa chữa và nâng cấp; cho lập một cửa khẩu Cà Roòng-Noọng Ma, bởi vì vùng này phải có 2 tuyến đường sang Lào chính thức song song. Cần làm ngay đường nối Tân Ấp-Đồng Lê để tránh đi vòng.
Được biết Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn là một Chỉ huy của Ban 67 trong chiến tranh và cũng lăn lộn chiến đấu với bác Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh tiền phương của Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh Đoàn 559 nên thấy Bộ trưởng rất thông thuộc địa bàn Quảng Bình, rất yêu quý con người Quảng Bình. Bộ trưởng cũng chính là người kế tục công tác của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, nên rất thân thiết. Sau cuộc làm việc này, các bộ, ngành liên quan triển khai các quyết định.
Chúng tôi lập một Ban Chỉ đạo Cửa khẩu Cha Lo. Hải quan Quảng Bình làm chủ đầu tư, giao Sở Xây dựng đề xuất vị trí mặt bằng, đo vẽ lập quy hoạch, cử một đoàn gồm giám đốc các sở liên quan đi tham quan để thiết kế xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu. Cũng may là chúng ta có một khoảng thung lũng rộng lớn nằm giữa đồn biên phòng và cột mốc biên giới để thiết kế và xây dựng đồng bộ. Chúng ta cũng đã nâng cấp đường 20, xây dựng cửa khẩu Cà Roòng để giao thương.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn khảo sát xác định
tuyến đường Hồ Chí Minh hiện đại, ngày 7/5/1998. Ảnh: Tư liệu.
Trong cuộc làm việc này, chúng tôi cùng bác Đồng Sỹ Nguyên và Bộ trưởng trao đổi, nhận thấy: Quảng Bình là một tỉnh mà giao thông đủ dạng hình công trình và đã làm tốt. Các vị bộ trưởng từ Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đến nay đều sống và chiến đấu ở Quảng Bình, nay có đồng chí Giám đốc Sở GTVT được đào tạo chính quy đã làm việc ở Bình Trị Thiên. Vậy đề nghị các bác nên đưa lên Trung ương sử dụng để phát huy lợi thế và truyền thống. Sau đó Thường vụ Tỉnh ủy và bộ cân nhắc. Thật vui, trong 20 năm tiếp theo, đồng chí Giám đốc Sở GTVT của ta đã phát huy, đóng góp tốt ở cương vị Vụ trưởng rồi Thứ trưởng của bộ.
Năm 1997-1998, chúng ta xây dựng cầu Gianh. Bác Đồng Sỹ Nguyên, đặc phái viên Chính phủ thường xuyên đến kiểm tra thăm hỏi, nhắc nhở Tổng Công ty cầu Thăng Long và lãnh đạo tỉnh làm tốt các công việc giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công chất lượng; xác định đây là cây cầu lịch sử của đất nước. Ngày khánh thành thông xe, nhân dân tấp nập kéo về cầu. Bác Nguyên và Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn đến dự, tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu, cùng cắt băng khánh thành. Sau buổi lễ chúng tôi trao đổi, bác và Bộ trưởng đồng ý theo đề nghị của địa phương là chuyển các chiếc phà Gianh để tỉnh đầu tư làm bến phà Phù Trịch. Phà hoạt động được 10 năm đến khi có cầu Quảng Hải.
Trong một chuyến công tác ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều bác trong hội đồng hương đề nghị Quảng Bình cần xây dựng sân bay Đồng Hới. Nhà nước đang khó khăn thì ta làm theo cách đổi đất ở Đồng Hới lấy hạ tầng sân bay. Nóng ruột về việc này, tôi đã cùng anh Lê Trọng Sành, nguyên là sĩ quan không quân và anh Hoàng Quang Thuận đến gặp xin ý kiến bác Đồng Sỹ Nguyên ở T28.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo, bác vui vẻ nói: Sân bay Đồng Hới cần được phục hồi, xây dựng hiện đại là quá cần thiết, nhưng làm theo cách đó là không hay mà phải khẩn trương đi con đường chính thức, khảo sát lập hồ sơ để được bộ và Chính phủ duyệt đưa vào quy hoạch mạng lưới sân bay quốc gia, bố trí kế hoạch xây dựng giai đoạn năm 2000-2005 và tốt nhất là Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Bắc làm chủ đầu tư.
Sau khi tiếp thu ý kiến của bác, chúng tôi đã mời tư vấn, Cục Hàng không dân dụng làm việc. Các hội nghị đều có đại diện bộ, cục. Anh Nguyễn Sỹ Hưng, con trai bác Nguyên là cựu sĩ quan không quân, đương chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty hàng không Việt Nam tham gia rất nhiệt tình và được bác thường xuyên giúp ý kiến.
Tháng 10/1999, sau khi xem ti vi, thấy tôi trả lời phỏng vấn và có hình ảnh lũ lụt ngập sâu, cả vùng Lệ Thủy-Quảng Ninh, cả Quốc lộ 1. Bác Đồng Sỹ Nguyên điện vào ngay, dặn tỉnh tăng cường cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm đời sống nhân dân. Ở tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 15, những đoạn ngập cần tổ chức an toàn. Lâu dài, phải cùng bộ làm các đường tránh chống ngập lụt bảo đảm giao thông thông suốt. Chúng tôi vô cùng cảm động trước sự quan tâm của bác và vâng lời.
Tôi cũng đã nhiều lần cùng bác về thăm các cơ sở cách mạng, di tích lịch sử, nơi bác đã hoạt động ở trong tỉnh và Lào, như: Chiến khu Trung Thuần, chiến khu Võ Xá, Chỉ huy sở Hóa Tiến, Hiền Ninh, chiến khu Bến Triêm; đi dọc tuyến cũ Trường Sơn để định vị các mốc di tích lịch sử và xác định tuyến mới cho đường Hồ Chí Minh hiện đại, đến Khăm Muộn...
Được đọc lịch sử của tỉnh, được nghe bác và nhiều người kể chuyện, tôi thấy bác Đồng Sỹ Nguyên thực sự là một chiến sĩ cách mạnh trung kiên với Đảng, với dân, là một vị tướng tài, một nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế kiệt xuất của đất nước. Bác hiểu quê hương qua quá trình hoạt động cách mạng từ rất sớm và giúp đỡ, quan tâm sâu sắc đến sự phát triển quê hương cho đến cuối đời. Bác để lại nhiều bài học vô cùng sâu sắc.
Phạm Phước. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 26 Tháng 2 2023 03:17 )  
Bạn đang ở: Trang chủ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với công tác giao thông, thủy lợi Quảng Bình