Lăng mộ của vị danh tướng này đã được lập hơn 200 năm trước, nằm ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
TP. HCM trải qua hơn 300 năm lịch sử, một khoảng thời gian không quá dài so với nghìn năm văn hiến của dân tộc. Nhưng hiện tại, đây là thành phố năng động và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ một mảnh đất hoang sơ, TP. HCM ngày nay đã trở thành nơi sinh sống của hơn 9,3 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước và là địa phương đông dân nhất Việt Nam.Người đặt nền móng cho sự định cư lâu dài của người Việt tại vùng đất này và hình thành nên một trong những khu vực trù phú bậc nhất, từng được ví như "Hòn ngọc Viễn Đông" - là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Tượng Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Sưu tầmNguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, tộc danh là Lễ, sinh năm 1650 tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật.
Ông nổi tiếng với tài năng văn võ song toàn, theo cha chinh chiến khắp nơi và lập nhiều chiến công. Lịch sử ghi nhận ông từng nhiều lần đưa quân dẹp loạn Chiêm Thành, bảo vệ biên cương phía Nam.
Tháng 2/1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông. Vị tướng này đã lập ra phủ Gia Định với hai huyện Phước Long (xứ Đồng Nai, có dinh Trấn Biên) và Tân Bình (xứ Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ, có dinh Phiên Trấn). Đây cũng là cột mốc quan trọng, được xem là năm khai sinh của Sài Gòn - TP. HCM ngày nay.
Sau khi đã ổn định vùng Sài Gòn - Gia Định, năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh được cử xuống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để dẹp yên tình trạng cướp phá thường xuyên xảy ra đối với cư dân Việt tại đây.
Tháng 4/1700, Nguyễn Hữu Cảnh mắc bệnh khi đến cù lao Sao Mộc (nay là Chợ Mới, An Giang), khiến hai chân tê bại và không ăn uống được. Khi đoàn quân về đến Mỹ Tho thì ông qua đời.
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Sưu tầmSau khi ông qua đời, nhà Nguyễn đã truy phong công trạng của ông với sự đánh giá rất cao, xem ông là "Thượng đẳng thần" và "Khai quốc công thần". Nhân dân vùng đất mới khai phá, từ người Việt đến người Hoa, Chăm… đều nhớ ơn ông, lập đền thờ và bài vị ở nhiều nơi.
Di tích Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình. Ảnh: Phong Nha ExplorerTại quê hương Quảng Bình của ông, một lăng mộ đã được dựng lên tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy. Mộ phần của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc dãy núi An Mã, hướng ra thượng nguồn dòng sông Kiến Giang.
Mộ phần được bao bọc bởi tường thành hình tròn, phía sau có bình phong. Lối vào lăng mộ có cặp kỳ lân bằng đá thanh được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Phong Nha Explorer
Bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh được tạc bằng đá xanh. Ảnh: Phong Nha ExplorerChính giữa là bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh, được tạc bằng đá xanh (cẩm thạch) với kiểu dáng thường gặp ở cuối triều Nguyễn. Bia cao cả chân 1,2m. Mặt trước của bia hướng về ngôi mộ có khắc 3 dòng chữ Hán được dịch là:
Dòng phải: Người mở mang đầu tiên miền Nam bậc khai quốc thần thượng cấp của triều Nguyễn.
Dòng giữa: Mộ của Vĩnh an hầu Nguyễn Hữu Kính.
Dòng trái: Người cháu 4 đời của quý hương là quan cai quản đạo quân hưng nghĩa Ngũ Đức Hầu Nguyễn Hữu Mạn lập bia mộ vào thời Gia Long sơ niên.
Mặt sau bia dịch là: Ngày 16/7/1925 Nguyễn Hữu Bài viện trưởng Viện cơ mật, Đại thần thái tử thái phó, Phúc môn bá Đại học sĩ điện Võ Hiện đã mang con là Thị Dương tôn kính phụng lập bia mộ này.
Nhờ tấm bia mộ này, con cháu và các học giả mới có thể nhận ra ngôi mộ của ông sau thời gian dài bị thất lạc.
Phía trước ngôi mộ, hai bên trái phải là hai hồ trồng sen. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hồ không còn trữ nước, ngay cả vào mùa mưa nên không có cây cảnh gì bên trong. Phía trong hồ bên phải là một cái giếng cũ, được xây thành cao hơn mực nước. Khi được tìm thấy năm 1995, khu vực này vẫn là đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt.
Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia và trở thành điểm đến ý nghĩa không nên bỏ qua mỗi khi du lịch Quảng Bình.
Ngoài ra, cách khu lăng mộ khoảng 25km về phía Bắc là đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được đặt ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Đền thờ hiện do hậu duệ của ông coi sóc, thờ phụng.
Tượng và đền thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai. Ảnh: Phong Nha ExplorerBên trong đền thờ có tượng của ông, 2 bên 2 câu đối: "Di dân lập nghiệp ngũ Quảng miền Trung muôn thuở vẫn không quên/Mở rộng biên thùy lục tỉnh phương Nam ngàn đời còn ghi nhớ".
Dù hàng trăm năm đã đi qua xong tên tuổi và sự nghiệp của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn mãi khắc ghi trong lòng người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng.“Công Lễ Thành Hầu đi mở đất
Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”.