Các gia vị như đường, muối, bột ngọt, tỏi, ớt,... là những thứ không thể thiếu trong căn bếp của mọi gia đình. Cùng Điện máy XANH tìm hiểu về các cách bảo quản các loại gia vị này dùng được lâu trong chuyên mục Mẹo vào bếp nhé!
1- Cách bảo quản gừng tươi
Cách bảo quản gừng trong ngăn mát tủ lạnh
Đối với gừng tươi để bảo quản được lâu hơn, trước khi cho vào tủ lạnh bạn hãy dùng giấy bạc hoặc 1 chiếc khăn, nếu không có giấy bạc có thể thay bằng giấy báo vẫn được.
Sau đó bọc kín gừng lại, cuối cùng là cho vào túi zip rồi giữ trong ngăn mát tủ lạnh, điều này sẽ giúp cho gừng giữ được mùi vị và chất lượng khoảng 1 tháng.
Cách bảo quản gừng trong ngăn mát tủ lạnh
Việc bảo quản gừng trong ngăn đá tủ lạnh không làm mất đi các đặc tính vốn có của nó, ngược lại còn giúp kéo dài thời hạn sử dụng hơn.
Đông lạnh toàn bộ gốc
Bạn có thể chọn cách cấp đông toàn bộ gốc củ gừng để tránh bị mốc hoặc hư hại. Gừng khi mua bạn nên chú ý lựa chọn những củ còn tươi, không bị dập hay có những vệt bất thường.
Sơ chế gừng bằng cách rửa sạch bụi bẩn bám bên ngoài lớp vỏ, sau đó bảo quản trong thùng kín hoặc túi zip rồi bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh, trước khi sử dụng chỉ cần lấy ra để cho bớt lạnh là có thể sử dụng bình thường.
Đông lạnh gừng cắt nhỏ
Gừng cắt nhỏ rồi mang đi cấp đông là một phương pháp bảo quản gừng rất hiệu quả, vừa giúp kéo dài thời hạn sử dụng của gừng vừa giúp tiết kiệm không gian tủ lạnh hơn là cấp đông cả củ gừng to.
Trước khi cất vào ngăn đông tủ lạnh bạn nên sơ chế bằng cách gọt vỏ sạch sẽ, sau đó cắt thành từng đoạn dài chừng 3 - 4cm hoặc cắt thành lát mỏng, giữ gừng trong hộp đựng thực phẩm kín hoặc túi buộc miệng chặt, bằng cách này có thể bảo quản được gừng khoảng 2 tháng.
Đông lạnh gừng bào
Một điều ít ai ngờ được đó là các dạng thực phẩm được nghiền nhuyễn hay bào nhỏ lại có thể kéo dài được thời gian lưu trữ hơn.
Trước khi bảo quản trong tủ lạnh bạn nên gọt sạch phần vỏ bên ngoài, sau đó mang xay nhuyễn bằng máy xay thực phẩm đa năng hoặc máy xay sinh tố, bàn bào,… sau đó bọc kín bằng giấy bạc hoặc túi nhựa kín để đảm bảo không khí không tràn vào bên trong.
Rã đông gừng khi dùng
Trước khi sử dụng, bạn có thể lấy gừng ra khỏi tủ lạnh trước từ 1 - 2 tiếng trước khi chế biến, sau đó tiến hành chế biến bình thường.
Nếu muốn rút ngắn thời hạn rã đông, bạn có thể bỏ gừng vào một hộp kín, sau đó mang ngâm trong nước ấm từ 20 - 30 phút là được.
2- Cách bảo quản ớt tươi
Cách bảo quản ớt tươi bằng muối
Ngâm muối ớt để kéo dài thời hạn sử dụng là một cách khá thú vị và rất hay ho, lại vừa giúp ớt có được hương vị đặc trưng riêng.
Ớt sau khi mua về bạn có thể rửa sạch, để ráo sau đó dùng kim nhọn đâm thủng nhiều lỗ trên thân trái ớt rồi đem ngâm vào nước sôi để nguội, cuối cùng phủ muối lên ngập bề mặt. Ngoài nước muối thông thường bạn có thể ngâm bằng rượu trắng, đường và giấm táo.
Đậy kín nắp hũ và bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát khô ráo ít nhất 2 tuần để vị muối ngấm hoàn toàn vào ớt, ăn sẽ ngon hơn.
Cách bảo quản ớt tươi trong tủ lạnh
Để giữ ớt tươi lâu hơn trong tủ lạnh, bạn tiến hành cắt bỏ cuống ớt sau đó mang ớt đi rửa sạch rồi cho vào rổ để ráo nước hoàn toàn. Cuối cùng bạn bỏ ớt vào hộp đậy kín hoặc cho vào túi zip kéo kín lại, cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, cách này có thể bảo quản ớt được 1 - 2 tuần. Nhớ đừng nhét quá nhiều ớt vào túi zip hay hộp để tránh làm ớt bị dập dễ bị hư hơn nhé!
Ngoài ra, bạn cũng có thể ngâm ớt với giấm cùng vài tép tỏi đập dập, cho vào hộp đậy kín nắp rồi giữ trong ngăn mát tủ lạnh, cách này sẽ giúp ớt giữ được lâu nhưng mùi vị sẽ khác do có giấm và tỏi ngấm vào.
Cách tốt nhất là các bạn có thể sấy khô hoặc phơi khô ớt, rồi cho vào túi zip hoặc hộp có nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Với cách làm này, bạn có thể bảo quản ớt được 1 - 2 tháng.
3- Cách bảo quản hành tỏi
Đối với hành tỏi bạn không nhất thiết phải bảo quản trong tủ lạnh, bởi vì chỉ cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát tránh nhiệt độ ẩm thấp (dưới 10 độ C) và ánh nắng trực tiếp, thường xuyên kiểm tra và loại bỏ những củ hành, tỏi có dấu hiệu nổi nấm mốc, hư thối để không làm lây lan cho những củ khác là có thể bảo quản được 1 - 2 tháng rồi.
Còn nếu bảo quản trong tủ lạnh, hành tỏi rất dễ mọc mầm vì điều kiện nhiệt độ lý tưởng, việc mọc mầm ở hành tỏi không gây độc tố như ở khoai tây mọc mầm nhưng nó sẽ làm mất chất dinh dưỡng vốn có. Chính vì thế bạn chỉ nên bảo quản hành tỏi trong tủ lạnh nếu bạn đã lột vỏ, đã cắt ra nhưng không dùng hết.
Đối với hành tỏi đã bóc vỏ, trước khi cất vào tủ lạnh bạn hãy cho vào túi zip hoặc 1 chiếc hộp rồi đậy kín, với cách này sẽ giữ được độ tươi khoảng 2 - 3 ngày.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại túi lưới đựng tỏi, rổ có lỗ để đảm bảo độ thông hơi, tránh dùng các loại túi hay hộp nhựa kín vì dễ gây ra ẩm mốc, mọc mầm.
Bên cạnh đó, túi giấy kraft nâu cũng sẽ là lựa chọn phù hợp vì có thể giúp giữ tỏi tốt hơn, đảm bảo chất lượng khi sử dụng, vừa rất thân thiện với môi trường.
4- Cách bảo quản chanh
Cách bảo quản chanh trong tủ lạnh
Chanh tươi để giữ được lâu trước tiên bạn hãy rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn bên ngoài, sau đó để khô nước hoặc dùng khăn giấy lâu sạch nước đi, dùng giấy báo hoặc màng bọc thực phẩm gói từng quả chanh lại, cho vào túi zip và để vào ngăn mát tủ lạnh.
Với cách này chanh sẽ giữ tươi được lâu hơn bình thường đấy!
Cách bảo quản chanh đã cắt
Nếu dùng chanh không hết, bạn có thể bảo quản phần còn lại bằng cách nhỏ vài giọt giấm vào chén, rồi úp mặt phần chanh thừa vào đó để giữ chanh không bị khô và mất nước.
Nếu chỉ sử dụng vài giọt nước cốt chanh, bạn có thể châm vài lỗ ngoài vỏ và vắt nhẹ, sau đó bọc lại bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Phương pháp này sẽ giúp chanh không bị khô, héo và hạn chế vị đắng.
5- Cách bảo quản hành lá
Cách bảo quản hành lá trong ngăn mát tủ lạnh
Đối với hành lá bạn có thể rửa sạch hành lá sau đó để cho ráo nước, cắt nhỏ hành lá ra và cho vào 1 cái hộp đậy kín, cho vào ngăn mát tủ lạnh, ngoài ra bạn có thể cho vào dĩa hay chén rồi dùng màng bọc thực phẩm quấn kín mặt lại. Với cách này hành sẽ hơi héo 1 tí nhưng vẫn thơm ngon.
Cách tiếp theo là quấn hành bằng khăn giấy, tiến hành rửa sạch hành và để khô, cắt cho hành gọn gàng lại 1 chút (cắt thành 2 - 3 phần) không cần cắt nhỏ, dùng khăn giấy quấn lại, cho vào túi zip và giữ trong ngăn mát tủ lạnh.
Với những cách bảo quản này, hành lá có thể giữ được dinh dưỡng và sự tươi mới tới 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, trước khi bảo quản bạn phải nhớ làm khô hành, hành lá chỉ cần ướt sẽ rất dễ bị dập úng và mau hư.
Cách bảo quản hành lá trong ngăn đông
Hành lá bạn sơ chế bằng cách rửa sạch, cắt khúc hoặc cắt nhỏ rồi cho vào khay đá, rót dầu ăn vào và cấp đông. Sau khi “đá hành” đã đông lại bạn có thể tách đá ra khỏi khay sau đó cho vào hộp hoặc túi kín rồi bảo quản dùng dần trong vòng 2 tháng rất tiện lợi.
Cách bảo quản hành lá sấy khô
Nếu muốn giữ cho hành được sử dụng lâu hơn nữa bạn có thể xem qua cách bảo quản hành lá khô cũng cực kì đơn giản.
Hành lá sau khi mua về bạn sơ chế qua bằng cách cắt bỏ rễ và cuống, sau đó rửa sạch rồi để ráo. Tiến hành cắt khúc hành lá và mang đi phơi hoặc sấy khô, bảo quản trong hộp kín hoặc túi kín dùng dần.
Tuy nhiên cách làm này sẽ khiến hành lá không còn hương vị tươi ngon như hành tươi nên hãy cân nhắc lựa chọn nhé!
6- Cách bảo quản 5 gia vị thông dụng
Đối với những gia vị như: đường, muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt bạn chỉ cần để trong hũ, có nắp đậy kín và đặt nơi thoáng mát, tránh nước, nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp, tránh để lẫn lộn hay nhầm lẫn các nắp đậy với nhau, nên ghi tên trên hũ, để tránh tình trạng nêm sai gia vị trong lúc sơ ý khi vào bếp.
Không nên bỏ những loại gia vị này trong tủ lạnh, vì nhiệt độ của tủ lạnh sẽ làm gia vị bị ẩm đi đồng thời việc lấy gia vị sử dụng làm thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm gia vị bị ẩm, chảy nước không bảo quản được lâu.
Riêng đối với đường, có thể bảo quản trong tủ lạnh để tránh kiến và tránh bị chảy.