Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay3644
mod_vvisit_counterHôm qua3489
mod_vvisit_counterTuần này21159
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này145690
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3091916

Có: 44 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

Thêm hang động mới còn nguyên sơ giữa đại ngàn Trường Sơn Quảng Bình

Email In PDF.

Hang Sơn Nữ vừa được phát hiện tại bản
Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
(PLVN) - Một hệ thống hang động mới vừa được người dân khám phá, rất thích hợp với những người thích du lịch mạo hiểm.
Theo báo cáo của UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết, người dân đã khám phá một hệ thống hang động tuyệt đẹp giữa những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Hang động này có những khối thạch nhũ vô cùng tráng lệ và nguyên sơ, thuộc bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Phát hiện hang động mới tại xã Trường Sơn.
Hệ thống hang động có độ dài khoảng 1,8km, rộng từ 20-50m, nơi cao nhất cửa hang khoảng 35m, hang có hai cửa trước và sau. Trong hang mùa hè nước không lớn, người dân bản địa có thể chèo thuyền cao su từ đầu hang đến cuối hang hơn 1 giờ đồng hồ.

Trong hang có nhiều khối thạch nhũ rất đẹp.
Hang có dòng suối ngầm chảy qua, bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào đi qua bản Dốc Mây rồi chảy qua Hang Sơn Nữ đến bản Đìu Đo cũ rồi hoà vào với Suối Khe Cạc (tên người dân bản địa hay gọi là Động Rào Mây).

Hang Sơn Nữ rất thích hợp với những người khám phá du lịch mạo hiểm.
Đường đến Hang Sơn Nữ khoảng 7km, trong đó khoảng 2km là đường đi bộ dọc hai bên suối với những phiến đá tai mèo rất khó đi lại. Theo người dân địa phương, những khối thạch nhũ trắng trong hang chảy xuống, tràn ra như tấm lụa trắng khổng lồ mềm mại, lấp lánh nên tạm đặt tên là Hang Sơn Nữ.

Phát hiện hang động mới tại xã Trường Sơn.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết; Sau khi được người dân khám phá, chính quyền xã đã có chuyến khảo sát thực tế về tổng quan hang động để xây dựng phương án phát triển du lịch mạo hiểm trong thời gian tới.

Cuối hang là một cửa sau, chảy ra Động Rào Mây với khu rừng nguyên sinh hùng vĩ.
“Hiện xã đã làm báo cáo gửi cấp trên và đề xuất kêu gọi đầu tư du lịch, với mong muốn tìm được doanh nghiệp lớn có tầm, để đầu tư mới có hiệu quả. Phương án du lịch tại khu vực hang này rất khả thi, nhưng chủ yếu phục vụ khách vào mùa hè chứ mùa mưa đi vào đó rất nguy hiểm”, ông Đức nói.

Đường đi bộ vào Hang Sơn Nữ dọc
hai bên suối với những phiến đá tai mèo còn nguyên sơ.
Được biết, xã Trường Sơn hiện có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, thích hợp để phát triển du lịch như: Thác Tam Lu, Suối Chà Cùng, Suối Chà Rào, đặc biệt là hệ thống những hang động kỳ bí ẩn sâu trong lòng đất như: Hang Chà Cùng, Hang Chà Rào và hệ thống hang động mới phát hiện là Hang Sơn Nữ.
Minh Phương
 

Đất thiêng Vũng Chùa - Nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Email In PDF.
(Dân trí) - Không chỉ sơn thủy hữu tình và nhiều điển tích lịch sử, từ khi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ, Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành điểm du lịch tâm linh, thu hút hàng triệu người.

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang khoảng 10km về phía đông nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Nơi đây có ngọn núi Thọ, mũi Rồng, thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển, là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng là người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người "anh cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam và là người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, Vũng Chùa - Đảo Yến là một trong những thắng cảnh đẹp thuộc vịnh Hòn La. Gọi là Vũng Chùa bởi vùng biển nơi đây yên bình như vũng nước và từ hàng trăm năm trước, ở đây từng có một ngôi chùa rất linh thiêng, nhưng qua biến thiên của lịch sử, nay chỉ còn lại một phần dấu tích.

Theo sách "Đại Nam dư địa chí ước biên" của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn, Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng kín gió.
Nơi đây được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn "thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển" với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ.

Có địa thế cong hình cánh quạt, Vũng Chùa được bao bọc bởi các đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (còn có tên là đảo Yến vì trên đảo có nhiều chim yến về làm tổ).
Đảo Yến rộng khoảng 10ha, cách bờ 1km, vẻ đẹp hoang sơ như bức bình phong nổi lên giữa biển, giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn nên tàu, thuyền thường vào đây neo đậu tránh trú.


Theo nhiều cao niên ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, người dân địa phương xem Vũng Chùa là vùng đất linh thiêng, bởi tương truyền năm xưa, vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn cầu thần linh phù hộ. Khi chiến thắng, nhà vua về đây lập đàn tế tạ ơn đất trời.
Không chỉ có vị trí đắc địa, khung cảnh non nước hữu tình và nhiều điển tích lịch sử, từ khi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ, Vũng Chùa - Đảo Yến cũng đã trở thành một điểm du lịch tâm linh được rất nhiều người dân trong nước và quốc tế ghé thăm.

"Tôi cũng đã nhiều lần đến Quảng Bình, mỗi khi đến đây, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là vào dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi yên nghỉ của Đại tướng vừa linh thiêng vừa hữu tình với cảnh sắc hoang sơ của núi rừng, biển đảo. Nhìn từ xa, Đảo Yến toát lên dáng vẻ một thế núi uy nghi, nằm trấn giữ đất liền và biển", anh Hoàng Duy Hưng, một du khách đến từ Phú Thọ, chia sẻ.
Một thập kỷ trôi qua, kể từ ngày Vũng Chùa - Đảo Yến đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ, vùng đất linh thiêng này chưa lúc nào ngớt dòng người hành hương về thăm.
Cũng từ đó, xã Quảng Đông từ một vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang đã có những bước đổi thay tích cực, được nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến. Các tuyến đường ven biển, đường vào Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều được nâng cấp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân và du khách.
"Từ ngày Đại tướng về đây, vùng đất này như được tiếp thêm sinh khí, du khách đến ngày một đông, cả vùng quê nghèo nhờ vậy mà nhộn nhịp hẳn lên", anh Nguyễn Tiến Yên, trú thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, cho biết cùng với sự hình thành Khu kinh tế Hòn La, việc chọn Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở ra nhiều cơ hội, động lực giúp cho vùng đất Quảng Đông đổi thay, đời sống người dân được nâng lên.

Theo ông Hiền, nền kinh tế của xã Quảng Đông vốn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản trên biển, nhưng những năm gần đây đã chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển du lịch, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân. Hiện trên địa bàn xã có gần 100 nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch.
Tiến Thành
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 13 Tháng 10 2023 02:49 )
 

Đón Đại tướng về làng biển Lý Hòa

Email In PDF.
(QBĐT) - Dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc đất nước, như bức tường thành phên dậu của Tổ quốc ở phía Tây, khi về đến vùng tiếp giáp giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thì đột ngột trổ ngang một nhánh chạy ra biển Đông, tạo nên dãy Hoành Sơn kỳ vĩ và thơ mộng mà điểm cuối cùng là những địa danh nức tiếng: Đèo Ngang, Vũng Chùa, đảo Yến…

Tiếp tục mạch kiến tạo hướng về Nam, đến vùng Phong Nha-Kẻ Bàng của miền Tây đất Bố Chính cổ, như một sự luyến tiếc trước cảnh non nước hữu tình, dãy Trường Sơn lại một lần nữa trổ một nhánh ngang ra biển. Đó là dãy núi Lệ Đệ mà điểm cuối cùng khi gặp biển Đông cũng có nhiều danh thắng nổi tiếng, như: Đèo Lý Hòa, động Chùa Hang, bãi Đá Nhảy…
Dưới chân đèo Lý Hòa là làng biển Lý Hòa, một ngôi làng thượng sơn hạ thủy có lịch sử hình thành và phát triển hơn ba trăm năm, gắn liền với nghề đánh cá biển và giao thương buôn bán. Lý Hòa còn là làng văn hiến có nhiều người đỗ đạt. Tiêu biểu như gia tộc tiến sĩ Nguyễn Duy Cần từ năm Tân Sửu (1841) đến năm Canh Tuất (1910) có tới 7 đại khoa thuộc 3 thế hệ được tấn phong nhiều chức trọng trong triều đình. Ngày nay, Lý Hòa cũng là quê hương của nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao và doanh nhân, trí thức… đã và đang công tác trên nhiều lĩnh vực, từ các địa phương đến Trung ương…
Lại nói về vùng duyên hải nằm giữa hai dãy Hoành Sơn và Lệ Đệ, là mảnh đất đã làm tốn không biết bao nhiêu bút mực của các bậc tao nhân mặc khách và các nhà nghiên cứu cổ kim. Đặc biệt ngày nay, Hoành Sơn-đèo Ngang tự hào có Vũng Chùa là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và giữa những ngày toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nức lòng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2016), lễ khánh thành tượng Đại tướng đã được tổ chức trọng thể tại làng Lý Hòa, xã Hải Trạch (nay là xã Hải Phú), Bố Trạch.
Thật là một sự “xếp đặt” trên cả tuyệt vời: Ở nơi tiên phong của hai cánh tay Trường Sơn vươn ra biển Đông là dãy Hoành Sơn và núi Lệ Đệ, hiện hữu hai quần thể văn hóa tâm linh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị danh tướng huyền thoại, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Chuyện dựng tượng Đại tướng ở làng biển Lý Hòa có cơ duyên từ mấy chục năm trước. Sinh thời, Đại tướng đã 2 lần về Lý Hòa vào những năm 60 của thế kỷ trước và có nhiều ấn tượng về ngôi làng đặc biệt này. Điều đó đã được chính Đại tướng kể lại vào ngày 22/12/1994 tại cuộc triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội.

Tác giả (ngoài cùng bìa trái) cùng các tướng lĩnh
quân đội và gia đình chị Võ Hạnh Phúc, con gái của
Đại tướngVõ Nguyên Giáp, bên tượng Đại tướng trong lễ khánh thành.
Hôm đó, Đại tướng đến tham quan tất cả các phòng trưng bày, chăm chú xem từng bức ảnh và cả những dòng chú thích. Rồi Đại tướng vui vẻ bắt tay chúc mừng các tác giả và Ban Tổ chức triển lãm. Đến lượt Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Đại tướng ân cần hỏi: “Đồng chí Tổng Biên tập quê ở đâu?”. Thiếu tướng Phan Khắc Hải đứng nghiêm trả lời: “Thưa Đại tướng! Tôi quê ở xã Lý Hòa, xã Hải Trạch…”.
Mới nghe đến đây, Đại tướng vui vẻ ồ lên: “Lý Hòa có bãi tắm Đá Nhảy rất đẹp. Mùa hè nước trong xanh, mát lạnh, cát trắng mịn… nay là một thắng cảnh quốc gia”. Ngừng lại giây lát như suy nghĩ điều gì đó, rồi Đại tướng nói tiếp: “Thời niên thiếu, Bác Hồ của chúng ta theo gia đình vào Huế, đã qua đèo Lý Hòa. Ấn tượng về con đèo khúc khuỷu quanh co, núi lấn ra biển, sóng biển vỗ vào vách đá, bọt nước trắng xóa… đã ghi vào trí nhớ của Bác. Mãi đến tháng 6/1957, Bác về thăm Quảng Bình, Người đã nhắc lại với các đồng chí lãnh đạo địa phương vế đối của một vị tiền nhân mà đến lúc đó vẫn chưa ai đối chuẩn: Bò đi đá nhảy!".
Khỏi phải nói niềm xúc động và phấn khởi của đồng chí Tổng Biên tập lúc ấy, bởi Đại tướng hiểu biết rất rõ về ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hơn chục năm sau đó, nhân dịp công trình đài tưởng niệm và nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch được xây dựng, Thiếu tướng Phan Khắc Hải nghĩ đến việc xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp một bức chân dung có bút tích của Đại tướng để trưng bày ở nhà truyền thống. Đây là việc hình như chưa có tiền lệ, nhưng không hiểu sao ông cứ đinh ninh sẽ được Đại tướng chấp thuận.
Ngày 22/8/2008, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cùng đoàn đồng hương Quảng Bình ở Thủ đô Hà Nội đến tư gia của Đại tướng chúc mừng sinh nhật lần thứ 97 của Đại tướng (25/8/1911-15/8/2008). Nhân dịp này, ông trình bày nguyện vọng trên đây. Đại tướng không trả lời ngay, mà ân cần nói như tâm sự: “Làng Lý Hòa là một vùng biển có truyền thống hiếu học. Nhân dân cần cù, năng động và có truyền thống cách mạng. Trong số đó, có đồng chí Đặng Gia Tất, trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng ở cơ sở rồi lên huyện, đến tỉnh, sau được điều ra công tác tại Trung ương. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng chí Tất được Trung ương điều về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Trong chống Mỹ, cầu Lý Hòa và đèo Lý Hòa là trọng điểm đánh phá khốc liệt của không quân và hải quân Mỹ nhằm cắt đứt đường giao thông của ta. Cùng với quân và dân Quảng Bình, quân và dân Lý Hòa cùng các xã lân cận đã thực hiện xuất sắc khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, không tiếc máu xương!”…".
Nghe Đại tướng nói như trên, Thiếu tướng Phan Khắc Hải hết sức cảm động và tràn trề hy vọng. Và chỉ mấy ngày sau, ông nhận được quà của Đại tướng. Đó là bức chân dung do chính Đại tướng tự chọn, dưới góc trái bức ảnh, Đại tướng ghi: Tặng xã Hải Trạch anh hùng. 8/2008-Võ Nguyên Giáp.
Từ kết quả đầy ý nghĩa trên đây, một người con khác của làng Lý Hòa là doanh nhân Phan Hải đang sinh sống và làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, có nguyện vọng muốn được tặng quê hương một bức tượng đồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất và 105 năm Ngày sinh của Đại tướng. Là một cựu thủy thủ viễn dương đã đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới, ông Phan Hải rất đỗi tự hào mình là người Việt Nam, đất nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bạn bè khắp năm châu hết sức ngưỡng mộ…
Sau khi đề án xây dựng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng Lý Hòa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chấp thuận, ông Phan Hải đã nhiều lần ra Thủ đô Hà Nội cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hải tiến hành các bước chọn mẫu, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, rước thầy thuê thợ và giám sát thi công. Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thức thiết kế và nghệ nhân Trần Thanh Tùng đang công tác Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện, với sự tham gia góp ý chỉnh sửa trong từng khâu của nhiều nhà chuyên môn có uy tín, các tướng lĩnh từng nhiều năm được gần gũi Đại tướng và các thành viên trong gia đình Đại tướng…
Và đúng sinh nhật lần thứ 105 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công trình đã được khánh thành tại làng Lý Hòa. Bức tượng đồng bán thân nặng 200kg, cao 1,03m, tượng trưng cho 103 tuổi thọ của Đại tướng, được đặt trên bệ đá quý cao 1,8m. Vị trí đặt tượng giữa trung tâm văn hóa, tâm linh của xã, lưng tựa vào nhà truyền thống và đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ của xã nhà, mặt tượng hướng ra biển Đông ngày đêm sóng vỗ dạt dào…
Lễ khánh thành bức tượng Đại tướng là một sự kiện trọng đại đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân Lý Hòa, với sự tham gia của đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch và đông đảo đồng bào các địa phương lân cận. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-vị tướng của Trường Sơn huyền thoại, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người đồng đội thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì lý do sức khỏe nên không về dự lễ khánh thành, đã gửi thư chúc mừng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Hải Trạch. Trước đó, trong quá trình thiết kế và thi công tượng ở Thủ đô Hà Nội, ông đã nhiều lần trực tiếp theo dõi, góp ý với những người thực hiện và hết sức hài lòng với kết quả tác phẩm.
Phát biểu tại lễ khánh thành, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Bức tượng đã toát lên thần thái uy nghiêm của một vị tướng lỗi lạc; đồng thời toát lên vẻ nhân từ khoan dung của một nhà văn hóa lớn của dân tộc”.
Nói sao hết niềm phấn khởi tự hào của mỗi người dân Lý Hòa khi được đón bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dựng giữa làng mình. Thế là từ nay hình tượng Đại tướng hàng ngày hiện hữu với bà con làng biển. Trước Đại tướng, ai cũng tâm niệm phải đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh…
Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 08 Tháng 10 2023 06:12 )
 

Quê hương Đại tướng - Mãi ấm hơi người con ưu tú

Email In PDF.
Mùa Thu này tròn 10 năm, đất mẹ Quảng Bình đón người con ưu tú - Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên giấc ngàn thu. 10 năm qua, Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi Đại tướng an nghỉ vẫn bốn mùa thơm ngát hương hoa và yên bình trong tiếng sóng biển rì rào, vỗ về người con ưu tú của Tổ quốc. Với mỗi người dân Quảng Bình, dường như hơi ấm, tình người của Đại tướng vẫn ở đâu đây, trở thành điểm tựa tinh thần, động lực thôi thúc cán bộ, nhân dân vượt lên khó khăn xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh theo như ước nguyện của Đại tướng.
Vũng Chùa – Đảo Yến nơi hội tụ lòng người

Vũng Chùa – Đảo Yến nơi hội tụ lòng người
Ngày 13/10/2013, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về an nghỉ tại Vũng Chùa – Đảo Yến trong niềm tiếc thương, tự hào của người dân Quảng Bình cũng như cả nước. Kể từ ngày Đại tướng về an nghỉ tại Vũng Chùa – Đảo Yến, dòng người vẫn nối nhau về đây dâng hương, hoa và viếng thăm người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 10 năm qua đã có hàng nghìn đoàn khách với hàng triệu lượt người trong và ngoài nước về viếng Đại tướng. Dường như, về với Vũng Chùa – Đảo Yến lòng người như ấm lại. Và Vũng Chùa – Đảo Yến đã trở thành nơi hội tụ lòng người.

Vũng Chùa – Đảo Yến nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ vĩnh hằng.
Giữa tiết trời nắng nhẹ của ngày đầu tháng 10, nơi biển Vũng Chùa hoang sơ, rất đông các đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc đến viếng mộ Đại tướng. Chúng tôi gặp cựu chiến binh Lê Thanh Bình năm nay đã gần 80 tuổi từ quê hương Bến Tre xa xôi đang cố bước từng bước lên thăm mộ Đại tướng. Trò chuyện với chúng tôi ông Bình chia sẻ suốt 10 năm qua, luôn đau đáu ước muốn một lần đến viếng mộ Đại tướng – Người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Tôi vẫn nhớ cái cảm xúc bàng hoàng, đau xót khi nghe tin Đại tướng về với thế giới người hiền. Tôi đã cùng các đồng đội đến trụ sở Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày để dâng hương, bái biệt Đại tướng và ước mong một lần về thăm nơi Đại tướng an nghỉ tại quê hương Quảng Bình. Nay, tôi đã được toại nguyện”, ông Bình nói.
Được đón Đại tướng về an nghỉ giữa đất mẹ bình yên, những người con Quảng Bình luôn thổn thức niềm tự hào. Bà Hoàng Thị Tâm, ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch chia sẻ: "Từ khi Đại tướng về đây, biển Vũng Chùa – Đảo Yến như ấm áp hơn, đẹp hơn. Cứ đến ngày lễ, Tết hay ngày giỗ Đại tướng, tôi lại nhờ con cháu chở đến thăm, dâng nén hương thơm lên Đại tướng như một lời tri ân đối với những đóng góp to lớn của Đại tướng cho dân tộc, cho đất nước và quê hương Quảng Bình”.
Vũng Chùa giờ đây không chỉ là vùng biển nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình mà đã trở thành nơi quy tụ tình yêu nước, lòng ngưỡng vọng của nhân dân cả nước đối với Đại tướng. Đồng bào mang bao tình yêu và lòng mến mộ của mình về đây bằng những cỏ cây, hoa lá được trồng và chăm bẵm đang từng ngày lớn lên, tỏa hương và kết trái ở nơi an nghỉ của Đại tướng. Đó là những đóa hoa ban trắng – tình yêu của người dân nơi đất trời Tây Bắc cùng hàng trăm gốc mai vàng và hàng ngàn cây xanh được người dân, đoàn viên thanh niên trồng, chăm sóc. Trống đồng, súng thần công, súng lệnh, các bảo vật qua bàn tay tài hoa của những người thợ đúc đồng đất Lam Kinh được nhân dân Thanh Hóa mang về dâng Đại tướng, như lời hứa thiêng liêng, khí phách, quyết tâm bảo vệ non sông Việt Nam…

Đông đảo Nhân dân và du khách đến viếng mộ Đại tướng.
Tình yêu, lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho Đại tướng còn thể hiện qua những điều bình dị như ống cơm lam, sản vật của người dân Cao Bằng trong mâm lễ vật dâng Người; là giọt nước mắt lặng lẽ của bà má miền Nam với chiếc khăn rằn lần đầu tiên được thắp hương lên mộ phần Đại tướng; là bức tranh gốm sứ được ghép từ nhiều tấm hình nhỏ của Đại tướng do Đoàn đại biểu Đồng Nai dâng tặng; là chiếc áo in hình Đại tướng trang trọng phía trái tim; là những hành động ý nghĩa của học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ cả nước hướng về Đại tướng để tự hào tiếp bước, vươn lên xây dựng đất nước mạnh giàu.
Đại tướng sống mãi trong lòng nhân dân
Cùng với Vũng Chùa – Đảo Yến, những ngày này, khu nhà lưu niệm Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy rất đông bà con nhân dân và du khách gần xa đến tham quan và viếng Đại tướng. Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng, người đang trông coi Khu nhà lưu niệm Đại tướng nói rằng: Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành điểm đến của hàng triệu người kính mến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhất là vào dịp sinh nhật hay ngày giỗ Đại tướng, dòng người từ khắp nơi lại về thăm ngôi nhà của Đại tướng đông hơn. Chứng kiến ngôi nhà đơn sơ gắn với tuổi thơ của Đại tướng, ai cũng tỏ ra khâm phục, yêu quý và kính trọng Đại tướng hơn”.
Ngôi nhà gắn liền với tuổi thơ Đại tướng.
Bà Võ Thị Hoa, người dân làng An Xá 10 năm qua như đã thành thói quen, bởi mỗi dịp ngày giỗ Đại tướng đều chọn những thứ quả ngon nhất trong vườn nhà mình sắp thành mâm ngũ quả thành kính dâng lên bàn thờ Đại tướng. Bởi bà luôn tâm niệm rằng, đất nước được độc lập, quê hương đổi mới như hôm nay có một phần công lao to lớn của Đại tướng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Không chỉ bà Hoa, với mỗi người dân Lộc Thủy nói riêng, Lệ Thủy nói chung luôn nhớ mãi công lao của Đại tướng đối với đất nước Việt Nam và những tình cảm người dành cho quê hương. Nhớ lời dạy của Đại tướng mỗi lần về thăm quê, phải nỗ lực để đồng bào và nhân dân có cuộc sống tốt hơn, vùng đất nơi Đại tướng sinh ra và lớn lên đang thay da đổi thịt từng ngày. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Thủy đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đời sống của nhân dân không ngừng nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Và hiện nay, 100% trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhân dân cũng rất nhiệt tình và tích cực hiến tài sản và ngày công lao động để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Kết quả, Lộc Thủy là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Lệ Thủy về đích nông thôn mới.
Rất đông các tổ chức, đoàn thể và người dân đến viếng Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy.
Với Quảng Bình, trong tim Đại tướng luôn dành một phần rất lớn cho quê hương. Đại tướng luôn nhắc đi nhắc lại "Quảng Bình là nhà tôi…”. Tròn 10 năm ngày Đại tướng đi xa, người dân cả nước và đặc biệt là quê hương Quảng Bình vẫn chưa vơi nỗi đau mất mát khôn nguôi. Hơn ai hết người dân nơi đây hiểu rằng, với tất cả tình yêu quê hương, Đại tướng đã chọn về an nghỉ giữa lòng đất mẹ nơi Vũng Chùa – Đảo Yến bình yên. Đại tướng luôn gần gũi, hiện hữu trong trái tim mỗi người dân, với tất cả sự chân thành và yêu thương nhất.
Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Lần cập nhật cuối ( Thứ hai, 09 Tháng 10 2023 03:08 )
 
Trang 26 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện