Rừng bần ở xã Quảng Văn (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) không chỉ chống xói lở, ngăn mặn mà còn là nơi có hệ sinh thái phong phú, trên chim cò đậu trắng cây, dưới cáy, cua đặc sản.
Những ngày đầu tháng 3/2024, phóng viên báo điện tử Dân Việt có dịp về làng La Hà, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), đây làng khoa bảng nổi tiếng ở đất Quảng Bình và được xếp thứ 2 trong "bát danh hương".
Trong hệ thống các cồn bãi giữa dòng sông Gianh thì bãi La Hà là bãi lớn nhất, có hình con cá chép bơi ngược dòng sông Gianh với 4 nhánh sông phụ đang đổ vào La Hà, nên người ta thường gọi La Hà là "tứ bút châu nghiên".
Khu rừng bần cổ, rễ đã bám sâu vào đất ở xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Anh.
Người dân xã Quảng Văn (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) xem rừng bần như "bức tường xanh" chắn sóng, ngăn mặn và chống xói, lở và là nơi khai thác các sản vật, con đặc sản. Ảnh: Trần Anh.Do rừng bần còn thưa chưa tạo được lá chắn để giữ đất hiệu quả nên vào các năm 2010, 2020, mưa lũ lớn xảy ra khiến nhiều khu vực xói, lở, xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân".
Theo ông Trần Thanh Nam, trước thực trạng đó, đầu năm 2022, tỉnh nhà đã triển khai trồng mới rừng bần quanh xã để góp phần bảo vệ đê, kè, chống xói, lở, xâm nhập mặn.
Việc trồng cây diễn ra thuận lợi, cây bần có tỉ lệ sống cao. Đến thời điểm này, cây bần đã phát triển tốt, tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ vùng cồn bãi này.
Người dân xã Quảng Văn (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) thường dùng trái bần để nấu canh chua. Ảnh: Trần Anh.
Ông Trần Thanh Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bên rừng bần. Ảnh: Trần AnhÔng Trần Thanh Nam cho hay: "Rừng bần gắn liền với đời sống bà con nơi đây, bao bọc, che chở người dân qua những mùa mưa, bão, chống xâm nhập mặn.
Không những thế, cây bần còn cho quả, bà con thường hái quả này về nấu canh chua hay mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập.
Đặc biệt, rừng bần còn tạo nên hệ sinh thái phong phú, chiều chiều chim cò thường bay về cư ngụ trắng cây, sinh vật như, cáy, cua, tôm... cũng sinh sống rất nhiều".
"Những khu vực trồng mới cây bần được làm hàng rào bao quanh và địa phương cắt cử người theo dõi, bảo vệ không để trâu, bò hay người nào tới chặt, phá.
Tương lai, khi bàn giao cho địa phương quản lý, chúng tôi sẽ lên phương án để phát huy và khai thác có hiệu quả rừng bần này.
Bên cạnh đó, với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan đẹp còn hướng tới việc phát triển du lịch sinh thái", ông Trần Thanh Nam nói.
Khu vực rừng bần mới trồng được làm hàng rào, gắn biển báo bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Trần AnhBà Mai Thị Hoa (ở thôn La Hà Nam, xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Rừng bần ở địa phương ngày càng thêm xanh tôi rất mừng, vừa chống xói lở và ngăn mặn tốt.
Cuộc sống của gia đình tôi cũng luôn gắn bó với rừng bần này, bởi khu rừng tạo sinh kế khi chúng tôi hái quả mang đi bán, bắt cáy, cua, tôm để mưu sinh, trang trải cuộc sống hằng ngày".
"Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR)" tại tỉnh Quảng Bình đã được thực hiện vào năm 2019 tại 32 xã, phường trên địa bàn tỉnh trong đó có Quảng Văn. Dự án trồng mới rừng ngập mặn ven sông và trên cạn ven biển 1.458 ha; phục hồi rừng ngập mặn ven sông và trên cạn ven biển 1.625 ha; có khoảng 100 cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng tham gia bảo vệ, trồng, phục hồi để tăng thu nhập, cải thiện sinh kế", ông Trần Chí Phương – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án FMCR Quảng Bình, cho biết.Trần Anh