Vùng đất này cũng được lựa chọn là nơi an nghỉ của một số những vị tướng có tên tuổi trong lịch sử dựng nước của dân tộc.
1- Đất thiêng hội tụ vĩ nhân
Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang khoảng 7km về phía nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển làng xã, người dân Quảng Đông luôn coi Vũng Chùa - Đảo Yến là vùng đất linh thiêng, nơi đã bảo vệ và che chở họ trước bao thiên tai và thảm họa chiến tranh.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, Mũi Rồng, Mũi Ông và Đảo Yến hợp thành một thể thống nhất, tạo nên hình thế "rồng cuộn, hổ phục", từ đó hình thành vịnh Vũng Chùa. Điều kỳ lạ là, dù hằng năm những cơn bão dữ dội thường quét qua vùng biển này, Vũng Chùa vẫn luôn bình yên, sóng lặng gió êm.
Vũng Chùa - Đảo Yến là vùng đất linh thiêng từ nhiều đời nay. Ảnh: InternetQua gần 700 năm lịch sử lập làng, người dân Quảng Đông luôn giữ gìn sự tôn nghiêm của vùng đất Vũng Chùa - Đảo Yến, đặc biệt là khu vực núi Rồng – nơi được xem là nơi hội tụ linh khí của trời đất. Trên đỉnh núi, người xưa đã dựng lên một đàn tế bằng đá để tổ chức các nghi lễ hàng năm. Ngoài ra, giữa lưng chừng núi Rồng còn có hai dòng nước ngọt, chảy suốt bốn mùa mà không bao giờ cạn, được dân làng xem như là long mạch của vùng đất này.
Một bậc cao niên trong vùng chia sẻ: “Từ xưa đến nay, chưa từng có ai trong làng dám chôn cất người quá cố, xây nhà cửa hay chuồng trại ở khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến. Mọi người đều hiểu rằng nơi đó không dành cho người thường, nên không ai dám mạo phạm. Người dân Quảng Đông luôn thay nhau gìn giữ sự thanh sạch của Vũng Chùa - Đảo Yến, kiên nhẫn đợi chờ một cơ duyên huyền bí sẽ đến với vùng đất này".
Được biết, vùng đất Vũng Chùa là nơi an nghỉ của hai vị tướng Trần Đạt và Trần Khai. Theo cuốn Quảng Bình - Nhân vật chí của nhà địa chí Nguyễn Tú, Trần Đạt và Trần Khai là hai anh em ruột, đều là tướng thời Hậu Trần. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế ngôi Trần Thiếu Đế, lập nhà Hồ. Nhiều quan tướng nhà Trần nổi dậy, nhưng đều bị Hồ Quý Ly đàn áp. Trần Đạt và Trần Khai phải rút về phương Nam, vượt Hoành Sơn, dừng chân bên bờ Bắc sông Gianh, lập làng An Bài (nay là Thuận Bài, xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), tiếp tục nuôi chí “phò Trần diệt Hồ".
Thế đất đẹp nhìn thẳng ra biển Đông tạo nguồn linh khí tuyệt vời. Ảnh: InternetSau khi nhà Hồ bị quân Minh phế truất, hai anh em một lần nữa khởi binh, theo Giản Định Đế rồi Trùng Quang Đế chống Minh nhưng thất bại. Khi nghe Lê Lợi khởi nghĩa, họ lại đưa quân theo, cùng Lê Lợi đánh giặc. Theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, Lê Lợi đã phong chức Thừa tướng và Đại tướng cho hai anh em. Sau 10 năm kháng chiến, Trần Đạt còn được phong Thái Tể Đường Quốc Công.
Dù có công lớn, khi lâm chung, hai tướng lại xin được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến, cách làng Thuận Bài khoảng 30km. Trần Đạt được chôn ở Đảo Yến, còn Trần Khai tại lưng chừng núi Rồng.
2- Đón vị tướng vĩ đại của dân tộc về trong giấc ngủ ngàn thu
Vũng Chùa - Đảo Yến không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp hoang sơ, yên bình mà còn là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất, người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam và học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 13/10/2013, linh cữu Đại tướng được đưa về đây trong niềm tiếc thương và tự hào sâu sắc của người dân Quảng Bình cùng cả nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chỉ huy quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Ông là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) đánh đuổi thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975) đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Vị tướng này cũng là người duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp, quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc hùng mạnh.
Vũng Chùa - Đảo Yến là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo đúng nguyện vọng của ông lúc sinh thời. Ảnh: InternetTừ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, dòng người vẫn liên tục đến viếng thăm, dâng hương và hoa tưởng nhớ ông. Hơn 10 năm qua, nơi đây đã đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Mỗi khi đến Vũng Chùa, lòng người như được sưởi ấm bởi tình yêu và lòng ngưỡng mộ dành cho Đại tướng.
Vũng Chùa giờ không chỉ là một điểm du lịch mà đã trở thành biểu tượng của tình yêu nước, nơi hội tụ lòng người. Những cỏ cây, hoa lá được trồng tại đây như minh chứng cho lòng thành kính và biết ơn của đồng bào, ngày ngày lớn lên, tỏa hương tại nơi an nghỉ của Đại tướng.
Đó là những đóa hoa ban trắng – tình yêu của người dân nơi đất trời Tây Bắc cùng hàng trăm gốc mai vàng và hàng ngàn cây xanh được người dân, đoàn viên thanh niên trồng, chăm sóc. Trống đồng, súng thần công, súng lệnh, các bảo vật qua bàn tay tài hoa của những người thợ đúc đồng đất Lam Kinh được nhân dân Thanh Hóa mang về dâng Đại tướng, như lời hứa thiêng liêng, khí phách, quyết tâm bảo vệ non sông Việt Nam…
Hơn 10 năm từ ngày Đại tướng đi xa, người dân cả nước, đặc biệt là quê hương Quảng Bình, vẫn chưa nguôi nỗi mất mát. Với tình yêu sâu đậm dành cho quê hương, Đại tướng đã chọn Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Đặc biệt, theo thông tin từ ông Võ Điện Biên (con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phu nhân Đặng Bích Hà), vào ngày 29/9/2024, linh cữu của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Phó Giáo sư Đặng Bích Hà cũng sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến. Phu nhân Đặng Bích Hà từ trần ngày 17/9, hưởng thọ 96 tuổi.
Sinh thời, bà là điểm tựa tinh thần và hậu phương vững chắc của Đại tướng. Sau 11 năm, bà theo ông về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương và sự kính trọng sâu sắc.ThùyDung