Nhà bác học Lê Quý Đôn xưa đã từng điền dã lưu vực sông Gianh. Ông ghi lại: “Châu Bắc Bố Chính lấy núi Thời Mại(2) làm trấn sơn (núi cao nhất một phương). Sông dài của châu thì có một dòng từ các xã Kim Lũ, Thanh Lạng qua Tuần Bồi mà xuống xã Lũ Đăng rồi ra cửa Đại Linh. Lại một dòng từ chân núi Thời Mại chảy xuống xã Kim Minh đến Cửa Hác hợp lưu sông Lũ Đăng cũng ra cửa Đại Linh. Nguồn sông xa và rộng. Từ Nghệ An đi về phía nam, vượt Hoành SơnThuần Thần, Phù Lưu đi về phía đông, đến Lũ Đăng thì tới sông Gianh. Thượng lưu sông này là nước từ đèo Dài ở huyện Hương Sơn chảy xuống. Dân đội Phúc Nhất, sách Thanh Lạng và xã Kim Lũ thường đi thuyền xuống mua sắm muối ở chợ ấy. Châu Bố Chính dân ở nước làm nghề chài cá, lại quen lên thượng lưu lấy ván đóng thuyền, có phường Đáy Võng (Văn Phú), phường Giáp Ba (Giáp Tam), phường Cương Gián (Tân Mỹ) giáp Trung Hòa Hạ…”(3) (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 4, tr.100 và 103, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1960).
Rõ ràng, việc giao lưu dọc triền sông Gianh tự ngày xưa đã được mở rộng. Sông Gianh không chỉ là con đường giao thương mà còn thu hút du khách bởi cảnh quan ngoạn mục với biết bao trầm tích lịch sử.Ảnh trên mạng
Vào những đêm trăng sương mờ nhẹ phủ, bóng cây, bóng núi tầng tầng hắt xuống lòng sông phẳng lặng như tờ. Một tiếng gõ nhẹ mạn thuyền của ngư dân đuổi bắt cá cũng làm xao động cả mặt sông, thổn thức làng mạc ven bờ…
Ngày nắng, mây trắng bồng bềnh. Nương thuyền dưới rặng dừa Cồn Két (sau này có quy hoạch thành điểm du lịch sinh thái), ta có thể nhìn rõ cảnh quan làng Thổ Ngọa bên này sông, làng La Hà bên kia, làng Lệ Sơn mờ xa thấp thoáng sau bóng lèn Mụ Hôn (Tiên Lệ). Đó là ba trong “Tứ danh hương: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ” thuộc phía Bắc Quảng Bình xưa nổi tiếng “địa linh sinh nhân kiệt”…
Đi dọc triền sông còn gặp bao địa danh nổi tiếng khác. Làng Hòa Ninh, quê hương của danh nhân Đoàn Chí Tuân (Bạch Xỉ) tự xưng Hải Long Vương – một người có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đoán biết được việc quá khứ, vị lai”, đã từng hợp tác với tướng quân Phan Đình Phùng từ thuở Cần Vương. Hòa Ninh còn là quê hương anh hùng Lâm Úy với trận Xuân Bồ ngày trước. Làng Vĩnh Phước với Truy Viễn Đường thờ thượng tướng quân Nguyễn Khắc Minh thuộc dòng Thái Bảo quận công gốc làng Nhân Mục (Hà Nội) mấy đời mang gươm đi mở nước. Cồn Quan, nơi đặt hương phả thờ dòng họ được phong “Thập bát quận công, tam tể tướng, bách dư tiến sỹ, nhị nương hầu” – họ Nguyễn từ làng An Xá (thuộc phủ Thiên Trường Nam Định) vào đến Mỹ Hòa (Quảng Phúc), con cháu di tán lên đất Cồn Quan (thôn Công Hòa, xã Quảng Trung). Trên kia, làng Thanh Thủy (Tiến Hóa) là quê hương của ông Vắn, ông Võ mà theo truyền thuyết hình ảnh hai ông đã hóa thạch trên hòn Lèn Bảng lồng lộng giữa đất trời, sông núi quê hương, tụ khí thiêng linh ứng cho vùng quê Quảng Trạch xuất lộ nhiều nhân tài muôn đời nối nghiệp tiền nhân. Ông Văn chính là Hoàng Giáp Phạm Duy Đôn, làm quan có tiếng thanh liêm, chính trực; ông Võ là Đề Đốc Lê Trực, lãnh tụ khởi nghĩa quân Cần Vương chống Pháp trên vùng đất phía Bắc Quảng Bình từ năm 1885 đến 1888.
Khách còn được lắng sâu hồi ức về các tên đất, tên làng với bản trường ca về trận đánh thắng Pháp trên đất Phù Trịch, cầu chợ Tràng tập kích xe bọc thép của giặc tiêu diệt tại chỗ quan năm Tây; Quảng Phúc với “lũy thép bờ Gianh”… Mỗi gương mặt làng quê lấp lánh giờ lại trầm tư hiền hậu sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt…
Cá nướng thuyền ai, mít chín thuyền ai thơm lừng trời nước, tiếng sáo diều đâu đây vi vút đêm hè thơ mộng… Cảm hứng sông quê “hốt gia nồng” khi được quá giang giữa một đêm trăng non cuối bãi Phù Kênh, quê nội của Nguyễn Hàm Ninh. Ta còn nghe dư âm những chòi nuôi tằm rạo rạt tiếng tằm ăn dỗi; thấm đẫm dư vị những đĩa chắt chắt xào cùng lá lốt, mít non, xúc bằng miếng bánh đa vừng, có thêm bát nước mắm dầm ớt mọi, đôi nhánh gừng tươi, ăn quên no, xa mô rồi cũng nhớ.Ảnh khai thác mạng
Dọc triền sông, có biết bao tên đất, tên làng, tên núi, tên cồn gợi nhiều trí tưởng. Bên ni đất Phù Kinh có cồn Rồng, lèn Trôốc Rồng; bên kia làng Tiên Lệ có núi Mũi Rồng; lên Uyên Phong có cồn cát Long Châu; rồi Tiên Lang đối cùng Tiên Lệ… Cả một vùng sông quê như thể rồng thiêng quy tụ, như thể tiên giới giáng trần…
Đi giữa trời chiều mà cả một đoạn sông tím trong sắc động Chân Linh, tím trong huyền thoại một loạt tên núi như: Thanh Tuyền, Thanh Linh, Vũ Tọa, Bút Sơn, Họa Các, Thi Đàn… làm nên bức dư đồ chín mươi chín chóp lèn Lệ Sơn hùng vĩ với huyền tích trăm con chim phượng hoàng về tìm chỗ đậu. Có người chiết tự: Lệ Sơn là nước mắt của núi, là đất của nuối tiếc, xót thương vì chẳng gặp duyên may được chọn đặt kinh đô. Chúng tôi thì lại nói: Lệ Sơn chính là rừng vải (lệ là cây vải, sơn là núi), cả một rừng vải hào phóng, thường niên đơm hoa kết trái ngọt lành. Những mùa vải chín có hàng trăm loài chim (chứ không chỉ có một bầy chim phượng) về đây, đậu đầy vách núi. Lệ Sơn có đủ ngàn đỉnh cho vạn bầy chim.
Làng quê “đất lành chim đậu”.
Linh Giang 2009- 2012
Linh Giang 2009- 2012
(2). Thời Mại: tức Cao Mại, thuộc xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa ngày nay.
(3). Trung Hòa Hạ: làng Mỹ Hòa, thuộc xã Quảng Phúc ngày nay. Từ Cồn Quan, đau đáu nhìn về chốn cũ, người xưa có câu:
Chiều chiều ngó xuống Mỹ Hòa
Buồm dong đôi ngọn, vui đà nên vui.