QBĐT) - Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, có hàng ngàn nhà báo đã anh dũng hy sinh góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có hàng trăm nhà báo được công nhận liệt sỹ. Những nhà báo-liệt sỹ không phải là người ký tên vào lịch sử nhưng những tác phẩm mà họ viết nên giữa bom đạn chiến tranh đã ghi lại dấu ấn lịch sử chiến công và vinh danh tên tuổi người khác. Với những người làm báo Quảng Bình hôm nay, ai cũng cảm thấy tự hào khi nhắc đến tên nhà báo- liệt sỹ Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy). Những đóng góp của ông và những đồng nghiệp cùng thời đã góp phần khẳng định một chặng đường vẻ vang của nền báo chí cách mạng nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng công sản Việt Nam quang vinh.
Tên đường, tên cầu mang tên Bùi Đình Túy.
Nhà báo - liệt sỹ Bùi Đình Túy sinh ngày 12-2-1914 trong một gia đình nông dân tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng về hội hoạ và đam mê nhiếp ảnh. Năm 21 tuổi, Bùi Đình Tuý ra Hà Nội theo học nghề ảnh và vẽ tại trường Bách Nghệ. Năm 1936 ông tham gia bãi khoá để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Sau đó ông vào Sài Gòn, vừa hoạt động cách mạng vừa làm thợ vẽ cho một hãng chiếu bóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bùi Đình Túy được phân công phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở thông tin Sài Gòn, làm phóng viên báo Cảm tử của Đặc khu Sài Gòn - Chợ lớn với bút danh là Đinh Thúy.
Với khả năng thiên phú về nhiếp ảnh, năm 1954, Đình Túy được trên điều động ra Bắc làm phóng viên ảnh công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Bằng sự cống hiến không mệt mỏi và những đóng góp xuất sắc của mình, năm 1957, ông được tiến cử giữ chức vụ Phó chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1961, Đình Túy được và một số đồng nghiệp cùng cơ quan được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức tham gia khoá học ảnh màu. Một năm sau, trở về Hà Nội, Bùi Đình Túy và các đồng nghiệp đã thiết lập buồng tối màu đầu tiên tại Thông tấn xã Việt Nam.
Từ đây, cả nước lần đầu tiên biết đến những bức ảnh màu về phong cảnh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Đinh Thúy. Năm 1965, trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách về phản ánh các hoạt động tại chiến trường miền Nam, Đình Túy được điều động vào Đông Nam Bộ giữ chức vụ phó giám đốc Thông tấn xã giải phóng. Vừa trực tiếp chiến đấu vừa xây dựng và đào tạo đội ngũ phóng viên kế cận, trong thời gian này, Đình Túy đã có nhiều bức ảnh màu quý giá phản ánh một cách trung thực đời sống lao động, sản xuất, chiến đấu vô cùng gian khổ, hào hùng của quân và dân ta từ chiến trường Nam Bộ, kịp thời cổ vũ, động viên các cánh quân tiến lên giành nhiều thắng lợi quan trọng khác. Tháng 9-1967, nhà báo Đình Tuý đã anh dũng hy sinh trên đường trở về hậu cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ tường thuật diễn biến Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 2.
Cầu Bùi Đình Túy tại thành phố Hồ Chí Minh45 năm kể từ nhà báo-liệt sỹ Bùi Đình Túy hy sinh, nhưng những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà mãi mãi không phai mờ trong trái tim của bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân cả nước. Nhớ đến Bùi Đình Túy là nhớ đến một người hiền lành, ít nói, thái độ cầu tiến và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Nhắc đến ông, mọi người đều biết đến một nghệ sỹ tài hoa, người đầu tiên có vinh dự chụp ảnh màu về Bác Hồ. Những bức ảnh nổi tiếng như: Bác Hồ gắn huân chương Sao vàng cho bác Tôn ngày 19-8-1958 nhân dịp bác Tôn tròn 70 tuổi; ảnh quân ta đánh chiếm xe bọc thép của Pháp trong chiến dịch Sài Gòn đầu năm 1950; ảnh máy bay Pháp bị bắn rơi trên đường Lý Văn Mạnh - Chợ Lớn, tháng 3-1950; bữa cơm trưa trên đường công tác; thồ hàng phục vụ tiến tuyến.... đã đưa tên tuổi của ông trở thành một trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu của Việt Nam trong những năm thập niên 60 của thế kỷ XX.
Để vinh danh những cống hiến to lớn của ông đối với dân tộc, nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên Bùi Đình Túy cho một tuyến đường và một cây cầu trên đường phố này. Đến nay, ông là nhà báo đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có được vinh dự này.
Mong ước cuối cùng.
Từ TP. Đồng Hới, chúng tôi tìm về làng quê cách mạng Cảnh Dương, một làng quê đã đi vào lịch sử của dân tộc bởi tinh thần chiến đấu cách mạng ngoan cường, anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để có một Cảnh Dương khởi sắc song hành với các địa phương khác trong ngày hôm nay, 235 liệt sỹ, những người con ưu tú của xã nhà đã vĩnh viễn nắm lại các chiến trường.
Trong số 235 phần mộ được xây cất trang trọng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Cảnh Dương, có một ngôi mộ để lại cho chúng tôi ấn tượng khá đặc biệt. Đó là mộ của liệt sỹ Bùi Đình Túy. Tuy là mộ gió nhưng bia mộ liệt sỹ Bùi Đình Túy trang trọng được đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà đặt ở vị trí trên cùng hàng đầu của nghĩa trang. Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẻ: "Nhân dân Cảnh Dương luôn biết ơn và trân trọng sự hi sinh to lớn của những người con quê hương đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. trong số 235 liệt sỹ được vinh danh tại quê nhà thì nhà báo-liệt sỹ Bùi Đình Túy là người có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước trên lĩnh vực hoạt động báo chí. Tên tuổi của ông đã làm tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Cảnh Dương anh hùng".
Được sự chỉ dẫn của cán bộ UBND xã Cảnh Dương, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Điếng ở khuất sâu trong một con hẻm ở trung tâm xã. Đây là người thân duy nhất ở Cảnh Dương ít nhiều còn biết đôi chút thông tin về liệt sỹ Bùi Đình Túy. Bà Điếng năm nay đã 75 tuổi, sức khoẻ tốt, còn khá minh mẫn. Tuy nhiên khi được hỏi về ông Bùi Đình Túy thì bà thừa nhận là biết rất ít về ông.
Nhà báo Võ Mạnh Thành, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Bình cho biết: "Cứ vào dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm, đội ngũ phóng viên của cơ quan ôn lại truyền thống vẻ vang của đội ngũ những người làm báo. Trong hai cuộc chiến tranh, chỉ riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có 262 nhà báo liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, trong đó có liệt sỹ nhà báo Bùi Đình Túy, một người con quê hương Quảng Bình. Sự hy sinh của liệt sỹ Bùi Đình Túy và hàng trăm nhà báo liệt sỹ khác là một tổn thất to lớn nhưng cũng là tấm gương, động lực thúc đẩy những người làm báo hôm nay tiếp tục đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà, để xứng đáng với thế hệ đi trước".
Bà Điếng là cháu dâu của ông Bùi Đình Tuý. Chồng bà, ông Đỗ Trung Thành đã mất cách đây 5 năm là cháu ruột gọi ông Bùi Đình Túy bằng cậu. Từ nhỏ, ông Thành đã được câu mình nuôi ăn học đàng hoàng. Sau đó, ông Tuý thoát ly theo cách mạng và kể từ đó rất hiếm khi về lại quê nhà. Mãi sau này khi lập gia đình với ông Thành, đôi lần bà có nghe chồng kể chuyện về người cậu ruột của mình. Chính vì vậy, thông tin về ông Bùi Đình Túy bà không nắm rõ. Bà Điếng cho biết: "Cách đây hơn 15 năm, ông Đỗ Trung Thành có vào lại chiến trường Sông Bé để tìm lại phần mộ của người câu ruột của mình nhưng không có kết quả. Trở về, ông đề nghị với Đảng uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Cảnh Dương thiết lập ngôi mộ gió của liệt sỹ Bùi Đình Túy tại nghĩa trang xã nhà để tiện bề hương khói".
Hiện gia đình bà Điếng đang thờ liệt sỹ Bùi Đình Túy và vợ là bà Nguyễn Thị Việt, đây cũng là mong muốn lớn nhất của chồng bà trước lúc nhắm mắt. Tuy nhiên, theo bà Điếng, liệt sỹ Bùi Đình Tuý có hai người con một trai, một gái hiện đang sinh sống tại Hà Nội và Thanh Hoá nhưng đã rất lâu rồi bà không gặp lại họ.
Từ dòng địa chỉ ngắn ngủi để lại trên tờ thiệp chúc tết mà ông Bùi Đình Toái-con trai liệt sỹ Bùi Đình Túy gửi vào cho gia đình bà Điếng, chúng tôi đã liên lạc được với ông Bùi Đình Toái. Khi được hỏi về cha mình, giọng ông nghẹn lại vì xúc động. Năm ông vừa tròn ba tuổi, cũng là lúc liệt sỹ Bùi Đình Túy vào Nam. Kể từ đó đến ngày Bùi Đình Túy hy sinh, số lần ông được gặp cha mình chỉ tính được trên đầu ngón tay. Tuy thời gian quá ngắn ngủi nhưng ông vẫn nhớ như in giọng nói trầm ấm, sự dạy bảo ân tình, tình cảm hết mực thân thương về người cha của mình. Kể từ ngày liệt sỹ Bùi Đình Túy mất đi, mỗi lần nhận được thông tin, ông và gia đình đã gần chục lần cất công và Nam.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã lăn lộn tìm kiếm khắp chiến trường Sông Bé nhưng những chuyến đi đều trở về trong vô vọng. Theo ông Toái thì vị trí cha mình hy sinh ngày xưa có thể nằm trên địa bàn Campuchia. Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, những dấu tích xưa đã bị thời gian phủ lấp, phai mờ mất dấu trên thực địa, vì vậy công tác xác định vị trí tìm kiếm là cực kỳ khó khăn. "Mỗi lần nhớ đến cha, tôi thường ngắm lại những kỷ vật ngày xưa để có cảm giác như ông đang hiện hữu ở đâu đó quanh đây. Mong muốn cuối cùng của tôi và gia đình là được đón cha mình trở về quê hương trong một ngày gần nhất, nhưng hiện sức khoẻ của tôi cũng đã yếu, cũng chẳng biết có thể vào lại trong đó thêm được mấy lần. Giờ chỉ còn biết hy vọng vào một phép màu nào đó...", ông Toái xúc động.Minh Tú