Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 5 2013 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 25 26
27 28 29 30 31    

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay4195
mod_vvisit_counterHôm qua3489
mod_vvisit_counterTuần này21710
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này146241
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3092467

Có: 33 khách trực tuyến

NHẠC SĨ ĐẠI TÁ NGUYÊN NHUNG

Email In PDF.

Nhạc sỹ Nguyên Nhung sinh ngày 15/11/1933, tại xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1950, Nguyên Nhung nhập ngũ, hoạt động văn nghệ tuyên truyền ở Trung đoàn 18, rồi sang Lào và Campuchia.
Sau năm 1954, ông trở thành diễn viên Đoàn văn công Quân đội. Từ năm 1963, Nguyên Nhung học sáng tác tại trường Đại học Âm nhạc (nay là Nhạc viện Quốc gia). Học xong, ông được điều vào phục vụ ở tuyến lửa khu 4, sau mấy năm, trở lại chuyên sáng tác tại Tổng cục Chính trị cho đến lúc nghỉ hưu. Với rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật, năm 2001, ông được tặng giải thưởng Nhà nước. Về nghỉ hưu với hàm đại tá, ông vẫn sung mãn sức sáng tạo, vẫn luôn say mê với nhiều ấp ủ thì căn bệnh ung thư dạ dày đã cướp đi cuộc đời ông. Và vào hồi 10 giờ ngày 5/1/2009, nhạc sỹ Nguyên Nhung đã trút hơi thở cuối cùng. Ông đã ra đi, để lại một khối lượng sáng tác lớn, có giá trị nghệ thuật âm nhạc cao, cả về thanh nhạc và khí nhạc.
Nguyên Nhung háo hức đến với những miền quê đất nước. Tháng 10/1958, ông có chuyến đi thực tế lên miền Tây Bắc. Ngày ấy, khu tự trị Thái Mèo còn hoang sơ, nghèo khó, lắm muỗi mòng, bọ chét và bệnh tật. Những khó khăn gian khổ đã không ngăn được bước chân người nhạc sỹ trẻ, ông đã đặt chân đến các bản làng của vùng Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên, ra cả Tây Trang, cùng ăn, cùng ở với các chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang nơi đèo heo hút gió.
Những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… Tây Bắc như thứ men say níu chân ông. Sau chuyến đi ấy, hai tác phẩm “Chiếc đàn môi” , “Từ trên đỉnh núi” ra đời trong sự yêu mến và thán phục của công chúng và đồng đội. Hai bài hát nổi tiếng ấy đã được phát trên sóng của đài tiếng nói Việt Nam, truyền khắp cả nước và được mang đi biểu diễn ở nước ngoài. “Từ trên đỉnh núi” là một thành công lớn của nhạc sỹ Nguyên Nhung trên bước đường sáng tạo. Âm nhạc và lời ca quyện chặt vào nhau làm nên vẻ đẹp sang trọng cho tác phẩm.

Vượt lên lời hát ru của người mẹ trẻ dân tộc Thái, “Từ trên đỉnh núi” là tiếng lòng tự hào xen lẫn sự biết ơn Đảng, Bác Hồ đã mang lại cuộc sống độc lập, ấm no cho đồng bào các dân tộc thiểu số. “Giờ đây con ơi, con như cành lá mùa xuân. Vươn lên cùng đất nước đang nảy lộc đâm chồi. Kia trông ánh điện như sao trời bừng lên soi bước con trên đường. Đi xây tương lai về trên nước non hùng vĩ…”Lời ca và giai điệu rất trong sáng, dung dị mang âm hưởng dân ca miền núi, hình tượng âm nhạc rất rõ nét. Đoạn mở đầu “ư a ư a nịa mấy nhụa ơi, mẹ sinh con từ trên đỉnh núi..” nghe phảng phất như tiếng khèn lá.
Giai điệu tiếp theo phác lên một bức tranh khoáng đạt với những đỉnh núi, những cành đào nở trong sương lạnh, tiếng vó ngựa tuần tra biên thùy. Và, thấp thoáng giữa không gian hùng vĩ ấy là một nếp nhà sàn nhỏ nép trên sườn núi, một người mẹ trẻ ru con trong gió đại ngàn, đôi mắt dõi theo hình bóng người chồng, người chiến sĩ đang tuần tra nơi biên cương….Thật thanh bình và lãng mạn. Đoạn cao trào, dồn dập: “Giờ đây con ơi, con như cành là mùa xuân, vươn lên cùng đất nước đang nảy lộc đâm chồi”, “Cha con trấn ngự nơi biên thùy, khuya sớm, vui bước trên đường, đôi mắt mênh mông trùm lên nước non hùng vĩ…”. Niềm tin vào ngày mai thật bình dị mà cũng thật mãnh liệt. Đoạn kết khép lại với âm điệu của đoạn ru mở đầu “ư a ứ a nịa mấy nhụa ơi” để lại một chút bâng khuâng
Từ chất liệu dân ca Mèo quen thuộc, tác giả đã tạonên một bài ru con hiện đại có giai điệu dìu dặt, sâu lắng. Những người mẹ vẫn hát bài này mỗi khi cần ru con ngủ. Từ điệu “Khổng mí nhưa” gốc của người Mèo đến “Từ trên đỉnh núi” là bước phát triển với nhiều sáng tạo, để lộ một tài năng sáng tác đặc biệt, tác giả khi ấy mới 27 tuổi. Cùng thời gian này, người nhạc sỹ trẻ tuổi còn có bài “Chiếc đàn môi” cũng rất được người nghe tán thưởng.
Rồi những năm tháng chống Mỹ cứu nước, bộ đội không ai không biết “Bài ca trên cánh võng với ca từ”: “Dừng chân bên suối võng đưa. Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng. Bông hoa rừng thơm ngát, phải đất nước cho ta. Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát…”. “Bài ca trên cánh võng” đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp sáng tác của tác giả sau “Từ trên đỉnh núi”. Bài ca có ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, quý hiếm, giàu hình tượng.
Những đường nét âm nhạc uốn lượn, bổng trầm diễn tả rất sinh động hình ảnh đung đưa của cánh võng. Sau ngày hòa bình, vào những năm đầu của thập kỷ 80, khán giả yêu âm nhạc lại được nghe một bài hát có giai đoạn hết sức ngọt ngào, da diết qua giọng hát qua giọng ca của nghệ sỹ Doãn Tần, đó là bài “Chim yến bay”. Ngoài những bài hát tiêu biểu ở trên, nhạc sỹ Nguyên Nhung còn sáng tác hai bản hợp xướng đặc sắc có tên “Đây Tổ quốc tôi”“Giải phóng”.

Có thể nhận thấy ở Nguyên Nhung tính cách hiền hòa, giản dị, luôn cởi mở, vui vẻ, chân tình với bạn bè. Đặc biệt là tính cách khiêm nhường, vốn dĩ hiếm gặp ở những người có tài, có nhiều tác phẩm được công chúng tán thưởng như ông. Nguyên Nhung thuộc những nhạc sỹ sáng tác không ồ ạt, chạy theo số lượng, mà rất chắt lọc. Lâu lâu ông mới côngbố một tác phẩm, nhưng đều là tác phẩm tinh túy của tài năng, luôn chiếm được cảm tình của người nghe. Sáng tác của ông được tạo ra một cách công phu với những tìm tòi, trăn trở, không dễ kiếm tìm. Cũng vì vậy mà nhạc của Nguyên Nhung kén người thưởng thức.
Và đến giờ phút này, ông đã vĩnh viễn ra đi, an nghỉ chốn suối vàng. Ông về với những đồng nghiệp, những tên tuổi đã làm rạng danh nền âm nhạc Việt Nam: Văn Cao, Đỗ Nhuận… Ông ra đi nhưng tác phẩm sẽ mãi sống trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng.
(Hình ảnh mang tính minh họa)
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 03:46 )  
Bạn đang ở: Trang chủ NHẠC SĨ ĐẠI TÁ NGUYÊN NHUNG