(QBĐT) - Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là bước đi tất yếu trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta đã góp phần cải thiện điều kiện lao động cho người nông dân, đưa năng suất lúa của tỉnh tăng mạnh.
Bước vào vụ thu hoạch lúa đông-xuân năm nay, thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa (Quảng Trạch) đã đầu tư mua máy gặt đập liên hợp phục vụ cho bà con nông dân. Đây được coi là bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp tại một xã điểm của chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Quảng Trạch. Mặc dù mới áp dụng nhưng bước đầu đã cho hiệu quả thấy rõ. Ông Nguyễn Văn Chương, người dân ở thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa cho biết: “Trên mỗi sào ruộng, nếu gặt thủ công chi phí mất 350.000 đồng, nhưng từ lúc có máy chỉ mất có 18.000 đồng, giảm được một nửa chi phí nên dân chúng tôi rất phấn khởi”.
Ở huyện Quảng Ninh, thôn Quảng Xá (xã Tân Ninh) được xem là một trong những địa phương tiên phong trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Với 24 máy cày nhỏ, 1 máy cày lớn, 14 máy làm đất, 1 máy gặt đập liên hoàn, bà con nông dân thôn Quảng Xá đã chuyển dần lao động thủ công sang cơ giới hóa nông nghiệp.
Bằng cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ tư nhân vay vốn để mua máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn xã Tân Ninh đã có hơn 70 máy cơ giới các loại, trong đó có đến 2 máy gặt đập liên hoàn. Nhờ sự thuận lợi của máy móc và nguồn nước tưới chủ động, vụ hè - năm nay, xã Tân Ninh đã đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích lúa lên hơn 300 ha, gấp đôi so với vụ hè-thu năm ngoái.Từ khi có máy gặt đập liên hợp, bà con nông dân thôn Hợp Hòa, xã Quảng hòa (Quảng Trạch) giảm được 50% chi phí so với gặt thủ công.
“Đảng bộ và nhân dân xã Tân Ninh chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2011, tỷ lệ máy móc đang còn ít nhưng sang năm 2012, có chính sách thông thoáng của cấp trên, đặc biệt là sự nhạy bén của địa phương nên chúng tôi đã đưa lượng máy móc vào để dần thay thế cho trâu cày” - ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh khẳng định.
Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất bằng cách hỗ trợ về lãi suất, vốn vay để nông dân mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm đất là một trong những khâu quan trọng và mất khá nhiều công sức của người nông dân, nay được thực hiện bằng cơ giới hóa hơn 80%. Hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp đều có máy cày nên chủ động thời vụ ngay từ khâu làm đất.
Hiện nay, ở những vùng trọng điểm lúa của tỉnh, đàn trâu bò cày kéo đã giảm đáng kể. Trái lại, số máy cày, nhất là máy cày nhỏ tăng nhanh. Ông Hoàng Văn Mịn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Cần phải có cơ chế, chính sách vay vốn cho nông dân với lãi suất ưu đãi, đồng thời lồng ghép với chương trình dự án để hỗ trợ cho bà con nông dân có 1 khoản tiền để mua máy móc.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới liên quan đến thiết kế lại đồng ruộng. Chúng ta phải tiếp tục dồn điền đổi thửa để phù hợp và phát huy hiệu quả công suất của máy móc trong sản xuất nông nghiệp.” Nếu như những vấn đề trên được giải quyết thấu đáo, thì tin rằng chương trình đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, thu nhập trên một đơn vị diện tích. Bà con nông dân sẽ đỡ vất vả và từ đó gắn bó hơn với nghề nông của mình.