Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan (Bìa phải) năm 1969. Ảnh: Tư liệu
Quảng Bình quê ta ơi là bài “tỉnh ca” sừng sững như một đỉnh cao của nền âm nhạc VN mà mỗi khi cất lên thành lời “Nếu ai hỏi vì sao...” ai cũng thấy rạo rực yêu thương và hi vọng. Bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân viết về miền đất lửa Quảng Bình, nhưng ít ai biết âm vang của những “phong trào” trong ca khúc ấy đều là những câu chuyện gắn bó và liên quan tới cuộc đời vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng ấy: ông Nguyễn Tư Thoan.Lần theo câu hát... Gần một năm trời nay, kể từ khi tiếp cận hồ sơ tư liệu cuộc đời ông, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng, từ Hà Nội đến TP.HCM hay ngược xuôi khắp đất Quảng Bình nắng lửa. Ám ảnh trong tôi là những giọt nước mắt của những người tôi gặp mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Tư Thoan. Những giọt nước mắt ấy hình như đủ sức nói lên một điều gì đó về ông. “Có ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt, có nhớ những ngày cơ cực, tối tăm ngày xưa/... Có ai về Rào Nan xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm/Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu/Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây”. Con đập Rào Nan mang lại ấm no cho cả vạn dân Quảng Trạch giữa mưa bom bão đạn kháng chiến ấy có được từ tầm nhìn của ông Nguyễn Tư Thoan. Những làng chiến đấu Cảnh Dương, những Cự Nẫm “xe chưa qua nhà không tiếc”. Rồi “Quảng Bình quê ta ơi! Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son. Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà...” là lời thề vàng đá anh em “trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh giặc” từ câu nói của vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng ác liệt ấy. Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan (bìa trái) và đoàn cán bộ chiến sĩ Quảng Bình ra thăm Bác Hồ - Ảnh tư liệuKhởi nguồn “Quê hương hai giỏi” Nhiều người đã sống chiến đấu ở Quảng Bình những năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vẫn nói rằng những ngày tháng ấy, chính bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan đã truyền được cảm hứng cho nhân dân và cán bộ để vượt lên sự khốc liệt của đạn bom, để Quảng Bình ngày ấy như một biểu tượng của sự can trường, bất khuất nơi địa đầu miền Bắc. Thời chiến có những đặc thù rất riêng, đôi khi chỉ từ một câu chuyện, nếu là người lãnh đạo năng động, thông minh sẽ biết nhân lên thành một phong trào rộng lớn. Quảng Bình những năm tháng ấy cơ cực gian nan đến vậy nhưng lòng dân lại vô cùng hồ hởi,nguồn năng lượng tinh thần ấy đã được vị bí thư động viên, nhân lên thành sức mạnh cụ thể. Nhà báo Quốc Vinh, nguyên là phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Vĩnh Linh-Quảng Bình trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhớ lại: “Ông Thoan là người để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi. Những gì mà tôi hiểu và biết về ông thì đó là một con người quyết đoán, sâu sắc, chu toàn và mưu trí.Ông là người có biệt tài phát hiện và nhân điển hình. Nếu không có ông Thoan thì Quảng Bình không thể có một số phong trào lớn nức tiếng cả nước và có sức cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân ta thời đó, trong đó có phong trào “Hai giỏi”- một phong trào bắt đầu từ sáng kiến của bí thư Nguyễn Tư Thoan”. Tháng 7-1965, Bác Hồ gửi thư khen quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời địa phương vào ngày 14-7-1965, chỉ sau 150 ngày đêm chiến đấu, kể từ khi Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc. Thư khen của Bác viết: “Thân ái gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”...Nhà báo Quốc Vinh, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Bình: “Nếu không có ông Nguyễn Tư Thoan, phong trào Quảng Bình những năm đó có thể sẽ không được như từng có” - Ảnh: LAM GIANGHuyền thoại “Quảng Bình quật khởi” Những câu chuyện về sự quyết đoán của ông Thoan không phải chỉ từ khi Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Hằng năm Quảng Bình vẫn kỷ niệm một ngày truyền thống rất riêng là ngày “Quảng Bình quật khởi” vào 15-7-1949. Khởi phát của “Quảng Bình quật khởi” lại ở vào thời điểm gian khó nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà báo Nguyễn Sinh, cũng là phóng viên thường trú báo Nhân Dân ở Quảng Bình những năm đánh Mỹ, khi nhắc đến sự kiện này đã cung cấp một tư liệu rất thú vị: Năm 1948, ông Thoan làm bí thư Huyện ủy Quảng Ninh. Là huyện lớn, nằm bao quanh thị xã Đồng Hới, lúc đó đang bị quân Pháp đánh phá dữ dội. Nguyễn Tư Thoan tự mình tìm hiểu tình hình bằng cách luồn sâu vào các thôn xã bị địch tạm chiếm. Ông thấy tình hình trong huyện quả thật hết sức khó khăn. Nhưng khó khăn không phải do địch quá mạnh hay nhân dân giảm sút lòng tin ở kháng chiến mà chính là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút tinh thần, bỏ đất, bỏ dân, chạy tuốt lên chiến khu tận chân núi Trường Sơn. Trong một cuộc họp huyện ủy có bí thư tỉnh ủy về dự, ông nói thẳng suy nghĩ của mình và đề xuất một sáng kiến táo bạo: đốt chiến khu. Đốt sạch lán trại, hầm hào, vật nuôi, cây trồng..., cho cán bộ, đảng viên và một số đơn vị bộ đội địa phương “xuống núi” bám đất, bám dân. Đề nghị của ông được hội nghị chấp nhận và ghi vào nghị quyết của huyện ủy. Cuộc “đốt chiến khu” bắt đầu từ đêm 15 tháng 7-1949 trở thành ngày “Quảng Bình quật khởi”, được ghi vào lịch sử của tỉnh. Tình hình huyện Quảng Ninh từ đó thay đổi hẳn. Lòng dân phấn chấn hơn... Năm 1952 ông Nguyễn Tư Thoan trở thành tỉnh ủy viên, được bầu làm chủ tịnh Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh. Từ năm 1959 ông là bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Mười năm hòa bình sau kháng Pháp và mười năm kháng chiến chống Mỹ, dấu ấn Nguyễn Tư Thoan vẫn sâu đậm cho đến tận hôm nay, không chỉ vẻ đẹp của người chỉ huy giữa đạn bom ác liệt mà trong từng dòng nước bờ kênh tưới tắm cho đồng ruộng Quảng Bình.
1- Hồi ức của một bí thư tỉnh ủy: Bản lĩnh người đứng đầu
TT - Nhà báo Nguyễn Sinh kể rằng sức thuyết phục lớn nhất của ông Thoan chính là ý thức về người đứng đầu. Một lần cùng đi công tác với ông Thoan ra đường 22 - đoạn đường tránh vùng đèo Ngang - thì gặp đoạn đường vừa bị máy bay ném bom gây tắc.
Ngay lập tức ông Thoan nhảy xuống xe, cầm xẻng xúc bẩy đất đá lấy lối cho xe qua. Thấy bí thư tỉnh ủy làm thế, mọi người trên các xe khác đều nhào xuống cùng lao vào dọn dẹp, chỉ một lúc thì thông xe.Thắp đèn để... không sợ máy bay!
Gần như ở bất cứ điểm nóng nào của chiến trường Quảng Bình ông đều có mặt, hình ảnh ông bí thư tỉnh ủy có mặt giữa nơi bom rơi đạn nổ có sức động viên và thuyết phục hơn ngàn vạn lời nói. Câu chuyện ông Thoan về xã CD vẫn được nhắc lại như một điển hình.
Xã CD nằm bên cầu Roòn bắc qua sông Roòn, trên quốc lộ 1A - là tuyến đường độc đạo từ Bắc vào Nam. Thời đó máy bay Mỹ đánh phá khốc liệt suốt ngày đêm hòng cắt đứt tuyến đường vận chuyển hàng hóa và huyết mạch đi lại từ Hà Nội vào Vĩnh Linh. Làng xóm bị bom từ máy bay và pháo các cỡ từ hạm đội 7 của Mỹ bắn phá tan nát cả. Phong trào ở địa phương này có lúc đã chùng xuống. Khi nghe được tin này ông Thoan rất lo lắng. Giữa bom đạn tơi bời như vậy nhưng ông lập tức vượt gần 60 cây số từ Đồng Hới ra xã và triệu tập một cuộc họp Đảng vào ban đêm, ngay giữa đình làng.
Ông yêu cầu tất cả đảng viên khi đến họp mỗi người phải mang theo một cây đèn (thời đó chủ yếu là đèn dầu hỏa - PV). Khi mọi người tới, ông bảo tất cả thắp đèn lên cho sáng. Ai nghe thế cũng hoảng, sợ máy bay Mỹ thấy ánh sáng lại đánh phá vào làng.
Ông Thoan nói lớn: “Nếu máy bay có thấy đèn mà ném bom thì chết ta cùng chết với nhau, sống ta cùng sống với nhau không phải lo sợ chi hết! CD là làng chống Pháp nổi tiếng, nếu CD vì sợ ác liệt mà chạy lui thì cả tỉnh này cũng chạy, vậy biết trông cậy vào ai mà đánh giặc?”.
Khi các đảng viên đã yên vị (dù nhiều người vẫn hơi run vì phải để đèn sáng), sau khi thông báo tình hình, nhiệm vụ, ông Thoan kết luận: “Máy bay ở trên trời, còn mình ở dưới đất, cứ đào hào cho sâu, làm cột kèo chống hầm cho chắc mà ẩn nấp để đánh lại nó, nó không thể nhòm ngó mình cả ngày cả đêm được. Tỉnh ủy yêu cầu tất cả đảng viên phải ở lại làng chiến đấu, giữ đất của mình”.
“Các đồng chí đã run mà tui cũng run thì mần răng?”
Ông Phan Văn Khuyến còn kể cho chúng tôi một câu chuyện thú vị khác về sự dũng cảm quyết đoán của ông Thoan, đấy là trong một chuyến đi công tác ban đêm qua sông Gianh. Khi đoàn vừa tới bến phà Gianh thì máy bay Mỹ bắn pháo sáng rực cả một khúc sông rộng lớn. Mọi người trong đoàn thấy vậy ai cũng hoảng sợ.
Ông Thoan đi xuống mép sông, bước lên một con đò nhỏ, tự tay cầm chèo rồi hô mọi người xuống để qua sông. Dù sợ, nhưng mọi người thấy đích thân bí thư tỉnh ủy cầm chèo đưa mình đi thì ai cũng ngại nên líu ríu lên đò. Ra giữa sông Gianh, trong ánh sáng ma quái của pháo sáng, chiếc đò chỉ như một chiếc lá tre mong manh giữa bốn bề nước chảy. Chỉ cần một trái bom tạ nổ cách cả trăm mét cũng đủ nhận chìm đò chứ nói gì đến chuyện chèo mà chạy kịp để trốn máy bay.
Đò ra đến giữa sông, đoạn mà nỗi lo lắng của mọi người dâng lên cao nhất, ông Thoan tay vẫn chèo nhịp nhàng, miệng thì hò dô, hò dô để giữ an lòng cho mọi người. Vậy là đoàn qua sông được trót lọt và an toàn. Sau mỗi lần có một hoàn cảnh như vậy xảy ra, bao giờ ông Thoan cũng tìm cách để nói chuyện với mọi người như rút ra một bài học. Vượt qua sông Gianh, ông nói với mọi người: “Tôi cũng sợ chết như các đồng chí, tôi cũng có vợ có con, thân thể tôi cũng là thịt xương chớ phải mình đồng da sắt gì đâu mà không sợ bom đạn. Chỉ khác các đồng chí ở chỗ tôi là bí thư nên tôi phải hết sợ hết run để các anh nhìn vào mà hết sợ hết run. Chứ các đồng chí đã run mà tôi cũng run thì mần răng được nữa?”.Quyết định viết trên... “xắc cốt”
Đã tròn 45 năm trôi qua rồi nhưng ông Hoàng Hữu Thanh, nguyên bí thư đảng ủy Trường Sư phạm cấp I Quảng Bình, vẫn nhớ tới cái quyết định liên quan đến sinh mệnh hàng trăm thầy trò của nhà trường vào năm 1967 do chính bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan ký. Giai đoạn đó chiến tranh đang cao trào ác liệt, hai trường sư phạm cấp I và cấp II của tỉnh được thông báo phải sơ tán từ Quảng Bình ra huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).
Kế hoạch do trưởng ty công an - chủ nhiệm phòng không của tỉnh ký, hàng trăm giáo viên và giáo sinh của hai trường sẽ rời Quảng Bình và cố gắng vượt ngã ba Đồng Lộc vào ngày lễ Giáng sinh (25-12) để tranh thủ lúc máy bay ngừng bắn. Mỗi trường đều có một đội tự vệ đi sau, chở theo 40 chiếc quan tài cùng vải liệm để đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Lệnh vừa phát ra, cán bộ giáo viên đều hớt hải bán tống bán tháo tất cả đồ đạc, heo gà tăng gia được để ra vùng sơ tán, nhiều giáo sinh không về kịp với gia đình khóc như mưa. Không khí nhà trường như có đám tang.
Trước tình hình đó, ông Thanh, với tư cách bí thư đảng ủy nhà trường, đã triệu tập họp thường vụ và ông phân tích: “Trường sư phạm đóng ở làng Cây Lim, là vùng núi, xa trọng điểm đánh phá của máy bay địch, không phải nơi tử địa. Nếu giáo sinh học xong, ra trường về đi dạy cũng phải dạy trong hoàn cảnh bom rơi đạn nổ, nên để giáo sinh tôi luyện trong chiến tranh để sau này đi dạy cũng biết cách mà hướng dẫn học sinh trú ẩn khi máy bay đánh phá. Học sinh Quảng Bình chịu được, nhân dân Quảng Bình chịu được, sao giáo sinh trường sư phạm lại phải rời đi?”.
Những phân tích của ông Thanh được mọi người tán đồng, tuy nhiên khi ông đến gặp thường vụ tỉnh ủy để xin cho trường ở lại thì tất cả đều nói không thể làm trái quyết định, trường muốn ở lại phải xin ý kiến của ông Nguyễn Tư Thoan. Ông Thanh biết ông Thoan đang công tác ở Lệ Thủy, tìm vào gặp thì ông Thoan đã ra Quảng Trạch, quay ra Quảng Trạch thì ông Thoan vừa đi Minh Hóa.
Ông Thanh vẫn kiên trì đón cho được ông Thoan, sau khi nghe ông Thanh trình bày, ông Thoan nói với ông Thanh: “Tại sao ban cán sự Đảng, Đoàn không thấy vấn đề này hè? Thôi anh đưa quyết định đây!”. Nói xong ông kê tờ quyết định lên “xắc cốt” (một loại túi xách dành cho cán bộ thời đó - PV) viết: “Để có thực tiễn trong chiến tranh, giáo viên được hoàn chỉnh tại nơi đào tạo, thường vụ tỉnh ủy quyết định hai trường sư phạm không sơ tán ra Đông Triều nữa - Ngày 15-12-1967 - Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan”.
Ông Hoàng Hữu Thanh nhớ như in câu chuyện này bởi với cái quyết định viết trên “xắc cốt” ấy, khi ông về lại trường thông báo tin này, vì quá vui sướng có anh giáo viên trẻ đã nhấc bổng ông rồi vác lên vai chạy vòng quanh sân trường. Thầy và trò của cả hai trường sư phạm đã được ở lại bám trụ cùng quê hương, được tôi luyện qua thử thách, cơ sở của trường ở Cây Lim vẫn an toàn.
Tôi cảm nhận ở anh Thoan là một cán bộ chủ chốt của tỉnh có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, tác phong sâu sát, xông pha, dũng cảm, nhạy bén, chủ động cùng thường vụ tỉnh ủy kịp thời giải quyết trước những tình huống phức tạp, khó khăn.
Tháng 8-1954, sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trong 10 năm hòa bình xây dựng (8-1954 đến 1964) anh Thoan với cương vị chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy đã cùng tập thể ban chấp hành đem hết tâm sức khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh Thoan là một cán bộ chủ chốt dũng cảm, xông pha, sâu sát cơ sở, những lúc khó khăn, những nơi nguy hiểm anh kịp thời đến tận nơi trao đổi, giúp đỡ, đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo.
TRẦN SỰ (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)2- Nhân chứng "rào nan"
TT - Trong rất nhiều công trình mang đậm dấu ấn của bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, đập thủy lợi Rào Nan như là một điển hình của tấm lòng lo cho dân và tầm nhìn, sự quyết đoán của người lãnh đạo. Chúng tôi ngược đường 12 từ ngã ba Ba Đồn rồi rẽ sang 9 xã vùng nam Quảng Trạch.
Công trình để đời cho dân
Ông Phan Văn Khuyến - nguyên phó tổng biên tập báo Quảng Bình trong những năm chiến tranh, dân của làng Thọ Linh, nơi có con đập Rào Nan được xây dựng - là một nhân chứng của vùng đất này trước và sau khi có đập. Căn bệnh tim và tuổi già đã khiến ông Khuyến yếu đi nhiều, nhưng khi ngồi cùng chúng tôi, nhắc lại chuyện xây đập Rào Nan, dường như sự phấn chấn khiến ông như đang ở giữa công trường đập Rào Nan của hơn 40 năm trước:
Cả một vùng 9 xã nam Quảng Trạch có 7 vạn dân với 2.000ha ruộng mà cứ mùa hè là bị bao vây bởi nước mặn từ biển dâng lên. Muốn có nước ngọt tưới cho đồng ruộng chỉ có cách đắp đập chặn sự xâm nhập của nước mặn rồi bơm nguồn nước ngọt phía thượng nguồn cho lúa. Nhưng bom đạn như thế sống đã khó nói chi chuyện đắp đê dựng đập! Vậy mà cuối năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Bình họp và nhận định Quảng Trạch dân đông, đất rộng mà không tự túc được lương thực chỉ vì thiếu nước là không chấp nhận được.
Quyết định xây đập Rào Nan, cấp nguồn nước tưới cho hàng ngàn hecta đồng ruộng Quảng Trạch giữa lúc cuộc kháng chiến đang hồi quyết liệt, không ít ý kiến bàn ra bàn vào, một lần nữa sự quyết đoán và bản lĩnh của bí thư Nguyễn Tư Thoan đã thuyết phục được mọi người: “Không thể cứ để trung ương chi viện mãi được, vũ khí, trang phục không lo được đã đành, còn lương thực để ăn hằng ngày mà cũng không tự lo được là một nỗi nhục!”.
Thời đó cũng có một đoàn chuyên gia của nước bạn Hungary lên khảo sát nhưng với mục đích để làm đập thủy lợi kiêm thủy điện - ông Phan Văn Khuyến nhớ lại - Đoàn này chọn vị trí làm đập ở khu vực Đồng Đâu. Nhưng muốn làm đập thủy lợi kiêm thủy điện phải có luận chứng, có thiết kế khoa học và phải có thời gian dài mới thi công được. Không thể chờ đợi như thế, ông Thoan quyết định ngay: Trong khi dân ta đang cần gạo ăn thì phải làm nhanh làm gọn đập thủy lợi đã, thủy điện làm sau.
Qua nhiều lần lặn lội xem đất, xem sông, ông Thoan đã nhắm được vị trí tốt nhất để làm đập thủy lợi Rào Nan. Sau đó ông Thoan triệu tập một hội nghị cốt cán toàn tỉnh tại nhà hầm của huyện ủy Quảng Trạch, tại hội nghị này ông trình bày phương án dự kiến về làm đập Rào Nan của tỉnh ủy, lấy nước tưới cho đồng ruộng vùng nam huyện Quảng Trạch và phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trong hội nghị có người cho rằng muốn làm đập thủy lợi như thế thì phải mời người ở Bộ Thủy lợi vào khảo sát lưu lượng dòng chảy, các tầng đất làm nền móng rồi mới thiết kế chứ không làm theo chủ quan được.
Ông Phan Văn Khuyến nhớ như in: “Nghe mọi người nói thế, ông Thoan thuyết phục ngay: ta không còn thời gian nữa. Cuộc kháng chiến chưa biết kéo dài đến bao lâu, nếu không tìm cách giải quyết lương thực tại chỗ theo tinh thần của trung ương thì chưa chết vì bom đạn đã phải chết đói rồi”.
Sau đó ông Thoan quyết định làm đập thủy lợi Rào Nan bằng cách làm rọ thép, xếp đá vào và đổ xuống để ngăn sông Rào Nan ở đoạn sông hẹp nhất tại thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn. Cứ năm bảy hôm là ông Thoan lên công trường một lần (Rào Nan cách Đồng Hới hơn 60km). Trên công trường, ông đã cách chức tại chỗ ba người do làm việc lơ mơ, chỉ huy không sát thực tế, đơn vị không đạt tiến độ.
Sau gần một năm thi công, đến giữa năm 1969 con đập lớn bằng rọ đá dài hơn 110m, cao 6m tính từ đáy sông, chân đập rộng hơn 30m đã hình thành và vĩnh viễn ngăn ngang dòng nước mặn từ biển thấm lên. Con đập này đã làm nước sông Rào Nan đoạn phía trên đập dâng cao hơn trước đó 0,3m khi triều cường lên cao nhất và cao hơn 1,5m khi nước ròng. Nước mặn từ nay không thể xâm nhập lên thượng nguồn. Có nguồn nước ngọt từ Rào Nan về đồng ruộng, đất đai khô cằn ngàn đời trước của chín xã vùng Nam huyện Quảng Trạch là Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Thủy, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Tân và Quảng Minh từ đó thay đổi hẳn.
Hình ảnh đọng mãi trong ký ức ông Khuyến là ngày hoàn tất công trình, khi tám chiếc máy bơm nổ giòn giã đưa dòng nước mát theo kênh mương chảy về đồng ruộng, những người dân vục tay xuống dòng nước mát mà khóc. Bầy trẻ con ào xuống kênh, xô đẩy tạt nước reo hò. Có nguồn nước ngọt, cây lúa thêm vụ, củ khoai thêm mùa, giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh, điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho người dân Quảng Bình bền gan với cuộc kháng chiến.Dân xin được lập miếu thờ...
Từ con đập Rào Nan, hàng loạt công trình thủy lợi khác đã mọc lên trên đất lửa Quảng Bình giữa những năm tháng mưa bom bão đạn ấy như đập Tiên Lang, Vực Tròn của Quảng Trạch, đập Vực Nồi của Bố Trạch, đập Mỹ Trung ở phá Hạc Hải... do ông Thoan khởi xướng và chỉ đạo đã mang lại sức sống mới cho đồng ruộng Quảng Bình quanh năm khô hạn.
Chính nhà báo Phan Văn Khuyến cũng đã cảm khái: “Ông Nguyễn Tư Thoan về cuối đời cũng như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, ông ra đi chẳng để lại tài sản riêng tư đáng giá nào, chỉ để lại trên mảnh đất khô cằn này những công trình thủy lợi cho dân thoát đói thoát nghèo. Từ đó quê hương Quảng Bình đi vào công cuộc đổi mới có điều kiện vượt lên, tiến những bước vững vàng”.
Trên đường từ Rào Nan về qua xã Quảng Hòa, chúng tôi ghé thăm nhà văn Hoàng Bình Trọng. Cũng thật ngẫu nhiên, thời chiến tranh ông Trọng làm việc ở Vĩnh Phú nên hiểu khá rõ về ông bí thư Kim Ngọc, khi ông về quê, những câu chuyện của bí thư Nguyễn Tư Thoan lại gợi lên trong ông những day dứt. Bên ấm trà giữa trưa, câu chuyện giữa chúng tôi và nhà văn phải dừng lại nhiều lần bởi nhắc đến ông Thoan, ông Trọng lại nén tiếng nấc nghẹn ngào... Và không chỉ nhà văn Hoàng Bình Trọng, có một lớp người đã vào sinh ra tử, đội bom đội đạn trong chiến tranh cũng day dứt nghẹn ngào như thế khi nhắc đến công lao của ông Nguyễn Tư Thoan.
Với niềm biết ơn sâu sắc ấy với bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan nên hội cán bộ hưu trí cơ quan Đảng khu vực Nam Quảng Trạch đã có tờ trình xin làm nhà bia tưởng niệm, ghi nhớ công ơn ông Nguyễn Tư Thoan với chữ ký của nhiều bậc lão thành cách mạng, trong đó có người như cụ Nguyễn Thanh, 99 tuổi vẫn ghi những nét chữ gân guốc vào đơn đề nghị xây miếu thờ tưởng nhớ người bí thư tỉnh ủy hết lòng lo cho dân.
Ngôi miếu thờ ấy, nếu được cấp trên đồng ý, sẽ được người dân Quảng Trạch góp cát góp đá và dựng ngay đầu nguồn con đập Rào Nan. Nhưng cho dù chưa xây nên miếu thờ thì trong lòng người dân nơi đây, ông Thoan đã được lập miếu thờ.LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG