Rời kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đến đất Minh Hóa (Quảng Bình) triển khai phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Khi phong trào thất bại, vua bị bắt,...
Rời kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đến đất Minh Hóa (Quảng Bình) triển khai phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Khi phong trào thất bại, vua bị bắt, nhưng những câu chuyện cùng với kho báu của vua vẫn được người dân lưu truyền.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu ghi lại, giữa tháng 10 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng triều đình từ đồn Sơn Phòng, tỉnh Hà Tĩnh di giá về Cơ Sa - Kim Linh, huyện Minh Hóa bây giờ. Vua và quan quân triều đình ngự giá đầu tiên ở xóm Sạt (nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt) ba ngày ba đêm. Tại đây, vua phong cho ông Đinh Văn Nguyên làm chức Các Lộ Chiến cùng với đội nghĩa quân người Nguồn của mình canh gác, bảo vệ nhà vua. Sau đó, vua di giá về xóm Đồng Nguyên (thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) một đêm rồi về lại xóm Lim (thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa) ở 8 ngày đêm.
Vua Hàm Nghi. Ảnh tư liệu.
Ông Đinh Sâm, 81 tuổi ở làng Ba Nương kể, trong những ngày ở xóm Lim, vua Hàm Nghi phong cho ông Đinh Văn Xán chức Bang Tá, lập văn phòng tiếp nhận chỉ dụ của vua gửi đi và tiếp nhận biếu tấu các nơi gửi đến. Với tinh thần trung quân, ái quốc, nhiều người Nguồn ở Ba Nương và các nơi đã chặt cây vàng lô (một loại cây có nhiều gai) rào xung quanh khu vực vua ở nhiều lớp, tạo nên một làng chiến đấu vững chắc, bảo vệ nhà vua cùng quan quân triều đình.
Ngày thứ tám ở xóm Lim, vua nhận được tin báo thực dân Pháp đang truy đuổi sắp đến xóm Trèng (thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc). Thấy tình thế ở đây không an toàn, ngay đêm đó, vua cùng quan quân triều đình chia làm ba đoàn hành quân thần tốc vào Ma Rai, xã Hóa Sơn, trên ba con đường. Đoàn phò vua chủ yếu là nghĩa quân người Nguồn do ông Bang Tá Đinh Văn Xán điều hành thay phiên nhau cõng nhà vua đi bằng con đường gần nhất là từ xã Xuân Hóa qua xã Hóa Hợp theo đường Pặn Chuối, dốc Ải rồi qua eo Lập Cập vào Ma Rai, xã Hóa Sơn.
Qua eo Lập Cập, vua lệnh cho một bộ phận ở lại do ông Đinh Văn Nguyên chỉ huy canh gác tại đây và eo Chò. Bộ phận này là một đội quân tinh nhuệ chủ yếu là người Nguồn, được trang bị nỏ và tên độc. Đoàn quân thứ hai do đô đốc Tả quan Trần Soạn hành quân vào xóm Dò - Sy Thượng (xã Hồng Hóa) về ngã ba Khe Ve. Đoàn thứ ba là đoàn nghi binh do Tôn Thất Thuyết chỉ huy. Trong đoàn này có ông Nguyễn Văn Nhuận, người từng dạy học cho vua đóng giả vua Hàm Nghi.
Vị "vua" này được cải trang như thật với áo ngự bào, đội vương miện, ngồi trên võng vàng và được 4 binh lính khiêng bằng đòn rồng. Ngoài ra, đoàn quân hộ giá của "vua" có cả voi, ngựa và một đoàn dân phu người Nguồn đi theo khiêng vác rương, hòm đựng châu báu và đồ dùng của vua đi từ Ba Nương ra Quy Đạt xuống Tân Lý rồi dừng lại ở thác Dài (xã Trung Hóa). Hôm sau, quân Pháp từ Quy Đạt kéo vào Ba Nương để bắt vua nhưng không gặp. Chúng chia ra hai cánh quân để truy kích nhà vua. Cánh thứ nhất đi theo đường cái đến thác Dài. Thấy quân Pháp đến, "vua" liền ngồi lên võng cho 4 lính khiêng chạy. Đến cửa Rục Mòn thì "vua" xuống võng cho lính cõng chạy được một quãng đường rồi bị bắt.
Một cánh quân thứ hai do Đại úy Huygo chỉ huy bắt ông Lý Bài (lý trưởng làng Ba Nương) đi trước dẫn đường đến eo Lập Cập. Đến đây, ông Lý Bài không chịu đi trước vì sợ quân ông Tác Bình (một người Nguồn bắn nỏ rất giỏi) bắn tên độc. Do đó, Huygo lệnh cho trung đội quân Pháp giương súng xông lên. Nhưng tất cả tên lính bước qua "yếu hầu" Lập Cập đều bị tên độc bắn trúng. Trong cuộc chiến đấu đó, quân Pháp bị chết và bị thương hơn một nửa.
Eo Lập Cập được xem như là cửa tử của quân Pháp khi tiến vào xã Hóa Sơn.
Tức điên, Huygo bắt ông Lý Bài phải xông lên, nhưng ông một lòng trung quân, ái quốc. Huygo đã giương súng bắn chết ông Lý Bài ngay tại chỗ rồi liều mạng xông lên. Ngay lập tức, tên đại úy này đã bị trúng hai phát tên độc của quân ông Tác Bình. Bị thương nặng, Huygo đành ra lệnh cho quân rút khỏi eo Lập Cập chạy về Bãi Đức. Tập trung quân lại, Pháp mới biết ông "vua" bị bắt chính là thầy dạy học của vua Hàm Nghi, liền thả cho "vua" giả về quê với gia đình.
Những tháng năm ở Ma Rai, vua Hàm Nghi và quan quân triều đình được dân làng nhường nhà cửa, vườn nương cho vua làm việc, xây dựng căn cứ. Người dân Hóa Sơn đã chặt cây vàng lô rào làng chiến đấu, bảo vệ nhà vua. Vua cùng với triều đình xây dựng trận địa kháng chiến chống Pháp, phát triển phong trào Cần Vương trên đất Cơ Sa - Kim Linh và những vùng lân cận. Các căn cứ địa được vua xây dựng vững chắc tạo nên thế trận chiến đấu liên hoàn. Nghĩa quân các căn cứ địa này đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều quân Pháp, bảo vệ vua Hàm Nghi cho đến khi ông bị bắt sau hơn ba năm ở trên đất Minh Hóa.
Trước khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã cho đem vàng bạc châu báu đi giấu vào một thân cây cổ thụ tại vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau. Nhiều người cao tuổi ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, kể lại trong một trận lũ lớn tháng 8/1956, có cô gái tên Qúy đi xúc cá đã phát hiện ra nhiều tấm kim loại màu vàng trên bãi đất bồi bên vực Trẩy, khe Dương Cau, xã Hóa Sơn.
Sau đó, cô gái này về báo lại với gia đình và nhiều người trong thôn đã đến xem, cho rằng toàn bộ số kim loại đó là vàng của vua Hàm Nghi. Thông tin này đã nhanh chóng đến được với chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Lúc đó, xã Hóa Sơn đã chỉ đạo cho lực lượng dân quân, công an bảo vệ rồi thu gom vàng. Tổng cộng số vàng thu được là 240 kg, bỏ đầy 5 cái nong phơi lúa. Đó là những tấm vàng có hình chữ "Đại". Vàng được gom về tập kết tại sân nhà ông Phát gần đó rồi đem giao nộp cho Nhà nước.
Tuy nhiên, trước khi thu gom, có nhiều người dân đã lấy đi một số vàng đem về làm đồ dùng trong nhà như những thứ sắt, thép khác chứ họ không quan tâm đến giá trị của vàng. Nhiều người còn nói, cô gái tên Qúy đã lấy đi một lượng vàng khá lớn rồi đi vào miền Nam sinh sống đến nay vẫn chưa về.
Vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau ngày xưa có cây Pằn Nàng là nơi vua Hàm Nghi cất giấu vàng.
Bà Đinh Thị Bình, 78 tuổi ở thôn Đặng Hóa kể lại: “Hồi đó, bên cạnh vực Trẩy có một cây Pằn Nàng rất lớn, nhưng trong thân lại bị rỗng. Sau trận lụt lớn, cây này bị đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Khi lũ rút đi để lại rất nhiều vàng. Chính tôi đã nhặt được 5 chữ vàng rồi đem giao nộp và được cấp trên thưởng cho một bộ quần áo mới. Còn xã được thưởng ba con lợn với rất nhiều lúa gạo để ăn mừng”. Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng, có thể vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây Pằn Nàng đại thụ này.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có còn kho báu nào của vua Hàm Nghi nữa không? Điều này cũng rất khó trả lời chính xác. Thế nhưng, gần 30 năm qua, ông Nguyễn Hồng Công, một người từ TP HCM đã tiêu tốn biết bao công sức, tiền của để tìm kho báu với một tấm bản đồ không biết thực hư. Và trong suốt thời gian dài đó, ông đã nằm gai nếm mật trên núi Mã Cú, xã Hóa Sơn để tìm vàng. Nhưng đến nay, sức cùng lực kiệt ông vẫn không tìm thấy kho báu nào. Dù trước đó, ông từng hai lần tuyên bố tìm thấy kho vàng của vua Hàm Nghi.
Ông Đinh Tiến Hùng, một người cao tuổi ở thị trấn Quy Đạt, đã có nhiều công trình nghiên cứu về vua Hàm Nghi nhận định: “Chẳng còn kho báu nào của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn nữa cả. Tôi cho rằng, bản đồ mà ông Nguyễn Hồng Công đang cầm đúng là bản đồ thật, được vẽ ngay tại thời điểm cất giấu vàng. Nhưng bản đồ này chỉ là chiêu bài đánh lừa hậu thế và giặc Pháp của nhà vua”.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã vào cuộc nghiên cứu và kết luận ở khu vực ông Công đào vàng trên núi Mã Cú không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó bị xáo trộn như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó chỉ toàn là mạch đất nguyên sinh. Một số ý kiến khác lý giải thêm trong lúc đang bị giặc Pháp truy đuổi ráo riết như thế, vua và quan quân không đủ thời gian, điều kiện để đào cả ngọn núi chôn vàng. Trong cuộc hành trình của nhà vua từ Huế ra toàn đi bí mật ở địa hình rừng núi hiểm trở nên không cho phép mang vác cả một khối lượng của cải nặng đi theo nên chuyện mang cả kho báu là điều không thể.
Và trong thời khắc “dầu sôi lửa bỏng” như thế, có lẽ vua đã nghĩ nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất và quyết định chọn gốc cây Pằn Nàng để giấu hết toàn bộ số vàng.Theo báo Quảng Bình