Ở làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, một cặp vợ chồng sinh 10 con là bình thường, còn 7-8 đứa thì không tài nào đếm xuể.
Làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) như một ốc đảo nằm giữa bốn bề sông nước của dòng sông Gianh nhưng lại đang giữ kỷ lục về "siêu đẻ".
Ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết, phổ biến gia đình ở đây sinh 7 - 8 người con, nhưng cũng có nhiều gia đình sinh tới 10 đứa. Theo ông Cương, căn nguyên của chuyện sinh nhiều là do người làng này làm nghề đi biển, họ muốn sinh cho đủ "quân" đi tàu…
Ở làng Cồn Sẽ đi đâu cũng gặp trẻ con.Đang giữ kỷ lục về sự "đẻ nhiều" của làng Cồn Sẻ là gia đình ông Nguyễn Độ với 14 người con. Ông Độ năm nay 55 tuổi, nhưng con trai lớn đã 36 tuổi và cô con út thì mới 10 tuổi. Hiện gia đình ông Độ đã có 3 người con ra ở riêng, nhưng trong ngôi nhà chừng 30 m2 của ông vẫn còn lại khoảng 17 người cả con và cháu.
Hỏi ông Độ vì sao đẻ nhiều, ông hồn nhiên: "Nhà tui có 8 đứa con trai, thêm 4 đứa con rể nữa là đủ cho đội tàu đi biển, khỏi thuê người ngoài". Nhưng bà Hoàng Thị Hường, vợ ông, thì thở ra: "Chừng ấy con cháu, chỉ việc đi chợ lo đủ bữa ăn hàng ngày đã đứt hơi rồi chứ đừng nói đến việc kiếm tiền để nuôi chúng...".
Chuyện của ông Độ có thể giải thích là do hoàn cảnh “lịch sử” để lại. Nhưng ở làng Cồn Sẻ thì không như vậy, bằng chứng là hiện nay ở làng nhiều người mới 30 tuổi mà đã có 4-5 mặt con.
Chị Phạm Thị Nhi ở đội 1 mới 37 tuổi đã có 10 đứa con. Đang bữa ăn trưa nhưng nhìn quanh chỉ có vợ chồng chị và con. Anh Nguyễn Trà, chồng chị, cười: "Mỗi đứa một tô rồi bưng chạy, ít khi cả nhà cùng ngồi ăn. Đông như ri có chỗ mô ngồi đủ". Cưới nhau từ năm 1992, sau đó một năm thì sinh con đầu. Đến giờ họ đã có 10 đứa con, đứa lớn 19 tuổi sắp lấy chồng, đứa thứ 10 mới 5 tháng tuổi.
Anh Phạm Văn Chung, cán bộ y tế thôn Cồn Sẻ cho biết, làng có 650 hộ, nhưng lại có trên 3.000 nhân khẩu. Riêng số trẻ em từ 0 đến 5 tuổi đã có trên 500 em. Học sinh tiểu học ở làng cũng chiếm trên 50% của xã (xã Quảng Lộc có 7 thôn) với 412 em nhưng lên đến cấp 3 chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Theo anh Chung, hầu hết trẻ trong làng học xong lớp 6 là nghỉ. Đám con trai 14 - 15 tuổi đã lên tàu đi biển, con gái thì ở nhà đan lưới, đến tuổi thì lấy chồng. Anh Chung trầm ngâm: "Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con sẽ có người đi biển, sau này sẽ sướng".
Như trường hợp của chị Phạm Thị Nhi. Trong 10 đứa con của chị thì cô con gái đầu chỉ học đến lớp 4, cậu con trai nghỉ học từ lớp 5 và đi biển lúc 12 tuổi. "Mỗi năm nó đi biển được trả công hơn 15 triệu đồng. Người ta khỏe mạnh thì làm việc nặng, nó còn nhỏ nên chỉ làm việc nhẹ như gỡ cá, vá lưới, nấu ăn. Rứa có hơn đi học không", chị Nhi so sánh.
Một lãnh đạo của xã Quảng Lộc cho biết, trình độ dân trí của làng Cồn Sẻ rất thấp, nhiều người mù chữ, khi lên ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên. Có lẽ một phần vì đẻ nhiều mà cuộc sống người dân ở đây còn chìm trong mịt mùng…
Trưởng thôn Nguyễn Cương chia sẻ thêm, không chỉ thất học, thiếu ăn, hệ lụy đầu tiên của việc đẻ nhiều mà làng Cồn Sẻ phải gánh chịu là thiếu đất ở trầm trọng. Cả làng trên 650 hộ dân mà chỉ có vỏn vẹn 6ha đất ở. Là làng nhưng nhà cửa ở Cồn Sẻ san sát, chật chội còn hơn ở thành phố. Không có đất ở, có đến 200 hộ dân đã “liều mạng” ra ngoài đê sông Gianh làm nhà để ở.(Theo Dân Việt)