SGTT.VN - Roi đánh vào, cơ thể chỉ đau vài ngày rồi hết. Nhưng, một lời nói nặng có thể làm tổn thương tâm hồn cả chục năm. Bạo lực tinh thần còn nguy hiểm gấp nhiều lần so với bạo hành thể xác.
Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người thất nghiệp, cuộc sống bế tắc, họ chỉ còn cách đay nghiến, đổ lỗi cho nhau. Một ánh nhìn, cử chỉ bất cần, lời nói thô thiển cũng là vũ khí làm tổn thương tâm hồn người khác. Nhưng, mấy ai nhận thức được, một khi bạo lực tinh thần xảy ra liên tục, nặng nề, thì cả hai phía đều là nạn nhân. Sự tổn thương quá nặng có thể khiến con người mất đi sự kiểm soát bản thân, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Lằn roi vô hình
Sau một năm cố gắng hàn gắn tình cảm, cuối cùng thì cặp vợ chồng Minh Thái – Hoàng Oanh cũng đưa nhau ra toà ly dị. Trước toà, Minh Thái bày tỏ nỗi lòng: “Một năm qua chúng tôi đang dần làm lành vết thương trong lòng mỗi người. Tôi đã biết lỗi của mình, dứt bỏ mối tình tay ba, tan ca thì về đúng giờ với gia đình. Vậy mà tôi đâu có được yên thân. Nấu một món ăn ngon, chưa kịp thưởng thức thì vợ tôi đã vội buông, “làm món này để anh có chút kỷ niệm với cô ấy chứ gì”. Làm gì, đi đâu, gặp hiện tượng gì liên quan đến người thứ ba, vợ tôi đều bóng gió xa xôi. Vui nhắc, buồn cũng nhắc, bình thường thì vợ tôi lại lôi chuyện cũ ra bông đùa. Có thể vợ tôi vô tư tâm tính, nhưng với tôi, mỗi lần vợ nhắc chuyện cũ, lòng tôi như xát muối. Cảm giác tội lỗi lại trỗi dậy. Sống mà không có sự thứ tha chẳng khác gì địa ngục!” Chị Hoàng Oanh cũng đau buồn không kém chồng mình, thổ lộ: “Tôi có muốn như vậy đâu, nhắc đến chuyện cũ lòng tôi cũng đau lắm chứ. Nhưng không nhắc, nỗi ấm ức trong lòng lại sôi sùng sục, lại muốn nói cho hả”. Cũng vì không thể bỏ qua chuyện cũ, dù hiện tại đã lành lặn êm đềm, câu chuyện của hai người họ đã đi đến cái kết buồn.
Phụ nữ nào cũng khiếp sợ những ông chồng ưa bạo lực thể xác, thích dùng đòn roi đánh đập vợ con. Nhưng cũng có những thứ không quật lên cơ thể mà vẫn làm con người ta đau đớn. Đó là sự dày vò tinh thần của nhau, soi mói vào lỗi lầm người kia. Tính gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền cũng là một kiểu hành hạ tâm hồn người khác.
Lấy im lặng làm vũ khí
Trong một diễn đàn về bạo hành gia đình tại nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM gần đây, không chỉ phụ nữ, ngay cả các đấng mày râu cũng thốt lên rằng, họ rất sợ sự im lặng từ người bạn đời của mình. Anh Nguyễn Quý Anh, 31 tuổi, chia sẻ: “Vợ tôi “nghiện” sự im lặng. Mỗi khi tôi làm gì phật ý, cô ấy không giãy nảy, nhăn nhó, trách móc như bao người khác, chỉ im lặng. Nấu cơm, dọn dẹp, cô ấy làm mọi thứ trong sự im lặng. Tôi van xin, nài nỉ thế nào vợ tôi cũng không mở lời. Tôi buồn bực, uất ức đến nỗi đá mạnh chân vào cạnh bàn, mặt kính trên bàn vỡ toang, chân toé máu, vợ tôi vẫn trơ ra! Thà cô ấy mắng nhiếc thậm tệ tôi còn biết lỗi mình là gì, cái sự im lặng đó chẳng khác gì lưỡi dao cứa dần cơ thể tôi”. Chìm đắm trong im lặng, hoặc bỏ rơi, không quan tâm đến cuộc sống của bạn đời cũng là một kiểu bạo hành tinh thần. Dường như hiện tượng này diễn ra không ít thì nhiều ở hầu hết các gia đình hiện nay.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Giải thích về sự chịu đựng thường gặp ở nhiều phụ nữ trước nạn bạo hành, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý, phó giám đốc công ty Kỹ Năng Sống (TP.HCM), cho rằng: “Có nhiều lý do làm cho người phụ nữ đó vẫn cứ sống, gắn bó đời mình với người chồng có thói quen bạo hành. Có thể do sự lệ thuộc kinh tế. Hoặc vì mắc phải lỗi lầm nào đó trong quá khứ, họ luôn cảm thấy mình có lỗi, đáng để người chồng đay nghiến, chì chiết, đối xử thô lỗ. Cũng có người ngộ nhận rằng, chấp nhận là để con cái, gia đình ấm êm. Không ít trường hợp giữ im lặng vì cảm thấy xấu hổ nếu ly hôn. Thậm chí vẫn còn quan niệm đã là chồng thì đối xử với vợ sao cũng được”.
Cũng theo thạc sĩ Thuý, có những người chồng cứ sau một lần bạo hành, lại tỏ vẻ hối lỗi, vỗ về, chiều chuộng vợ hết mực. Hành động nguỵ trang này luôn làm mềm lại trái tim người vợ, và người vợ tiếp tục chịu đựng với hy vọng chồng mình sẽ đổi thay, để rồi sự việc cứ lặp đi lặp lại, có thể lần sau nặng nề hơn lần trước. Do vậy, trách nhiệm “thanh toán” nạn bạo hành trong gia đình không của riêng ai, mà của chung cả hai người trong cuộc.