Khi nói đến “Văn hóa ẩm thực” Phật giáo, cố nhiên, không ít người nghĩ rằng ẩm thực Phật giáo chỉ là việc “ăn chay”, hơn nữa cũng chỉ là vấn đề ăn uống của giới “tu sĩ Phật giáo,” do đó không có gì đáng để nói. Thực ra, văn hóa ẩm thực Phật giáo rất có ý nghĩa, và hiện nay là nhu cầu ẩm thực rất được nhiều người quan tâm trong từng bữa ăn của mình.
1- Nguồn gốc văn hóa ẩm thực Phật giáo
Văn hóa ẩm thực nói chung và ẩm thực Phật giáo nói riêng là một nét văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia. những món ăn có từ lâu đời hay có nguồn gốc đương đại đều có tác dụng như là vật chất tất yếu để tồn tại loài người. Hơn thế nữa, Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ. Trong cách chế biến món ăn của người Ấn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận, thì vấn đề tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng. Người Hồi giáo kiêng ăn thịt heo trong khi người Ấn giáo lại không dùng thịt bò, do đó, thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản. Ẩm thực Phật giáo ở Ấn Độ là việc các nhà sư đi khất thực, do đó sự thọ thực của tăng sĩ tùy thuộc vào thực phẩm cúng dường của dân chúng. Đức Phật biết rằng, sanh mạng của con người hay động vật đều biết tham sống sợ chết, nhưng lúc bấy giờ, người dân Ấn Độ phần nhiều ăn mặn, mà phẩm thực của chư Tăng là từ sự cúng dường của người dân khi các Ngài vào làng khất thực, nên đức Phật không thể hoàn toàn cấm chư Tăng không dùng thịt cá. Do vậy đức Phật chế cho Tăng chúng được dùng “tam tịnh nhục” là thịt thú vật chết mà không thấy người giết nó; thịt thú vật chết mà không nghe tiếng rên la kêu khóc của chúng, và thịt thú vật chết mà không phải do người ta giết với mục tiêu cúng dường mình. Ở đây chỉ sơ lược đôi nét về quá trình ẩm thực Phật giáo chứ không hoàn toàn thuần nhất đề cập đến vấn đề ẩm thực của giới tu hành.
Thế rồi màn đen cũng đã dần lùi bước, ánh sáng của văn hóa, của văn minh cũng lần lượt xuất hiện, bên cạnh giáo lý sâu mầu của đạo Phật đã làm thay đổi cái nhìn của người dân Ấn, đạo Phật lần lượt được truyền vào các nước Đông và Nam Á, đặc biệt là Trung Hoa. Nền văn hóa ẩm thực Trung Hoa được xem là nền tảng văn hóa ẩm thực khuôn mẫu, cổ xưa nhất của thế giới, trong đó không ngoại trừ văn hóa ẩm thực Phật giáo. Có thể khẳng định rằng, vấn đề ẩm thực của nhiều nước Đông Nam Á đều được ảnh hưởng rất nhiều từ ẩm thực của Trung Hoa. Phật giáo du nhập vào Trung Hoa từ thời nhà Hán, hưng thịnh nhất là thời Nam Bắc triều, đặc biệt trong vương quốc của vua Lương Võ Đế. Lúc đầu ông theo Đạo giáo, sau đó từ bỏ Đạo giáo thực hành theo giáo pháp của Phật. Ông là một Phật tử thuần tín và là người đề xướng triệt để việc ăn chay đối với hàng Tăng sĩ đương thời và quần thần trong cung. Cũng từ đây, các nước Phật giáo được truyền từ Trung Hoa vào đều coi việc “ẩm thực chay” là món ăn hàng ngày của hàng Tăng lữ.
2- Văn hóa ẩm thực được xem như là việc để tồn tại
Quan điểm ẩm thực cổ xưa của người Trung Hoa rất chú trọng đến thực phẩm mang tính tự nhiên. Ẩm thực được xem là “thực liệu” (ăn uống còn xem là sự trị bệnh). Theo thuyết âm dương ngũ hành, sự trường thọ của con người phải tuân theo luật âm dương, mà con người tồn tại trong quy luật biến chuyển của trời đất, thiên nhiên, cho nên, động thực vật trong trời đất được xem là yếu tố vật chất quý báu, là món dược liệu để kiến thiết đời sống con người lành mạnh. Do đó, ẩm thực luôn được xem là pháp môn trị bệnh, là một nét văn hóa vùng miền, đặc trưng của mỗi quốc gia. Ai cũng biết con người sở dĩ được tồn tại là nhờ ăn uống, cho nên Phật giáo cũng không ngoại lệ. Nếu như hàng Tăng lữ không lấy việc ăn uống để tồn tại thân vật lý thì không thể đạt được an lạc và giải thoát trong đời sống tinh thần. Nhưng vấn đề ăn uống của Phật giáo là sự tiết chế và diệt dục, ăn uống được xem là để tồn tại thân ngũ uẩn chứ không phải trên ý tưởng hưởng thụ. Đây có thể xem là nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực Phật giáo.
Ngày xưa, Sa-môn Cù-đàm thể nghiệm ép xác khổ hạnh trong suốt sáu năm, nhưng Ngài nhận ra rằng, đây không phải là phương pháp để đạt được Vô thượng Bồ-đề. Ngài quyết định từ bỏ cách tu khổ hạnh và nhận bát sữa do cô gái chăn cừu dâng cúng. Và nhờ bát sữa này, Ngài cảm nhận tinh thần trở nên minh mẫn, trí tuệ được khơi nguồn. Sau khi thọ thực xong, Ngài quyết định an trú trong chánh niệm tại cội Bồ-đề suốt 49 ngày, sau cùng, Ngài đã chứng ngộ chân lý vô thượng. Sự chứng ngộ này của đức Phật có lẽ là sự khởi đầu cho nhiều tranh luận, về triết học, về y học, về thiên văn, về vật lý và trong đó có cả vấn đề ẩm thực theo âm dương ngũ hành.
Thái độ nhận bát sữa của Ngài, chứng tỏ con người phải cần đến dưỡng chất để thúc đẩy cơ thể có hiệu quả, là thủ pháp dưỡng sinh có hiệu lực, khổ hạnh ép xác là thái độ sai lệch, là ý tưởng tiêu cực, bảo thủ không phù hợp với tính chất vật lý. Đây chỉ là một khía cạnh rất nhỏ và đơn giản trong văn hóa ẩm thực của đạo Phật, chính điều này đã cho thấy phương pháp khổ hạnh ép xác sẽ không đưa đến lý tưởng tối hậu mà là sự chứng ngộ giải thoát phải được kiến tạo trên tinh thần vật lý và tâm lý. Nhà sư nổi tiếng Wonhyo, Hàn Quốc, (617-686 sau CN) đã răn dạy môn đệ: “Mỗi nhà sư cần phải thỏa mãn cơn đói khát của mình bằng các loại thức ăn từ vỏ và rễ cây”.
3- Ẩm thực Phật giáo là nét đẹp của đạo đức
Vua Lương Võ Đế bắt đầu nghiêm trì kinh Phạm Võng Bồ-tát giới. Hành trì miên mật, khiến cho quần thần trên dưới không ai không tuân thủ Phật pháp. Kinh Phạn Võng chế định: đệ tử Phật không thể ăn thịt, vì lòng từ bi, chỉ có thể dùng rau quả để ăn như một món ăn bảo tồn cơ thể. Vì vậy, nền văn hóa Phật giáo Trung Hoa từ đây đã bắt đầu thực hành việc ăn chay. Và cũng từ đây, Phật giáo Trung Hoa cũng như các nước Đông Á, ít nhiều, cũng ảnh hưởng tư tưởng của những vị thiền sư truyền giáo từ Trung Hoa đến. Cho nên, khi Phật giáo truyền vào các nước Đông Á, Tăng sĩ tiếp nhận việc ăn chay như là một quy luật tất yếu, cũng là quan điểm “từ bi lợi tế giả” của đạo Phật. Đạo Phật dạy mọi người thương yêu, chăm sóc động vật. Phật giáo là học thuyết của sự bình đẳng, thông điệp của Phật giáo là thông điệp của tình thương và sự hòa bình, thông điệp ấy phải được thực hiện như một sứ mạng bảo hộ sự tồn vong của người khác hay sinh vật khác. Cho nên nếu hiểu rõ nguồn gốc và giá trị ẩm thực của Phật giáo là chúng ta đã góp phần làm giàu giá trị nhân văn, là góp bàn tay nhân ái trong việc bảo tồn sinh mạng vô tội của những động vật quý hiếm, tôn trọng sinh mạng của mọi loài mà trong đó văn hóa ẩm thực Phật giáo là nhu cầu giá trị tiên phong khi xã hội luôn phải đối mặt với vô số bất an về thực phẩm.
4- Ẩm thực Phật giáo là phương pháp chánh niệm
Một lần nữa có thể khẳng định, ẩm thực của Tăng sĩ Phật giáo là nhằm duy trì xác thân vật lý để tìm sự giải thoát tâm linh. Do vậy, đức Phật đã từng dạy các vị đệ tử “tất cả chúng sanh đều phải có thực phẩm để ăn và chỗ để ở, để sống, để tồn tại. Đó là điều cần thiết cho tất cả chúng sanh”. Và Ngài dạy về bốn loại thức ăn: Đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực.
Loại thức ăn thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta. Chúng ta phải biết những thức ăn và thức uống nào gây tàn phá và làm mất sự điều hòa trong cơ thể. Phải có chánh niệm: “chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh”. Đức Phật dạy: “Trong đời sống hằng ngày, trong khi tiêu thụ, chúng ta cũng phải biết thức ăn của mình đã có thể được tạo ra bằng sự đau khổ cùng cực của kẻ khác, của những loài sinh vật khác.” Ăn không có chánh niệm, ta tạo khổ đau cho mọi loài và khổ đau cho chính bản thân ta.
Loại thức ăn thứ hai là xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ta phải thấy rằng việc tiếp xúc đó có đem sự độc vào người hay không. Ấy là ta thực tập chánh kiến. Hằng ngày, khi ta tiếp xúc với xã hội, với cuộc sống, chúng ta nên biết những điều ta tiếp xúc có gây tác hại, ảnh hưởng gì cho mắt tai mũi lưỡi thân và ý không? Đó là xúc thực. Đức Phật cũng dạy rằng, con người rất dễ bị thương tích, trên cơ thể cũng như trên tâm hồn, nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta. Thực tập chánh niệm khi ăn uống cũng như tạo ra những kháng thể để chống lại sự thâm nhập của các độc tố nguy hại của xã hội dễ dàng xâm nhập vào thân tâm chúng ta.
Loại thức ăn thứ ba là tư thực hay Tư Niệm thực. Ðó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời ta. Mong muốn là một loại thực phẩm gọi là tư niệm thực. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta năng lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Muốn được khỏe mạnh, tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, để thành một bậc giác ngộ độ thoát cho đời, v.v… thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc.
Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Con người đều có chánh báo và y báo. Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy, ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho nó ăn món từ, bi, hỷ, xả hay trạo cử, hôn trầm, giãi đãi, phóng dật? Hay chúng ta cắm vào trong tâm thức những mũi dao độc tố, những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh?
Loại thực phẩm thứ tư này có tác dụng nuôi dưỡng tâm linh, mà giá trị ẩm thực của Phật giáo là ẩm thực để giúp cơ thể vật lý thực hành nuôi dưỡng tâm linh. Cơ thể con người như là một hình thức sinh hoạt của sự tồn tại vật chất, chúng ta không thể không bổ sung năng lượng, do đó ẩm thực Phật giáo chủ yếu để hỗ trợ con người đạt đến thức thực, một trạng thái an tịnh tâm hồn.
Ngoài vấn đề chánh niệm, ẩm thực Phật giáo là đặc trưng của lòng từ. Đến với những món ăn từ nguồn gốc thực vật, gần gũi với thiên nhiên. Xã hội ngày nay, nhiều người đã xếp việc ăn uống của mình theo thiên hướng giảm thiểu sát sinh. Theo giới luật của nhà Phật, giữ giới không sát sinh là một yêu cầu tối thiểu cho tâm hướng thiện ở mức độ cơ bản, Những người quy y cửa Phật, bắt đầu từ việc ăn chay kỳ, (dành một số ngày trong tháng cho món chay). Với những bữa xen kẽ như thế, người ăn chay tập nhìn việc ăn – một yếu tố quan trọng để sinh tồn – trong chuỗi sinh tồn của vạn vật. Ở đó, không có sự trỗi dậy của tâm hiếu sát, mà ngược lại, mỗi khi ăn chay là một lần suy nghĩ “không thể duy trì sự sống của mình bằng cách lạm sát các con vật”. Đây là ý nghĩa của giới sát sanh và cũng là cách đạo Phật đề xướng ngăn ngừa giới sát cho người Phật tử.
Riêng với việc ăn chay, theo tinh thần tu tập của Phật giáo, mỗi người ăn chay là phát triển lòng bi mẫn của mình với sinh linh muôn loài hữu tình, là một khâu quan trọng trong việc phát triển Bồ-đề tâm. Trong quyển Những lời vàng do đạo sư Patrul Rinpoche thuật lại lời của vị thầy là Jigme Gyalwai Nyugu, trình bày kỹ thuật “thiền định về lòng từ bi” bắt đầu bằng những lời khuyên: “Hãy nghĩ về một người nào đó bị đau khổ dữ dội, như một người bị ném vào ngục tối sâu thẳm chờ đợi cuộc hành hình, hay một con vật sắp bị làm thịt đang đứng trước những kẻ đồ tể. Hãy cảm nhận lòng từ ái đối với chúng sinh đó như thể họ là mẹ hay là con của chính bạn”.
Vì với người Phật tử, chưa thể ăn chay trường, thì việc dừng hẳn các món có nguồn gốc từ động vật là rất khó. Chưa kể việc thiết kế bữa ăn hàng ngày, ngay cả việc đảm bảo đủ chất cho một người sống trong gia đình, cũng yêu cầu phải quân bình hàm lượng dinh dưỡng giữa các món chay và các món mặn. Chính vì vậy, giới sát sanh khuyên người không nên lạm sát, tức khi không cần ăn thịt thì không nên ăn, không nên lạm sát các con vật chỉ vì lý do để có được bữa ăn cho mình. Dành một số bữa ăn trong tháng cho các món chay, là bắt đầu giới hạn việc lạm sát của mình mà người Phật tử ai cũng có thể làm được.
5- Ẩm thực Phật giáo là thuận theo nguyên lý thực vật trong tự nhiên
Nguyên lý chế biến của các loại thực phẩm của Phật giáo là bảo toàn chất lượng nguyên thủy của thực phẩm, để tăng cường độ thơm, ngon, tự nhiên của các dưỡng chất vốn có trong thiên nhiên, tạo sự ngon miệng, khoái khẩu mang tính tự nhiên.
Tại các quốc gia phát triển, phương pháp chế biến thực phẩm cũng rất đa dạng và phong phú, tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng, miền nhưng tựu trung vẫn hướng tới 3 tiêu chí chính: trước tiên là sạch sẽ; yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, (từ khâu gieo trồng cho đến khâu chế biến, không dùng các loại phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu); hai là sự nhẹ nhàng, nhẹ nhàng ở đây là nói về hương vị, làm sao cho ngon miệng, dễ tiêu hóa, nhưng lại không gây ảnh hưởng tới bộ phận nội tạng cơ thể. Với quan điểm nhất quán như vậy, văn hóa ẩm thực trong các nhà chùa càng được quan tâm nhiều đến thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, như vậy cơ thể mới hấp thụ hết chất bổ có trong thực phẩm, đặc biệt người ta chú ý đến thời gian chế biến, thời gian nấu, tất cả duy trì ở mức thích hợp, đây là điều quan trọng trong văn hóa ẩm thực Phật giáo. Trong Phật giáo, việc ẩm thực là nhằm duy trì thân thể đủ khỏe mạnh để tu tập và thực hành thiền định. Một số thức ăn có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý con người. Nên ẩm thực của Tăng sĩ Phật giáo cần thanh kiết, không quá nhiều gia vị, không dùng nhiều dầu, không dùng các loại ngũ tân. Vì loại thực phẩm này khó tiêu hóa, dễ dẫn đến trở ngại trong khi thiền định. Đức Phật dạy chúng đệ tử xuất gia không nên ăn uống quá nhiều, hạn chế lượng dưỡng chất vượt quá so với nhu cầu cần thiết, nhằm cung cấp vừa đủ năng lượng để thực hành thiền. Vì vậy các món ăn đều được tính toán và chế biến kỹ lưỡng để mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Trong văn hóa Phật giáo, ý tưởng “tinh thần và thể chất là một”, bởi vậy thức ăn là một yết tố vô cùng quan trọng nhằm mang lại ý tưởng khai sáng giúp con người trở nên thông thái về tinh thần và khỏe mạnh về thể chất.
6- Ẩm thực Phật giáo là nét đẹp đăc trưng của mỗi quốc gia
Trong hành trình mở đất, người Việt đã hình thành những thói quen ẩm thực của mình theo phong vị các vùng miền. Những nhà nghiên cứu Phật giáo ghi nhận sự xuất hiện của đạo Phật ở Việt Nam từ đầu Công nguyên. Sau đó, những người Phật giáo đầu tiên ấy mang theo những món ăn chay vào trong bước đường du phương hành đạo của họ. Tiêu chí đạm bạc của người tu hành đã xuất hiện vại tương, khạp cà muối, nghề ép dầu phụng và việc ăn những món thuần nguyên liệu từ thực vật đã có từ trước đó rất lâu. Có lẽ, chính thói quen ẩm thực của truyền thống này là điều kiện thuận lợi, là phương pháp điều chỉnh thân tâm trước mọi ham muốn vật dục của thân thể. Những món ăn rất dân dã này cũng chính là nét văn hóa đặc trưng trong ẩm thực Phật giáo.
Có lẽ bước mở đầu này đã tạo ra trong tâm thức người dân Việt sự gắn bó giữa việc ăn chay và ý niệm về Phật giáo. Chả thế mà khi những cư dân đầu tiên trong “hành trình mở đất Phương Nam” vào bình cứ dải đất Nam Bộ phì nhiêu, thì thói quen ăn chay cũng ngay lập tức cộng sinh với thủy thổ phong vị địa phương mà sản sinh ra hàng loạt các món ăn từ rau cỏ, củ quả, hoa lá miền Nam hoàn toàn thuần chay.
Ngày nay, ẩm thực Phật giáo đã vượt khỏi biên độ tôn giáo trong tâm thức người dân như vừa đề cập. Món chay hiện diện trong các tiệc chiêu đãi thực khách sang trọng của giới doanh nhân không hoàn toàn mang tính tôn giáo. Không còn gói gọn nơi những bữa ăn chay kỳ của những bà mẹ quê nơi thôn dã, món chay Việt Nam ngày càng được thực khách quốc tế biết đến nhờ những tiệc buffet chay trang trọng giữa Sài Gòn. Món chay từ lâu đã được chuyên gia thực dưỡng Ohsawa truyền bá như một phương pháp trị liệu và kiện toàn sức khỏe. Người Việt Nam tiếp cận phương pháp thực dưỡng này từ thập niên 60 thế kỷ trước, và như thế, món chay càng gắn chặt hơn với đời sống người dân mà không nhất thiết phải dùng món chay như một quy định hành trì theo Phật giáo.
7- Ẩm thực Phật giáo là nét thẩm mỹ làm đẹp tâm hồn
Từ việc nhìn nhận bữa ăn chay đạm bạc nhưng vẫn có thể đủ chất, sẽ dần dần hình thành nhận thức về nhu cầu cá nhân: thực ra người ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nhu cầu bản thân để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng, cho môi trường sống xung quanh. Đấy là một suy nghĩ thiện, một suy nghĩ hoàn toàn mang tính nhân văn, nên chăng chúng ta đều có những ý nghĩ hay đẹp trong việc lấy thực phẩm chay làm nguồn dinh dưỡng để sinh tồn và đồng thời cũng là bảo vệ nguồn động vật và nguồn tài nguyên quý hiếm đang ngày một cạn kiệt dưới sức hủy hoại tàn sát vô tội vạ của con người. Người Phật tử bắt đầu bằng sự đồng cảm như vậy, khi Bồ-đề tâm tăng trưởng, cơ thể sẽ thích ứng bằng cách phát ra nhu cầu ăn chay, tự khắc thấy việc ăn chay là nhẹ nhàng, thấy vui và ngon miệng khi ăn, cơ thể phát triển tốt, sức khỏe tăng trưởng, bệnh tật thối lui. Đấy là khi con người bắt đầu chuẩn bị được cơ thể để đi theo đạo Phật vậy.
Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thanh tịnh hơn khi bữa ăn gia đình xa rời các món thịt, xa rời sự chết chóc, và không đem hình ảnh các con vật bị giết thịt vào từng món ăn của mình. Sẽ là một cuộc sống an bình, khi từng món ăn mang hương vị thiên nhiên, mang hình ảnh của hoa đồng cỏ nội, có sự hòa đồng với cội cây gần gũi, và biến cuộc sống của mình thành một phần trong chuỗi sinh tồn tự nhiên. Người ăn chay, vì thế mà cũng tự tập cho mình thói quen yêu quý thiên nhiên, yêu quý từng phút giây mình được sống, thấy mình là một phần của vạn vật… Và từ đó, người ta hướng những việc làm, những tạo tác của mình sao cho hài hòa với thiên nhiên, phấn đấu để lòng đam mê công việc của mình chuyển dịch từ ham thích thỏa mãn bản thân sang ham thích làm đẹp cho đời.
8- Nhận xét của các chuyên gia về văn hóa Ẩm thực Phật giáo
Ăn chay không còn là thói quen riêng của những người theo đạo Phật mà của nhiều công nhân, viên chức, kể cả lớp trẻ. Theo báo Người Lao Động, hiện nay toàn thành phố Thượng Hải có hơn 20 nhà hàng ăn chay, so với 3 nhà hàng 3 năm trước. Bà Gloria Tăng, giám đốc nhà hàng, nói: “So với những cửa hàng ăn uống quốc doanh, nhà hàng ăn chay mới ra đời ở Thượng Hải hiện đại hơn nhiều với những món ăn rau quả chế biến ngon hơn hẳn và cung cách phục vụ tốt hơn. Khách đến ăn hưởng thụ thú vui ẩm thực thay vì để bày tỏ sự khổ hạnh tôn giáo.”
Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là khối Châu Âu, kinh tế phát triển, đời sống luôn phát triển thế nhưng con người không còn ý niệm “dân dĩ thực vi tiên”. Ở những quốc gia này ngày càng có nhiều người thay đổi lối sống từ “ăn mặn” chuyển sang “ăn chay”. Từ bỏ thịt, cá chuyển sang ăn rau quả để giữ gìn sức khỏe, tránh những chứng bệnh gắn liền với xã hội hiện đại: tim, mạch, béo phì, tiểu đường. Kỹ sư Alex Trương làm việc tại một công ty liên doanh lớn ở Thượng Hải, từ 3 năm nay đã ăn chay, nói: “Giờ đây, ăn chay không còn bị coi là lập dị nữa, nhất là với lớp trẻ, mà là một lối sống bảo đảm sức khỏe”.
Ngày 13-8 đến ngày 14-9, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tại lễ khởi động tháng ăn chay (do công ty Saigontourist thực hiện). Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng cho biết: hiện nay, ăn chay đang ngày càng được quan tâm như một cách sống, một cách ăn uống để bảo vệ sức khỏe. Theo một nghiên cứu, trong 10 năm qua, số người ăn chay ở Anh quốc tăng gấp đôi, và một phần tư thanh niên nước này đã không còn ăn thịt. Năm 1994, số người ăn chay ở Hoa Kỳ tăng khoảng 12 triệu người và mỗi năm tăng thêm 1 triệu người. Theo bác sĩ, có nhiều lý do dẫn đến việc ăn chay. Lý do đầu tiên là tín ngưỡng, nhưng càng về sau, những lý do sức khỏe, nhân văn, bảo vệ môi trường, kinh tế và đạo đức đã làm cho người ta thích ăn chay hơn ăn mặn. Dù vậy, nếu ăn chay không đúng cách có thể dẫn đến việc thiếu sắt. Món ăn chay nhiều chất vitamin là đậu nành, sữa và hoa quả. Do đó, chúng ta cũng cần hiểu rõ những tác dụng của những loại thực phẩm trong vấn đề ẩm thực.
Ngoài những khía cạnh chủ quan và khách quan, tác giả đã đúc kết những kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực và các biện chứng pháp trong quá trình tồn tại con người như là một quy luật vật lý tất yếu để đưa ra một cái nhìn chung trong việc ẩm thực, hầu giúp mọi người tỏ rõ giá trị của ẩm thực Phật giáo. Bên cạnh đó vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay trên toàn cầu là đề tài nóng bỏng mà mỗi mỗi quốc gia đều lo ngại. Chúng ta dù là ai, chúng ta đang đứng ở lĩnh vực nào đi chăng nữa cũng không nên thờ ơ, hay thản nhiên với sứ mệnh của con người đang đối đầu với bao nguy hiểm. Vì con người, vì sự giải phóng tâm thức cho nhân loại mà đức Phật đã xuất hiện nơi đời, sự xuất hiện của đạo Phật là khơi dòng suối từ bi, mang thông điệp hòa bình vào trong cuộc sống, làm lắng dịu những tham vọng cuồng si. Từ đây, bước chân đạo Phật đến đâu cũng được sự tiếp nhận của bá tánh như là món ăn tinh thần trong đời sống sinh hoạt của mình. Do vậy, lời phật day: “Bảo vệ mình là bảo vệ người khác, bảo vệ người khác chính là bảo vệ lấy mình; bảo vệ người khác là bảo vệ tự thân”. Vì sao? vì con người sống trong sự móc xích của nhân duyên, cái này tồn tại là tồn tại cái kia, cái này hủy diệt cái khác tức thời cũng sẽ hủy diệt. Do vậy, đạo đời không thể tách rời nhau, con người và sự sống cũng thế, sống là phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền sống của những sinh vật khác. Không thể hoàn toàn có thể thỏa mãn mọi cơn khát của sự đòi hỏi nơi cơ thể. Hiểu biết và có sự thương yêu đồng loại là chúng ta thực hiện tâm “Từ Bi”, chúng ta đã hiểu được giá trị của văn hóa ẩm thực Phật giáo.