HÀN MẠC TỬ QUA KÝ ỨC CỦA NGƯỜI THÂN
Thứ sáu, 19 Tháng 4 2013 04:50
Nguồn: cand.com.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Hàn Mạc Tử và các "Nàng thơ" Số phận đã khéo trói buộc những thi nhân có một đời sống nội tâm rất đỗi lạ thường, họ nặng nỗi với đời, với người, với vạn vật của tạo hóa… Hàn Mặc Tử là một nhà thơ kiệt xuất của thời kỳ hiện đại, một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam giữa thời hoàng kim của phong trào thơ mới.
Với tài năng xuất chúng của mình, với nỗi đớn đau của định mệnh vô cùng nghiệt ngã, ông đã hoàn tất sứ mệnh với cuộc đời, để lại cho đời một di sản vô cùng quý báu với nhiều câu thơ kỳ diệu có thể xếp vào hàng hay nhất của thi ca Việt Nam. Bảy mươi năm qua, kể từ ngày thi sĩ rời xa cõi thế, đã có không biết bao nhiêu người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ đã kính cẩn nghiêng mình rơi lệ trước anh linh của người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh này. Với tư duy khác lạ của một nhà thơ hiện đại, cùng với sức tiên cảm đặc biệt của một bậc thánh thi, trong những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, Hàn Mặc Tử đã hóa giải được mối liên hệ thống nhất khăng khít giữa thi sĩ với vũ trụ vô thủy vô chung này.
"Một mai kia ở bên khe nước ngọc Với sao sương anh nằm chết như trăng Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc Đến hôn anh và rửa vết thương tâm".
Sinh thời, nhà thơ tài hoa này đã mắc phải một chứng bệnh khốc hại (bệnh phong) mà cho tới nay người đời vẫn cứ đinh ninh rằng Hàn Mặc Tử phải sớm lìa xa cõi thế cũng vì chứng nan y này.
Rất ít người biết được rằng, từ sau khi được người anh rể (chồng của chị Lễ), một viên chức làm việc trong ngành xét nghiệm phát hiện bị mắc bệnh phong. Suốt bốn năm trời chạy chữa và dưỡng bệnh ấy, dẫu rằng có rất nhiều những người bạn, những người tình trong mộng đến bên cạnh Hàn Mặc Tử. Vậy mà "vết thương tâm" trong nhà thơ vẫn cứ mỏi mòn.
Hạnh phúc thay còn có một người, đó là ông Phạm Hành (em con chú ruột của Hàn Mặc Tử). Vì quá thương anh sớm lâm trọng bệnh mà ông Hành đã bỏ học để theo chăm sóc, đưa cơm xách nước, phục vụ chu tất trong những ngày nhà thơ chống chọi tuyệt vọng với căn bệnh nan y.
Là anh em chú bác ruột, nhưng người mang họ Nguyễn (Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, tại làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), người lại mang họ Phạm, là do ông nội của nhà thơ và ông Hành là ông Phạm Bồi (người gốc Thanh Hóa), vì có liên quan đến phong trào Cần Vương chống Pháp, nên sau khi thất bại, ông Bồi đã phải trốn vào ẩn dật ở đất Thừa Thiên.
Khi sinh ra thân phụ của Hàn Mặc Tử, ông Phạm Bồi đã cải họ Phạm của mình thành họ Nguyễn và đặt tên cho con là Nguyễn Văn Toản nhằm tránh những rắc rối về lý lịch sau này. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, khi sinh ra thân phụ của ông Hành thì ông Phạm Bồi vẫn giữ nguyên họ Phạm để đặt tên cho con?
Ông Phạm Hành sinh năm 1924, tại làng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Khi lớn lên, do những run rủi của phận người, bước chân ông đã dạt trôi đến vùng đất ở phía Nam cầu Mỹ Chánh, thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và sống luôn ở đó cho đến bây giờ.
Thời điểm tôi cùng với Nhà báo Nguyễn Hoàn ở Báo Quảng Trị (nay Nhà báo Nguyễn Hoàn là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Trị) tìm đến được nhà ông Hành, trông ngôi nhà của vợ chồng ông trú ngụ nhỏ bé và tuềnh toàng lắm, nằm khuất sau một lối đi nhỏ cỏ mọc um tùm, hoang vắng. Vườn nhà tuy rộng nhưng cũng chỉ có mấy gốc chè, vài cây mít…
Gia sản đáng giá nhất có chăng cũng chỉ là một cỗ hậu sự do mấy người con đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tận trong miền Đông Nam Bộ gom góp chuẩn bị sẵn cho ngày ra đi của ông và một kho ký ức về nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử.
Sau khi cha mất sớm, Nguyễn Trọng Trí được mẹ đưa vào Quy Nhơn để sống với người anh ruột là Nguyễn Trọng Nhân (lúc này ông Nhân là công chức ở Sở Cầu đường Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1928, Nguyễn Trọng Trí được mẹ cho ra Huế học. Năm 1930, Nguyễn Trọng Trí đoạt giải nhất cuộc thi thơ do một thi xã tổ chức với bút hiệu là Lệ Thanh và Phong Trần.
Năm 1932, Nguyễn Trọng Trí làm công chức ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn dưới quyền của Thương tá Hoàng Phùng (thân sinh của bà Hoàng Thị Kim Cúc - người yêu của Hàn Mặc Tử). Năm 1934, Nguyễn Trọng Trí theo Thúc Tề vào Sài Gòn ôm mộng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Hàn Mặc Tử. Năm 1936, thấy mình nhuốm bệnh, Hàn Mặc Tử đã từ giã những người bạn cùng ôm mộng làm thơ, viết báo của mình, từ giã cả Sài Gòn hoa lệ để quay trở ra Quy Nhơn và xuất bản tập thơ đầu tay "Gái Quê"...
Năm đó, ông Hành chừng mười hai, mười ba tuổi gì đó. Sống bên cạnh Hàn Mặc Tử, ngày ngày ông giúp nhà thơ thay quần áo rồi gói ghém mang đến tiệm thợ giặt, lo bưng cơm, rót nước, đặc biệt là lo dán tem lên những bì thư rồi đạp xe đi bỏ thư vào những thùng thư mà Nha Bưu điện đặt rải rác dọc các đường phố Quy Nhơn. Ông Hành nhớ là hầu như ngày nào anh Trí cũng bảo ông đạp xe đi gửi thư, có ngày tới ba, bốn lá.
Dừng lại và ngẫm nghĩ một hồi lâu, ông Hành kể: "Hồi đó, anh Trí chỉ mới bị mấy cái nụ đỏ đỏ ở trên mặt thôi, chứ chưa phải là phung hủi chi hết. Khi bệnh còn nhẹ, sáng nào anh Trí cũng tập thể dục thiệt sớm, thường là anh kéo dây, khi khỏe thì anh kéo một lúc 6 sợi dây cao su, lúc nào mệt thì anh chỉ kéo 2, 3 sợi thôi. Rồi cả ngày anh viết thơ luôn tay không nghỉ, rồi dạo lui, dạo tới ngâm thơ một mình như người điên… (cười). Anh Trí có kiểu viết thơ lạ lắm, khi mô cũng nằm ngửa, rồi kê tờ giấy trong lòng bàn tay mà viết. Chữ của anh Trí thì cứ chữ này dính với chữ kia kéo thành dây nhìn ngồ ngộ. Hỏi thì anh nói viết như rứa cho mau".
Dù đã cách xa nhà thơ từ nhiều năm lắm rồi, nhưng ông Hành vẫn nhớ như in hình bóng của người anh khả kính. "Thân hình anh Trí không to mà cũng không nhỏ lắm, đầu tóc khi mô cũng bờm xờm như đội mũ bê rê. Trưa trưa, chiều chiều là bắc ghế mây ra trước sân ngồi nhìn phong cảnh ở ngoài con đường Khải Định. Tính tình hiền từ như con gái, và rất ít khi nghe anh Trí nói chuyện ở nhà. Vậy mà mỗi khi có bạn thơ họp mặt, ngâm ngợi với nhau thì anh Trí là người cãi sôi nổi hơn ai hết.
Về sau khi bệnh tình hành hạ, anh Trí hầu như không thích giao du với mọi người nữa. Ông Hành nhớ lại, hồi đó có một cô gái nói giọng Bắc Kỳ sang trọng lắm, ngày nào cũng thuê xe kéo tay đảo lui đảo tới vài vòng trước nhà để xin gặp mặt anh Trí, nhưng mà anh cứ trốn lỳ trong buồng từ chối không gặp mặt. Riết rồi cô con gái năn nỉ quá anh mới chịu cho gặp, nhưng với một điều kiện là cô gái kia phải bịt mắt khi đối diện với nhà thơ. May thay, bà Nguyễn Thị Duy, mẹ của Hàn Mặc Tử biết chuyện và đã cho cô gái cởi khăn bịt mắt ra.
Ngày tháng cứ dần trôi, bệnh tình của nhà thơ mỗi lúc càng thêm bi đát, và rồi căn nhà nằm bên con đường Khải Định ở thành phố Quy Nhơn cũng không đủ sức để níu giữ thân phận nghiệt ngã của nhà thơ. Thời đó, quan niệm của người đời về bệnh phong là kinh khủng lắm, nên gia đình đành phải thuê một căn nhà nhỏ nằm ven bãi biển Ghềnh Ráng, cạnh một cái đồn lính Tây của hai chị em người đàn bà góa để cho nhà thơ trú ngụ.
Ông Hành cũng khăn gói đi theo để phục dịch anh mình, tiếng thì đi ở riêng nhưng cơm nước hằng ngày ông Hành vẫn về nhà mang đến. Ông Hành cứ nhớ mãi, hồi đó anh Trí chỉ thích ăn cơm với cá liệt kho khô (cá liệt hồi đó con mô cũng to bằng bàn tay chứ không nhỏ như bây chừ-ông Hành nhấn mạnh) vì loài cá này không độc. Lâu lâu anh Trí mới được ăn một bữa thịt, vì mẹ của anh cho rằng bệnh phong rất kỵ với hơi của thịt mỡ.
Hai anh em ở trong cái nhà thuê lụp xụp bên mé biển đó được chừng 5 tháng thì bệnh nặng ra. Hàn Mặc Tử được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Quy Nhơn, nằm được vài hôm, đến ngày 20/9/1940 thì hai anh em phải dắt díu nhau đến trú ngụ ở Bệnh viện phong Quy Hòa. Ở đó, thời bấy giờ được xem là nơi tột cùng của đau khổ nhân gian…
Ông Hành nhớ rất rõ rằng: Khi vào Bệnh viện phong Quy Hòa, tay của anh Trí đã hơi cứng nên viết lách rất khó khăn, trên mặt thì nổi nhiều mụn đỏ mọng như sắp nứt. Khi mới đến, anh Trí được phát bộ áo quần bệnh nhân, mang số 1134 và xếp cho nằm trong phòng tập thể. Sau đó một thời gian thì được xếp nằm riêng một mình. Theo ký ức của ông Hành thì từ khi được xếp ra ở riêng được chưa đến chục ngày thì anh Trí trút hơi thở cuối cùng, từ giã cõi dương gian để về với chúa.
Chiều ngày 11/11/1940, khi ông Hành đạp xe từ Quy Nhơn lên tới Quy Hòa, trên tay vẫn đang cầm gói thức ăn cho anh Trí thì những người ở bệnh viện đã khâm liệm anh Trí xong xuôi. Ông Hành nghẹn ngào kể lại: "Tui vẫn còn nhớ như in ngày mới vô Quy Hòa, anh Trí cứ dặn dò: "Em nhớ đừng nhổ nước miếng xuống nền nhà nghe chưa, nếu em nhổ là anh bị phạt ăn cơm lạt và nhổ cỏ đó".
Để hâm nóng pho ký ức về Hàn Mặc Tử của ông Hành, tôi phải kéo dòng hồi tưởng trong ông chầm chậm lại. "Bây giờ ông có còn thuộc thơ của anh Trí viết không?". "Có chớ, hồi trai trẻ thì thuộc nhiều, chừ già rồi cũng quên hết...", nói xong ông ngồi ngâm khe khẽ: "Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ đợi gió đông về để lả lơi/ Hoa lá ngây tình không muốn động/ Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi/ Trong khóm vi lau dào dạt mãi/ Tiếng lòng ai nói? sao im đi?/ Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe".
Mấy mươi năm đã qua đi, buổi chiều này ngồi để nhắc nhớ lại chuyện của người thiên cổ, ký ức về người anh tài hoa mệnh bạc cứ như đong đầy, nặng trĩu làm cho ông Hành vốn đã già yếu lại càng già đi. Gió heo may rườn rượt kéo về cùng với những cơn rét đậm, linh cảm cho tôi biết dường như thời gian không còn nhiều nữa cho pho ký ức sống về Hàn Mặc Tử hiếm hoi này.
Chia tay tôi trong cái buổi chiều trời mưa lất phất, ông Hành còn nhắc: "Mai về Đà Nẵng cố gắng tìm đến Thánh viện Phao Lồ, nằm trên đường Yên Báy, ở đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Phương Khanh là con gái của chị Lễ và là cháu gọi nhà thơ Hàn Mặc Tử bằng cậu ruột. May ra người này có biết thêm một chút gì về những ngày tháng cuối cùng của anh Trí...".
Về Đà Nẵng, tôi đã tìm gặp bà Phương Khanh, hiện đang là nữ tu ở Thánh viện Phao Lồ, nhưng bà Khanh bảo rằng: "Khi cậu Trí mất, tôi cũng còn nhỏ lắm, lớn lên thì vào tu trong nhà dòng, chỉ nghe mẹ tôi kể lại rằng ngày đó, gia đình bà ngoại tôi đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm phương cứu chữa cho cậu Trí, nghe ai bảo làm gì cũng làm, kể cả việc mài vàng ròng cho cậu Trí uống. Có lẽ vì cậu Trí được cho uống quá nhiều bột vàng ròng nên sinh ra bị bệnh đường ruột. Theo bà Khanh thì Hàn Mặc Tử qua đời là vì bệnh đường ruột (bệnh kiết lỵ) chứ không phải thủ phạm đã cướp đi sinh mạng của nhà thơ tài hoa nước Việt là trực khuẩn Hansen!?
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến cái chết của người cậu ruột tài hoa đoản mệnh của bà Phương Khanh xem ra rất có lý khi đem đối chiếu với những tư liệu mà người bạn cùng nằm Bệnh viện phong Quy Hòa với Hàn Mặc Tử là ông Nguyễn Văn Xê đã kể lại trong hồi ký của mình và đã được trích đăng trên Tạp chí Sông Hương số 28, ra ngày 11/12/1987 như sau: Ngày 20/9/1940, có tiếng phanh xe ôtô trước Nhà thương nam làm bệnh nhân người nhìn qua cửa sổ, kẻ lẹ chân chạy ra gần chiếc xe. Mẹ Juetta lẹ làng chạy ra cửa tiếp hồ sơ nơi tay bác y tá đứng tuổi rồi đỡ bệnh nhân xuống. Đến giường số 3, mẹ dừng lại, nhìn hồ sơ và nhẹ nhàng nói: "Trí, đây là chỗ của con".
15h chiều hôm ấy, ông Xê bắt chuyện với Hàn Mặc Tử: "Tôi là Xê, người Huế, vào trại đã hai năm, hiện đang giúp việc cho các mẹ. Tôi còn nhỏ lắm, mới 21 tuổi thôi, xin anh Trí hãy gọi bằng em cho thân mật", Hàn Mặc Tử lắc đầu: "Anh Xê đừng quan tâm chuyện tuổi tác, tôi cũng mới hai mươi tám". Hàn Mặc Tử nói với ông Nguyễn Văn Xê: "Khắp các tiệm thuốc bắc và các ông bà thầy thuốc nam ở Bình Định tôi đến chữa không sót một người, mà càng ngày thân thể ra thế này".
Hàn Mặc Tử vào Quy Hòa được ba tuần. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của các nữ tu dòng thánh Franois Dassise, mà đặc biệt là mẹ Juetta phụ trách Nhà thương nam là người lo lắng cho Hàn Mặc Tử nhất nên bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.
Từ tuần lễ thứ tư, sinh hoạt của ông đều đều: 5giờ sáng dậy đi nhà thờ đọc kinh và rất sốt sắng chầu lễ, rước lễ; 7h cùng anh em bệnh nhân ăn điểm tâm cháo trắng với đường đen; 8h băng bó, uống thuốc hoặc chuyện trò với anh em đồng bệnh; 11h ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi; 14h30’đi nhà thờ đọc kinh lần hạt; đến 17h đi ăn cơm chiều.
Sang tuần thứ năm, Hàn Mặc Tử được mẹ Juetta chích thuốc trị bệnh thời đó do bác sĩ Gour vile, Giám đốc Bệnh viện Quy Nhơn bào chế với tên Huile de Cholmoogra để chích ven mỗi lần 1/2cc cộng với thuốc trị công phạt ác tính là Essene Teberentine nên bệnh có vẻ giảm do đó thường thấy Hàn Mặc Tử bách bộ lui tới ở hành lang Nhà thương nam hoặc ở vườn hoa ngồi suy tư trên ghế đá với tập giấy kẹp ở nách cầm cây bút chì nhỏ mòn cùn. Hàn Mặc Tử sinh hoạt bình thường cho đến vào buổi trưa 30/10/1940, sau khi đi đọc kinh lần hạt ở nhà thờ về.
Cả buổi trưa cho đến tối ngày hôm đó (30/10/1940) ông Xê bận việc đến sáng hôm sau mới hay Hàn Mặc Tử đi kiết bị kiệt sức nên không thể đến nhà thờ.
Khi ông Xê đến thăm thì thấy Hàn Mặc Tử phờ phạc, xanh xao nhiều lắm nên ông đề nghị mẹ Juetta cho ông vào trong phòng liệt nằm cho tiện. Rồi suốt hơn một tuần lễ từ 30/10 đến 7/11/1940 thì bệnh kiết lị của Hàn Mặc Tử vẫn không thuyên giảm mà có phần tăng thêm nên người ông khô đét, gầy guộc xanh xao đến thảm não. Đêm 8/11/1940, Hàn Mặc Tử đi tiêu rất nhiều lần, mỗi lần đi có một chút chất nhầy và vài giọt máu nên ông Xê thấy Hàn Mặc Tử mệt lả đến đi không nổi, ông phải dìu đi tiêu, rồi về giường nằm.
Đêm càng về khuya thì sức ông Xê càng mệt nên đã ngủ quên chắn cả lối đi, không ngờ trong lúc ấy Hàn Mặc Tử tuột xuống giường đi không nổi nên đã lấy một cái âu ngồi lên đó mà đi tiêu.
Khi ông Xê giật mình thức giấc thì thấy Hàn Mặc Tử ngồi trong xó tối sau chiếc tủ con ôm bụng nhăn nhó nói: "Anh Xê ơi, đỡ tôi lên với". Ông Xê đến đỡ Hàn Mặc Tử lên giường nằm rồi mới nói: "Sao anh không thức tôi dậy", thi sĩ trả lời vô cùng mệt nhọc: "Tôi thấy anh cũng mệt nên để anh nghỉ một chút".
Sáng 9/11/1940, sau khi khám bệnh, mẹ Juetta bưng chén thuốc cho Hàn Mặc Tử uống xong nói: "Chiều nay có xe đi mời Cha Tuyên úy vào xức dầu cho con", ông gật đầu và nói tiếng "dạ" rất nhỏ. Sáng 10/11/1940 lúc 6h 45’, Cha cho Hàn Mặc Tử được chịu phép xức dầu và rước lễ lần cuối.
Đêm 10/11, ông Xê trực, hai mẹ Juetta và soeur Julienne có đến thăm Hàn Mặc Tử ba lần và lần thứ ba khoảng 3h thì soeur Julienne cho biết từ đó đến sáng Hàn Mặc Tử sẽ chết.
Thời gian của đêm đó như chùng xuống, ông Xê nhìn Hàn Mặc Tử ngoài những lúc đau bụng đi tiêu, thì khi quỳ cũng như ngồi hoặc nằm, Hàn Mặc Tử đều đọc kinh cho đến ngày 11/11/1940 lúc 5h45’ sáng thì ông nhẹ nhàng tắt thở.
Ông Phạm Hành nay đã không còn nữa, nhưng may mắn thay những gì chúng tôi ghi lại được từ ký ức của ông về người anh con bác ruột của mình, thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử sẽ mãi mãi là những tư liệu vô cùng quý báu cho những ai yêu quý Hàn Mặc Tử và cho nền văn học nước nhà. Phan Bùi Bảo Thi
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 13:53 )
DI TÍCH LỊCH SỬ BẾN PHÀ GIANH
Thứ năm, 18 Tháng 4 2013 04:53
Nguồn:dulichquangbinh.info
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Di tích Lịch sử bến phà Gianh nằm ở hạ Lưu sông Gianh, cách cửa biển về phía tây 2 km (bến phà I) và 5 km (bến phà II). Với vị trí địa lý như vậy, đến với di tích bến phà Gianh bằng đường bộ hoặc đường thủy đều thuận lợi. Trên quốc lộ 1A, bến phà Gianh ở tại km 625 + 500, cách Hà Nội 462 km về phía Nam, cách thành phố Đồng Hới 34 km về phía Bắc. Đi bằng đường thủy, từ cửa biển vào sông Gianh, ngược về phía thượng nguồn từ 2 đến 7 km là có thể ghé thuyền thăm di tích. Các sông ngòi ở Quảng Bình đa phần đều chảy từ Trường Sơn ra biển (theo hướng tây sang đông). Chính vị trí địa lý đó cửa Quảng Bình nếu xét về mặt giao thông vận tải, các con đường, các dòng sông, cửa biển đều có một vị trí quan trọng trong thời chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng. Lúc xưa, khi phương tiện chiến tranh còn thô sơ, núi và sông thường được lợi dụng làm phòng tuyến thành lũy thiên nhiên, hỗ trợ đắc lực cho các kế sách tranh giao đất đai, quyền lực giữa các thế lực chống đối nhau. Sông Gianh là một chiến lũy thiên nhiên lợi hại, sông rộng to, đôi bờ khá trống trải tạo nên sự cản trở đắc lực trong những cuộc giao tranh. Các triều đại phong kiến, bọn xâm lược ngoại bang đều lợi dụng sự chia cắt địa lý của sông Gianh ở Quảng Bình để phục vụ lợi ích của mình.
Đặc biệt, dòng sông Gianh đã từng là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử Trịnh - Nguyễn phân tranh, của hai tập đoàn phong kiến này lấy sông Gianh làm giới tuyến. Nhân dân 2 bờ Nam - Bắc sông Gianh phải chịu đựng biết bao tang thương, khổ đau do nội chiến kéo dài, dai dẳng.
Sau khi chiếm được nước ta, thực dân Pháp thực hiện công cuộc thực dân hóa, bóc lột thuộc địa. Chúng cho xây dựng Quốc lộ 1 để tiện bề khai thác, vơ vét và đưa quân đàn áp phong trào phản kháng của nhân dân ta. Tại đoạn Quốc lộ 1 đi qua Quảng Bình, chúng cho xây bến phà Gianh (vào năm 1886).
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân. Cùng với những công việc bề bộn khác, chính quyền tỉnh nhà đã nhanh chóng khôi phục hoạt động của bến phà để phục vụ cuộc sống của nhân dân.
Năm 1947, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình. Từ đây, nhân dân Quảng Bình cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ bước vào cuộc kháng chiến gian nan, quyết liệt chống thực dân Pháp, giành độc lập, tự do.
Những năm thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Bình (1947 - 1954), ở vùng sông Gianh, chúng đóng đồn ở Thanh Khê, ngay cạnh bờ Nam bến phà Gianh nhằm bảo vệ đường chuyển quân trên Quốc lộ 1, và để từ đây đưa quân ngược sông Gianh đánh phá cướp bóc vùng thượng lưu. Nhân dân ta tích cực kháng chiến, tổ chức đánh du kích, kìm hãm bước tiến của kẻ thù. Đoạn Quốc lộ 1 từ bờ bắc phà Gianh trở ra bị nhân dân, du kích ta triệt để phá hoại. Vì vậy, giặc Pháp không thể sử dụng được. Bến phà Gianh ngừng hoạt động.
Cầu Gianh trong ánh sáng bình minh. Nguồn: Dân Trí Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Thực hiện kế hoạch hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bến phà Gianh nhanh chóng được khôi phục. Bằng tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo chỉ trong một thời gian ngắn, bến phà Gianh bị bỏ hoang từ lâu đã được sửa chữa, phục hồi và đi vào hoạt động.
Năm 1960, bến phà Gianh xưa không còn đáp ứng được yêu cầu cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Giao thông Vận tải quyết định xây bến phà Gianh mới, chuyển lên phía thượng lưu, cách bến phà cũ 5 km, bờ bắc thuộc xã Quảng Thuận, bờ nam thuộc xã Hạ Trạch với qui mô lớn hơn nhiều so với trước đây. Đây là vị trí sông hẹp nhất (ở hạ lưu) cách xa cửa Gianh 7 km. Bến phà mới có tên là bến phà Gianh (hay là bến phà lI) bến phà cũ mặc nhiên được gọi là bến phà I.
Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở Quảng Bình, máy bay Mỹ đánh vào cửa Roòn, cửa Gianh. Bộ đội phòng không, hải quân và dân quân tự vệ, các đơn vị và nhân dân trong vùng đã kịp thời tổ chức lực lượng phối hợp chặt chẽ đánh trả địch quyết liệt. Lúc này, cán bộ chiến sỹ phà Gianh thực hiện vượt sông ở cả 2 bến. Nếu bến phà I bị tắc đường thì sử dụng bến phà II và ngược lại. Ngoài ra, chúng ta còn xây dựng các bến phụ, lập phương án điều hành các đoàn xe vượt sông theo các tình huống khác nhau được chuẩn bị từ trước. Ở các điểm vượt sông đều có phương án “4 trước”: Đề án thiết kế trước, vật liệu thì công chuẩn bị sẵn trước, bố trí lực lượng thi công trước và phân công người chỉ huy trước. Nhờ vậy, bến phà Gianh tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, chi viện kịp thời cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở chiến trường miền Nam. Khẩu hiệu hành động “Đầu đội bom, chân bám phà, tay lái, tay súng, miệng hát bài ca chiến thắng” đã trở thành phong trào cách mạng trong toàn đơn vị.
Bằng những việc làm sáng tạo, với lòng dũng cảm trong chiến đấu và lao động của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương, phà Gianh vẫn hoạt động thông suốt, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.Bến phà Gianh nhiều đêm bị tắc, chi đoàn bến phà Gianh phát động phong trào đoàn viên làm nòng cốt trong việc mở luồng vượt sông. Bí thư chi đoàn Võ Xuân Khuể là người đi tiên phong, lái ca nô mở hết tốc lực lướt nhanh qua bom từ trường, kích cho bom nổ đằng sau, mở luồng an toàn cho phà chở hàng, chở xe qua sông. Hành động của anh được ghi nhận bằng câu thơ thật giản dị, nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng:"Giọt máu đỏ quí hơn vàng Nhưng khi Đảng gọi, sẵn sàng hiến dâng’’ Công việc đưa hàng, đưa xe vượt sông ban đêm đầy hiểm nguy, vất vả. Nhưng việc ban ngày đưa phà, ca nô đi dấu cũng chẳng kém phần gian nan. Lúc đầu, phải đưa phà, ca nô lên tận Thuận Bài, Minh Lệ, La Hà, vừa xa, vừa kém an toàn. Công việc này đòi hỏi một cuộc đấu trí vô cùng gay go, quyết liệt. Cuối cùng chiến sỹ bến phà Gianh đã tìm ra cách thích hợp. Có chiếc ca nô đậu gần bến bị địch đánh hỏng, ngày ngày máy bay Mỹ nhận biết đó là “Mục tiêu chết” không dòm ngó nữa, anh em cho thay vào đó chiếc ca nô “sống” và ngụy trang giống như chiếc ca nô hỏng, vậy là lừa được địch. Nhưng với con phà, mục tiêu lớn hơn, không thể “chơi trò ú tim” như với ca nô được.
Các kỹ sư Hoàng Ngọc Bích, Lê Văn Câu... đã tích cực nghiên cứu, vắt óc sáng chế đóng mới loại “phà dìm” tại chỗ. Phà có 3 khoang, 2 khoang ngoài có “lổ lù” cho nước vào ra được. Khoang giữa để rỗng, bít kín không cho nước vào. Mỗi khi nước vào đầy hai khoang ngoài, phà chìm lơ lững dưới mặt nước, máy bay địch không thể phát hiện được mục tiêu. Tối đến bơm rút nước ra, phà nổi dần, đưa vào bến hoạt động bình thường. Chiếc “phà dìm” ra đời là một sáng tạo có hiệu quả tốt của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh, tiện lợi trong việc cất giấu đã rút ngắn được thời gian chờ đợi, nhờ vậy tăng chuyến vượt sông mỗi đêm.
Mặc dù địch đã huy động đến mức cao nhất lực lượng và vũ khí tập trung đánh phá có tính hủy diệt các mục tiêu quân sự, kinh tế... nhưng địch vẫn không ngăn nổi sự chi viện của đồng bào, chiến sỹ miền Bắc cho cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc của đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Trong thành tích chung của quân và dân Quảng Bình có sự cống hiến xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh trên mặt trận đảm bảo giao thông. Nhiều gương hy sinh anh dũng, nhiều hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh đã xuất hiện, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ trên mặt trận giao thông vận tải.
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 13:54 )
LŨY THẦY THỜI NHÀ NGUYỄN
Thứ năm, 18 Tháng 4 2013 04:41
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Hệ thống đồn lũy lừng danh của chúa Nguyễn thế kỷ XVII ở đàng Trong, gắn liền với tên tuổi nhà thơ, nhà quân sự kiệt xuất “bậc thầy” Đào Duy Từ, tác giả cuốn binh thư “Hổ trướng khu cơ” người kiến tạo nên hệ thống đồn lũy, góp phần giữ yên bờ cõi xứ đàng Trong. Vì lẽ ấy, những đồn lũy của chúa Nguyễn khu vực phía nam Quảng Bình có tên gọi “Lũy Thầy”. Lũy Thầy là hệ thống chiến lũy được xây dựng từ năm 1630. Người có công đầu, khởi xướng và chỉ đạo thi công là Đào Duy Từ. Ông sinh năm 1572 và mất năm 1634, do có cha làm nghề xướng ca, nên mặc dù học rộng, tài cao, vẫn không được chính quyền phong kiến Lê-Trịnh cho dự thi. Phản ứng trước luật lệ khoa cử khắt khe của triều đình, ông bỏ đất Bắc tìm vào đàng Trong theo phò chúa Nguyễn và được trọng dụng phong làm quan Nội tán tước hầu.Dấu tích Lũy Thầy ở thành phố Đồng Hới. Nguồn: Internet
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) sau trận kịch chiến với quân Trịnh trên sông Nhật Lệ năm 1627, tuy thắng, nhưng vẫn rất lo lắng, vì thế lực của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) rất mạnh và không từ bỏ ý đồ thôn tính đàng Trong, bắt chúa Nguyễn phải thần phục. Mùa xuân năm 1630, Đào Duy Từ đệ trình kế hoạch xây dựng lũy Trường Dục để ngăn quân Trịnh. Theo kế của Đào Duy Từ chúa Nguyễn đã cho xây dựng chiến lũy bề thế, nhưng vẫn chưa yên lòng. Năm 1631, chúa Nguyễn lại sai Đào Duy Từ cùng danh tướng Nguyễn Hữu Dật ra Quảng Bình thị sát thế núi, thế sông vùng Động Hải để xây thêm thành lũy. Sau chuyến đi, các tướng Nguyễn lại vạch kế hoạch về việc đắp thêm một lũy mới gọi là lũy Đầu Mâu. Lũy được xây dựng cao 1 trượng 5 thước, phía ngoài đóng cọc gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp… cứ cách 3 đến 5 trượng lại xây một pháo đài đặt súng thần công, cách một trượng lại đặt một súng phóng đá. Chiều dài của lũy là 3.000 trượng.Cũng vào năm 1631, chúa Nguyễn cho xây tiếp một lũy mới, tiếp nối với lũy Đầu Mâu, chạy từ cầu Dài, vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú (tên cũ của làng Phú Ninh) ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy còn được đào hào vây quanh. Lũy Đầu Mâu hợp với lũy Nhật Lệ được gọi là lũy Trấn Ninh (hay chính lũy). Vẫn chưa thực sự yên lòng, vì mặt Đông vùng đất này vẫn trống. Để đề phòng quân Trịnh có thể đột nhập theo hướng này, năm 1634, chúa Nguyễn lại sai tướng Nguyễn Hữu Dật tổ chức đắp lũy Trường Sa. Lũy chạy từ Sa Động đến Huân Cát thuộc địa phận Bảo Ninh (hữu ngạn sông Nhật Lệ ngày nay). Như vậy, suốt trong 3 năm, chúa Nguyễn đã theo mưu kế của Đào Duy Từ, không tiếc sức người, sức của, xây đắp nên chiến lũy bề thế với tổng chiều dài tới 34 cây số. Đây là hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến chiến đấu. Trong điều kiện trang bị của binh lính hầu hết là mã tấu, dao dài thì hệ thống đồn lũy được chúa Nguyễn xây dựng kiên cố với việc phòng thủ thâm sâu, quân lính đối phương từ xa tới không dễ công phá. Nhờ hệ thống đồn lũy này mà chúa Nguyễn phòng giữ được đàng Trong suốt từ năm 1634 cho đến những năm sau này. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì năm 1648, tướng Trương Phước Phấn đã cùng con là Hoàng nhờ có thành lũy mà đánh lui được quân Trịnh, giữ yên bờ cõi đàng Trong cho chúa Nguyễn. Năm 1842, vua Thiệu Trị trên đường tuần du ra Bắc, qua lũy Trấn Ninh đã đổi tên lũy cũ thành Định Bắc Trường thành và cho dựng bia, khắc thơ để nhớ, bởi nhờ có lũy Thầy mà ý đồ cát cứ của chúa Nguyễn được thực hiện. Theo Báo ĐT QĐND
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 16:03 )
LINH GIANG LÀ SÔNG GIANH HAY SÔNG HƯƠNG?
Chủ nhật, 14 Tháng 4 2013 04:51
Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết: “Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại.” [dẫn lại: Ngữ văn 12, tập 1, Nxb GDVN, 2010, tr.201]. Tập bút ký trên của Hoàng Phủ Ngọc Tường do Nxb Thuận Hoá in lần đầu vào năm 2002.
Sau đó, trên Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại số 341 tháng 10 năm 2009 đã đăng bài viết của Tôn Thất Thọ: “LINH GIANG” LÀ SÔNG NÀO?. Trong bài viết, ông Tôn Thất Thọ đã viện dẫn đến bốn tư liệu xưa như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, để lý giải rồi đi đến kết luận với sự khẳng định như đinh đóng cột: “Linh Giang là tên cũ của sông Hương ở Thừa Thiên Huế, chứ không phải tên cũ của sông Gianh ở Quảng Bình”.
Thế thì tên chữ Hán “Linh Giang” dùng để gọi sông Gianh hay là sông Hương?
Qua khảo lại tư liệu xưa hiện còn, chúng tôi thấy có hai ý kiến khác nhau về dòng Linh Giang: một ở Quảng Bình và một ở Thừa Thiên – Huế.
Muốn biết cụ thể, hãy trở lại sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, mục Dư địa chíLịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì sẽ rõ. trong sách
1. Trước hết là thông tin về Linh Giang trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi.
Dư địa chí được Nguyễn Trãi viết trong 8 tháng, hoàn thành vào năm 1435 theo lệnh của vua Lê Thái Tông, nội dung chép về các đạo (vùng miền) ở trong nước, được khắc in vào năm 1442, nhưng cũng năm này, cụ Nguyễn bị bản án Lệ Chi viên oan nghiệt nên triều đình ra lệnh hủy mộc bản, may mà còn bản viết tay lưu ở Bí thư các, để sau đó vua Lê Nhân Tông đến xem và đánh giá cao, đem về “để sách ở ngự tẩm, dùng làm chính thư”, mà sau này, hai người bạn đồng khoa, đồng liêu của cụ Nguyễn đã biên tập là Lý Tử Tấn viết lời Thông luận (Lý thị viết) và Nguyễn Thiên Tích viết lời Tập chú, lời Cẩn án. Hiện có 5 bản chép tay Dư địa chí đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội mang ký hiệu và nhan đề sau: A.2815 Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí 55 tờ, khổ 28,5 x 16,5 cm; A.1900 Đại Việt dư địa chí 123 tờ, khổ 25 x 14 cm; A.830 Nam Quốc Vũ cống 60 tờ, khổ 30 x 20 cm; A.2251 An Nam Vũ cống 50 tờ, khổ 26,2 x 15,4 cm; A.53 Lê triều cống pháp 158 tờ, khổ 32 x 22 cm, và một bản của Dương Bá Cung - bộ Ức Trai di tập 7 quyển, Dư địa chí thuộc quyển thứ 6 với tên là An Nam Vũ cống (vì cụ Nguyễn Trãi đã viết sách này theo thể văn của thiên Vũ cống trong Kinh Thư của Trung Quốc), do Phúc Khê đường khắc in vào năm 1868 dưới triều Tự Đức Nguyễn Dực Tông (1847-1883). Đây là bản in Dư địa chí xưa nhất hiện còn. Tại tờ 22b, 23a của sách có chép về vùng Thuận Hóa, nơi có dòng Linh Giang, với nguyên văn như sau:
海及雲,靈惟順化.
海,南海也.雲,隘山也.靈,水名.順化古越裳氏部.趙越改為北景州內伴.東北通乂安.西南連牢廣.路府凡二,屬縣凡八,州凡四,里社凡六百五十八.南方之第四藩 也.
謹按:新平府,二縣,二州,二百二十四社:康祿七十八社,七冊,四源;麗水二十九社;布政州六十三 社,一村,二十四庄,二冊,三源;明靈(古麻靈,李常傑征占取其地)六十四社,二源;肇豊府六縣,二州,四百四十四社;海陵五十四社,八村,二十八峒;武昌九十五社,三村,五冊;丹田六十三社,九村,六冊;金茶七十三社,二村,二州,十三冊,三源;思榮四十四社,十八村,一庄;奠盤九十五社;順平州八峒,二十一冊;沙盃州六峒,十五庄,六十八冊.
Phiên âm: [tờ 22b] Hải cập Vân, Linh duy Thuận Hóa.
Hải, Nam Hải dã. Vân, ải sơn dã. Linh, thủy danh. Thuận Hoá cổ Việt Thường thị bộ. Triệu Việt cải vi Bắc Cảnh châu nội bạn. Đông Bắc thông Nghệ An. Tây Nam liên Lao, Quảng. Lộ phủ phàm nhị, thuộc huyện phàm bát, châu phàm tứ, lý xã phàm lục bách ngũ thập bát. Nam phương chi đệ tứ phiên dã.
Cẩn án: Tân Bình phủ, nhị huyện, nhị châu, nhị bách nhị thập tứ xã: Khang Lộc thất thập bát xã, thất sách, tứ nguyên; Lệ Thủy nhị thập cửu xã; Bố Chính châu lục thập tam xã, nhất thôn, nhị thập tứ trang, nhị sách, tam nguyên; Minh Linh (cổ Ma Linh, Lý Thường Kiệt chinh chiếm thủ kỳ địa) lục thập tứ xã, nhị nguyên. Triệu Phong phủ lục huyện nhị châu [tờ 23a] tứ bách tứ thập tứ xã: Hải Lăng ngũ thập tứ xã, bát thôn, nhị thập bát động; Vũ Xương cửu thập ngũ xã, tam thôn, ngũ sách; Đan Điền lục thập tam xã, cửu thôn, lục sách; Kim Trà thất thập tam xã, nhị thôn, nhị châu, thập tam sách, tam nguyên; Tư Vinh tứ thập tứ xã thập bát thôn, nhất trang; Điện Bàn cửu thập ngũ xã; Thuận Bình châu bát động, nhị thập nhất sách; Sa Bôi châu lục động, thập ngũ trang, lục thập bát sách.
Dịch: [tờ 22b] Biển cùng Vân, Linh ở về Thuận Hóa.
Biển là biển Nam Hải. Vân là núi ở cửa ải. Linh là tên sông. Vùng Thuận Hoá xưa là bộ của họ Việt Thường. Triệu Việt đổi làm nội bạn của châu Bắc Cảnh. Phía Đông Bắc thông với Nghệ An. Phía Tây Nam giáp liền với Lào, Quảng. Có 2 lộ phủ, 8 thuộc huyện, 4 châu, 658 làng xã. Đấy là phên giậu thứ tư về phương Nam vậy.
Cẩn án: Phủ Tân Bình có 2 huyện, 2 châu, 224 xã: huyện Khang Lộc có 78 xã , 07 sách, 04 nguyên; Lệ Thủy 29 xã; châu Bố Chính 63 xã, 01 thôn, 24 trang, 02 sách, 03 nguyên; Minh Linh (Xưa có tên là Ma Linh, Lý Thường Kiệt đã đánh chiếm giữ đất này) có 64 xã, 02 nguyên. Phủ Triệu Phong có 06 huyện, 02 châu, [tờ 23a] 444 xã: Hải Lăng 54 xã, 08 thôn, 28 động; Vũ Xương có 95 xã, 03 thôn, 05 sách; Đan Điền có 63 xã, 09 thôn, 06 sách; Kim Trà có 73 xã, 02 thôn, 02 châu, 13 sách, 03 nguyên; Tư Vinh có 44 xã, 18 thôn, 01 trang; Điện Bàn có 95 xã; châu Thuận Bình có 08 động, 21 sách; châu Sa Bôi có 06 động, 15 trang, 68 sách. [NCL dịch]
Trong Dư địa chí, phần trên là văn của Nguyễn Trãi, phần dưới (Cẩn án) là văn của Nguyễn Thiên Tích. Cần lưu ý là các đơn vị hành chính khi xưa: huyện, xã, thôn là những đơn vị ở đồng bằng; châu, sách, nguyên, động, trang là những đơn vị ở vùng cao, miền núi.
Ngày ấy, đất Thuận Hoá rất rộng, bao gồm cả các tỉnh: Quảng Bỉnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và một phần phía bắc Quảng Nam hiện nay, mà khi xưa Thuận Hóa chỉ có hai phủ: Tân Bình và Triệu Phong. Phủ Tân Bình xưa là đất của 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính của Chiêm Thành, nay là đất Quảng Bình và 2 huyện của Quảng Trị, gồm: Khang Lộc (nay là Quảng Ninh), Lệ Thuỷ (nay vẫn là Lệ Thuỷ), Bố Chính (nay là Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá); Minh Linh (nay là Vĩnh Linh, Do Linh). Phủ Triệu Phong xưa là đất Châu Ô, Châu Lý của Chiêm Thành, gồm 6 huyện: Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Điện Bàn và 2 châu Thuận Bình, Sa Bôi. Hiện tại, Hải Lăng, Vũ Xương (nay là Triệu Phong), Thuận Bình (nay là Cam Lộ), Sa Bôi (nay là Cam Lộ) thuộc tỉnh Quảng Trị; Đan Điền (nay là Quảng Điền, Phong Điền), Kim Trà (nay là Hương Thuỷ, Phú Lộc và một phần Hương Điền), Tư Vinh (nay là Phú Vang, một phần Hương Thuỷ, Phú Lộc) thuộc đất Thừa Thiên; còn Điện Bàn thuộc phía bắc đất Quảng Nam.
Như vậy, vùng Thuận Hoá giáp biển Đông (Nam Hải); cửa ải đây là núi/đèo Hải Vân; Linh là tên sông: Linh Giang, mà theo hiệu đính, chú thích của GS Hà Văn Tấn; sau đó được GS học giả Đào Duy Anh chỉnh lý trong bộ Nguyễn Trãi toàn tập thì Linh Giang tức Sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Cũng trong Dư địa chí, trước đó mấy tờ, tại tờ 20a, Nguyễn Trãi cũng có nhắc đến Linh Giang, khi viết về dòng Lam giang có khởi nguồn từ Linh Giang: 麒麟山名,在永江之右.藍水名,其源出自靈江. “Kỳ Lân sơn danh, tại Vĩnh Giang chi hữu. Lam thuỷ danh, kỳ nguyên xuất tự Linh Giang.” (Kỳ Lân là tên núi, nằm bên hữu sông Vĩnh Giang. Lam là tên sông, phát nguyên từ Linh Giang – xin nói thêm: chỗ này có lẽ các cụ đã nhầm về nơi phát nguyên của dòng Lam Giang, bởi Lam Giang ở Nghệ An, còn Linh Giang ở Quảng Bình thì làm sao Lam Giang khởi nguồn từ Linh Giang được? – NCL chú) và cũng theo chú thích của GS Hà Văn Tấn, GS Đào Duy Anh trong bộ Nguyễn Trãi toàn tập thì một lần nữa các cụ khẳng định Linh Giang chính là sông Gianh ở Quảng Bình.
Trên đây là tên Linh Giang trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã được biên tập sau đó bởi Lý Tử Tấn và Nguyễn Thiên Tích, mà theo các cụ ngày xưa cùng người dịch chú thời nay thì dòng Linh Giang nằm ở Quảng Bình hiện nay. Điều này đủ để chứng minh là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhầm khi viết rằng “trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang”. Có nhầm lẫn này cũng dễ hiểu thôi là bởi tuy nhà văn có đọc sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi nhưng không ngẫm kỹ nên chưa hiểu ý văn của người xưa. Trong sách của mình, cụ Nguyễn Trãi chỉ giới thiệu chung chung “Linh: tên sông ở Thuận Hoá”, mà đất Thuận Hoá khi xưa rất rộng như trên tôi có nêu và trích dẫn lại phần Cẩn án của sách, chứ cụ đâu có nói Linh Giang là dòng sông nằm ở Thừa Thiên như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định đó là sông Hương!
2. Còn đây là lời của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục (sách này được bắt đầu nhuận sắc năm 1553, hoàn thành năm 1555) có chép về Linh Giang như sau (Lưu ý: Ô Châu cận lục hiện có đến bốn bản dịch: bản dịch của Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu, SG, 1960; bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm; bản dịch của Trần Đại Vinh; và bản dịch của Nguyễn Khắc Thuần - bản này không khác với bản dịch của Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu ở Sài Gòn là mấy ?!!. So sánh các bản dịch thì chúng tôi thấy, ba bản dịch của: Hội Nghiên cứu Văn hoá Á Châu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Khắc Thuần có nhiều nhầm lẫn về địa danh, bởi những người dịch không phải là “Thổ công, Thổ địa” ở đây; chỉ có bản dịch của Trần Đại Vinh là rất đáng tin cậy, có sách dẫn đối sánh về địa danh cùng chú thích cụ thể rõ ràng, bởi ông là người gốc Huế, nay đã 70 tuổi, giảng dạy Hán Nôm tại trường Đại học Sư phạm Huế từ năm 1970, hiện ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn được mời giảng.
- Quyển 1. Núi sông: “Linh Giang: sông do hai nhánh sông Đan Điền và Kim Trà hợp lưu, sâu rộng vô ngần, quanh co hữu tình. Phía tây nam có đền thờ Tứ vị Thánh nương, có trạm Địa Linh; phía đông bắc có chùa Sùng Hóa, có bia Hoằng Phúc. Còn như nha thự hiến ty, phủ huyện, vệ sở đều nối liền đối nhau hai bên tả hữu” [Bản dịch của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hoá, 2001, tr. 26].
Tiếp theo, tác giả viết về sông Đan Điền “là dòng sông lớn của huyện Đan Điền, có nguồn rất xa và dòng rất dài” mà dịch giả chú thích là sông Bồ [ÔCCL, bd, tr. 26].
Cũng tại sách này, một chỗ khác có ghi chú sông Kim Trà chính là sông Hương.
- Quyển 5. Đền chùa: “Chùa Sùng Hóa tại làng Lại Ân huyện Tư Vinh. Phía trước có sông Linh uốn quanh. Phái sau có đầm lớn vây bọc. Sông Hòa Tài ôm ở phía nam, bia Sùng Phúc trổi cao ở phía bắc (…) Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa Châu” [ÔCCL, bd, tr. 94].
Như vậy, theo Dương Văn An thì dòng Linh Giang ở Hoá Châu, tức ở Thừa Thiên - Huế hiện nay. Còn Linh Giang có phải là Hương Giang hay không thì trong nguyên tác không thấy ghi chú; trong bản dịch của Trần Đại Vinh cũng không thấy ghi chú thích, dù vậy người đọc vẫn có thể suy đoán Linh Giang chính là sông Hương, vì nó là hợp lưu của sông Kim Trà và sông Đan Điền, mà hai sông này đều ở Thừa Thiên - Huế, hơn nữa, sông Kim Trà có nơi ghi chú đó chính là sông Hương. Như vậy, nếu giả dụ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết “Trong sách Ô Châu cận lục, Dương Văn An có nói dòng Linh Giang xưa chính là dòng Hương Giang ngày nay” thì có lẽ sẽ không ai tranh luận!
3. Sách Phủ Biên tạp lục của cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn soạn năm 1776 đã chép: “Sông cái Đan Điền nguồn ở rất xa, bờ nam bờ bắc sông đều có dân cư, thành lớn Thuận Hóa ở về hạ lưu. Huyện Kim Trà ở ngả Ba sông Kim Trà ...” [PBTL, bd, tr.96] ...
Một chỗ khác trong sách cụ lại viết: “Từ bến các xã phường Lộc Điền Lũ Đăng đi thuyền theo sông Đại Linh là phía hữu sông, Đại Linh tức sông Gianh, qua hai xã Vân Lôi, La Hà, đến ngả ba là chỗ sông Gianh và sông Son gặp nhau” [PBTL, bd, tr.101].
Ở đây, cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã ghi chép không nhất quán, khi thì cụ nói đó là sông cái Đan Điền hợp lưu với sông Kim Trà; khi thì nói đó là sông Đại Linh tức sông Gianh. Mà sông Đan Điền hợp với sông Kim Trà (nay là sông Hương) thì thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn sông Đại Linh hay sông Gianh thì thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay.
4. Bộ bách khoa thư đầu thế kỷ XIX: Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú, mục Dư địa chí, quyển 5, có viết về ngọn nguồn gốc gác của vùng đất Thuận Hoá như sau:
“Đời thượng cổ là nước Việt Thường. Tần, Hán là huyện Tượng Châu. Tấn là nước Lâm Ấp. Đến đời Đường mới đặt ra châu Lâm, châu Cảnh, rồi lại lọt vào nước Lâm Ấp. Thời Tống là Chiêm Thành. Khoảng đầu đời Lý Thánh Tông [1069] vua thân chinh đi đánh, chúa Chiêm Thành dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố chính để chuộc tội.
Vua Nhân Tông, Thái Ninh năm thứ 4 [1075] sai Lý Thường Kiệt đi tuần hành ở biên thuỳ, vẽ đồ bản núi sông của hai châu, rồi đổi châu Địa Lý gọi là châu Lâm Bình, châu Ma Linh gọi là châu Minh Linh, chiêu tập nhân dân đến ở. Từ đó, từ huyện Kỳ Hoa trở vào nam, một dải Hoành Sơn đều thuộc về bản đồ nước Việt ta.
Năm Long phù thứ 3 [1103] chúa Chiêm Thành là Chế Ma Na lại ra đánh lấy lại ba châu. Năm thứ 4 [1104] Lý Thường Kiệt đi đánh, bình được. Chúa Ma Na lại đem nộp trả đất 3 châu. Từ đó vẫn triều cống luôn.
Đến năm Hưng Long thứ 14 [1304], Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân, chúa Chiêm dâng hai châu Ô, Lý làm lễ dẫn cưới, mới đổi thành Thuận [châu và] Hoá châu.
Cuối đời Trần, đổi Lâm Bình thành Tân Bình, cùng với trấn Thanh Hoa và 2 lộ Nghệ An, Diễn Châu đều là trọng trấn. Thời thuộc Minh, đặt làm hai phủ Tân Bình và Thuận Hoá. Buổi đầu đời Lê, Thái Tổ cũng theo thế, đặt ra chức Lộ tổng quân và Tri phủ. Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 7 [1466] đặt Thừa tuyên Thuận Hoá thống thuộc các phủ huyện” [LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.130].
Cũng theo Lịch triều hiến chương loại chí, mục Dư địa chí, đất Thuận Hoá có 2 phủ là Triệu Phong và Tân Bình. Phủ Triệu Phong có 5 huyện là Đan Điền, Kim Trà, Ân Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương và 2 châu là Thuận Bình, Sa Bôi. Phủ Tân Bình có 2 huyện là Khang Lộc, Lệ Thuỷ và 2 châu là Minh Linh, Bố Chính.
Theo Phan Huy Chú, phủ Triệu Phong ở giữa Thuận Hoá, phía nam giáp Quảng Nam. Về núi sông ở phủ này thì có Thương Sơn, núi Hương Uyển ở huyện Kim Trà, Quy Sơn ở huyện Ân Vinh, núi Hải Vân ở ải Ải Vân thuộc huyện Ân Vinh; dốc Hải Lăng ở huyện Hải Lăng, sông Linh do hai nguồn nước Kim Trà và Đan Điền chảy vào, sông rất sâu và rộng. Phía tây nam có chùa Tứ Vị, phía đông bắc có chùa Đường Hoa, phía tây bắc sông đều là dân cư. Thành lớn Thuận Hoá ở về hạ lưu sông; nguồn Kim Trà ở chỗ ngả ba sông thuộc huyện Kim Trà; cửa Việt ở huyện Vũ Xương do hai nguuồn sông Quá Nguyên và Viên Kiều đổ vào; cửa Nhuyễn ở huyện Kim Trà do các nguồn nước Kim Trà, Đan Điền đổ đến. Từ cửa Việt đến cửa Tư Dung gọi là Đại trường sa, cửa Bắc Hải gọi là Tiểu trường sa [theo: LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.131-132].
Lưu ý về địa danh, phủ Triệu Phong ngày xưa nay là đất của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; còn tên Triệu Phong ngày nay là tên huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Ở đây, có chi tiết cần lưu ý là địa danh sông Linh. Dòng sông này là hợp lưu của dòng Kim Trà và Đan Điền, mà sau này có tên gọi là sông Hương (tên chữ Hán là Hương Giang). Theo tôi, đó là lý do để Dương Văn An và Lê Quý Đôn ghi chép như trên. Đây cũng chính là căn cứ để ông Tôn Thất Thọ khẳng định Linh Giang (sông Linh) là tên gọi ngày xưa của dòng sông Hương ngày nay.
Cũng theo Phan Huy Chú, phủ Tân Bình ở phía bắc trấn Thuận Hoá, giáp với trấn Nghệ An, lấy sông Gianh làm giới hạn phía nam [LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.133]. Về núi ở phủ này thì có: Hoành sơn (ở châu Bố Chính, giáp trấn Nghệ An), Đâu Mâu (ở địa giới huyện Khang Lộc), núi Thần Dinh (cũng ở huyện Khang Lộc), núi Lỗi Lôi (ở châu Bố Chính), núi Mã An và Liên Sơn đều ở huyện Lệ Thuỷ, Linh Sơn ở châu Minh Linh. Về sông đầm phá thì có: sông Đại Linh (sông Gianh), đầm Nhật Lệ ở cửa biển Nhật Lệ thuộc huyện Khang Lộc, phá Thiên Hải, vực An Sinh, và sông Bình đều thuộc huyện Lệ Thuỷ [theo: LTHCLC, Dư địa chí, bd, tập 1, tr.134].
Như vậy, theo ghi chép trên thì sông Gianh tức là Đại Linh giang thuộc huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình, tức tỉnh Quảng Bình ngày nay.
5. Bộ chính sử Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) được biên soạn trước năm Tự Đức 29 (1875) viết: “Sông Linh Giang: ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà” [ĐNNTC, T.2, tr 40].
Như vậy, thông tin này khẳng định Linh Giang là tên gọi con sông ở huyện Bình chánh, còn khi chảy qua huyện Bố Trạch thì dân ở đây gọi là Thanh Hà, đều thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.
Tóm lại:
1. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã nhầm lẫn khi khẳng định trong sách Dư địa chí Nguyễn Trãi đã viết Linh Giang là sông Hương.
2. Ông Tôn Thất Thọ trong bài viết “LINH GIANG” LÀ SÔNG NÀO?” trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam số 341 tháng 10 năm 2009, sau khi cố công trích dẫn các sách: Đại Nam nhất thống chí, Dư địa chí, Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục rồi khẳng định “Linh Giang là tên gọi chỉ con sông Hương ở Thừa Thiên – Huế”, thì tôi xin thưa rằng:
Trong Dư địa chí, cụ Nguyễn Trãi không có nói Linh Giang là sông Hương, một con sông ở Thừa Thiên mà ở trên tôi có nêu.
Còn trong sách của Dương Văn An thì đúng là theo cách ghi chép của cụ, ta có thể suy đoán để hiểu Linh Giang là tên khi xưa dùng để gọi sông Hương ngày nay.
Còn trong sách của Lê Quý Đôn và của Phan Huy Chú thì có ghi đến hai con sông: Linh Giang ở Thừa Thiên và Đại Linh Giang ở Quảng Bình. Linh Giang ở Thừa Thiên nay chính là sông Hương (chữ Hán là Hương Giang); còn Đại Linh Giang ở Quảng Bình nay chính là sông Gianh, mà cái tên Đại Linh Giang giờ chỉ còn trong tư liệu xưa hồi đầu thế kỷ XIX trở về trước; từ thế kỷ XIX về sau các tư liệu đều ghi là Linh Giang. Cư dân ở vùng Quảng Bình từ bao đời nay cũng tự hào về dòng sông quê hương của mình, đều gọi nó là Linh Giang hay sông Gianh.
3. Đặc biệt, bộ chính sử của triều Nguyễn đã khẳng định Linh Giang dòng sông thuộc tỉnh Quảng Bình, đó chính là sông Gianh như trên tôi đã dẫn chứng.
Theo tôi, Linh Giang trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có nhắc đến chính là sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình ngày nay.
Trong tâm thức của người dân Quảng Bình nói riêng, những người Việt Nam nói chung, hiện nay, ai ai cũng nghĩ Linh Giang chính là sông Gianh ở Quảng Bình; trong khi đó, dòng sông Hương thì được gọi tên chữ Hán là Hương Giang, chứ không có ai gọi nó là Linh Giang như lúc sinh thời cụ Dương Văn An đã gọi!
Sở dĩ tôi viết bài này là bởi:
Một là, tại Hội thảo khoa học dành cho cán bộ trẻ của Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG HCM vào cuối tháng 11-2011, có một học viên Cao học đã viết báo cáo về bút ký này của Hoàng Phủ Ngọc Tường; sau đó lại có ý kiến thắc mắc của một học viên Cao học khác về tên gọi Linh Giang là sông Gianh hay sông Hương.
Hai là, quan trọng hơn, vì bài bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được chọn đưa vào học trong chương trình môn Ngữ văn lớp 12, lại là chương trình thi tốt nghiệp phổ thông (Tú tài), trong đó có một chi tiết nhầm lẫn, khẳng định vội vã, mà ở trên tôi có nêu. Sách giáo khoa dùng để dạy các thế hệ học sinh mà sai một chi tiết dù rất nhỏ đi nữa nhưng cũng có thể có tác hại rất lớn, không thể lường hết được, bởi người xưa có câu: “Đừng coi thường việc nhỏ, lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền”!
Ba là, nhận dịp này, xin có vài lời trao đổi lại với tác giả bài viết “Linh Giang là sông nào?”. Theo tôi, dù ông Tôn Thất Thọ đã cố công trích dẫn nhiều tư liệu xưa (nhưng lại trích thiếu bộ sách của Phan Huy Chú!), mà việc trích dẫn để minh chứng này là rất đáng quý, thể hiện sự cẩn trọng và nghiêm túc, nhưng rất tiếc là trong bài viết có chỗ tác giả chưa hiểu hết ý văn, nhất là văn của Nguyễn Trãi trong Dư địa chí, mà đây là bộ sách viết về dư địa chí xưa nhất hiện còn, nó ra đời trước bộ sách của Dương văn An đến 120 năm! Điều đáng tiếc nữa là dù ông có dẫn dụ nhiều sách nhưng ông lại lờ đi một vài chi tiết quan trọng, mà theo ông là để nhằm đi đến kết luận: Linh Giang là sông Hương. Theo tôi, kết luận này không sai, bởi cụ Dương Văn An, Lê Quý Đôn có nói mà người đọc có thể suy ra để hiểu Linh Giang là sông Hương. Nhưng kết luận này của ông cũng chưa kín kẽ, bởi như trên tôi có nêu Linh Giang hay Đại Linh Giang còn là tên của dòng sông Gianh ở Quảng Bình, mà cái tên sông này rất phổ biến trong tâm thức của người dân Quảng Bình nói riêng, người dân Việt nói chung, tên của dòng sông này đã được xác định trong sách của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và bộ chính sử của triều Nguyễn.
Tháng 12-2011
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, trong Ức Trai di tập, Phúc Khê đường tàng bản, 1868.
2. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, bd của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hoá, 2001.
3. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bd của Viện Sử học, HN, 1977.
4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Dư địa chí, bd của Viện Sử học, tập 1, Nxb Sử học, 1961.
5. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, quyển 2, bd của Viện Sử học, HN.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 412 (tháng 9-2012) và số 413 (tháng 10-2012). Một số hình ảnh sông Gianh:
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 15:59 )
|
|