LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH
Thứ sáu, 12 Tháng 4 2013 07:07
Nguồn: baotanglichsu.vn/
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Chốn rừng rậm đầm lầy quanh vùng Đồng Nai Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí mà Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu CảnhLễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700) là một vị tướng quốc, một bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế (1691-1725 ), sinh quán Quảng Bình, có quê gốc từ Tiền tổ ở Gia Viễn Ninh Bình. Ông nội của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là quan tham chiến Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, vì bất mãn với chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, nên theo phò chúa Nguyễn vào Đàng trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn Hầu định hướng là đất Quảng Bình. Khi ấy người con trai thứ năm của Triều Văn Hầu là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật mới được 6 tuổi. Ông Dật sau này là cha của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đến lượt Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được sinh vào năm 1650 tại Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Quê hương Quảng Bình đứng vào vị trí trung tâm của Tổ quốc – là một địa linh đã nung đúc nên nhiều anh tài nhân kiệt cho đất nước. Về thiên nhiên thì Quảng Bình cũng là một địa danh nổi tiếng có nhiều thắng cảnh độc đáo. Địa linh ấy, phong cảnh ấy đã tác động mạnh vào trí não Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ lúc mới chào đời. Càng lớn, quê hương Quảng Bình càng gắn chặt vào tâm hồn ông với lòng mến yêu, quyến luyến chân thành. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh trưởng trong tình huống nước nhà đang nạn Trịnh Nguyễn phân tranh, Ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn, nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần. Từng là sư tổ của môn võ, danh hiệu "Bạch hổ sơn quân phái’’ được nhiều người kính phục. Được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ. Năm Nhâm Thân (1692) Chúa phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh an định bờ cõi. Tại vùng ven biển, trải hai năm liền Ông đã tích cực phấn đấu gặt hái được nhiều kết quả khả quan và nhất là để lại nhiều dấu ấn nhân hậu: Ổn định phủ Bình Thuận, Hòa đồng sắc tộc Chăm – Việt, Cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng… Qua thành tích trên, Ông được thăng chức Chưởng cơ, làm Trấn phủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa ngày nay). Xuân Mậu Dần 1698, Chúa lại cử ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai (gồm cả Sài Côn Bến Nghé). Thuở ấy Ông cho đóng đại bản doanh tại Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố (Đồng Nai). Ngoài mỏm đất này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u: phần đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư… … Đồng Nai địa thế hãi hùng Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um… Phần nhân chủng tuy gồm các sắc tộc: Khơme, Chăm, Việt, Hoa…nhưng lại quá ít ỏi vắng vẻ, đời sống sinh hoạt còn quá thô sơ nghèo nàn. Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước thương dân, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kiên quyết vượt gian nguy, vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành: Khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, bảo vệ chủng dân và vùng đất mới, thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ, lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt, đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông. Tận tâm tận lực trong vòng chưa đầy một năm, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thành công rực rỡ trước mọi phương án do ông đề ra. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông – Điển hình bằng cả những câu ca dao thời ấy: Làm trai cho đáng nên trai Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng Chốn rừng rậm đầm lầy quanh vùng Đồng Nai Bến Nghé đã nhanh chóng trở thành phủ Gia Định rộng lớn, đầy sinh khí…, mà Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã là vị Thống suất kinh lược có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, là ân nhân mở đường đưa dân chúng đến cuộc sống hạnh phúc ấm no tại vùng đất mới này: Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt, Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai Không những ông là vị tướng khai biên xuất, nhà chính trị tài giỏi mà còn là người giàu đức tính, đầy lòng nhân hậu, và có một tâm hồn thuần phác ’’Uống nước nhớ nguồn", với lòng yêu, quê hương Tổ Quốc thiết tha. Đặc biệt, Ông đặt nặng tình lưu luyến chân thành với sinh quán Quảng Bình của ông. Như ta thấy, Ông đã chắt chiu đem từng tên của hai huyện Phước Long, Tân Bình ở tận Quảng Bình vào đặt tên cho vùng đất mới khai hóa này, mà đến nay phần lớn vẫn còn. Trước hết là hai huyện Phước Long (vùng Đồng Nai) và Tân Bình (vùng Sài Côn Bến Nghé). Rồi còn biết bao thôn xã khóm ấp được mang tên Bình hoặc Tân như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước, Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh… Do công nghiệp ấy, ân đức ấy, Ông đã được nhân dân trong vùng kính trọng, họ tỏ lòng tôn kính uy danh ông, không dám gọi tên húy luôn cả hai tên Kính và Cảnh mà chỉ tôn xưng bằng chức tước của ông là Quan Chương Cơ, quan Thống Suất và tôn quý gọi là Lễ Công, Đức Ông. Hai năm sau, Triều đình tái cử ông đi dẹp yên biên cương với chức Thống binh. Lần này, ông cũng dùng chính sách ôn hòa, đem nhân tâm thu phục lòng người là chính. Công cuộc an định biên cương mau chóng hoàn tất, Ông hạ lệnh dong thuyền xuôi dòng Cửu Long về Dinh Trấn. Nhưng khi về đến ngã ba Tiền Giang – Rạch Gầm (tục còn gọi quãng này là Sầm Giang) Ông bỗng bị bệnh mất đột ngột! Khi ấy nhằm ngày 9/5 Canh Thìn (1700). Quan quân bàng hoàng xao động, âm thầm đưa linh cữu của ông về đình cữu và huyền táng cạnh dinh Trấn Biên Đồng Nai, thuộc thôn Bình Hoành, Cù Lao Phố. Được tin dữ bất ngờ, dân chúng xúc động thương tiếc; truyền rằng rất nhiều người vừa nghe xong đã bật khóc như chính người thân của họ mới qua đời vậy. Triều đình cũng sửng sốt u buồn. Chúa Nguyễn Phúc Chu xót xa ban sắc truy tặng Hiệp Tán Công Thần, đặc tấn Chưởng dinh Tráng Hoàn Hầu (Vĩnh An Hầu) thụy là Trung Cần. Truyền rằng sau đó linh hài của ông đã được cải về an táng tại Thác Ro thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nơi này mới đây được hậu duệ 10 đời của ông đã tìm ra mộ và tấm bia khắc tên Ông bằng chữ Hán, được dịch là (mặt trước) Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) chi mộ, (mặt sau) ghi: Bảo Đại năm thứ 5 ngày 16, hậu duệ là Viện trưởng Cơ mật Đại thần Thái tử Thái phó Hiển đại học sĩ Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài cùng con Hữu Giải và nữ thị Dương cung kính dựng bia. Nghiêm cẩn ghi lại. Nhưng ở Cù Lao Phố xưa nay vẫn có lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Phải chăng tiền nhân khi xưa vừa làm công việc cải táng linh hài ông về Quảng Bình, vừa đắp lại như cũ mộ huyền táng của Ông ở Cù Lao Phố để trấn an lòng sùng kính của nhân dân vùng Đồng Nai. Ngoài ra, Thượng Đẳng Thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có một ngôi mộ vọng nữa ở xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở ấy, sau khi ông mất, nhân dân khắp nơi lập Đền, Miếu thờ phụng, cùng những liễn đối hoành phi, ghi ơn Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh tại Thác Ro, Lệ Thủy, Quảng BìnhNgoài đền Vĩnh Yên ở Quảng Bình, đền Binh Kính ở Biên Hòa (Đồng Nai), còn suốt miền đồng bằng sông Cửu Long, nhưng địa phương nào trước đã từng được đón tiếp ông hay những nơi ông đóng doanh trại đều có đền thờ như: Cù Lao Tiêu Mộc (sau đổi là Cù Lao Ông Chưởng), Long Điền, Kiến An, Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Rạch Gầm, Thới An, Bình Mỹ, Mỹ Đức, Cù Lao Phố… Đâu đâu ông cũng được sắc phong Thượng đẳng thần. Không những người Việt tôn thờ ông, mà người Trung Hoa cũng tỏ lòng ngưỡng mộ đặt bài vị thờ Ông tại đền Minh Hương Chợ Lớn. Thậm chí người Chân Lạp cũng kính phục uy danh Ông, họ lập miếu thờ ở đầu chợ Nam Vinh (Nam Vang) thờ Đương Cảnh Thành Hoàng Nguyễn Hữu Cảnh. Phía triều đình các vua chúa nối ngôi sau này đều có ban sắc phong tước hiệu truy tặng cố công thần Nguyễn Hữu Cảnh. Dân ta vốn là một dân tộc có truyền thống uống nước nhớ nguồn, cho nên trải qua hàng bao thế hệ, cho dù các nhà cầm quyền thuộc thể chế nào, thời gian nào.. và cho đến tận ngày nay cũng đều muốn tỏ lòng ghi khắc công ơn Người góp công mở cõi Nguyễn Hữu Cảnh, bằng mọi hình thức và ở mọi địa phương như : Sửa đền, mộ cùng sự chiêm bái hàng năm, lấy tên và chức tước của Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mà đặt tên cho trường học, đường phố, khóm ấp, dòng sông như: Cù Lao Ông Chưởng, Làng Ông Chưởng, trường trung học Chưởng Binh Lễ. Và mới đây nhất (1998) TPHCM và Đồng Nai, An Giang đều liên tiếp long trọng mở hội thảo chuyên đề Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và tưng bừng làm lễ đón mừng 300 năm (1898-1998) thành lập Sài Gòn Gia Định gắn liền với tên tuổi của Ông. Quả thật, công đức và nhân cách của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đi sâu vào lòng dân, và hẳn là uy danh của Người sẽ mãi mãi còn được lưu truyền hậu thế. Xin trích một câu đối trong hàng trăm liễn đối treo thờ Ông ở khắp các đền miếu:Công cao vạn đại lê dân hàm cảm thính Nam Châu Đức trọng thiên thu hộ quốc an khang khai biên thổ Dịch nghĩa là:Công cao muôn thuở, toàn dân vọng tưởng đất miền Nam Đức nặng ngàn thu, cả nước vui trông trời giới cảnhTỉnh đã xây dựng khu lăng mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Thác Ro, Lệ Thủy.
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 13:48 )
NHỮNG LÀNG NGHỀ VEN SÔNG GIANG
Thứ bảy, 06 Tháng 4 2013 05:08
Nguồn: dukhach.quangbinh.gov.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(Portal Quảng Bình) - Nói đến vùng đất Quảng Trạch, người ta nghĩ tới các làng nghề văn hóa đặc sắc ven sông Gianh. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với truyền thống khoa cử với bốn làng trong “bát danh hương” Quảng Bình: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa) mà còn có những làng nghề cổ truyền với những sản phẩm đã trở nên quen thuộc với người dân trong và ngoài tỉnh. Những làng nghề ven sông có từ rất lâu, mà đến hôm nay con cháu cũng không rõ xuất xứ. Có những làng được hình thành do nhu cầu sinh hoạt của người dân trong quá trình khai khẩn đất đai như nghề đan lát, làm nón, trồng bông, dệt vải... Lại có những làng nghề ra đời do điều kiện lịch sử như nghề mộc, chạm, rèn, đúc ở làng Hòa Ninh (xã Quảng Hòa) được hình thành từ thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn để cung cấp vũ khí, đáp ứng yêu cầu chiến sự lúc đó. Sản phẩm truyền thống của các làng nghề đã đi vào thơ ca, hò vè dân gian. Làng nghề đánh cá biển ở Cảnh DươngĐến nay, trên địa bàn huyện Quảng Trạch có những nghề đã thất truyền, có những nghề còn tồn tại. Nghề đan lát ở Thọ Đơn ra đời trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của nghề đánh cá biển ở các làng Cảnh Dương, Lý Hòa... Bởi thế, sản phẩm ở đây chủ yếu là nong, nia, rổ, rá, sàng, giần với những nguyên vật liệu tương đối đơn giản như mây, tre vốn có rất nhiều ở các huyện lân cận như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch. Người ta chọn mua tre già vào các mùa tháng rét để tránh mọt, mối. Sau đó là cả một quy trình làm sản phẩm: Công đoạn chẻ tre, vót nan, đem phơi, lại mang đi xông khói để chống mọt và sau đó chọn nan tre lên nước vàng bong như đánh bóng. Tiếp đến, người ta đem đan tấm, kéo (lận) thành sản phẩm theo ý muốn, cuối cùng là nấc vành cho sản phẩm. Đồ đan Thọ Đơn được tiêu thụ nhiều không chỉ trong tỉnh mà còn ở các vùng lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị... Làng mây tre đan ở Thọ ĐơnChung tôi tìm về làng Thọ Đơn, các bậc cao niên trong làng, được hỏi về nghề truyền thống của làng các cụ luôn tự hào nói rằng: Nguyên liệu chính làt nguồn tre ở đây rất đảm bảo chất lượng để tạo ra độ bền sản phẩm, cộng với sự khéo léo của người thợ để tạo ra sản phẩm hoa văn đẹp đẽ, độc đáo riêng có ở làng này mới có, nên sản phẩm đồ đan Thọ Đơn vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Ở Thọ Đơn, nghề đan được làm theo vụ mùa cá, tức là khoảng tháng 3- 4 âm lịch. Do đó, nó vẫn được xem là nghề làm phụ lúc mùa màng rảnh rỗi, tận dụng được nhiều lao động từ trẻ đến già. Vào đúng vụ, cả làng rộn rã tiếng vót nan, đan lát, các nhóm tập trung con trai, con gái từ 10-12 người làm chung, vừa làm vừa trò chuyện, hát hò, đó cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần cộng đồng. Làng nghề nón lá ở Quảng TrạchNói đến nghề làm nón ở ven sông Gianh, có thể kể ra nhiều làng nghề như: Thổ Ngọa, Thuận Bài, Minh Lợi... Cũng như nghề đan lát, nguyên liệu làm nón chủ yếu là lá nón, nứa, tre sẳn có trên rừng. Chiếc nón tuy đơn giản, ít khó nhọc, dễ làm nhưng người làm lại không chủ động được về nguyên vật liệu. Đầu tiên người ta vót vành nón bằng thân cây lồ ô, sau đó lên vành. Lá nón là loại lá tơi non ở rừng hoặc là lá dừa, được ủi cẩn thận sao cho phẳng mà vẫn giữ được độ trắng sang, tiếp đến lá được cắt, xâu lại rồi đem dàn đều lên khuôn. Sợi may nón ngày xưa là sợi cây "đoác", còn gọi là "móc". Cây "đoác" giống cây dừa, thân có bẹ, cuối bẹ là những tấm "móc" đan bọc quanh thân. Ngày nay, người thợ may nón đã dùng sợi tơ, sợi cước để may nón. Chiếc nón do đó cũng đẹp, bền hơn. Giá thành của chiếc nón phụ thuộc vào giá của những nguyên vật liệu ấy. Nghề làm nón cũng được xem là nghề phụ, nhưng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ làm vì không phức tạp, đến trẻ nhỏ 12- 15 tuổi cũng làm được. Để đáp ứng nhu cầu nghề đánh cá, đã hình thành ở đây những làng nghề đan lưới, đóng thuyền ở xã Quảng Lộc, Thanh Trạch... phục vụ bà con nông ngư dân. Dù thế, ẩn sâu trong đó vẫn có những nét đẹp văn hóa, lịch sử lưu truyền từ đời này sang đời khác, như hình thức sinh hoạt cộng đồng ở làng Thọ Đơn... thông qua đó, cũng cố thêm tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa người dân không chỉ trong một làng, mà còn ở xã, huyện, vùng... Lối sống tốt đẹp đó cho đến nay vẫn còn được người dân trân trọng, gìn giữ. Với mục tiêu từ nay đến năm 2020, tỉnh Quảng Bình tập trung ưu tiên, khôi phục, khuyến khích phát triển ngành nghề chế biến nông - lâm - thủy - hải sản, mây tre, nón lá, thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, thực phẩm, đồ uống và du nhập thêm các nghề mới... Năm 2015, tỉnh khuyến khích các cơ sở áp dụng khoa học công nghệ mới nhằm phát triển nghề nón lá, mây tre đan, chiếu cói, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; chú trọng các mặt hàng mỹ nghệ chất lượng cao nhằm đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho du lịch và xuất khẩu... Với định hướng phát triển ngành nghề truyền thống tại các làng nghề sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển, bên vững hơn.Đặng Hà
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 15:52 )
TRĂM NGÔI NHÀ CỔ BÊN BỜ SÔNG GIANH (XÃ QUẢNG HÒA NÈ)
Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 06:12
Nguồn: sggp.org.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Một người bạn ở xã Quảng Hòa (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói với tôi nơi đây còn hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ phủ bóng rêu phong. Căn nhà cổ nhất đã hơn 300 năm tuổi, “trẻ” nhất cũng đã 200 năm soi bóng với sóng nước sông Gianh. Nhà ông Đinh Phan Dần đã bị trộm trổ nóc, nhìn bề ngoài căn nhà vẫn còn vững chãi.Nhà xưa soi bóng
Cư dân xã Quảng Hòa, anh Nguyễn Văn Thái, một tay máy ảnh có tiếng trong vùng giới thiệu với chúng tôi về những căn nhà cổ có một không hai bên bờ sông Gianh: “Nhiều vùng ven bờ sông hiền hòa này đã cơ bản bê tông hóa đường sá, vườn tược nhưng vùng Quảng Hòa này còn giữ được những ngôi nhà cổ độc đáo là một sự lạ hiếm nơi nào có được”. Nghe lời anh, chúng tôi tìm về Quảng Hòa bữa đầu mùa nóng, cái nắng chao chát rát mặt, vậy mà vào một ngôi nhà xưa còn lại, không khí mát rượi không đặc quánh như bao căn nhà bê tông cốt thép khác. Đó là nhà cụ Nguyễn Phương (83 tuổi). Cụ nằm trên chiếc chõng tre đầu hồi, có người vào cụ vẫn minh mẫn đứng dậy, ngồi cạnh chiếc bàn cổ rót nước đãi khách. Biết chúng tôi tìm hiểu về căn nhà, cụ lần giở từng trang gia phả bằng ký tự cổ rồi kể: “Căn nhà đã hơn 350 năm, làm thượng chua, hạ mít. Cụ tổ căn nhà này vốn là một quan tri huyện miền trong, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quan trường, được hồi gia, xuất tiền vào Lệ Thủy mua nhà của một địa chủ cự phách, chở bằng thuyền buồm, đi đường biển, vào cửa Gianh, giong buồm lên Quảng Hòa cất nóc, từ đó đến nay chưa sửa chữa một cái đòn tay nào”.
Bí quyết của căn nhà rường chắc chắn này theo cụ Phương là ở chỗ nó được tẩm chất chống mối mọt bằng thủ công từ ngày xưa, một loại chất đã thất truyền cũng ngót nghét trăm năm. Nhà cụ Phương 3 gian, những cột những kèo, những đòn tay, rui mè vẫn còn bóng dáng thuở xưa, chạm tay vào thớ gỗ nào cũng mát mịn. Các chạm khắc tinh xảo, từ đầu rồng, công phượng đến trúc, sen hoa huệ đều được chăm chút mài giũa tỉ mỉ.
Rời nhà cụ Phương, chúng tôi vào căn nhà ông Đinh Phan Dần, một bóng dáng lộng lẫy thuở trước kéo về. Tòa nhà 5 gian trong một khu vườn rộng thoáng. Trước người làng gọi đó là lầu ngang dãy dọc, bởi có một gác nhà ngang ở hồi phía Đông làm 2 lầu, bằng gỗ rất đẹp nhưng sau do chiến tranh, bom đạn cày xới khiến tòa lầu cầu kỳ này bị cháy. Cụ Trương Hiền (87 tuổi) chống gậy ra nói chuyện: “Tui hồi nhỏ lớn lên thấy căn nhà này đẹp nhất vùng, nó có tòa nhà 5 gian rộng, lại có tầng lầu phía Đông khiến ai đi đâu trên sông Gianh cũng lấy nó làm chuẩn, bởi nó đẹp và cao ráo nhất vùng”. Những hoa văn chạm khắc vẫn còn lộ rõ dưới lớp bụi lưu cữu lâu ngày không được lau chùi dọn dẹp, tuy ngôi nhà hiện vắng bóng chủ nhưng nhìn vào vẫn thấy bản sắc Việt nền nã trong một khu vườn màu xanh.
Người am hiểu về các ngôi nhà rường vùng Quảng Hòa là thầy giáo Đinh Xuân Thắng ở xóm Vĩnh Phú, bởi từng một thời ông rất giỏi nghề mộc. Tuy đã 70 tuổi nhưng khi nói về các căn nhà rường, ông tỏ ra nhanh nhẹn: “Ở đây tính sơ sơ cũng có cả trăm căn nhà rường cổ. Nhà tui đây cũng ngót hơn 200 năm. Ở trong những căn nhà như ri, mùa hè nóng nực, có mất điện cũng dễ thở, bởi nó mát và dịu vô cùng. Cha ông xưa thiết kế mẫu nhà rường này là để hút gió và hút hơi nước ngoài đồng hoặc từ sông Gianh vào để làm mát, từ đó mà con cháu giữ gìn cho đến hôm nay”.Bí quyết tường nhà
Quảng Hòa xưa vốn là làng của thợ mộc, nổi tiếng ra cả Hà Tĩnh và vào đến Thừa Thiên - Huế. Người làng kể, có nhiều thợ cả của làng đã từng tham gia dựng nên lầu son gác tía, phủ đệ ở cố đô Huế. “Chính vì thế mà nhà rường Quảng Hòa đẹp và còn lưu lại thế gian cả trăm năm cho tận hôm nay”, ông Thắng nói. Theo thầy Thắng, nhà rường Quảng Hòa có 2 loại, loại dành cho quan lại và địa chủ cự phách, đó là loại nhà chạm trỗ tinh xảo, hoa văn cầu kỳ; loại khác là nhà rường của con dân, không chạm trỗ gì ngoài việc bào nhẵn rui mè, lóng gỗ và cột kèo, tuy nhiên loại nhà của dân giản dị thế nhưng vẫn bền đến hôm nay.
Bí quyết để ngôi nhà tồn tại lâu bền qua thời gian, theo ông Thắng là nằm ở các bức tường. Nhà xây thấp nhằm tránh bão quần dập và tường xây dày để chống nắng, làm mát lúc hè, cũng như giữ ấm cho con người vào mùa đông. Căn nhà của cụ Phương có tường xây bằng gạch vồ thủ công và vữa xây là từ sợi dây tơ hồng trộn lẫn đất sét cùng với mật mía, tường xây dày đến gần 0,5m. Qua bao dâu bể đổi dời, nhà của cụ Phương vẫn vững chãi với bụi thời gian, bao nhiêu trận lũ càn, những bức tường vẫn trơ vững, ôm ấp bộ rường nhà.
Căn nhà của thầy cả Thắng hiện chở che trong đó ba đời người, gồm ông, các con và cháu nội. Ngôi nhà có mái ngói cổ còn lại nguyên vẹn đến tận hôm nay, ngói đóng dấu chỉ của vùng gốm Ngọa Cương vang bóng một thời từ 200 năm trước. Thời gian đã phủ bao mưa nắng nhưng cốt ngói vẫn còn bền chắc đến lạ.
Tuy nhiên, người làng vẫn canh cánh một nỗi lo, bên cạnh những ngôi nhà còn người ở là các ngôi nhà đã tàn lạnh khói hương. Rất nhiều ngôi nhà rường xưa đang bỏ hoang bởi chủ nhân đã về với tổ tiên, để lại cho cháu con nhưng vì nghiệp mưu sinh, con cháu của họ tứ tán khắp ngả. Nhà của cụ Đinh Phan Dần là một ví dụ, hôm chúng tôi đến, trộm đột nhập từ nóc nhà lấy mất bộ lư hương cổ, ngôi nhà đầy bụi bặm vì vắng bàn tay chăm sóc, hoang lạnh đến nao lòng. Cụ cả Thắng nói: “Nay ở trong những căn nhà rường này là người già, trẻ đi làm ăn xa, đa phần khó khăn nên không có điều kiện sửa chữa. Nay cũng mong muốn địa phương kiểm đếm lại để có cách bảo tồn nhằm dự tính cho lâu dài, mong thế mà có ai đoái hoài đâu”.
Rời xã Quảng Hòa, bóng hoàng hôn phủ xuống phía núi ở thượng nguồn sông Gianh, qua bên kia sông, những mái nhà xưa dần mờ bóng, bụi thời gian chắc chắn tiếp tục làm mờ bao căn nhà cổ. Một gia tài hiếm có đang dần bị lãng quên!Minh Phong
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 16:01 )
KHÁM PHÁ "THIÊN ĐƯỜNG" BÍ ẨN Ở QUẢNG BÌNH
Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 05:26
Nguồn: vietnamnet.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Nét độc đáo của hang Én mà động Phong Nha và động Thiên Đường đều không có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. 9km lội suối và len lỏi rừng già Buổi sáng, sau khi lễ đền Tám Cô trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây theo truyền thống tâm linh của người bản địa, chúng tôi đi tiếp đến km35 và bắt đầu lần theo lối mòn đi vào cánh rừng nguyên sinh trải dài đến ngút tầm mắt. Theo ông Hoàng Hải Vân, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), hành trình dài 9km tạm chia ra hai chặng: chặng thứ nhất hầu hết là dốc cao, dưới tán cây rừng mọc trên núi đá vôi; chặng hai chủ yếu sẽ men theo con suối chảy quanh co bên những cánh rừng thưa hoặc thảm cỏ dại, cây bụi ẩm ướt. Thực ra, cửa rừng đồng thời là đỉnh núi Ba Giàn (Giàn có nghĩa con dốc theo tiếng địa phương) chỉ cách lề đường Hồ Chí Minh khoảng 20 mét nằm trên độ cao 553 mét so với mặt biển. Do vậy, chặng đầu chúng tôi luôn đi xuống dốc, để rồi lối mòn tiếp tục đưa mọi người men theo nhiều con suối nhỏ trước khi đặt chân tới Bản Đoòng, một ngôi làng nhỏ của người Vân Kiều giữa bốn bề núi non heo hút như cô lập với thế giới bên ngoài. Theo ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty One Step Việt Nam, đó là 6 hộ dân từ huyện Quảng Ninh chạy nạn lũ lụt về đây - vùng lõi vườn quốc gia từ 1993. Họ an phận sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác mật ong và làm nương rẫy. Thế nhưng, tai ương vẫn chưa buông tha, bởi trận lũ lịch sử tháng 10/2010 đã quét sạch toàn bộ nhà cửa cùng 11 con bò là tài sản mà họ tích cóp cả đời người. Riêng dân bản, gồm 27 người, tất cả phải leo cây mít đầu làng đeo bám suốt 2 ngày mới thoát chết. Dù đời sống gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng người bản địa rất lạc quan, hiếu khách và tự hào khi nói bản Đoòng từng được đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh chọn là nơi dừng chân, nghỉ ngơi trước khi phát hiện hang Én, đặc biệt là Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.
Người phụ nữ Vân Kiều ở Bản Đoòng
Bản Đoòng cũng là khởi điểm của chặng đường toàn thảm cỏ dại đan xen rau tàu bay, chuối rừng, môn dại và cây Nàng Hai - hay còn gọi là lá Han, một loại cây độc mà bất cứ ai vô tình đụng vào nó, lớp lông trên mặt lá sẽ gây ngứa suốt hàng tuần mới khỏi. Ở rừng mới 1 buổi sáng song chúng tôi đã học biết bao điều mới lạ. Học cách mang giày vừa đi dưới suối dễ dàng lại vừa đi trên thảm cỏ mục mà không bị vắt tấn công, học cách xoa bóp chân để không bị vọp bẻ vì đi dưới nước suốt ngày trời, học cách nhận ra lá tàu bay để ngắt hái nấu canh cải thiện bữa ăn, cách giăng lưới, bắt cá... Lối mòn càng lúc càng khó đi bởi cây dại phát tán, che khuất, chúng tôi quyết định “hành quân” dưới suối Rào Thương cho thông thoáng. Rào Thương hay còn có tên suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối nhỏ trên dãy Trường Sơn. Và trên đường đi, nó chảy qua nhiều rặng núi đá vôi giữa đại ngàn rồi chui sâu trong Hang Én, hang Sơn Đoòng những hang kỳ vỹ nhất thế giới trước khi hòa mình vào sông Chày, chấm dứt vai trò lịch sử của nó.
Hành trình đến hang Én hầu hết là lội suối và len lỏi trong rừng già
Một trong những cảm giác khoan khoái nhất là lội suối vì sự mát lạnh của dòng nước dường như xua đi cái nắng oi bức của gió Lào, thêm nữa nó khiến tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn và tạm quên đi sự nhức nhối ở đôi chân do leo trèo ban sáng. Thỉnh thoảng lại phát hiện những dấu chân thú trên bờ cát cùng vô số đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn ven bờ gợi nhớ cái câu “nước khe cạn bướm bay trên lèn đá” trong ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Từ đây đến hang Én còn 3,5 km theo lời anh kiểm lâm dẫn đường. Lung linh hang Én Gần chiều, lội qua hết góc khuất vì đám chuối rừng, bất ngờ thấy cửa hang Én đã trước mặt, một cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào. Cửa hang nhìn ra hướng đông nam có bề rộng gần 100m. Sau lớp cửa dưới ánh đèn rọi đeo trên đầu của chúng tôi, là bãi đá sõi rộng mênh mông.
Cắm trại dưới cửa hang Én và bên dòng suối Rào Thương Dòng suối Rào Thương, chảy vào khoang thứ 1 - hang Én dưới ánh sáng của giếng trời.
Lòng hang bỗng mở ra ba động nước khổng lồ được chia cắt bằng những đồi dốc đầy cát mịn và đá tảng xếp chồng chất lên nhau chiếm hết phân nửa chiều cao của hang. Ở trên ấy còn hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi. Nét độc đáo riêng của hang Én mà động Phong Nha và động Thiên Đường đều không có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. Trên trần, trong những hốc đá, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi, đó cũng là nguyên nhân hang mang tên Én.
Để đi xuyên suốt hang Én nhiều đoạn phải lội trong làn nước mát lạnh
Ở trên đồi đá cách nền hang hơn 50m, hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi. Theo anh Thành Huế - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tỉnh Quảng Bình, hang Én từng là nơi người dân tộc Arem chọn làm nơi sinh sống từ trăm năm về trước, họ có biệt tài leo trèo chẳng khác loài vượn, loài voọc chuyền cành trên cây, trong mùa én làm tổ họ thường trèo lên vách đá, trần hang để bắt én non làm thực phẩm. Hiện nay người Arem đã chuyển về đường 20 sinh sống nhưng hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch họ đều kéo về hang Én, tổ chức hội ăn én qua hình thức cúng bái thần rừng và đi lượm én con vì yếu sức không thể bay cao nên rơi xuống đất”. Kỳ thực, lúc này chưa tới ngày hội ăn én nhưng chúng tôi vẫn thấy không ít chim én mới ra ràng nằm thiêm thiếp trên nền hang, chợt nghe động, theo bản năng chúng gắng sức vổ cánh bay song được vài ba mét lại sa xuống đất, trông rất đáng thương.Cửa hang hướng Tây bắc, nhìn ra cánh rừng nguyên sinh và trần hang là nơi hàng vạn chim én làm tổ. Đây cũng là hướng đi động Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới cách 2 km.
Hang Én có tổng chiều dài 1.645 mét xuyên suốt cả một quả núi và trổ 3 cửa động, 1 nằm lưng chừng núi và 2 ở chân núi hướng đông nam, tây bắc theo dòng chảy suối Rào Thương là đặc điểm hiếm thấy so với những hang động nổi tiếng ở Việt Nam mà chúng tôi đã từng đặt chân đến. Hơn thế nữa, từ trong hang nhìn ra cửa phía tây bắc với vòm hang cao hơn 80m thấy cảnh vật bao la sinh động, những đàn én chao lượn trên trần hang, bãi cát rộng rãi, cả những cánh rừng nguyên sinh xanh mát... Đây cũng nơi mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter chọn làm chủ đề để bấm máy nhằm cho ra đời tác phẩm động hang Én, đã được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng 3. Đêm về, mấy anh em Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rủ rê chúng tôi tỏa đi các nơi giăng lưới. Thì ra con suối Rào Thương có rất nhiều loại cá mang cái tên khá lạ lẫm: cá mát, cá cồ, trầu đá... riêng cá leo được xem là loại “quý tộc” vì thịt thơm, ít xương... phải bỏ công giăng lưới trong hang với hy vọng bắt được nó. Đêm về, là dịp giăng lưới trên suối Rào Thương để bắt cá, tôm
Sau một giờ thả lưới chúng tôi thu hoạch được 2 nồi cá, mà chú nào kích cỡ cũng bằng phân nửa cổ tay, đủ để xiên cây nướng ăn ngay tại chỗ, chưa kể một số dành nấu cháo điểm tâm sáng mai. Và giấc ngủ đến thật dịu dàng trong âm thanh rì rào, êm dịu của làn gió mát lạnh lùa vào hang như lời thì thầm của rừng, của núi...
Sau chuyến khảo sát, có rất nhiều ý kiến đóng góp cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm qui hoạch và phát triển du lịch tại Hang Én.Riêng tôi mong sao những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, dòng suối Rào Thương mềm mại uốn lượn quanh co cùng vẽ đẹp kỳ vỹ thuần khiết của hang Én sẽ được giữ nguyên vẹn như hiện nay và nếu khai thác chỉ nên phát triển loại hình khám phá thám hiểm, săn ảnh nghệ thuật...Trần Thế Dũng
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 13:38 )
|
|