Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay3083
mod_vvisit_counterHôm qua1489
mod_vvisit_counterTuần này17109
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này141640
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3087866

Có: 24 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

BÙI ĐÌNH TÚY, MỘT NHÀ BÁO TÀI NĂNG

Email In PDF.
QBĐT) - Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, có hàng ngàn nhà báo đã anh dũng hy sinh góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có hàng trăm nhà báo được công nhận liệt sỹ. Những nhà báo-liệt sỹ không phải là người ký tên vào lịch sử nhưng những tác phẩm mà họ viết nên giữa bom đạn chiến tranh đã ghi lại dấu ấn lịch sử chiến công và vinh danh tên tuổi người khác. Với những người làm báo Quảng Bình hôm nay, ai cũng cảm thấy tự hào khi nhắc đến tên nhà báo- liệt sỹ Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy). Những đóng góp của ông và những đồng nghiệp cùng thời đã góp phần khẳng định một chặng đường vẻ vang của nền báo chí cách mạng nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng công sản Việt Nam quang vinh.
Tên đường, tên cầu mang tên Bùi Đình Túy.
Nhà báo - liệt sỹ Bùi Đình Túy sinh ngày 12-2-1914 trong một gia đình nông dân tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng về hội hoạ và đam mê nhiếp ảnh. Năm 21 tuổi, Bùi Đình Tuý ra Hà Nội theo học nghề ảnh và vẽ tại trường Bách Nghệ. Năm 1936 ông tham gia bãi khoá để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Sau đó ông vào Sài Gòn, vừa hoạt động cách mạng vừa làm thợ vẽ cho một hãng chiếu bóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bùi Đình Túy được phân công phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở thông tin Sài Gòn, làm phóng viên báo Cảm tử của Đặc khu Sài Gòn - Chợ lớn với bút danh là Đinh Thúy.
Với khả năng thiên phú về nhiếp ảnh, năm 1954, Đình Túy được trên điều động ra Bắc làm phóng viên ảnh công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Bằng sự cống hiến không mệt mỏi và những đóng góp xuất sắc của mình, năm 1957, ông được tiến cử giữ chức vụ Phó chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1961, Đình Túy được và một số đồng nghiệp cùng cơ quan được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức tham gia khoá học ảnh màu. Một năm sau, trở về Hà Nội, Bùi Đình Túy và các đồng nghiệp đã thiết lập buồng tối màu đầu tiên tại Thông tấn xã Việt Nam.
Từ đây, cả nước lần đầu tiên biết đến những bức ảnh màu về phong cảnh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Đinh Thúy. Năm 1965, trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách về phản ánh các hoạt động tại chiến trường miền Nam, Đình Túy được điều động vào Đông Nam Bộ giữ chức vụ phó giám đốc Thông tấn xã giải phóng. Vừa trực tiếp chiến đấu vừa xây dựng và đào  tạo đội ngũ phóng viên kế cận, trong thời gian này, Đình Túy đã có nhiều bức ảnh màu quý giá phản ánh một cách trung thực đời sống lao động, sản xuất, chiến đấu vô cùng gian khổ, hào hùng của quân và dân ta từ chiến trường Nam Bộ, kịp thời cổ vũ, động viên các cánh quân tiến lên giành nhiều thắng lợi quan trọng khác. Tháng 9-1967, nhà báo Đình Tuý đã anh dũng hy sinh trên đường trở về hậu cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ tường thuật diễn biến Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 2.


Cầu Bùi Đình Túy tại thành phố Hồ Chí Minh
45 năm kể từ nhà báo-liệt sỹ Bùi Đình Túy hy sinh, nhưng những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà mãi mãi không phai mờ trong trái tim của bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân cả nước. Nhớ đến Bùi Đình Túy là nhớ đến một người hiền lành, ít nói, thái độ cầu tiến và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Nhắc đến ông, mọi người đều biết đến một nghệ sỹ tài hoa, người đầu tiên có vinh dự chụp ảnh màu về Bác Hồ.  Những bức ảnh nổi tiếng như:  Bác Hồ gắn huân chương Sao vàng cho bác Tôn ngày 19-8-1958 nhân dịp bác Tôn tròn 70 tuổi; ảnh quân ta đánh chiếm xe bọc thép của Pháp trong chiến dịch Sài Gòn đầu năm 1950; ảnh máy bay Pháp bị bắn rơi trên đường Lý Văn Mạnh - Chợ Lớn, tháng 3-1950; bữa cơm trưa trên đường công tác; thồ hàng phục vụ tiến tuyến....  đã đưa tên tuổi của ông trở thành một trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu của Việt Nam trong những năm thập niên 60 của thế kỷ XX.
Để vinh danh những cống hiến to lớn của ông đối với dân tộc, nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên Bùi Đình Túy cho một tuyến đường và một cây cầu trên đường phố này. Đến nay, ông là nhà báo đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có được vinh dự này.
Mong ước cuối cùng.
Từ TP. Đồng Hới, chúng tôi tìm về làng quê cách mạng Cảnh Dương, một làng quê đã đi vào lịch sử của dân tộc bởi tinh thần chiến đấu cách mạng ngoan cường, anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để có một Cảnh Dương khởi sắc song hành với các địa phương khác trong ngày hôm nay, 235 liệt sỹ, những người con ưu tú của xã nhà đã vĩnh viễn nắm lại các chiến trường.
Trong số 235 phần mộ được xây cất trang trọng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Cảnh Dương, có một ngôi mộ để lại cho chúng tôi ấn tượng khá đặc biệt. Đó là mộ của liệt sỹ Bùi Đình Túy. Tuy là mộ gió nhưng bia mộ liệt sỹ Bùi Đình Túy trang trọng được đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà đặt ở vị trí trên cùng hàng đầu của nghĩa trang. Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẻ: "Nhân dân Cảnh Dương luôn biết ơn và trân trọng sự hi sinh to lớn của những người con quê hương đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. trong số 235 liệt sỹ được vinh danh tại quê nhà thì nhà báo-liệt sỹ Bùi Đình Túy là người có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước trên lĩnh vực hoạt động báo chí. Tên tuổi của ông đã làm tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Cảnh Dương anh hùng".
Được sự chỉ dẫn của cán bộ UBND xã Cảnh Dương, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Điếng ở khuất sâu trong một con hẻm ở trung tâm xã. Đây là người thân duy nhất ở Cảnh Dương ít nhiều còn biết đôi chút thông tin về liệt sỹ Bùi Đình Túy. Bà Điếng năm nay đã 75 tuổi, sức khoẻ tốt, còn khá minh mẫn. Tuy nhiên khi được hỏi về ông Bùi Đình Túy thì bà thừa nhận là biết rất ít về ông.
Nhà báo Võ Mạnh Thành, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Bình cho biết: "Cứ vào dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm, đội ngũ phóng viên của cơ quan ôn lại truyền thống vẻ vang của đội ngũ những người làm báo. Trong hai cuộc chiến tranh, chỉ riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có 262 nhà báo liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, trong đó có liệt sỹ nhà báo Bùi Đình Túy, một người con quê hương Quảng Bình. Sự hy sinh của liệt sỹ Bùi Đình Túy và hàng trăm nhà báo liệt sỹ khác là một tổn thất to lớn nhưng cũng là tấm gương, động lực thúc đẩy những người làm báo hôm nay tiếp tục đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà, để xứng đáng với thế hệ đi trước".
Bà Điếng là cháu dâu của ông Bùi Đình Tuý. Chồng bà, ông Đỗ Trung Thành đã mất cách đây 5 năm là cháu ruột gọi ông Bùi Đình Túy bằng cậu. Từ nhỏ, ông Thành đã được câu mình nuôi ăn học đàng hoàng. Sau đó, ông Tuý thoát ly theo cách mạng và kể từ đó rất hiếm khi về lại quê nhà. Mãi sau này khi lập gia đình với ông Thành, đôi lần bà có nghe chồng kể chuyện về người cậu ruột của mình. Chính vì vậy, thông tin về ông Bùi Đình Túy bà không nắm rõ. Bà Điếng cho biết: "Cách đây hơn 15 năm, ông Đỗ Trung Thành có vào lại chiến trường Sông Bé để tìm lại phần mộ của người câu ruột của mình nhưng không có kết quả. Trở về, ông đề nghị với Đảng uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Cảnh Dương thiết lập ngôi mộ gió của liệt sỹ Bùi Đình Túy tại nghĩa trang xã nhà để tiện bề hương khói".
Hiện gia đình bà Điếng đang thờ liệt sỹ Bùi Đình Túy và vợ là bà Nguyễn Thị Việt, đây cũng là mong muốn lớn nhất của chồng bà trước lúc nhắm mắt. Tuy nhiên, theo bà Điếng, liệt sỹ Bùi Đình Tuý có hai người con một trai, một gái hiện đang sinh sống tại Hà Nội và Thanh Hoá nhưng đã rất lâu rồi bà không gặp lại họ.
Từ dòng địa chỉ ngắn ngủi để lại trên tờ thiệp chúc tết mà ông Bùi Đình Toái-con trai liệt sỹ Bùi Đình Túy gửi vào cho gia đình bà Điếng, chúng tôi đã liên lạc được với ông Bùi Đình Toái. Khi được hỏi về cha mình, giọng ông nghẹn lại vì xúc động. Năm ông vừa tròn ba tuổi, cũng là lúc liệt sỹ Bùi Đình Túy vào Nam. Kể từ đó đến ngày Bùi Đình Túy hy sinh, số lần ông được gặp cha mình chỉ tính được trên đầu ngón tay. Tuy thời gian quá ngắn ngủi nhưng ông vẫn nhớ như in giọng nói trầm ấm, sự dạy bảo ân tình, tình cảm hết mực thân thương về người cha của mình. Kể từ ngày liệt sỹ Bùi Đình Túy mất đi, mỗi lần nhận được thông tin, ông và gia đình đã gần chục lần cất công và Nam.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã lăn lộn tìm kiếm khắp chiến trường Sông Bé nhưng những chuyến đi đều trở về trong vô vọng. Theo ông Toái thì vị trí cha mình hy sinh ngày xưa có thể nằm trên địa bàn Campuchia. Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, những dấu tích xưa đã bị thời gian phủ lấp, phai mờ mất dấu trên thực địa, vì vậy công tác xác định vị trí tìm kiếm là cực kỳ khó khăn. "Mỗi lần nhớ đến cha, tôi thường ngắm lại những kỷ vật ngày xưa để có cảm giác như ông đang hiện hữu ở đâu đó quanh đây. Mong muốn cuối cùng của tôi và gia đình là được đón cha mình trở về quê hương trong một ngày gần nhất, nhưng hiện sức khoẻ của tôi cũng đã yếu, cũng chẳng biết có thể vào lại trong đó thêm được mấy lần. Giờ chỉ còn  biết hy vọng vào một phép màu nào đó...", ông Toái xúc động.
Minh Tú
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 13:46 )
 

GIÁO SƯ TSKH NGUYỄN NGỌC THÀNH: MỘT NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

Email In PDF.

(QBĐT) - GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành là người con của huyện Quảng Trạch. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Thủ tướng Ba Lan trao danh hiệu giáo sư cấp Nhà nước vào ngày 17-6-2009, là người thứ hai được Nhà nước ta trao tặng danh hiệu giáo sư thông qua hình thức xét đặc cách vào ngày 24-10-2011. Hiện nay, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành là Trưởng phòng “Các hệ thống quản lý tri thức”, Viện Tin học, Đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan.

Tôi có may mắn được gặp thầy Nguyễn Ngọc Thành tại hội nghị tin học quốc tế ACIIDS lần thứ nhất- “Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh” được tổ chức tại Trường đại học Quảng Bình từ ngày 1-3-7-2009. Ấn tượng về người đàn ông nhỏ bé, có khuôn mặt điềm đạm ngồi chủ trì các buổi hội thảo về công nghệ thông tin khiến tôi tò mò. Sự sắc sảo khi phát biểu, luôn lắng nghe, tác phong đặc biệt giản dị của thầy đã thuyết phục tất cả mọi người theo dõi. Dần dà, tìm hiểu thêm, tôi được biết thầy không chỉ là một nhà khoa học sáng giá trên đất nước Ba Lan mà còn trên diễn đàn quốc tế.

Và một cơ may nữa lại đến, thầy chính là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi tại Trường đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan. Vì lẽ đó, tôi có cơ hội để hiểu thêm rằng, với những người chuyên nghiên cứu về công nghệ thông tin và tiếp xúc nhiều mới cảm thấy chính ông là một "mỏ quặng" trữ lượng tiềm tàng về chuyên môn và đức độ. Ở trường học, thầy luôn là người ẩn mình, tuy không phải là yếm thế. Càng trưởng thành về tuổi tác, tôi càng thấm thía cái tính khiêm nhường đó ở những người tài cao, đức trọng.

Phải nói rằng, từ các cấp học phổ thông đến sau khi ra khỏi trường đại học, tôi đã theo học với rất nhiều thầy, cô, nhưng buổi học đầu tiên do thầy Thành lên lớp vẫn còn đọng lại mãi trong tôi như một chất men say. Thầy ăn mặc giản dị nhưng nghiêm chỉnh. Thầy mở đầu rất ngắn gọn và đi ngay vào bài giảng. Ngay lập tức bài giảng đã cuốn hút tôi vì nhiều lẽ: cách đặt vấn đề rõ ràng và mang tính gợi mở, cách giải quyết vấn đề rất mạch lạc, cách diễn đạt sinh động dễ hiểu..., Các bạn quốc tế tham dự hôm đó rất thán phục về nội dung và tính sư phạm cao trong bài giảng của thầy. Nhiều sinh viên người Ba Lan đã kể với tôi rằng: “Giáo sư Nguyễn (tức thầy Nguyễn Ngọc Thành) dạy sinh viên hiểu được xuất xứ, bản chất và các mối liên quan của vấn đề. Cách dạy của giáo sư độc đáo và cuốn hút, không sa vào các công thức và kỹ thuật, tránh cho học trò thấy cây mà không thấy rừng”.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành khai mạc hội nghị Quốc tế ACIIDS 2012 tại Cao Hùng (Đài Loan)
Qua tìm hiểu, nhiều đồng nghiệp của thầy cũng đã cho rằng thầy là một trong những nhà chuyên môn và nhà sư phạm xuất sắc, thể hiện qua nghiên cứu khoa học, giảng dạy, diễn thuyết, viết sách và trong các đề xuất. Và điều này được khẳng định qua những danh hiệu cao quý đã trao cho thầy: Giảng viên xuất sắc (Distinguished Speaker) do các Hiệp hội Tin học Thế giới ACM va IEEE trao tặng; một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về ngành Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) nói chung và ngành Trí tuệ nhóm (Collective Intellgence) nói riêng.
Sau một thời gian học tập tại Ba Lan, gần thầy, tôi nhận ra nhiều nét đáng kính trong con người của ông. Mỗi nghiên cứu sinh đều được thầy bố trí mỗi tuần một lần để báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập. Mặc dù thời gian chỉ trong 30 phút, nhưng đã được thầy giải đáp một cách thỏa đáng về chuyên môn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn học thêm ở thầy về phương pháp tư duy khoa học và tính nghiêm túc trong nghiên cứu. Đặc biệt là tôi thực sự cảm thấy rất thoải mái với cách làm việc bình đẳng, dân chủ giữa thầy và trò. Thầy đã tạo ra môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo, tự phản biện bản thân và năng lực đặc thù của người trò.
Có một lần tôi âm thầm giận thầy suốt gần một tháng. Đó là buổi đầu tiên tôi trình bày báo cáo chuyên đề về toán logic bằng tất cả sự nhiệt tình và sự háo hức của mình. Suốt hơn hai tuần ròng làm việc, đến ngày trình bày báo cáo đều bị thầy gạt đi. Tôi ấm ức và cho rằng thầy đã đánh giá mình quá thấp. Mãi sau này, bình tâm đọc lại và suy ngẫm, tôi mới thấy hết được sự nghiêm khắc của thầy đối với khoa học. Tiến sĩ Dương Trọng Hải, một trong những học trò đã có sáu năm học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy, tâm sự: “Lần đầu tiên trong đợt tham dự hội nghị quốc tế WI-IAT '08 tại Australia, tôi được thầy thu xếp ở cùng phòng để tiện cho việc trao đổi chuyên môn và tiết kiệm kinh phí cho học trò (những lần sau này cũng vậy). Trước khi đi họp Ban tổ chức hội nghị, thầy để lại cho tôi mẩu giấy nhỏ “Em hãy lấy gói mì (Ba Lan) thầy để trong hộc bàn, bên cạnh có ấm nấu nước, và cái chén đủ pha nửa gói, em ăn tạm đợi thầy về”.
Điều khiến tôi bất ngờ không phải là sự lo lắng của thầy đối với học trò của mình và cũng không phải là tính tiết kiệm hay tính cẩn trọng của thầy. Đó là một bài học dễ hiểu về tính chịu khó của một Nhà khoa học mà thầy đã dành cho tôi. Thầy rất nghiêm khắc trong công việc, nhưng rất tình cảm và giản dị trong đời thường”. Tiến sĩ Hải tâm sự tiếp: “Thời gian của tôi làm việc với thầy chủ yếu ở trên mạng máy tính, bởi tôi học ở Hàn Quốc. Mỗi năm thầy có chuyến công tác ở Hàn Quốc hơn nửa tuần, nhưng tôi chỉ có thể trao đổi được với thầy trên đường đón thầy về khách sạn hoặc vào buổi tối khi thầy làm việc về, bởi lịch làm việc của thầy quá kín. Tôi được biết lịch công tác của thầy hầu như đã lên trước đó một năm hoặc lâu hơn nữa”.
Thật đáng khâm phục khi thầy hiện giữ nhiều vị trí trong khoa học và đều khẳng định được khả năng của mình. Từ năm 2008 đến nay, với cương vị là trưởng phòng “Các hệ thống quản lý tri thức” của Viện Tin học thuộc Trường đại học Bách khoa Wroclaw và cùng với 8 nhà khoa học trong định biên của phòng,  thầy đã chứng tỏ khả năng quản lý của nhà tin học, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng: nghiên cứu, giảng dạy; tổ chức các hội nghị, hội thảo; xuất bản các tạp chí, sách, kỷ yếu khoa học,... Những kết quả hoạt động của phòng đã được nhà trường, các tổ chức trong nước và quốc tế đáng ghi nhận. Thầy đã để lại trong tập thể cán bộ và sinh viên Trường đại học Bách khoa Wroclaw ấn tượng cao đẹp về một người công minh, chính trực, chí công vô tư, yêu người yêu nghề, có tầm nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe và biết quyết đoán...
Bên cạnh đó, thầy là Phó chủ tịch Hiệp hội "KES international" (Knowledge Based and Intelligent information and Engineering Systems), Phó chủ tịch Hiệp hội ISAI (International Society of Applied Intelligence); Tổng biên tập Tạp chí khoa học "International Journal of Intelligent Information and Database Systems" và Tổng biên tập 2 serie sách cho nhà xuất bản “IGI Global” (Mỹ), Phó Tổng biên tập Tạp chí khoa học IEEE Transactions on Systems, Man and Cybernetics,... Chính thầy là người sáng lập 02 hội thảo quốc tế hàng năm mang tên “Asian Conference on Intelligent Information and Database Systems” và “International conference on Computational Collective Intelligence”. Thầy còn giảng dạy tại Trường đại học Bách khoa Wroclaw và các trường đại học danh tiếng trên thế giới; hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế; thành viên Hội đồng khoa học Trường đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh và còn giữ nhiều trọng trách khác.
Điều khiến tôi giữ lại hình ảnh của thầy rất lâu, ấy là sự nhiệt tình, có trách nhiệm xuất phát từ tình thương của thầy đối với học trò. Khi tôi bắt đầu vào nhập học tại Trường đại học Bách khoa Wroclaw, may mắn thay, từ việc tìm nhà ở, nộp hồ sơ, đăng ký các môn học, tìm các tài liệu liên quan đều được thầy tận tình giúp đỡ. Tôi thầm nghĩ, chắc là mình cùng quê với thầy nên được ưu tiên. Nhưng, qua tìm hiểu tôi được biết không chỉ có mình tôi mà những người nhập học trước đó cũng được thầy tận tâm như vậy. Tiến sĩ Hải tâm sự: “Thầy tiết kiệm thời gian cho công việc, nhưng luôn dành cho tôi thời gian vào những lúc tâm trạng không tốt, những khi bị áp lực bởi công việc hay chuyện không vui từ gia đình”. Thật đáng quý với những lời thăm hỏi về quê hương, gia đình và sự động viên kịp thời của thầy đối với những học trò như chúng tôi khi sống xa quê hương hơn nửa vòng trái đất.
Những sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học ở Ba Lan mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, nói chuyện nhiều thứ, nhưng cuối cùng bao giờ vẫn quay lại kể về thầy Nguyễn Ngọc Thành bằng một sự kính trọng đặc biệt.
Quách Xuân Hùng
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 13:46 )
 

VÕ TRỌNG NGHĨA VÀ KIẾN TRÚC XANH

Email In PDF.
Đất và người Quảng Bình - Kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976 tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy. Ngay từ năm tháng còn thơ bé, Nghĩa đã rất yêu thiên nhiên. Hồi ức mãi còn trong anh là cảnh đẹp của miền quê với dòng sông Kiến Giang trong xanh và những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay. Với những trò chơi bất tận của tuổi thơ. Rời trường làng lên Đồng Hới, Nghĩa bắt gặp một khung cảnh mới. Anh tâm sự: “Ở trường THPT Đào Duy Từ, những lúc ngồi học trong lớp được nhìn ra dòng sông Nhật Lệ, cảnh vật đẹp tuyệt vời. Được học tại ngôi trường có cảnh đẹp như vậy, tôi thấy mình quá may mắn”. Phải chăng từ niềm yêu thích thiên nhiên đã là một trong những nguyên nhân giúp Nghĩa sớm chọn Trường đại học Kiến trúc Hà Nội sau khi thi đỗ một lúc 3 trường đại học?
Trở thành kiến trúc sư trên đất nước Nhật Bản
Năm 1996, khi vừa 20 tuổi, đang là sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Võ Trọng Nghĩa được học bổng sang Nhật vì có thành tích học tập xuất sắc. Sau một năm học tiếng Nhật, Nghĩa được tuyển vào Trường đại học Công nghiệp Nagoya. Năm 2002, tốt nghiệp khóa học, anh đỗ thủ khoa. Hai năm sau, anh tốt nghiệp thạc sỹ Trường đại học Tokyo với luận án xuất sắc.
Tại xứ sở Hoa Anh đào, những ngày du học, Võ Trọng Nghĩa đã không nề hà một khó khăn nào chỉ mong tích lũy thêm tri thức chuyên ngành kiến trúc. Anh chấp nhận đi phụ việc không công cho các kiến trúc sư giỏi để tích lũy kinh nghiệm. Nhờ vậy ngoài kiến thức chuyên ngành anh còn học hỏi được nhiều điều quý giá từ văn hóa Nhật Bản.
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.
Anh tâm sự: "Thời gian đầu du học tại Nhật Bản, tôi ngỡ ngàng thấy trường học ở Nhật Bản có diện tích sân bãi để chơi thể thao rộng lớn hơn nhiều so với diện tích các phòng học. Thiết nghĩ sau này khi quy hoạch xây dựng trường học ở Quảng Bình chúng ta cũng nên dành quỹ đất để xây dựng sân chơi thể thao cho học sinh như sân bóng đá, sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn...”. Khi được hỏi về cảm nhận ở nền giáo dục Nhật Bản, Võ Trọng Nghĩa cho rằng đó nền giáo dục coi trọng tính hiệu quả: “Tôi thích nhất ở Nhật là giáo sư danh tiếng nhất khoa kiến trúc lại là người học hết cấp ba. Họ là KTS giỏi hàng đầu thế giới được đặc cách phong giáo sư”.
Võ Trọng Nghĩa cho biết thêm: “Tôi là người may mắn vì sinh ra ở vùng đất có thiên nhiên tươi đẹp như Quảng Bình và đến Nhật Bản cũng có thiên nhiên vô cùng tươi đẹp”.
Võ Trọng Nghĩa và kiến trúc xanh
Mùa xuân 2012, một niềm tự hào nữa đã đến với người con quê hương Quảng Bình: KTS Võ Trọng Nghĩa đã giành được 2 giải thưởng quốc tế về kiến trúc xanh. Đây là giải thưởng thế giới thứ 12 của anh trong năm và giải thưởng thế giới thứ 30 trong sự nghiệp kiến trúc của anh. Các công trình nhà xếp tầng ở thành phố Hồ Chí Minh; ngôi trường học ở tỉnh Bình Dương do Võ Trọng Nghĩa thiết kế đoạt giải nhất tại Festival kiến trúc thế giới tổ chức ở Singapore với sự tham gia của hàng ngàn KTS từ khắp nơi trên thế giới. Ban giám khảo của giải thưởng gồm các KTS, các nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Tác phẩm đăng ký dự thi phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn nghiêm ngặt.
Từ hàng trăm công trình ở vòng sơ khảo của đội ngũ KTS trên toàn thế giới phải chọn lại khoảng từ 20 đến 30 công trình vào chung kết. Tác giả công trình trực tiếp bảo vệ trước hội đồng giám khảo, công trình được giải thưởng phải mang ý tưởng sáng tạo mới và độc đáo. Chỉ cần có 1 giải thưởng quốc tế uy tín như thế là niềm ước mơ của bất cứ ai trên lĩnh vực kiến trúc, ấy vậy mà KTS Võ Trọng Nghĩa lại sở hữu hàng chục giải. Giải thưởng cho thấy hướng đi của KTS
Võ Trọng Nghĩa đã phù hợp với xu thế văn hóa thời đại và kế tục truyền thống kiến trúc dân tộc Việt Nam.

Nhà hội nghị Flamigo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), một tác phẩm của kiến trúc sư Võ trọng Nghĩa.
Một thông tin “nặng ký” nữa là một tạp chí kiến trúc hàng đầu thế giới của Mỹ đã thông báo danh sách 10 KTS tiêu biểu cho năm nay, KTS Võ Trọng Nghĩa là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh, đánh dấu một bước ngoặt  của kiến trúc Việt Nam ra tầm thế giới. Cũng năm nay, trang Web hàng đầu thế giới về kiến trúc chọn 21 KTS tiên phong, KTS Võ Trọng Nghĩa vinh dự là người đứng đầu danh sách.
Võ Trọng Nghĩa luôn trăn trở trước sự biến đổi khí hậu, trước sự nóng lên của trái đất, sự ô nhiễm môi trường và trong đó có sự tiếp tay của những căn nhà ống ngột ngạt, thiếu sáng. Vì vậy, phải làm mọi cách để con người sống thuận với thiên nhiên. Theo Võ Trọng Nghĩa kiến trúc xanh là kiến trúc của Việt Nam trong tương lai, phù hợp với khí hậu, phong thổ và con người Việt Nam.
Giờ đây tác phẩm của Võ Trọng Nghĩa đã có mặt nhiều nơi trong nước và quốc tế. Quỹ thời gian của anh rất chật hẹp, khi thì tham gia giảng dạy tại Nhật Bản, khi thì dự hội thảo quốc tế tại Singapore, lúc nghiệm thu công trình tại Cămpuchia, khi có mặt tại các nước Châu Âu, Trung Quốc, Malaixia, cũng có lúc trực tiếp chỉ đạo thi công công trình tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh... Hầu như lúc nào anh cũng bận. Có thời gian anh vắng nhà cả năm, mọi việc gia đình anh đều nhờ sự đảm đang của người vợ trẻ. KTS Võ Trọng Nghĩa bộc bạch, anh dồn tâm huyết của mình để đưa kiến trúc xanh ra khắp thế giới.
Nói về định hướng của mình, Nghĩa cho biết: “Mục tiêu chính của tôi những năm tới là xanh hóa nhà ống, phát triển cải tạo nhà ống thành nhà xanh. Vận dụng trí lực để đơn giá không tăng, góp phần xanh hóa đô thị với tốc độ càng nhanh càng tốt. Tôi đang tuyển dụng nhân tài thế giới về Việt Nam để đào tạo những người làm kiến trúc xanh”.
Chúng tôi vẫn thường thói quen cùng gia đình và bạn bè đồng nghiệp đến thưởng ngoạn thăm thú thiên nhiên tại quán cà phê Coco ở thành phố Đồng Hới. Lại thêm một bất ngờ nữa, khi biết đây là tác phẩm của KTS Võ Trọng Nghĩa. Mùa xuân như đến sớm hơn với những cảnh vật ở đây. Nhìn những cánh hoa mùa xuân đang chúm chím nở, tôi cứ thầm hy vọng trong tương lai không xa nữa ngay chính trên quê nhà, người dân Quảng Bình sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hơn nữa những tác phẩm kiến trúc do người con quê hương Quảng Bình Võ Trọng Nghĩa sáng tác.
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 13:48 )
 

ĐẠI TÁ TRẦN ĐÌNH XU

Email In PDF.
Ông Trần Đình Xu và bà Hoàng Thị Ánh ở chiến khu
Đại tá Liệt sỹ Trần Đình Xu (Ba Đình, 1921-1969) từng giữ các chức vụ: Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Gia Ninh, Cục trưởng Cục Công binh, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Chỉ huy trưởng Phân khu 1.
Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng 2001)...
Đại tá (1961)
Ông tên thật là Trần Sinh, sinh ra tại làng một làng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Bình, làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch. Dòng họ Trần của ông vốn di cư từ Nam Định vào, thuộc dòng dõi vua Trần. Trước Cách mạng, do hoành cảnh gia đình khó khăn, ông phải phiêu bạt vào Nam cũng nhiều người trong làng, và sinh sống bằng nghề điện.

Ông nhập ngũ tháng 8 năm 1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1947. Trong Kháng chiến chống Pháp giữ các chức vụ từ Đại đội trưởng đến Trung đoàn trưởng, Chỉ huy liên trung đoàn 306-312 rồi Tỉnh đội trưởng Gia Ninh.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc và giữ chức vụ Cục trưởng Cục công binh từ năm 1956 cho đến năm 1961. Tháng 5 năm 1961, ông có mặt trong đoàn cán bộ nòng cốt thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau, mang tên Phương Đông, hành quân vào Nam chiến đấu, chi viện cho chiến trường Nam Bộ chuẩn bị bước vào thời kỳ đánh Mỹ. Đoàn gồm khoảng 600 cán bộ, do các ông Trần Văn Quang, Trần Nam Trung, Lê Văn Tưởng và ông chỉ huy.
Vào nam chiến đấu ông chỉ huy nhiều chiến dịch trong đó nổi tiếng nhất là chiến dịch Bình Giã (11.1964). Năm 1967, được cử giữ chức Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Chỉ huy trưởng Phân khu 1 (Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, một phần các huyện Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng) mà ông Mai Chí Thọ (sau này Đại tướng Công an) làm Chính ủy. Ông hy sinh năm 1969, trong khi chỉ huy chiến đấu.
Sau 1975, tại nghĩa trang Liệt Sĩ thành phố Hồ Chí Minh, mộ ông được đặt trang nghiêm ở khu chính, nhưng đó chỉ là ngôi mộ tượng trưng. Sau nhiều năm tìm kiếm với sự giúp đỡ của tỉnh Tây Ninh và huyện Trảng Bàng, năm 1998, gia đình mới tìm được hài cốt của ông. Và, sáng ngày 14 tháng 9 năm 1998, Chính quyền và Tỉnh đội Tây Ninh đã thực hiện việc bốc mộ và đưa hài cốt ông về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.
Đại tá Trần Đình Xu được đánh giá là một người "chỉ huy bình tĩnh, kiên cường trong mọi tình huống" (Thượng tướng Trần Văn Trà). Tên ông được đặt cho một đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh, đường Trần Đình Xu, Quận 1.

Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 13:52 )
 
Trang 161 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ