Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay3135
mod_vvisit_counterHôm qua1489
mod_vvisit_counterTuần này17161
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này141692
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3087918

Có: 10 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

LÀNG BÊN SÔNG GIANH

Email In PDF.
Sông Gianh (còn có tên gọi là Đại Linh Giang (1)) nằm trên địa phận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, một vùng đất mà các nhà khảo cổ học từng nhận định là điểm dừng lại phía bắc để trở thành gạch nối giữa nền văn minh hậu kỳ đá mới với nền văn minh tiền kim khí ở dọc suốt dải đất ven biển Trung bộ, tạo nên mạch chảy xuyên suốt của dòng văn hóa người Việt cổ. Sông Gianh cũng lại là con sông của sự chia cắt đất nước Việt thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nơi hợp long cũng lại là nơi ly tán.
Ảnh khai thăc mạng
Chính bởi lẽ ấy, ai qua sông Giang, ai ngược dòng Gianh mà không mang chút cảm hoài non nước để rồi hình dung đâu là dấu vết đồn lũy, thành quách một thời trận mạc, đâu là chợ búa, phố phường đã “tà bóng tịch dương”…
Nhà bác học Lê Quý Đôn xưa đã từng điền dã lưu vực sông Gianh. Ông ghi lại: “Châu Bắc Bố Chính lấy núi Thời Mại(2) làm trấn sơn (núi cao nhất một phương). Sông dài của châu thì có một dòng từ các xã Kim Lũ, Thanh Lạng qua Tuần Bồi mà xuống xã Lũ Đăng rồi ra cửa Đại Linh. Lại một dòng từ chân núi Thời Mại chảy xuống xã Kim Minh đến Cửa Hác hợp lưu sông Lũ Đăng cũng ra cửa Đại Linh. Nguồn sông xa và rộng. Từ Nghệ An đi về phía nam, vượt Hoành SơnThuần Thần, Phù Lưu đi về phía đông, đến Lũ Đăng thì tới sông Gianh. Thượng lưu sông này là nước từ đèo Dài ở huyện Hương Sơn chảy xuống. Dân đội Phúc Nhất, sách Thanh Lạng và xã Kim Lũ thường đi thuyền xuống mua sắm muối ở chợ ấy. Châu Bố Chính dân ở nước làm nghề chài cá, lại quen lên thượng lưu lấy ván đóng thuyền, có phường Đáy Võng (Văn Phú), phường Giáp Ba (Giáp Tam), phường Cương Gián (Tân Mỹ) giáp Trung Hòa Hạ…”(3) (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 4, tr.100 và 103, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1960).
Rõ ràng, việc giao lưu dọc triền sông Gianh tự ngày xưa đã được mở rộng. Sông Gianh không chỉ là con đường giao thương mà còn thu hút du khách bởi cảnh quan ngoạn mục với biết bao trầm tích lịch sử.
Ảnh trên mạng
Vào những đêm trăng sương mờ nhẹ phủ, bóng cây, bóng núi tầng tầng hắt xuống lòng sông phẳng lặng như tờ. Một tiếng gõ nhẹ mạn thuyền của ngư dân đuổi bắt cá cũng làm xao động cả mặt sông, thổn thức làng mạc ven bờ…
Ngày nắng, mây trắng bồng bềnh. Nương thuyền dưới rặng dừa Cồn Két (sau này có quy hoạch thành điểm du lịch sinh thái), ta có thể nhìn rõ cảnh quan làng Thổ Ngọa bên này sông, làng La Hà bên kia, làng Lệ Sơn mờ xa thấp thoáng sau bóng lèn Mụ Hôn (Tiên Lệ). Đó là ba trong “Tứ danh hương: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ” thuộc phía Bắc Quảng Bình xưa nổi tiếng “địa linh sinh nhân kiệt”…
Đi dọc triền sông còn gặp bao địa danh nổi tiếng khác. Làng Hòa Ninh, quê hương của danh nhân Đoàn Chí Tuân (Bạch Xỉ) tự xưng Hải Long Vương – một người có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đoán biết được việc quá khứ, vị lai”, đã từng hợp tác với tướng quân Phan Đình Phùng từ thuở Cần Vương. Hòa Ninh còn là quê hương anh hùng Lâm Úy với trận Xuân Bồ ngày trước. Làng Vĩnh Phước với Truy Viễn Đường thờ thượng tướng quân Nguyễn Khắc Minh thuộc dòng Thái Bảo quận công gốc làng Nhân Mục (Hà Nội) mấy đời mang gươm đi mở nước. Cồn Quan, nơi đặt hương phả thờ dòng họ được phong “Thập bát quận công, tam tể tướng, bách dư tiến sỹ, nhị nương hầu” – họ Nguyễn từ làng An Xá (thuộc phủ Thiên Trường Nam Định) vào đến Mỹ Hòa (Quảng Phúc), con cháu di tán lên đất Cồn Quan (thôn Công Hòa, xã Quảng Trung). Trên kia, làng Thanh Thủy (Tiến Hóa) là quê hương của ông Vắn, ông Võ mà theo truyền thuyết hình ảnh hai ông đã hóa thạch trên hòn Lèn Bảng lồng lộng giữa đất trời, sông núi quê hương, tụ khí thiêng linh ứng cho vùng quê Quảng Trạch xuất lộ nhiều nhân tài muôn đời nối nghiệp tiền nhân. Ông Văn chính là Hoàng Giáp Phạm Duy Đôn, làm quan có tiếng thanh liêm, chính trực; ông Võ là Đề Đốc Lê Trực, lãnh tụ khởi nghĩa quân Cần Vương chống Pháp trên vùng đất phía Bắc Quảng Bình từ năm 1885 đến 1888.
Khách còn được lắng sâu hồi ức về các tên đất, tên làng với bản trường ca về trận đánh thắng Pháp trên đất Phù Trịch, cầu chợ Tràng tập kích xe bọc thép của giặc tiêu diệt tại chỗ quan năm Tây; Quảng Phúc với “lũy thép bờ Gianh”… Mỗi gương mặt làng quê lấp lánh giờ lại trầm tư hiền hậu sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt…
Cá nướng thuyền ai, mít chín thuyền ai thơm lừng trời nước, tiếng sáo diều đâu đây vi vút đêm hè thơ mộng… Cảm hứng sông quê “hốt gia nồng” khi được quá giang giữa một đêm trăng non cuối bãi Phù Kênh, quê nội của Nguyễn Hàm Ninh. Ta còn nghe dư âm những chòi nuôi tằm rạo rạt tiếng tằm ăn dỗi; thấm đẫm dư vị những đĩa chắt chắt xào cùng lá lốt, mít non, xúc bằng miếng bánh đa vừng, có thêm bát nước mắm dầm ớt mọi, đôi nhánh gừng tươi, ăn quên no, xa mô rồi cũng nhớ.
Ảnh khai thác mạng
Dọc triền sông, có biết bao tên đất, tên làng, tên núi, tên cồn gợi nhiều trí tưởng. Bên ni đất Phù Kinh có cồn Rồng, lèn Trôốc Rồng; bên kia làng Tiên Lệ có núi Mũi Rồng; lên Uyên Phong có cồn cát Long Châu; rồi Tiên Lang đối cùng Tiên Lệ… Cả một vùng sông quê như thể rồng thiêng quy tụ, như thể tiên giới giáng trần…
Đi giữa trời chiều mà cả một đoạn sông tím trong sắc động Chân Linh, tím trong huyền thoại một loạt tên núi như: Thanh Tuyền, Thanh Linh, Vũ Tọa, Bút Sơn, Họa Các, Thi Đàn… làm nên bức dư đồ chín mươi chín chóp lèn Lệ Sơn hùng vĩ với huyền tích trăm con chim phượng hoàng về tìm chỗ đậu. Có người chiết tự: Lệ Sơn là nước mắt của núi, là đất của nuối tiếc, xót thương vì chẳng gặp duyên may được chọn đặt kinh đô. Chúng tôi thì lại nói: Lệ Sơn chính là rừng vải (lệ là cây vải, sơn là núi), cả một rừng vải hào phóng, thường niên đơm hoa kết trái ngọt lành. Những mùa vải chín có hàng trăm loài chim (chứ không chỉ có một bầy chim phượng) về đây, đậu đầy vách núi. Lệ Sơn có đủ ngàn đỉnh cho vạn bầy chim.
Làng quê “đất lành chim đậu”.
Linh Giang 2009- 2012
(1). Đại Linh giang: tên gọi khác của sông Gianh.
(2). Thời Mại: tức Cao Mại, thuộc xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa ngày nay.
(3). Trung Hòa Hạ: làng Mỹ Hòa, thuộc xã Quảng Phúc ngày nay. Từ Cồn Quan, đau đáu nhìn về chốn cũ, người xưa có câu:
Chiều chiều ngó xuống Mỹ Hòa
Buồm dong đôi ngọn, vui đà nên vui.
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 12:56 )
 

Khám phá "tận nguồn" sông Gianh

Email In PDF.
(QBĐT) - Đã nhiều lần ngược xuôi trên dòng Gianh nhưng ước muốn được một lần đặt chân đến tận nguồn của con sông quê hương luôn thôi thúc chúng tôi. Ấp ủ mãi, một ngày chớm xuân chúng tôi quyết định hành trình khám phá...
Rừng lội giữa lòng sông
Theo bản đồ, sông Gianh bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn chảy qua địa phận các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch rồi đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Để khám phá tận nơi con sông Gianh khởi nguồn, chúng tôi chọn cách đi xe máy lên xã Dân Hoá (Minh Hoá), rồi từ đó thuê người dân bản địa dẫn đường...
Đến  tổ công tác biên phòng của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đóng ở bản Cà Vàng, chúng tôi đặt vấn đề khám phá thượng nguồn sông Gianh, thiếu tá Hoàng Văn Đỉnh nhìn chúng tôi từ đầu đến chân như muốn đặt một câu hỏi lớn, liệu chúng tôi có đi được không? Anh Đỉnh bảo chúng tôi: "Các anh không thể tự đi được đâu, cần phải có người dân tộc am hiểu đường đi, nếu không có khi lạc lối, không tìm được đường ra đâu". Nói rồi, anh Đỉnh dẫn chúng tôi vào bản Cà Ai nhờ 2 bố con già Cao Dương làm hoa tiêu dẫn đường. Anh Đỉnh còn chuẩn bị một số lương thực, thuốc uống, những thứ cần thiết nhất cho một chuyến vượt rừng...
Một đêm ngon giấc cùng các anh Bộ đội Biên phòng ở tổ công tác biên phòng Cà Vàng trôi qua. Buổi sáng, khi con gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy te te, chúng tôi đều đã thức dậy. Hai bố con già Cao Dương cũng đã có mặt từ rất sớm. Già Dương (người Mày) năm nay đã 60 mùa rẫy, nhưng vẫn tráng kiện như cây lim trong rừng. Còn Cao Hùng, cậu con trai đi cùng ông mới 15 tuổi, đôi chân thoăn thoắt như con sóc, đi trên ghè đá mà cứ như chạy trên đường nhựa!

Thác Nước Rụng nơi thượng nguồn sông Gianh.
Bản Cà Ai, nơi bố con già Cao Dương sinh sống được coi là bản người Mày sống cao nhất trên thượng nguồn sông Gianh. "Mày", theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Tộc người này thuộc nhóm dân tộc Chứt, là hệ gia đình của nhóm anh em Rục, Mày, Sách, Khùa. Người Mày có tính tình khí khái, họ chỉ sống ở đầu nguồn nước, bởi theo truyền thuyết, người Mày sinh ra để trở thành chiến binh bảo vệ cương vực cho những người anh em phía dưới chân núi...
6 giờ 30 sáng, chúng tôi bắt đầu rời khỏi bản Cà Ai. Con đường mòn nhỏ như sợi chỉ chạy giữa lưng chừng một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm con sông Gianh đang cuộn chảy qua những thác ghềnh. Đi được khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ, con đường mòn đột ngột đổ dốc, sát với lòng sông. Đến đây chúng tôi bắt đầu hành trình trên con đường lởm chởm đá, từng ghè đá to, nhỏ nối tiếp nhau bên bờ sông tạo thành con đường đá khúc khuỷu như thách thức bước chân của chúng tôi.
Đứng bóng, chúng tôi đã đi hết con đường mòn. Dòng sông Gianh chuyển ngoặt theo hướng tây bắc (thực tế là đông nam vì chúng tôi đang đi ngược dòng sông), ông Dương bảo, từ đây trở lên sẽ không có đường mòn nữa, chúng ta phải men theo con sông, len lỏi những ghềnh đá mà tìm đường đi. Đến đây lòng sông cũng bắt đầu hẹp dần. Dòng chảy của dòng sông bây giờ cũng chỉ còn những luồng nước len lỏi qua từng khe đá, tạo nên những cái thác nước trắng xoá, đẹp mê lòng. Một điều thú vị, là cũng từ đoạn sông này, ngay giữa lòng sông xuất hiện cánh rừng lội ken dày. Hàng ngàn cây lội cao vút, thẳng tắp với nước da vàng ươm với tán lá xanh um che kín một khúc sông dài hơn 1km. Già Dương cho chúng tôi biết, về mùa xuân khi cây lội thay lá, sắc lá màu tía đẹp lắm. Vào thời điểm đó, khúc sông này đẹp như một bức tranh thuỷ mặc...

Rừng lội giữa dòng sông Gianh ở thượng nguồn.
Cũng theo già Dương, thời gian gần đây khi ở dưới xuôi phong trào chơi cây cảnh đại thụ nở rộ, cây lội là một trong những loại cây được săn đón, thu mua với giá cao để đưa đi Trung Quốc. Nhiều cánh rừng vì thế mà bị tàn phá tan hoang. Ở bản Cà Ai, nhiều thương lái cũng đã tìm vào dụ dỗ dân bản đi đào cây lội để bán nhưng dân bản không chịu, vì Bộ đội Biên phòng, cán bộ kiểm lâm nói, cây lội có tác dụng giữ nước, cân bằng sinh thái rất tốt, nếu đi đào cây lội để bán, nước lũ hung hãn sẽ cuốn trôi bản làng... Rừng lội ở đầu nguồn sông Gianh vì thế mà được giữ tốt, không mất cây nào...
Thác nước trên trời rụng xuống
Vượt qua cánh rừng lội, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục tận nguồn sông Gianh trên những ghè đá. Càng lên cao, dòng sông Gianh càng hẹp dần, đến nơi này dòng nước của nó chỉ như một dòng suối nhỏ. Thế nhưng, sức chảy của nó vẫn mãnh liệt vô cùng. Những ghè đá nối tiếp nhau tạo thành những cái thác nước tuôn trào, trắng xoá, có thể cuốn trôi mọi thứ...
Đến khoảng 4 giờ chiều, khi đã bắt đầu xuống sức, chúng tôi  chạm mặt một thác nước cao hàng chục mét. Ngước mặt nhìn lên phía trên là những đỉnh núi mờ sương cao vút chắn ngang.  Từ trên đỉnh núi, từng tia nước rơi xuống tạo thành một màn sương trắng xoá như thế giới của các thần tiên trong những câu chuyện cổ tích. Đứng dưới thác nước, già Hồ Dương bảo, đây là thác Nước Rụng, nơi cao nhất của dòng sông Gianh mà người Mày có thể đặt chân đến. Những người Mày khoẻ nhất cũng chưa có ai vượt qua được con thác này.
Theo già Dương, sở dĩ nơi này có tên là thác Nước Rụng vì ở đây quanh năm, bất kể mùa đông hay mùa hè thì vẫn có những tia nước từ trên cao rụng xuống. Người Mày, một tộc người luôn ở đầu nguồn nước cho rằng, những hạt nước đó từ trên trời rụng xuống để tạo nên các con sông, con suối nên các con sông con suối ở đây mới không bao giờ cạn nước.
Có thể thác Nước Rụng chưa phải là nơi tận cùng của con sông Gianh. Nhưng không hiểu sao, khi đứng ở đây, chúng tôi trào dâng một cảm xúc rất lạ, cảm xúc tự hào theo kiểu trẻ con của một người đã được đi hết "tận cùng" của con sông quê hương...
Ký sự của Phan Phương
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 12:49 )
 

Hang Sơn Đoòng kỳ vĩ, mê hoặc trên tạp chí địa lý nổi tiếng

Email In PDF.
(Dân trí) - “Có cả rừng trong hang, đủ lớn để chứa được một tòa nhà chọc trời tại New York. Còn điểm kết của hang là bất tận.” - Đó là những dòng đánh giá về hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới trên tạp chí nổi tiếng National Geographic.
Hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha-Kẻ Bàng. Nó là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam và gần biên giới Lào.
Ngày 22/4/2009, khi công bố về hang động lớn nhất thế giới này, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho biết hang có chiều rộng 200m, cao hơn 150m, dài ít nhất 6,5km. Hang có thể còn dài hơn nữa, tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật, các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã không thể đi hết chiều dài của hang để kết luận hang dài bao nhiêu.
Với kích thước này, hang Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia (với chiều cao 100m, rộng 90m, dài 2 km) để chiếm vị trí hang động tự nhiên lớn nhất thế giới .
Hang động này do Hồ Khanh, người dân địa phương tìm ra và hướng dẫn đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm tới, và chính ông cũng đã đặt tên cho hang động này.
Trong lần khám phá lại gần đây nhất, các nhà khoa học xác nhận: Sơn Đoòng dài ít nhất 8,5 km, cao 200m, có nơi có thể lên đến 250 m. “Trong vòm hang cao 200m, quang cảnh cực kỳ tráng lệ. Với những hình ảnh về vườn địa đàng trong lòng hang, bức tường thạch nhũ khổng lồ hay bộ sưu tập “ngọc trai” hàng vạn năm tuổi, người xem đã phải sửng sốt với sự kì vĩ đến khó tin của hang Sơn Đoòng.

Cách duy nhất để vào hệ thống hang động là đu dây từ từ vách hang Loọng Con, cao khoảng 70m.

Dòng “thác” ánh sáng dội từ trên bề mặt xuống, để lộ những cột thạch nhũ dẹt và nhẵn thín, với nhiều hình thù lạ mắt trong lòng hang Loọng Con. Các nhà thám hiểm đã gọi đây là Vườn xương rồng.

Hơi nước bốc lên làm không khí mát lạnh và tạo nên cả mây bên trong hang Loọng Con.

Một chiếc cột khổng lồ trong hang Kén, một trong 20 hang mới được phát hiện vào năm 2009 tại Việt Nam.

Mùa khô, từ tháng 11-4, là khoảng thời gian an toàn để khám phá hang Kén, với những ao nước nông. Nhưng vào mùa mưa, dòng sông ngầm dâng lên, nhấn chìm mọi lối đi.

Đoạn hang có bề rộng khoảng 92m, với vòm rộng gần 244m này trong Sơn Đoòng có thể chứa được cả một tòa nhà cao 40 tầng ở New York, Mỹ.

Một đoạn mái của hang Sơn Đoòng bị sập nhiều năm trước đã tạo điều kiện cho ánh sáng ùa vào, cây cối xum xuê phát triển, tạo nên một cánh rừng kỳ vĩ giữa lòng hang. Các nhà thám hiểm đặt tên cho nơi đây là Vườn địa đàng.

Sương mù quét qua Rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi đã “cất giấu” một trong những hệ thống hang động lớn nhất châu Á. Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta từ miền bắc vào đã trú ẩn trong những hang này để tránh các cuộc không kích của Mỹ. Những hố bom ngày ấy giờ đây trở thành hồ cá.

Đoàn thám hiểm thâm nhập Hang Én dưới lòng đất, một hang được sông Rào Thương tạo ra. Vào mùa khô, sông thu hẹp thành những ao nhỏ, nhưng vào mùa mưa, nước có thể dâng cao hàng chục mét.

Khoảng không gian thu hẹp giữa hang Én. Các nhà thám hiểm đứng bên dưới mái hang đầy vỏ sò tích tụ sau nhiều năm ngập nước.

Những dải thạch nhũ gần cửa hang Én, được ví như thác nước hóa đá, có màu xanh của rêu và tảo.

Lối vào hang Sơn Đoòng: “Mặc dù đây là những hang động vô cùng lớn, nhưng chúng gần như vô hình cho đến khi bạn ở ngay trước chúng”, một nhà thám hiểm nhận xét. Các thợ săn đã phát hiện ra chúng khi thấy gió hắt lên từ những cửa hang dưới lòng đất.

Nơi nào có nắng gió chiếu vào là nơi đó có màu xanh của sự sống sinh sôi trong hang Sơn Đoòng, một thế giới hoàn toàn khác với sự trần trụi, tối đen như mực thường thấy ở hầu hết các hang động khác.

Qua hàng vạn năm, tinh thể canxi đã bao bọc những hạt cát nhỏ để tạo thành những “viên ngọc trai” quý hiếm. “Bộ sưu tập ngọc trai” vô giá này nằm gần Vườn địa đàng trong hang Sơn Đoòng.

Còn đây là những rẻ xương sườn - tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ của thiên nhiên trong Sơn Đoòng.

Giống như tòa lâu đài trên một khu đồi nhỏ, tác phẩm đá này rực sáng dưới bầu trời trong hang Sơn Đoòng.

Thách thức lớn nhất đối với đoàn thám hiểm là tìm cách vượt qua bức vách được mệnh danh là Vạn lý trường thành Việt Nam. Đây là một vách nhũ đá khổng lồ cao khoảng 70m nhô ra ở độ sâu hơn 6km dưới lòng hang Sơn Đoòng.

Một khi đã qua được bức tường, đoàn thám hiểm phát hiện ra đây là lối thứ hai vào hang.

Thác nước trong hang Sơn Đoòng được phát hiện qua một “miệng hố tử thần”. 
Phan Anh. Theo National Geographic, Wikipedia
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 17:41 )
 

LẠC VÀO THẾ GIỚI 3D Ở ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG

Email In PDF.
Những khối thạch nhũ xếp lên nhau tạo thành hình con tàu của cướp biển, ngôi nhà ma hay nhà rông... đã tạo nên nét kỳ diệu ở hang động trong quần thể Phong Nha (Quảng Bình).
Động Thiên Đường được những nhà thám hiểm người Anh phát hiện vào năm 2005. Năm 2010, động Thiên Đường thành điểm du lý tưởng ở miền Trung.
Sau khoảng 10km khi xe rời thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), những rừng cao su thẳng tắp sẽ hiện ra trước mặt gợi lên một ý nghĩ "đường tới thiên đường là đây sao?". Rồi xe lướt qua quần thể động Phong Nha, chạy song song với con suối xanh đến ngút ngàn.
Trên đoạn đường dài 2km tiếp theo, đoàn người sẽ đi bộ trong không khí dịu mát của cây cối, hoa lá, chim chóc, và đặc biệt là bướm. Những đàn bướm bay rợp lối đi đã là minh chứng cho điều nhiều người băn khoăn: "Nơi đây thực sự là thiên đường".
Bước qua 524 bậc, bạn đứng trước một cửa hang nhỏ, nhưng nhìn vào trong thì đó là một khối kiến trúc vô cùng thần kỳ. Cảm giác đầu tiên của mỗi người khi bước những đầu tiên xuống động Thiên Đường là như vào một xứ sở không có thực.
Ở đó, không khí lạnh, ẩm, ướt và mênh mông, hun hút những kiến tạo của thạch nhũ. Đó là những khối đá với nhiều hình thù khác nhau, những lối rẽ cùng với ánh sáng kỳ ảo tạo nên một không gian như đang xem phim 3D.
Một không gian rộng lớn mở ra sau cửa hang nhỏ.
Càng đi vào sâu trong động, khung cảnh thêm phần kỳ thú với những tầng lớp, hình thù rời rạc nhưng xếp theo chiều sâu, càng khiến bạn thêm phần ngỡ ngàng.
Các trụ đá chống trần đá tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ.
Thạch nhũ tạo thành những tòa tháp
Trong thế giới này, du khách cũng thoải mái bay bổng trí tưởng tượng. Bởi bên cạnh các mảng thạch nhũ dài với hoa văn kỳ lạ, những trụ đá lớn như đang chống bầu trời... thì có không ít công trình trông giống tòa lâu đài u tối hoặc con thuyền ma.
Các khối đá khiến bạn dễ liên tưởng đến các con tàu ma hoặc lâu đài u ám.
Toàn thể động Thiên Đường dài 31km, nhưng mới chỉ có 1km được đưa vào khai thác du lịch. Tại đây, thỉnh thoảng du khách lại bắt gặp những căn phòng mà chiều dài không biết đến đâu. Trước những căn phòng này là các dải thạch nhũ kéo dài từ trần xuống như tấm rèm. Bên trong, ánh sáng dịu dàng soi tỏ những khối đá khiến người ta gợi đến nào giường, nào bàn ghế....
Nơi được đặt tên là "phòng the" của động Thiên Đường.
Và cũng như các hang động khác trong quần thể động Phong Nha, nét đặc trưng của động Thiên Đường chính là kiến tạo kỳ diệu của thạch nhũ. Chúng làm nên những tấm rèm hoặc kết thành những cánh hoa trên một tòa tháp.
Các tấm rèm làm từ thạch nhũ.
Các khối thạch nhũ không phải lúc nào cũng sắc nhọn hay tròn trịa. Chúng có thể tạo thành từng cánh hoa trên một tòa tháp liên hoa.

Thạch nhũ gợi mở hình ảnh một ngôi nhà rông.
Một điểm đáng nhớ của hành trình khám phá động Thiên Đường là sự phục vụ rất chuyên nghiệp của nhân viên ở đây. Giá vé vào của dành cho người lớn là 120.000 đồng, nhưng kết thúc chuyến đi, bất kỳ ai cũng cảm thấy hài lòng.
Các cô hướng dẫn viên xinh đẹp sẽ kiên nhẫn chờ người cuối cùng trong đoàn ra khỏi động rồi mới bước đi, từ cửa soát vé đến tận sâu trong động, cứ cách một quãng ngắn lại có nhân viên mang bộ đàm hỗ trợ. Ngay cả khu đi vệ sinh, các thùng rác cũng rất sạch sẽ, hoặc khi một chiếc ghế ngồi bị ướt, ngay lập tức sẽ có người đến lau khô, tạo cảm giác bạn thực sự xứng đáng được đón chào và phục vụ, ở nơi được gọi là Thiên Đường./.
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 17:21 )
 
Trang 166 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ