TRĂM NGÔI NHÀ CỔ BÊN BỜ SÔNG GIANH (XÃ QUẢNG HÒA NÈ)
Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 06:12
Nguồn: sggp.org.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Một người bạn ở xã Quảng Hòa (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói với tôi nơi đây còn hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ phủ bóng rêu phong. Căn nhà cổ nhất đã hơn 300 năm tuổi, “trẻ” nhất cũng đã 200 năm soi bóng với sóng nước sông Gianh. Nhà ông Đinh Phan Dần đã bị trộm trổ nóc, nhìn bề ngoài căn nhà vẫn còn vững chãi.Nhà xưa soi bóng
Cư dân xã Quảng Hòa, anh Nguyễn Văn Thái, một tay máy ảnh có tiếng trong vùng giới thiệu với chúng tôi về những căn nhà cổ có một không hai bên bờ sông Gianh: “Nhiều vùng ven bờ sông hiền hòa này đã cơ bản bê tông hóa đường sá, vườn tược nhưng vùng Quảng Hòa này còn giữ được những ngôi nhà cổ độc đáo là một sự lạ hiếm nơi nào có được”. Nghe lời anh, chúng tôi tìm về Quảng Hòa bữa đầu mùa nóng, cái nắng chao chát rát mặt, vậy mà vào một ngôi nhà xưa còn lại, không khí mát rượi không đặc quánh như bao căn nhà bê tông cốt thép khác. Đó là nhà cụ Nguyễn Phương (83 tuổi). Cụ nằm trên chiếc chõng tre đầu hồi, có người vào cụ vẫn minh mẫn đứng dậy, ngồi cạnh chiếc bàn cổ rót nước đãi khách. Biết chúng tôi tìm hiểu về căn nhà, cụ lần giở từng trang gia phả bằng ký tự cổ rồi kể: “Căn nhà đã hơn 350 năm, làm thượng chua, hạ mít. Cụ tổ căn nhà này vốn là một quan tri huyện miền trong, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quan trường, được hồi gia, xuất tiền vào Lệ Thủy mua nhà của một địa chủ cự phách, chở bằng thuyền buồm, đi đường biển, vào cửa Gianh, giong buồm lên Quảng Hòa cất nóc, từ đó đến nay chưa sửa chữa một cái đòn tay nào”.
Bí quyết của căn nhà rường chắc chắn này theo cụ Phương là ở chỗ nó được tẩm chất chống mối mọt bằng thủ công từ ngày xưa, một loại chất đã thất truyền cũng ngót nghét trăm năm. Nhà cụ Phương 3 gian, những cột những kèo, những đòn tay, rui mè vẫn còn bóng dáng thuở xưa, chạm tay vào thớ gỗ nào cũng mát mịn. Các chạm khắc tinh xảo, từ đầu rồng, công phượng đến trúc, sen hoa huệ đều được chăm chút mài giũa tỉ mỉ.
Rời nhà cụ Phương, chúng tôi vào căn nhà ông Đinh Phan Dần, một bóng dáng lộng lẫy thuở trước kéo về. Tòa nhà 5 gian trong một khu vườn rộng thoáng. Trước người làng gọi đó là lầu ngang dãy dọc, bởi có một gác nhà ngang ở hồi phía Đông làm 2 lầu, bằng gỗ rất đẹp nhưng sau do chiến tranh, bom đạn cày xới khiến tòa lầu cầu kỳ này bị cháy. Cụ Trương Hiền (87 tuổi) chống gậy ra nói chuyện: “Tui hồi nhỏ lớn lên thấy căn nhà này đẹp nhất vùng, nó có tòa nhà 5 gian rộng, lại có tầng lầu phía Đông khiến ai đi đâu trên sông Gianh cũng lấy nó làm chuẩn, bởi nó đẹp và cao ráo nhất vùng”. Những hoa văn chạm khắc vẫn còn lộ rõ dưới lớp bụi lưu cữu lâu ngày không được lau chùi dọn dẹp, tuy ngôi nhà hiện vắng bóng chủ nhưng nhìn vào vẫn thấy bản sắc Việt nền nã trong một khu vườn màu xanh.
Người am hiểu về các ngôi nhà rường vùng Quảng Hòa là thầy giáo Đinh Xuân Thắng ở xóm Vĩnh Phú, bởi từng một thời ông rất giỏi nghề mộc. Tuy đã 70 tuổi nhưng khi nói về các căn nhà rường, ông tỏ ra nhanh nhẹn: “Ở đây tính sơ sơ cũng có cả trăm căn nhà rường cổ. Nhà tui đây cũng ngót hơn 200 năm. Ở trong những căn nhà như ri, mùa hè nóng nực, có mất điện cũng dễ thở, bởi nó mát và dịu vô cùng. Cha ông xưa thiết kế mẫu nhà rường này là để hút gió và hút hơi nước ngoài đồng hoặc từ sông Gianh vào để làm mát, từ đó mà con cháu giữ gìn cho đến hôm nay”.Bí quyết tường nhà
Quảng Hòa xưa vốn là làng của thợ mộc, nổi tiếng ra cả Hà Tĩnh và vào đến Thừa Thiên - Huế. Người làng kể, có nhiều thợ cả của làng đã từng tham gia dựng nên lầu son gác tía, phủ đệ ở cố đô Huế. “Chính vì thế mà nhà rường Quảng Hòa đẹp và còn lưu lại thế gian cả trăm năm cho tận hôm nay”, ông Thắng nói. Theo thầy Thắng, nhà rường Quảng Hòa có 2 loại, loại dành cho quan lại và địa chủ cự phách, đó là loại nhà chạm trỗ tinh xảo, hoa văn cầu kỳ; loại khác là nhà rường của con dân, không chạm trỗ gì ngoài việc bào nhẵn rui mè, lóng gỗ và cột kèo, tuy nhiên loại nhà của dân giản dị thế nhưng vẫn bền đến hôm nay.
Bí quyết để ngôi nhà tồn tại lâu bền qua thời gian, theo ông Thắng là nằm ở các bức tường. Nhà xây thấp nhằm tránh bão quần dập và tường xây dày để chống nắng, làm mát lúc hè, cũng như giữ ấm cho con người vào mùa đông. Căn nhà của cụ Phương có tường xây bằng gạch vồ thủ công và vữa xây là từ sợi dây tơ hồng trộn lẫn đất sét cùng với mật mía, tường xây dày đến gần 0,5m. Qua bao dâu bể đổi dời, nhà của cụ Phương vẫn vững chãi với bụi thời gian, bao nhiêu trận lũ càn, những bức tường vẫn trơ vững, ôm ấp bộ rường nhà.
Căn nhà của thầy cả Thắng hiện chở che trong đó ba đời người, gồm ông, các con và cháu nội. Ngôi nhà có mái ngói cổ còn lại nguyên vẹn đến tận hôm nay, ngói đóng dấu chỉ của vùng gốm Ngọa Cương vang bóng một thời từ 200 năm trước. Thời gian đã phủ bao mưa nắng nhưng cốt ngói vẫn còn bền chắc đến lạ.
Tuy nhiên, người làng vẫn canh cánh một nỗi lo, bên cạnh những ngôi nhà còn người ở là các ngôi nhà đã tàn lạnh khói hương. Rất nhiều ngôi nhà rường xưa đang bỏ hoang bởi chủ nhân đã về với tổ tiên, để lại cho cháu con nhưng vì nghiệp mưu sinh, con cháu của họ tứ tán khắp ngả. Nhà của cụ Đinh Phan Dần là một ví dụ, hôm chúng tôi đến, trộm đột nhập từ nóc nhà lấy mất bộ lư hương cổ, ngôi nhà đầy bụi bặm vì vắng bàn tay chăm sóc, hoang lạnh đến nao lòng. Cụ cả Thắng nói: “Nay ở trong những căn nhà rường này là người già, trẻ đi làm ăn xa, đa phần khó khăn nên không có điều kiện sửa chữa. Nay cũng mong muốn địa phương kiểm đếm lại để có cách bảo tồn nhằm dự tính cho lâu dài, mong thế mà có ai đoái hoài đâu”.
Rời xã Quảng Hòa, bóng hoàng hôn phủ xuống phía núi ở thượng nguồn sông Gianh, qua bên kia sông, những mái nhà xưa dần mờ bóng, bụi thời gian chắc chắn tiếp tục làm mờ bao căn nhà cổ. Một gia tài hiếm có đang dần bị lãng quên!Minh Phong
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 16:01 )
KHÁM PHÁ "THIÊN ĐƯỜNG" BÍ ẨN Ở QUẢNG BÌNH
Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 05:26
Nguồn: vietnamnet.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Nét độc đáo của hang Én mà động Phong Nha và động Thiên Đường đều không có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. 9km lội suối và len lỏi rừng già Buổi sáng, sau khi lễ đền Tám Cô trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây theo truyền thống tâm linh của người bản địa, chúng tôi đi tiếp đến km35 và bắt đầu lần theo lối mòn đi vào cánh rừng nguyên sinh trải dài đến ngút tầm mắt. Theo ông Hoàng Hải Vân, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), hành trình dài 9km tạm chia ra hai chặng: chặng thứ nhất hầu hết là dốc cao, dưới tán cây rừng mọc trên núi đá vôi; chặng hai chủ yếu sẽ men theo con suối chảy quanh co bên những cánh rừng thưa hoặc thảm cỏ dại, cây bụi ẩm ướt. Thực ra, cửa rừng đồng thời là đỉnh núi Ba Giàn (Giàn có nghĩa con dốc theo tiếng địa phương) chỉ cách lề đường Hồ Chí Minh khoảng 20 mét nằm trên độ cao 553 mét so với mặt biển. Do vậy, chặng đầu chúng tôi luôn đi xuống dốc, để rồi lối mòn tiếp tục đưa mọi người men theo nhiều con suối nhỏ trước khi đặt chân tới Bản Đoòng, một ngôi làng nhỏ của người Vân Kiều giữa bốn bề núi non heo hút như cô lập với thế giới bên ngoài. Theo ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty One Step Việt Nam, đó là 6 hộ dân từ huyện Quảng Ninh chạy nạn lũ lụt về đây - vùng lõi vườn quốc gia từ 1993. Họ an phận sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác mật ong và làm nương rẫy. Thế nhưng, tai ương vẫn chưa buông tha, bởi trận lũ lịch sử tháng 10/2010 đã quét sạch toàn bộ nhà cửa cùng 11 con bò là tài sản mà họ tích cóp cả đời người. Riêng dân bản, gồm 27 người, tất cả phải leo cây mít đầu làng đeo bám suốt 2 ngày mới thoát chết. Dù đời sống gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng người bản địa rất lạc quan, hiếu khách và tự hào khi nói bản Đoòng từng được đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh chọn là nơi dừng chân, nghỉ ngơi trước khi phát hiện hang Én, đặc biệt là Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.
Người phụ nữ Vân Kiều ở Bản Đoòng
Bản Đoòng cũng là khởi điểm của chặng đường toàn thảm cỏ dại đan xen rau tàu bay, chuối rừng, môn dại và cây Nàng Hai - hay còn gọi là lá Han, một loại cây độc mà bất cứ ai vô tình đụng vào nó, lớp lông trên mặt lá sẽ gây ngứa suốt hàng tuần mới khỏi. Ở rừng mới 1 buổi sáng song chúng tôi đã học biết bao điều mới lạ. Học cách mang giày vừa đi dưới suối dễ dàng lại vừa đi trên thảm cỏ mục mà không bị vắt tấn công, học cách xoa bóp chân để không bị vọp bẻ vì đi dưới nước suốt ngày trời, học cách nhận ra lá tàu bay để ngắt hái nấu canh cải thiện bữa ăn, cách giăng lưới, bắt cá... Lối mòn càng lúc càng khó đi bởi cây dại phát tán, che khuất, chúng tôi quyết định “hành quân” dưới suối Rào Thương cho thông thoáng. Rào Thương hay còn có tên suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối nhỏ trên dãy Trường Sơn. Và trên đường đi, nó chảy qua nhiều rặng núi đá vôi giữa đại ngàn rồi chui sâu trong Hang Én, hang Sơn Đoòng những hang kỳ vỹ nhất thế giới trước khi hòa mình vào sông Chày, chấm dứt vai trò lịch sử của nó.
Hành trình đến hang Én hầu hết là lội suối và len lỏi trong rừng già
Một trong những cảm giác khoan khoái nhất là lội suối vì sự mát lạnh của dòng nước dường như xua đi cái nắng oi bức của gió Lào, thêm nữa nó khiến tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn và tạm quên đi sự nhức nhối ở đôi chân do leo trèo ban sáng. Thỉnh thoảng lại phát hiện những dấu chân thú trên bờ cát cùng vô số đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn ven bờ gợi nhớ cái câu “nước khe cạn bướm bay trên lèn đá” trong ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Từ đây đến hang Én còn 3,5 km theo lời anh kiểm lâm dẫn đường. Lung linh hang Én Gần chiều, lội qua hết góc khuất vì đám chuối rừng, bất ngờ thấy cửa hang Én đã trước mặt, một cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào. Cửa hang nhìn ra hướng đông nam có bề rộng gần 100m. Sau lớp cửa dưới ánh đèn rọi đeo trên đầu của chúng tôi, là bãi đá sõi rộng mênh mông.
Cắm trại dưới cửa hang Én và bên dòng suối Rào Thương Dòng suối Rào Thương, chảy vào khoang thứ 1 - hang Én dưới ánh sáng của giếng trời.
Lòng hang bỗng mở ra ba động nước khổng lồ được chia cắt bằng những đồi dốc đầy cát mịn và đá tảng xếp chồng chất lên nhau chiếm hết phân nửa chiều cao của hang. Ở trên ấy còn hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi. Nét độc đáo riêng của hang Én mà động Phong Nha và động Thiên Đường đều không có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. Trên trần, trong những hốc đá, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi, đó cũng là nguyên nhân hang mang tên Én.
Để đi xuyên suốt hang Én nhiều đoạn phải lội trong làn nước mát lạnh
Ở trên đồi đá cách nền hang hơn 50m, hiện diện một cây to nguyên gốc chắn ngang như chứng tỏ vào mùa nước lũ, dòng Rào Thương ngập tràn lòng hang và để lại nhiều thứ khi nước đã rút đi. Theo anh Thành Huế - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tỉnh Quảng Bình, hang Én từng là nơi người dân tộc Arem chọn làm nơi sinh sống từ trăm năm về trước, họ có biệt tài leo trèo chẳng khác loài vượn, loài voọc chuyền cành trên cây, trong mùa én làm tổ họ thường trèo lên vách đá, trần hang để bắt én non làm thực phẩm. Hiện nay người Arem đã chuyển về đường 20 sinh sống nhưng hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch họ đều kéo về hang Én, tổ chức hội ăn én qua hình thức cúng bái thần rừng và đi lượm én con vì yếu sức không thể bay cao nên rơi xuống đất”. Kỳ thực, lúc này chưa tới ngày hội ăn én nhưng chúng tôi vẫn thấy không ít chim én mới ra ràng nằm thiêm thiếp trên nền hang, chợt nghe động, theo bản năng chúng gắng sức vổ cánh bay song được vài ba mét lại sa xuống đất, trông rất đáng thương.Cửa hang hướng Tây bắc, nhìn ra cánh rừng nguyên sinh và trần hang là nơi hàng vạn chim én làm tổ. Đây cũng là hướng đi động Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới cách 2 km.
Hang Én có tổng chiều dài 1.645 mét xuyên suốt cả một quả núi và trổ 3 cửa động, 1 nằm lưng chừng núi và 2 ở chân núi hướng đông nam, tây bắc theo dòng chảy suối Rào Thương là đặc điểm hiếm thấy so với những hang động nổi tiếng ở Việt Nam mà chúng tôi đã từng đặt chân đến. Hơn thế nữa, từ trong hang nhìn ra cửa phía tây bắc với vòm hang cao hơn 80m thấy cảnh vật bao la sinh động, những đàn én chao lượn trên trần hang, bãi cát rộng rãi, cả những cánh rừng nguyên sinh xanh mát... Đây cũng nơi mà nhiếp ảnh gia Carsten Peter chọn làm chủ đề để bấm máy nhằm cho ra đời tác phẩm động hang Én, đã được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng 3. Đêm về, mấy anh em Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rủ rê chúng tôi tỏa đi các nơi giăng lưới. Thì ra con suối Rào Thương có rất nhiều loại cá mang cái tên khá lạ lẫm: cá mát, cá cồ, trầu đá... riêng cá leo được xem là loại “quý tộc” vì thịt thơm, ít xương... phải bỏ công giăng lưới trong hang với hy vọng bắt được nó. Đêm về, là dịp giăng lưới trên suối Rào Thương để bắt cá, tôm
Sau một giờ thả lưới chúng tôi thu hoạch được 2 nồi cá, mà chú nào kích cỡ cũng bằng phân nửa cổ tay, đủ để xiên cây nướng ăn ngay tại chỗ, chưa kể một số dành nấu cháo điểm tâm sáng mai. Và giấc ngủ đến thật dịu dàng trong âm thanh rì rào, êm dịu của làn gió mát lạnh lùa vào hang như lời thì thầm của rừng, của núi...
Sau chuyến khảo sát, có rất nhiều ý kiến đóng góp cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm qui hoạch và phát triển du lịch tại Hang Én.Riêng tôi mong sao những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, dòng suối Rào Thương mềm mại uốn lượn quanh co cùng vẽ đẹp kỳ vỹ thuần khiết của hang Én sẽ được giữ nguyên vẹn như hiện nay và nếu khai thác chỉ nên phát triển loại hình khám phá thám hiểm, săn ảnh nghệ thuật...Trần Thế Dũng
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 13:38 )
DẠO RỪNG PHONG NHA
Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 05:17
Nguồn: phutho.gov.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Nhiều người từng biết đến những hang động tuyệt đẹp của Phong Nha (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhưng ít ai biết đây còn là vùng rừng nguyên sinh lý tưởng. Ðến đây, du khách sẽ được đi qua rừng Trộ Mợng, Cổ Khu, qua Thung Tre, hang E... để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Từ bến phà Xuân Sơn (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chúng tôi theo một chiếc du thuyền qua dòng sông Chày để ngược vào rừng sâu. Càng vào sâu dòng chảy càng khúc khuỷu, lắm thác nhiều ghềnh dẫn đến vùng rừng Trộ Mợng. Ðây là điểm đầu tiên của tuyến du lịch sinh thái rừng Phong Nha - Kẻ Bàng đã được khảo sát và đề xuất cho kế hoạch mở tuyến du lịch nay mai bên cạnh tuyến tham quan động Phong Nha đã nổi tiếng những năm qua. Tại đây có thác Chài cao khoảng vài chục mét, có bãi Ràn Bò. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi Ràn Bò vì trước kia bò tót kéo nhau về đẻ nơi đây. Và có nhiều địa danh được gọi theo đặc điểm của rừng như Nước Ngang: một dòng suối chảy vắt ngang chiều chảy của các dòng sông suối khác trong vùng; Ðá Nằm: một hòn đá lớn nằm ngay giữa dòng thác chảy; Chân Thớt: một hòn đá trông không khác gì một chiếc thớt thái thịt. Ðặc biệt là Nước Trồi: bạn không khỏi thích thú khi thấy một dòng nước cứ chảy trồi lên khỏi mặt nước. Cảnh sắc vùng này rất đỗi hữu tình: cây xanh, nước mát trong vắt. Phía sau làm phông là những dãy vách vá vôi xám dựng đứng cao vút với những đàn voọc Hà Tĩnh, voọc vá chân nâu đang đu mình trên cây hay men vách đá cất tiếng gọi đàn. Bạn có thể bắt gặp những chú khỉ vàng xuống sát bờ suối để bắt cá ăn. Ði xa hơn nữa theo đường Hồ Chí Minh tới Eo Gió: giữa rừng, núi đá vôi có một chỗ eo nhỏ đủ cho xe qua lại luôn tràn đầy gió. Nhưng trước khi đến với Eo Gió, bạn hãy nán lại Trộ Mợng để thăm hang Vòm nổi tiếng. Theo số liệu của đoàn thám hiểm hang động thuộc Hội Ðịa lý hoàng gia Anh (công bố năm 1992), hang Vòm là hang có độ dài lớn nhất: 28 km và kỳ vĩ nhất trong số các hang động ở khu vực này. Qua khỏi Eo Gió bạn sẽ mục kích những vực núi đá vôi sâu đến hút mắt, rồi đến những cánh rừng nguyên sơ. Cuối xuân, sang hè nơi đây tràn ngập thảm hoa bồng bồng, hoa mỏ quạ dọc hai bên thượng nguồn sông Chày hay tím ngát hoa bằng lăng trên cao. Từ đây bạn có thể ngồi ô-tô đi suốt rừng. Ði bộ 5-7 km, ta đến Cổ Khu, khu rừng nguyên sinh lý tưởng nhất của khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng. Ði dưới tán cây bạn cứ ngỡ như đang đi trong rừng vùng ôn đới. Rừng chỉ có cây cao, hoàn toàn không có cây bụi, dây leo. Nhiều cây to 5-7 người ôm. Ðây là cái nôi của thú rừng sinh sống như hươu, nai, chim, bò tót, hổ... Rừng bằng phẳng và sạch. Nếu trở lại đường Hồ Chí Minh, rẽ sang phía đông bắc, đi bộ chừng 2 km ta sẽ qua vùng sinh thái khác là vùng hang E, Thung Tre. Ðây là vương quốc của các loài chim, một vùng bằng phẳng rộng khoảng 2.000 ha, mọc đầy cỏ tranh và tre nứa, chung quanh được bao bọc bằng các dãy núi đá vôi dựng đứng. Theo đoàn giám định (để công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới - gồm cả hang động) của tổ chức UNESCO, đây là một trong những thung lũng đẹp nhất thế giới. Cách đây khoảng năm triệu năm, nơi đây là mặt nước biển, có nhiều suối lớn nhỏ chảy ngầm. Có chỗ dòng nước hiện lên mặt đất vài mét hay vài chục mét, rồi lại chui tọt vào đất, mất hút. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ được dựng nhà lều cỏ, nhà sàn và các chòi quan sát cao để du khách ngắm nhìn thú hoang kiếm ăn trên trảng tranh. Theo tuyến du lịch sinh thái, bạn sẽ ở lại vùng hang E một đêm, sáng sớm lên xe ra đường 20 Quyết Thắng, thăm các di tích lịch sử cách mạng trên đường mòn Hồ Chí Minh. Từ đây bạn có thể theo đường 20 về lại bến phà Xuân Sơn để đến thăm động Phong Nha, Tiên Sơn hoặc vào nam, ra bắc.PhuthoPortal (Nguồn Du Lịch Á Châu)
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 13:32 )
KỲ VĨ ĐÁ NHẢY - QUẨNG BÌNH
Thứ năm, 04 Tháng 4 2013 05:06
Nguồn: google.com
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Bãi Đá Nhảy nằm dưới chân đèo Lý Hoà thuộc địa phận xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có nhiều thắng cảnh với nhiều hang động kỳ thú. Bãi đá nằm cách không xa quần thể di tích thắng cảnh hang động Phong Nha - Kẻ Bàng nổi tiếng đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên thế giới. Bãi Đá Nhảy có nhiều núi đá, cột đá to nhỏ, cao thấp với trăm hình nghìn vẻ kỳ thú như hình con cóc, con trâu nằm, hình "trống - mái", hình hổ quỳ, voi phục, đùa giỡn với sóng nước… Đá ở đây luôn luôn biến đổi từ hình dáng đến màu sắc tùy thuộc sự lên xuống của con nước, theo mùa. Tại đây còn có một cái giếng gọi là giếng Cóc (có một tảng đá lớn hình con cóc che trên miệng), càng tăng sự hấp dẫn của địa danh này. Giếng ở sâu trong hang Cóc, muốn lấy nước phải chui vào "bụng cóc" để múc từng gàu một. Nước giếng rất trong và sạch, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, thường được ngư dân lấy để cúng lễ ở đền thờ Nam Hải Đại Vương cạnh giếng. Đứng trên bãi đá, nhìn về phía bên kia là ngọn hải đăng Khe Gà như một ngọn tháp sừng sững điểm nét uy nghi cho dáng biển. Bình minh lên, ánh hồng lấp lánh rọi xuống bãi đá lô nhô đủ màu sắc. Buổi ban mai trên biển, từng đoàn thuyền quăng lưới, những con người say mê với cuộc sống và lao động... Những ngày biển động, những con sóng bạc đầu lên từng ngọn đá, nhưng đó chỉ là vài nét “phá cách” dễ thương của biển. Đá Nhảy là khu du lịch nghỉ mát lý tưởng Biển nơi đây có nhiều rạn ngầm, là nơi cư trú của nhiều loại hải sản như tôm, cá, cua, mực, ốc... có thể chế biến những món đặc sản biển hấp dẫn du khách. Bãi biển Đá Nhảy sẽ là nơi dừng chân lý tưởng đem đến một cảm giác thật thoải mái và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.Hoàng Minh (Dân Việt)
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 13:26 )
|
|