Việt Nam có 1 “thiên đường ẩn trong lòng đất”, hút cả nghìn người đến chiêm ngưỡng mỗi ngày
Thứ tư, 25 Tháng 9 2024 00:00
Nguồn: kenh14.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Đây là điểm du lịch khám phá nổi tiếng mà bất kỳ ai cũng nên đến một lần trong đời. 1- Kiệt tác trong lòng núi Động Thiên Đường hay hang Thiên Đường là hang động đẹp nổi tiếng thuộc vùng núi đá vôi của hệ sinh thái vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tại Quảng Bình. Đây là vùng đất tuyệt đẹp với hàng trăm kiệt tác hang động đẹp, hoang sơ, độc đáo làm say lòng người. Động Thiên Đường được phát hiện vào năm 2005, rồi được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá. Hang động có tổng chiều dài là 31,4 km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m và nơi rộng nhất lên đến 150m. Động có chiều cao từ đáy lên đến trần động là khoảng 60 - 80m, được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất Châu Á và cũng là một trong những hang động kỳ vĩ nhất mà đoàn từng khảo sát trên toàn thế giới, vẻ đẹp tráng lệ hơn cả động Phong Nha. Vì vậy mới được đặt tên động là Thiên Đường Động Thiên đường có cấu trúc kỳ vĩ, tráng lệ đầy huyền ảo khiến du khách đến đây ngỡ lạc vào một thiên cung nơi trần thế. Vì vậy mà động được đặt tên là Thiên đường, tên tiếng anh là Paradise Cave. Động Thiên Đường được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập 2 kỷ lục là: "Động khô dài có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất Việt Nam" và "Động có cầu gỗ dài nhất Việt Nam". Bên cạnh đó, hang động này cũng được Hội đồng Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là "Hang động có hệ thống thạch nhũ, măng đá độc đáo và tráng lệ nhất châu Á". 2- Khám phá hang động tuyệt mỹ Động Thiên Đường mang vẻ đẹp của những nhũ đá, măng đá lạ mắt theo tính toán của các nhà khoa học để hình thành nên động này cần khoảng 35 - 36 triệu năm. Khí hậu tại Động Thiên Đường thuộc dạng chuyển giao giữa Bắc và Nam, phân hoá thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô kéo dài từ tháng 4 – tháng 8, mùa mưa bắt đầu từ 9 và kết thúc vào tháng 3 năm sau. Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024, Quảng Bình đã đón khoảng 318.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 365,7 tỷ đồng. Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao nên các điểm tham quan du lịch sinh thái, thiên nhiên tại Quảng Bình trở thành những điểm đến lý tưởng, thu hút số lượng lớn khách du lịch như: Động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, Công viên Ozo, các sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.... Về phương thức di chuyển, từ thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), du khách có thể bắt taxi hoặc xe ôm công nghệ để đến Động Thiên Đường. Nếu tự lái xe thì dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ phải đi qua quãng đường dài 68 km. Việt Nam có 1 “thiên đường ẩn trong lòng đất”, hút cả nghìn người đến chiêm ngưỡng mỗi ngày- Ảnh 6. Trải nghiệm diệu kỳ Đến thăm Động Thiên Đường, du khách nhất định phải trải nghiệm những điều tuyệt vời như: 3- Chinh phục hệ thống 500 bậc thang đá Việt Nam có 1 “thiên đường ẩn trong lòng đất”, hút cả nghìn người đến chiêm ngưỡng mỗi ngày- Ảnh 7. Để vào được động, bạn phải chinh phục hết 500 bậc thang nhân tạo bằng đá. Những bậc đá này chạy quanh triền núi, dẫn lối cho du khách vào tham quan động. Bậc thang được xây dựng sau khi hang động được phát hiện, giúp du khách dễ dàng hơn trong việc tiếp cận động. 4- Chiêm ngưỡng hệ thống thạch nhũ có 1 không 2 Đến nơi đây, du khách sẽ phải choáng ngợp trước sự lung linh, tráng lệ của những khối măng đá, nhũ đá đã có hàng nghìn năm tuổi. Những khối đá này đa dạng với nhiều hình thù khác nhau, phản chiếu ánh sáng mang lại sự ma mị, đầy kỳ bí. Đặc biệt, những khối đá trong động cũng được có tên rất mỹ miều như: Cung Thạch Hoa Viên, Cung Giao Trì, Cung Quần Tiên, Cung Quảng Hàn,... Chính bởi vẻ đẹp tráng lệ huyền ảo bậc nhất như vậy, Động Thiên Đường còn được mệnh danh là “cung điện trong lòng đất”. 5- Trải nghiệm cầu thang gỗ dưới lòng đất Hệ thống cầu thang gỗ dài hơn 1.000 m từng xác lập kỷ lục sẽ đưa du khách vào tham quan động tuyệt mĩ này. 6- Khám phá suối ngầm, trầm trồ với giếng trờiDu khách đến đây nhất định không nên bỏ qua trải nghiệm đi thuyền kayak để tham quan khu vực suối ngầm trong động. 7- Động Thiên Đường tuyệt mỹ qua góc nhìn từ thuyền lên Còn Giếng Trời tại đây tựa như điểm giao thoa giữa đất và trời. Từ Giếng Trời, ánh sáng mặt trời soi rọi tạo thành một cột sáng khổng lồ. Ánh sáng rực rỡ từ trần động xuống lòng hang làm không gian thêm phần kỳ ảo, mang cho du khách cảm nhận vẻ đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Thông thường, các hang động khác sử dụng hệ thống ánh sáng nhiều màu sắc tạo nên vẻ huyền ảo. Nhưng hệ thống ánh sáng soi đường trong động Thiên Đường không sử dụng ánh sáng màu để chiếu sáng các khối thạch nhũ mà hoàn toàn sử dụng ánh sáng trắng. Qua đó, toàn bộ nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ của động được lột tả chân thực. Mặc dù được đưa vào khai thác du lịch mới vài năm nhưng động Thiên Đường là địa chỉ hấp dẫn rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Bình.Lưu Ly
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 24 Tháng 9 2024 14:28 )
NỮ “CẬN VỆ” CỦA ĐẠI TƯỚNG
Chủ nhật, 22 Tháng 9 2024 00:00
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Nếu bà không thuộc phái yếu chắc tôi sẽ mạnh dạn bỏ ngoặc kép hai từ “cận vệ” trên đây, vì, sau thiên chức là người vợ, người mẹ, đích thị là người bạn trung thành, người bảo vệ che chắn nhiều bề cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sinh Mậu Thìn 1928, tròn 20 tuổi, bà bắt đầu song hành với Đại tướng qua hai cuộc trường chinh gian khổ và vinh quang, băng qua cả những “chớp bể mưa nguồn”, những lúc “trở trời trái gió” cùng ông đến cuối con đường hạnh ngộ, kết thúc viên mãn ở tuổi “cận bách niên” 96. Có thể, tôi đã lần đầu tiên được nhìn thấy bà vào năm 1979, trong những ngày cải táng di hài liệt sỹ Võ Quang Nghiêm, thân phụ Đại tướng từ Huế ra Lệ Thủy. Nhưng ngày đó, bà như hòa lẫn giữa những người phụ nữ nông thôn đến giúp lễ trọng, cũng trang phục mộc mạc cũng xăm xắn lên xuống bếp núc lo nước nôi cho khách khứa trọn phận “con đầu dâu trưởng”. Tác giả (ngoài cùng bên phải) và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Phải 13 năm sau, năm 1992, khi Đại tướng đã nghỉ hưu có thời gian cùng phu nhân và trưởng nữ về thăm quê 21 ngày, tôi được tháp tùng trọn vẹn để làm phim tài liệu “ Trở về mái nhà xưa”. Những ngày đó, hình ảnh “người con dâu Lệ Thủy” bắt đầu hiện hình rõ nét cái đảm đang, bao bọc và bênh che của người vợ người mẹ miền Trung Việt Nam với chồng hiện lên khá rõ để trong tôi xuất hiện hai từ “vệ sĩ”. Từ đầu đến cuối những ngày thăm quê chồng là một gương mặt trung tính, điềm đạm dịu dàng vừa phải và rất tự nhiên, không một mảy may tạo dựng nét ngoại giao nào. Nhưng, đến buổi chiều khi gia đình lên thăm đài truyền hình đóng trên đồi cát Hải Thành thì đã khác. Khi nghe báo cáo rằng, đài tỉnh bạn đã phát máy 5kw, các huyện thị cũng có máy 2kw mà tỉnh ta chỉ có máy 100w (0,1kw) và sắp tới dự định cũng chỉ mua máy “nửa kw” thì bác Giáp bất bình thật sự: - Tại sao tỉnh người ta đã có máy 5 ki lô mà tỉnh ta chỉ dự dịnh mua máy 500w? Ở tỉnh ai lo việc này? Tôi sẽ điện… Bất ngờ phu nhân bước lên ngay: - Anh không điện nhé! Anh không có quyền đâu. Nhà tôi không điện, không điện các anh các chị nhé! Mọi người đều lặng đi vừa ngỡ ngàng, xúc động trước tình cảm của Đại tướng với quê hương, vừa cảm nhận được tình yêu thương bao bọc của người vợ lo cho chồng rất dân giã lại mang đầy tầm vóc thế sự của mấy mươi năm trong cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Tổng Tư lệnh. Thật ấn tượng với từ “nhà tôi” của vị nữ PGS.TS sử học một trường đại học lớn- Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi là học trò của em gái bà, PGS.TS. Văn học phương Tây Đặng Thị Hạnh trong 5 năm cuối thập niên bảy mươi thế kỷ trước. Cơ duyên khi làm luận văn tôi được PGS. Hạnh phản biện, lui tới nhà nhiều lần ở 16-Lý Nam Đế và cũng biết đôi phần về truyền thống văn hóa nhiều đời của gia đình, những cống hiến của các chị em bà cũng như các vị tướng tài năng làm rể của gia đình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Hồng Cư, Trung tướng Hồng Sơn. Suốt cả đợt tháp tùng gia đình để lấy hình ảnh làm phim, trong mắt tôi, mọi ứng xử của PGS.TS. Đặng Bích Hà gần như mẫu mực nhưng không hề cứng nhắc khuôn sáo, tưởng như không thể giản dị tự nhiên hơn… Những lần khác, trừ khi Đại tướng tiếp những nhóm khách đơn lẻ đến thăm, bà chỉ xuất hiện thoáng chốc như một lời chào rồi để “cánh đàn ông” nói chuyện tự nhiên, còn thì, hầu như bà luôn có mặt cạnh Đại tướng trong các buổi tiếp khách quê hương, cũng mỉm cười nhẹ nhàng khi Đại tướng “xin thêm năm phút” với đại tá Huyên là thư ký. Kết thúc buổi tiếp bao giờ bà cũng mang ra dĩa kẹo ngọt và lại đứng cạnh chồng khi chụp ảnh lưu niệm với khách. Một lần, tôi cùng một người ở quê ra được Đại tướng và bà tiếp. Tôi tá hỏa khi không ngờ vị khách kia lôi ra một quyển sách và một gói quà “ vô tiền khoáng hậu”. Ông nói: - Em mới xuất bản quyển sách nói về phép phong thủy và ít cân khoai deo biếu anh chị. Tôi hoảng vì ai đời biếu quà cho vị Đại tướng lừng danh thế giới mà bằng…khoai (!?). Không ngờ, Đại tướng vui vẻ nói: - Sách thì tôi nhận còn khoai để cô Hà. Vui hơn nữa là bà hưởng ứng ngay: - Ôi, cái này bọn trẻ nhà tôi thích lắm đây. Chỉ là nhận một món quà quê mà bà đã làm cho người quê hởi lòng hởi dạ. Trong một chút riêng tư, sau lần tôi được cái giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, hình như có được bà ưu ái quan tâm. Một lần, đang công tác ở Ninh Bình dịp 25/8, tôi đón lõng và “bám càng” được anh Phan Lâm Phương ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng. Vì trong đoàn khách quê ra toàn là lãnh đạo nên khi ở phòng khách tôi cố ý ngồi lui vào góc khuất để dễ bề quan sát tìm chi tiết cho các bài viết. Bất ngờ, bà nói: - Các anh các chị ngồi dịch vào cho nhà văn Thế Tường ngồi với! Tôi vừa cảm động vừa ngại ngùng ngồi vào chỗ mà mọi người dành cho... Cũng như tất cả những người phụ nữ Việt Nam yêu chồng “Lấy chồng thì phải theo chồng/Chồng đi chân rắn chân rồng cũng theo”, bà yêu tình yêu của chồng với điệu hò khoan quê hương. Đã không chỉ một lần tôi thấy gương mặt bà gần như hoàn toàn thư giãn hạnh phúc khi ngồi cạnh Đại tướng cũng vỗ tay cầm nhịp hưởng ứng giọng hò khoan của tốp nghệ nhân dân gian biểu diễn phục vụ Đại tướng. Đặc biệt, buổi biểu diễn hò khoan “vô tiền khoáng hậu” tại phòng khách 30-Hoàng Diệu đã để lại cảm xúc nhớ đời cho mỗi người tham dự… * Cho phép tôi kể thêm câu chuyện này, tuyệt nhiên không phải để làm le, làm sang cho tôi mà là dịp này, chỉ duy nhất dịp này, kể lại để tri ân bà và Đại tướng và để thấy sự lịch lãm, ứng xử văn hóa quan tâm đến nơi đến chốn với người khác dù thân phận nhỏ bé đến đâu. Là tôi, năm 2004, lần bác Giáp và phu nhân về thăm quê lần cuối cùng. Gia đình bác lần này lưu trú ở khách sạn Phú Quý. Tôi, không có phận sự nên không ra thăm bác. Bất ngờ đến hôm cuối cùng, chị Hồng Anh gọi: “ Mười giờ sáng nay ra để ba tôi gặp”. Tất nhiên với tôi đó là một vinh hạnh. Đúng 10 giờ, tôi có mặt ở tầng hai khách sạn Phú Quý. Cửa phòng hai bác mở rộng. Tôi đứng lại trước cửa như để trình diện và được gọi vào ngay. Cũng ngay lúc ấy đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng bước vào… và trong một giờ sau đó câu chuyện không ăn nhập gì với cú điện thoại của chị Hồng Anh. Có cảm giác như hai bác có chuyện gì đó muốn hỏi riêng tôi về tình hình của tỉnh… 11 giờ, đồng chí Chủ tịch tỉnh mở lời: - Báo cáo hai bác, trưa nay Tỉnh ủy, Ủy ban mời hai bác và gia đình dùng cơm để chiều trở ra Hà Nội… Điều bất ngờ là sau cử chỉ đáp lễ lời mời của lãnh đạo tỉnh, hai bác cùng cất lời nói rập ràng một câu: - Gia đình chúng tôi nhờ tỉnh mời anh Thế Tường cùng ăn cơm… … Khi tôi viết những dòng này thì PGS.TS. Đặng Bích Hà đã cưỡi hạc về miền mây xanh cùng bác Giáp…Nguyễn Thế Tường
Hàng trăm đoàn khách đến thăm nhà lưu niệm và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình
Thứ năm, 29 Tháng 8 2024 00:00
Nguồn: nhandan.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
NDO - Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2024), trong những ngày này, hàng trăm đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong cả nước đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy và viếng mộ của Đại tướng ở Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Du khách chụp ảnh trước nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (ảnh: TH)Mấy ngày nay, ông Võ Đại Hàm - người đã có hơn 35 năm trông giữ nhà lưu niệm Đại tướng và ông Võ Xuân Hòa cũng là người trông giữ ngôi nhà khá bận rộn khi đón tiếp rất nhiều đoàn khách đến tham qua ngôi nhà tuổi thơ của vị tướng nổi tiếng Võ Nguyên Giáp. Quảng Bình đang vào cuối hè nắng nóng cao điểm nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các đoàn khách khi đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng bên dòng Kiến Giang. Ai đến thăm cũng rất xúc động khi được nghe giới thiệu về tuổi thơ của Đại tướng và gia đình ở quê nhà An Xá - vùng đất nghèo hiếu học đã góp phần hun đúc nên nhân cách, tài trí của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Các cựu chiến binh xúc động khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về tuổi thơ và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: TH)Ông Võ Đại Hàm cho biết: "Mấy hôm nay, chúng tôi tiếp đón rất nhiều đoàn khách, nhóm người đến thăm, có nhóm từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc vào, có nhóm khách du lịch từ phía nam ra hay cả những người dân ở trong tỉnh, trong huyện. Ai cũng xúc động khi đến thăm ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm và luôn hỏi tôi về những câu chuyện lúc sinh thời của Đại tướng". Bên gốc khế hơn 100 tuổi trong khuôn viên nhà lưu niệm Đại tướng. (Ảnh: TH)Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thể thao và truyền thông huyện Lệ Thủy phụ trách hướng dẫn đón tiếp khách ở nhà lưu niệm cho biết, trong 5 ngày qua, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đón hơn 150 đoàn khách khắp cả nước đến thăm, dâng hương, tìm hiểu về gia đình và tuổi thơ của Đại tướng. Nhiều nhất vẫn là đoàn đi theo nhóm bạn, gia đình. Công tác đón tiếp, hướng dẫn được thực hiện chu đáo nên dù thời tiết nắng nóng hay oi bức cũng không làm giảm đi sự nhiệt tình, háo hức và niềm xúc động của du khách khi đến thăm nhà lưu niệm của Đại tướng. Một đoàn cựu chiến binh đến viếng, dâng hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa. (Ảnh: TH)Nhiều đoàn sau khi thăm nhà lưu niệm đã đến dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa, xã Quảng Đông. Công tác đón tiếp tại đây được gia đình Đại tướng phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tổ chức nghiêm túc, chu toàn nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, du khách khi đến thăm viếng. Trước đó, sáng 22/8, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ viếng, dâng hương mộ Đại tướng ở Vũng Chùa. Còn ở quê hương Lệ Thủy, đoàn đại biểu của huyện tổ chức dâng hương tại nhà lưu niệm Đại tướng. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu kính cẩn dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.HƯƠNG GIANG
VỊ TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN
Thứ ba, 27 Tháng 8 2024 00:00
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải (SN 1957), quê xã Mai Thủy (Lệ Thủy) nguyên là Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Với tình cảm sâu nặng của mình, nhân kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2024), ông đã thể hiện tấm lòng và những cảm nhận về Đại tướng qua bài viết “Vị tướng của lòng dân”. 1- Nhà quân sự thiên tài Sinh ra bên bờ sông Kiến Giang hiền hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một thầy giáo dạy môn Lịch sử trở thành một nhà quân sự thiên tài, tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Tài năng, trí tuệ, đức độ, nhân cách của Đại tướng mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, trường tồn trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ông là vị tướng huyền thoại, bậc thầy về chiến lược và nghệ thuật quân sự; nhất là đường lối chiến tranh nhân dân. Trong những chiến dịch có tính chất quan trọng, Đại tướng luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén với tư duy quân sự đặc biệt: Đề xuất và tổ chức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ; làm phá sản chiến tranh tổng lực của các đế quốc hùng mạnh ở thế kỷ 20. Kết tinh những bài học quý giá của lịch sử dân tộc và thế giới, đúc kết thực tiễn chiến đấu của quân đội ta. Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải.Ở những thời điểm bước ngoặt, Đại tướng quyết định các vấn đề một cách chính xác: Tổ chức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đập tan âm mưu tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc (năm 1947); đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê (Chiến dịch Biên giới năm 1950); phân tán chủ lực cơ động của Pháp để tập trung tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Đông-Xuân 1953-1954)... Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng chỉ đạo xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải chiến lược trên bộ, trên biển chi viện cho miền Nam; tham mưu mở chiến dịch đường 9-Khe Sanh; ghìm lực lượng cơ động của địch ở Trị-Thiên, tạo điều kiện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân (1968); chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân đánh bại cuộc tiến công chiến lược đường không của đế quốc Mỹ (năm 1972); điểm huyệt Buôn Ma Thuột (năm 1975), buộc địch rút bỏ Tây Nguyên; chỉ đạo mở chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng, quần đảo Trường Sa... Tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghệ thuật lừa địch, dụ địch, chủ động buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta. Điển hình là thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà theo Đại tướng là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”, góp phần giảm thiểu hy sinh xương máu người lính nhưng vẫn làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; nắm vững thời cơ lịch sử với mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công mãnh liệt vào sào huyệt cuối cùng của địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975), đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có tài cầm quân, mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm về học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh (về vũ trang quần chúng cách mạng; xây dựng Quân đội nhân dân; về khởi nghĩa vũ trang...). Đại tướng là "kiến trúc sư" của đường lối chiến tranh nhân dân, trở thành nghệ thuật quân sự được xây dựng trên nền tảng “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”, được cả thế giới ngưỡng mộ. Giáo sư Piere Aselin, Đại học Hawaii Pacific (Mỹ) nói: “…Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, sự tài tình của ông đã giúp Việt Nam chiến thắng quân xâm lược. Khi mà nguồn lực của phía quân Pháp rõ ràng lớn hơn nhiều so với lực lượng quân đội của ông Giáp…”. 2- Sống mãi trong lòng dân Mỗi người dân Việt Nam và lực lượng vũ trang nhân dân luôn dành sự kính trọng cho vị tướng tài năng và đức độ-Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã về với "thế giới người hiền”, nhưng Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải vẫn nhớ như in giây phút cuối cùng bên Đại tướng. Tướng Hải nhớ lại: “Đó là vào đầu giờ chiều ngày 6/10/2013, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Học viện Quốc phòng ra nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng cùng gia đình sinh sống để thắp hương. Dấu ấn đầu tiên hết sức cảm động là mọi tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang xếp hàng nối dài đến tận nhà Quốc hội... lặng lẽ, tiếc thương vào dâng hương. Nhân dân thủ đô tự nguyện tổ chức các trạm phục vụ nước uống, bánh mì miễn phí. Chúng tôi cùng xếp hàng trong đội hình ấy, cảm nhận hết tình cảm thiêng liêng của muôn người con đất Việt dành cho Đại tướng, như chính mình mất đi người thân ruột thịt”. “Thật may mắn và vinh dự, tôi đứng trong đội hình sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cửu của Đại tướng, được chứng kiến các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế, nhân dân nối tiếp nhau, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh vị tướng tài ba của một dân tộc anh hùng. Cảm động nhất là tình cảm của các cựu chiến binh, thương binh nặng qua các thời kỳ, tuổi đã cao, chống nạng, đi xe lăn.. nhớ thương Đại tướng”. Một tiết mục văn nghệ tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập TP. Đồng Hới.“Một ký ức không thể nào quên, trong đêm 12/10/2013, tôi nhận thông báo của Bộ Quốc phòng: Là người con quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, đồng chí được giao nhiệm vụ tháp tùng trên chuyến bay đặc biệt tiễn đưa Đại tướng về yên nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình”. “Sau lễ truy điệu, linh cửu của Đại tướng di chuyển qua các tuyến phố chính, qua Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi đi qua nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Suốt chặng đường nơi đoàn xe ra sân bay Nội Bài, lớp lớp nhân dân lệ lăn dài trên má, tay cầm di ảnh nghẹn ngào vĩnh biệt Đại tướng. Sân bay Nội Bài cũng lặng yên, ngàn đôi mắt hướng về một con người sắp sửa đi xa... Linh cửu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đội tiêu binh đưa lên chiếc máy bay ATR-72, mang số hiệu VN103, lấy theo tuổi thọ của Đại tướng; Ban Lễ tang và người nhà Đại tướng di chuyển trên máy bay Airbus 321, số hiệu VN1911, lấy theo năm sinh của Đại tướng... hướng về sân bay Đồng Hới”. “Thời khắc 13 giờ ngày 13/10/2013, linh cửu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tới sân bay Đồng Hới. Mây trời Quảng Bình hôm ấy như dừng lại để tiễn đưa người. Suốt chặng đường 70km, đưa Đại tướng bằng ô tô ra Vũng Chùa-Đảo Yến, lớp lớp người dân từ mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ với bà con Quảng Bình, xếp hàng kín hai bên đường tiễn biệt người con quê hương trọn đời hiến dâng cho Đảng, Tổ quốc, nhân dân. “Đại tướng của lòng dân” về yên nghỉ giữa hồn thiêng núi non, điệp trùng mây trắng, bên bờ biển Đông ngàn năm sóng vỗ. Đại tướng trở về nơi ký ức tuổi thơ, tắm mình trong gió Lào cát trắng. Hóa thân vào làn điệu “Hò khoan Lệ Thủy” ngọt ngào, bâng khuâng, da diết... hòa mình vào dòng Kiến Giang xanh mát thuở nào”.Thanh Long (thực hiện)
|
|