Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay1912
mod_vvisit_counterHôm qua4718
mod_vvisit_counterTuần này1912
mod_vvisit_counterTuần trước22233
mod_vvisit_counterTháng này148676
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3094902

Có: 15 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

13 NĂM CHUYỂN MẬT THƯ CHO ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Email In PDF.

Lệnh của Đại tướng đưa ra hết sức khó khăn bởi vì cơ hội sống sót của những chiến sĩ như ông Triêm là rất ít.

Có lẽ tên tuổi của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Triêm (Sơn Trạch, Bố Trạch) đã được rất nhiều người biết đến. Nhưng chuyện ông đã từng 13 năm làm nhiệm vụ chuyển tài liệu mật cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vẫn còn rất mới mẻ mà ông chưa từng tiết lộ với ai. Nhưng cảm xúc dồn nén quá nhiều vì xót thương, ông đã kể cho chúng tôi nghe chuyện này đúng vào ngày đưa Đại tướng về cõi vĩnh hằng. 


Nhiều tài liệu, ký ức một thời gắn bó với Đại tướng
được ông Triêm hồi tưởng trong niềm thương tiếc

Cuộc đời binh nghiệp của ông Nguyễn Văn Triêm, ở thôn Xuân Sơn (Sơn Trạch, Bố Trạch) bắt đầu từ năm 1957. Dù mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 10 tuổi, nhưng cả ba anh em ông đều có tinh thần yêu nước nồng nàn. Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ba chàng trai ấy rời quê hương lên đường.
Ngày đó, ông Triêm được biên chế vào đội khảo sát do Tỉnh đội Quảng Bình quản lý. Năm 1962, ông được Bộ Quốc phòng rút qua làm giao liên cho Binh trạm 12 chuyên nhận tài liệu mật từ Hà Nội sang Lào, Thái Lan và chiến trường miền Nam, trong đó có rất nhiều tài liệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gián tiếp giao phó.
Năm 1965, ông được đơn vị giao nhiệm vụ sang nước bạn Lào hoạt động bí mật. Năm 1966, Cục tình báo điều ông về đảm nhận nhiệm vụ điệp báo tại Phòng 76, chuyên đưa, nhận thư mật và đưa đón cán bộ cấp cao của Nhà nước đi vào các chiến trường.
Ông Nguyễn Văn Triêm kể lại: “Ngày đó, mỗi chuyến đi của tôi luôn phải đối mặt với cái chết, miễn sao bảo vệ được tài liệu mật mà Bộ Quốc phòng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao phó, cũng không được tiết lộ thân phận mình cho bất cứ ai, ngay cả vợ con và người thân trong nhà. Việc giao nhận tài liệu cũng không được gặp trực tiếp Đại tướng mà phải qua khâu trung gian”.
Có lần, ông chuyển thư mật từ chiến trường Lào đến cửa khẩu Cha Lo rồi hành quân theo Quốc lộ 12A về tới thị trấn Ba Đồn thì bị lực lượng Công an của ta bắt lại. Theo tinh thần quán triệt từ trước, ông đã không hề khai báo mình là ai, mình làm nhiệm vụ gì. Ngay lập tức, ông đã điện ra Cục trao đổi nội dung và niêm phong ba lô để lại đó và bỏ đi không để lại tung tích.
Công việc chuyển tài liệu mật hết sức nguy hiểm, khó khăn. Dù mưa nắng, dù ngày hay đêm, dù bom đạn quân thù dội như mưa bão, cướp đi hàng vạn đồng đội, người dân của ta nhưng không vì thế mà ông run sợ. Bước chân của ông vẫn bền bỉ vượt qua dãy Trường Sơn, qua đất bạn Lào, sang Thái Lan.
Người lính già nói vui: “Lính tình báo như chúng tôi có sợ chi bom đạn đâu, chết là chuyện thường mà”. Nói xong, ông lấy dẫn chứng cụ thể: “Đó là vào một ngày tháng 2 năm 1967, tôi nhận thư từ chiến trường Thái Lan vượt qua sông Mê Kông, đến nước bạn Lào rồi về tới cửa khẩu Cha Lo thì bị máy bay Mỹ rải bom tọa độ. Bộ đội ta hy sinh rất nhiều, cây cối chết trụi, những ngọn đồi rung chuyển, chiến trường ngổn ngang hố bom.
Lúc đó, tình thế quá gấp, ở đơn vị vẫn đang chờ tài liệu từng ngày. Nếu tôi không vượt qua được chiến trường thì công việc quốc gia chắc chắn bị ảnh hưởng. Lấy hết dũng khí và nhớ lại những lời động viên trước đó của Đại tướng, tôi đã cố gắng vượt qua chiến trường ngay trong đêm và tiếp tục cuộc hành trình”, người đưa thư cho Đại tướng bồi hồi nhớ lại.
Trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 đến năm 1968 là thời kỳ ác liệt nhất, đặc biệt là “khúc ruột” miền trung. Công việc của người đưa tài liệu mật như ông cũng theo đó mà thêm vất vả, hiểm nguy. Nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần thép, trong vòng 13 năm (từ năm 1962 đến 1975) ông đã mang thành công hàng trăm lá thư mật của Đại tướng ra chiến trường, từ chiến trường về cho Đại tướng.
“Mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, Đại tướng đều dành cho tôi những lời khen ngợi (khen qua đơn vị-P.V). Đại tướng nói, việc đưa tài liệu mật là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguy hiểm. Rồi bác động viên tôi cần cố gắng bền chí, dũng cảm hơn nữa vì sự nghiệp chung”, ông Triêm xúc động nhớ lại lời dặn của Đại tướng. 
Năm 1968, chiến trường miền Nam ác liệt, Mỹ tiếp tục bắn phá miền Bắc bằng không quân. Ngoài việc đưa tài liệu, ông Triêm cùng với đồng đội còn được giao nhiệm vụ xây dựng đội ngũ tình báo riêng, tiếp cận và đột nhập những căn cứ quân sự của địch ở nước ngoài để nắm bắt tình hình.
Trong thời gian làm nhiệm vụ ở Thái Lan, người đưa thư mật cho Đại tướng đã phát hiện và tiếp cận được hai sân bay quân sự của Mỹ là U đon và U ta Pao (đó là vị trí xuất kích gần nhất của các máy bay B52 đánh phá vào nước ta). Sau khi báo cáo tình hình lên Phòng 76 và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp ra lệnh phải đánh tan hai sân bay này nhằm ngăn chặn, hạn chế việc chúng ném bom bắn phá miền Bắc. Cách đánh phải bất ngờ, đánh từ trong ra, từ ngoài vào. Lệnh của Đại tướng đưa ra hết sức khó khăn bởi vì cơ hội sống sót của những chiến sĩ như ông Triêm là rất ít.
Bất chấp gian khổ, hi sinh, ông cùng 7 đồng đội khác đã sẵn sàng làm nhiệm vụ cảm tử. Và một lễ truy điệu sống cho 8 chiến sỹ đã diễn ra tại Hà Nội trước khi lên đường. Ngày 26-7-1968, tổ của ông đã đột kích thành công và phá hủy hai máy bay F4, một máy bay vận tải C41, một máy bay lên thẳng, làm hư hỏng đường băng và tiêu diệt 42 tên lính tại sân bay U đon. Thắng lợi giòn giã của trận đánh vừa có ý nghĩa chiến lược đánh thẳng vào sào huyệt của Mỹ và các nước chư hầu vừa là đòn nghi binh thu hút lực lượng địch.
Một tuần sau đó, tình báo của ta tiếp tục đánh vào sân bay U ta Pao, phá hủy hai máy bay B52 và làm hỏng nặng 2 chiếc khác, đài chỉ huy của địch phải ngừng hoạt động trong 10 ngày.
Hai trận đánh vào sân bay của Mỹ ở nước ngoài đã đi vào lịch sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với những chiến công trên, tháng 3-2011, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 16:51 )
 

ĐỀ NGHỊ TRUY PHONG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP LÀ ANH HÙNG DÂN TỘC

Email In PDF.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, vị Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết đề nghị này xuất phát từ lòng tự hào, kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự ra đi của Đại tướng và lễ Quốc tang của Đại tướng diễn ra mới đây là minh chứng cho sức mạnh của lòng dân, sự suy tôn lớn lao của đồng bào với Đại tướng.

“Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thứ 2 có sức ảnh hưởng đặc biệt tới toàn thể nhân dân Việt Nam. Trái tim của Đại tướng ngừng đập nhưng gần 90 triệu trái tim của đồng bào cả nước đã hòa cùng một nhịp và xích lại gần nhau để cùng hướng về Người.” - Trung tướng Thước bày tỏ.

Nói về lí do đưa ra đề nghị Quốc hội và Nhà nước đặc cách truy phong hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Thước cho biết, có những nước phong hàm Nguyên soái cho lãnh đạo quân sự cấp cao nhất và đặc biệt nhất của đất nước họ, nhưng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hàm Đại tướng. Trong khi đó, ở thời kỳ chiến tranh thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người mang hàm cao nhất, nhưng đến khi hòa bình xét theo vị trí công tác và năm công tác thì có nhiều người đã được phong hàm Đại tướng.

Trung tướng Nguyễn Quốc ThướcTrung tướng Nguyễn Quốc Thước

“Hôm nay nhân dân hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tất cả tình cảm thiêng liêng và đặc biệt nhất, nhưng hàng trăm năm sau, hàng nghìn năm sau liệu điều đó có còn trường tồn nguyên vẹn như ngày nay? Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị lãnh tụ về quân sự chứ không chỉ là một bậc thiên tài quân sự, vì thế để thể hiện sự kính trọng và mãi mãi suy tôn Người thì Quốc hội và Nhà nước ta cần có đặc cách truy phong hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.” - Trung tướng Thước nhấn mạnh.

Theo Trung tướng Thước, việc đặc cách truy phong hàm Nguyên Soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cũng giống như việc đặc cách tổ chức Quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi xét theo quy định thì Quốc tang chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia, nhưng Đại tướng lại không nằm trong danh sách nguyên thủ. Vì vậy, khi Đảng và Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đã tạo được lòng tin trong nhân dân và hiểu được lòng dân. Đề nghị truy phong hàm và danh hiệu cho Đại tướng cũng là ý nguyện của lòng dân.

Dưới đây là phần trích đăng bức thư của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước với những chia sẻ về tâm tư, tình cảm và đề nghị truy phong hàm Nguyên Soái, danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyễn Giáp:

“… Tôi nhớ lại trong những năm 90 của thế kỷ 20, trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội cũng như ngoài quân đội đã nhiều lần đề nghị Đảng, Nhà nước phong hàm Nguyên soái cho Đại tướng. Lúc bấy giờ ý kiến chỉ đạo là Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có hàm đến cấp Đại tướng nên không thực hiện được.

Nay Đại tướng đã trở thành người thiên cổ, cũng như lúc còn sống, Người không đòi hỏi gì cho bản thân. Nhưng qua những ngày Quốc tang Đại tướng, chúng ta thấy rõ qua lòng dân rằng phải có một danh hiệu xứng đáng với vai trò và cống hiến của Đại tướng, điều đã được thể hiện cụ thể, chi tiết trong bài điếu văn tại lễ truy điệu. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị lãnh tụ quân sựĐại tướng Võ Nguyên Giáp - vị lãnh tụ quân sự của nhân dân Việt Nam

Theo nguyện vọng chung là những gì mà lúc Đại tướng còn sống, chúng ta chưa làm thì nay đến lúc Đảng - Nhà nước - Nhân dân cần làm... Ý kiến chung qua phản ảnh thì Đảng - Nhà nước mà trực tiếp là Quốc hội theo quyền hạn của mình cần có quy định truy phong đặc cách hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng để thể hiện ông là người lãnh đạo quân sự cao nhất dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ.

Cha ông ta ngày xưa cũng đã từng phong danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì thời đại Hồ Chí Minh truy phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm và danh hiệu đó là vô cùng xứng đáng, hợp lòng dân và ý Đảng, tạo động lực, sức mạnh của sự cố kết, dời non lấp biển của cả dân tộc.

Trước đây có ý kiến luật và quy định không làm khác được, nhưng Quốc hội làm ra luật và có thẩm quyền sửa luật nếu luật không thuận với lòng dân. Nay lòng dân đã rõ, lúc này lòng dân còn cao hơn cả luật, bởi luật đúng nhất là luật đi vào được lòng dân. Quốc hội của dân có đủ thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung khi mà lòng dân đã thuận và thuận theo lòng dân thì luật mới có sức mạnh, như vậy Nhà nước lại càng được sự đồng thuận của dân.

Trên tinh thần đó, thể theo ý nguyện nhiều tầng lớp nhân dân mà tôi tiếp cận được, mong rằng Đảng, nhà nước trên tinh thần “của dân, vì dân” làm toại nguyện lòng dân. Được lòng dân là được tất cả. Kỳ họp Quốc hội sắp tới chắc sẽ có phút mặc niệm Đại tướng và sau đó nếu có một phiên họp để xem xét nhanh chóng những đề xuất này thì tin rằng đây sẽ là một kỳ họp để lại dấu ấn sâu sắc đối với toàn dân, thực sự đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.”.

Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 19 Tháng 10 2013 18:56 )
 

CHUYỆN BẤT NGỜ Ở PHÚT CUỐI LỄ VIẾNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Email In PDF.
12h đêm, khi cánh cổng Nhà tang lễ quốc gia đã khép chặt, phía bên ngoài những con phố vẫn đông nghịt người dân xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng. Họ nhất quyết không về dù biết đã hết giờ và cuối cùng một điều bất ngờ đã xảy ra.

23h. Khi Ban Tổ chức lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ quốc gia thông báo sẽ kết thúc lễ viếng vào lúc 24h để chuẩn bị mọi thứ cho lễ truy điệu vào 6h sáng ngày hôm sau, đoàn người xếp hàng chờ vào viếng vẫn dài dằng dặc suốt từ đầu đường Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Tăng Bạt Hổ...

Họ âm thầm, kiên nhẫn xếp hàng bên nhau trên con phố vắng và tối mịt. Những ánh mắt đau đáu hướng về địa chỉ số 5 Trần Thánh Tông - nơi người Đại tướng của họ đang nằm.

Họ đi và tất nhiên không thể thiếu những bức ảnh chân dung của Đại tướng.

Dù đã gần hết giờ viếng, nhưng dòng người vẫn dài tưởng chừng như bất tận.

Với sự thành kính luôn luôn cao nhất.

Gần hết giờ, hơn 1.000 thanh niên tình nguyện đang tham gia phục vụ lễ tang được đặc cách vào viếng Đại tướng.

Những người cuối cùng.

Và họ cũng không thể kìm được nước mắt.

Những chiến sỹ thuộc đội tiêu binh, cán bộ của Nhà tang lễ bây giờ mới được vào viếng.


Họ chào người thủ trưởng của mình lần cuối.



Đây là 2 người cuối cùng rời khỏi Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông sau giờ viếng chính thức.
Anh Nguyễn Ngọc Đỉnh, 40 tuổi, còn chị là Nguyễn Thị Thanh Mai, 38 hiện đang ở tại Trần Quang Khải, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, lúc này, mặc dù Ban Tổ chức thông báo đã kết thúc lễ viếng nhưng ở các con phố xung quanh nhà tang lễ, vẫn còn hàng nghìn người dân tập trung, có rất nhiều người ở các tỉnh xa về Hà Nội. Họ không muốn chấp nhận việc mình đã mất nhiều tiếng đồng hồ xếp hàng mà không được vào chào tiễn biệt người Đại tướng của nhân dân. Tất cả tụ họp về ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông và cố gắng thuyết phục lực lượng cảnh sát bảo vệ. 
Cảm động trước tình cảm của người dân, những chiến sỹ cảnh sát làm nhiệm vụ ở vòng ngoài đã điện đàm với cấp chỉ huy, đề nghị mở cửa Nhà tang lễ thêm một khoảng thời gian nữa để bà con có thể vào viếng Đại tướng. Sau khoảng 20 phút thảo luận và lên các kế hoạch, lời đề nghị này được chấp nhận. 
Và cũng rất nhanh chóng, lực lượng thanh niên tình nguyện lại triển khai công tác thiết lập đường dẫn cho người dân vào viếng. Dù đã rất mệt nhưng họ lại nắm tay nhau, liên tục nhắc nhở bà con chỉnh đốn trang phục, tắt chuông điện thoại di động, xếp hàng nghiêm chỉnh....


Dòng người nhanh chóng nối dài, hướng về Nhà tang lễ.

Người cựu chiến binh này đã không kìm được xúc động khi niềm hy vọng được vào thắp hương,
cúi đầu trước linh cữu và tiễn biệt thủ trưởng của mình đã trở thành hiện thực sau khi tưởng như đã "lỡ hẹn".
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 16:43 )
 

QUỐC SỬ LƯU DANH, LÒNG DÂN TẠC TƯỢNG

Email In PDF.

18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đau lòng đón nhận một tổn thất không gì bù đắp được : Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Nhói lòng tiếc thương, kính trọng, biết ơn, tự hào

Đến 17 giờ ngày 13-10, Đại tướng chính thức an nghỉ vĩnh hằng ở Vũng Chùa, Quảng Đông, Quảng Trạch. Vậy là suốt 10 ngày, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đã bày tỏ tình cảm vô bờ bến trước sự ra đi của Đại tướng huyền thoại-Người Anh Cả của Quân đội ta.

Lâu lắm rồi, phải từ sau Bác Hồ mất, người dân Việt Nam, nhất là lớp trẻ mới được trải tâm trạng xúc động đặc biệt như những ngày qua. Dẫu rằng, theo quy luật đất trời, ở tuổi đại đại thọ như Đại tướng, phải có ngày Ông về với tổ tiên, về với Người Thầy vĩ đại Hồ Chí Minh.

Vĩnh biệt Đại tướng Tổng Tư lệnh bằng xương, bằng thịt nhưng những giá trị Ông để lại thì mãi mãi còn đó, như chính hình ảnh, nhân cách của Ông đã được ghi trong lịch sử đất nước, thế giới, được tạc trong triệu triệu trái tim con dân Đất Việt.


Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chúng ta sẽ còn nhớ mãi, cái đêm mùng 4 ấy, tin Đại tướng mất lan nhanh, làm sốc lòng người. Ngày 5-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. (Thông cáo đặc biệt)

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp , tên khai sinh: Võ Giáp (bí danh: Văn); sinh ngày 25-8-1911, quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, đồng chí đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 4 tháng 10 năm 2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta.

Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể trong 2 ngày (từ 12 giờ ngày 11-10 đến 12 giờ ngày 13-10-2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Lòng dân tạc tượng

Ngay sau thông tin Đại tướng mất, tối đêm hôm ấy, trước ngôi nhà của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) những người dân Hà Nội đầu tiên đã đến để bày tỏ lòng thương tiếc, ngưỡng mộ. Sau đó, từng đoàn người, từ các cụ già chân bước không vững, các bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh huân chương đỏ ngực, cán bộ, viên chức, công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc ít người, tiểu thương, hay các cháu học sinh, thiếu nhi, sinh viên, cả người nước ngoài … đến viếng Đại tướng với ý thức, tình cảm tự đáy lòng...cứ dài mãi, dài mãi. Trong dòng người ấy, có nhiều người phải thức qua đêm, không nghỉ trưa, nhịn ăn để nhích dần trong trật tự, đến viếng Đại tướng. Không ai bảo ai, đến với Đại tướng kính yêu, suy nghĩ, hành động của mỗi người thành tâm, thiện nguyện hơn.

Gia đình Đại tướng đã cố gắng để đón tiếp đồng bào thật chu đáo với nhiều thời gian ở mức tối đa nhưng để chuẩn bị cho Lễ Quốc tang chính thức , gia đình đã đành lòng dừng lại việc đón tiếp tại nhà riêng đêm 10-10. Cánh cổng phải khép lại nhưng hoa tươi và dòng người vẫn không nản quây quanh nhà Đại tướng. 103 ngọn nến được thắp lên, nước mắt, những cái chắp tay bái vọng vẫn thức cùng vong linh của Đại tướng. Thật không gì vinh quang hơn bởi lòng dân đã tạc tượng Đại tướng!

Suốt bấy nhiêu ngày, trên quê hương Quảng Bình thân yêu, ở Cao Bằng suối nguồn cách mạng, ở Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ở TP mang tên Bác Hồ vĩ đại, ở Cà Mau Đất Mũi, ở quần đảo tiền tiêu Trường Sa…cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hết thảy dành những tình cảm thiêng liêng, kính trọng, tự hào nhất với Đại tướng.

12 giờ ngày 11-10, lễ treo cờ rủ được trang trọng thực hiện tại Quảng trường Ba Đình. Cả nước đã để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được 8 ngày!

5 giờ 30 phút ngày chính thức quốc tang đầu tiên, phố phường Hà Nội thoang thoảng mùi hoa sữa. Người dân dậy sớm hơn. Lại là những ngày mùa thu sao kỳ lạ và thật khó quên. Mùa thu năm 1911, trong cơn mưa lũ Quảng Bình, Võ Nguyên Giáp chào đời và 103 năm sau, sau cơn lũ cũng mùa thu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thanh thản về cõi vĩnh hằng. Cơn bão số 10 tan, một cơn “bão lòng” của người dân đã dâng lên: Tiếc thương, kính trọng vị Đại tướng toàn tâm, toàn tài của dân tộc.

Trên quê hương Quảng Bình, khi cờ rủ kéo lên ở Quảng trường Ba Đình thì miền hò khoan đất mẹ, mưa trắng xối. Trời cũng để tang Đại tướng như đã từng để tang Hồ Chủ tịch.

Công tác chuẩn bị cho lễ viếng đã được chuẩn bị chu đáo tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, tại Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp nơi cũng lập bàn thờ Đại tướng.

Nhà Tang lễ Quốc gia. 7 giờ! Đoàn Đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dẫn đầu vào viếng. Tiếp theo là Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu vào viếng. Đoàn của Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu, vào viếng. Đoàn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTU làm trưởng đoàn. Đoàn Quân ủy Trung ương do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương làm trưởng đoàn.

Đoàn đại biểu cấp cao nước CHDCND Lào do Tổng bí thư - Chủ tịch nước Chummaly Saynhasone làm Trưởng đoàn; Đoàn Vương quốc Cam-pu-chia do Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia, Chủ tịch Quốc hội Hêng-xom-rin dẫn đầu, đoàn Mozambique do Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Frelimo Alberto Chipande, Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mozambique dẫn đầu…trực tiếp viếng Đại tướng.

Đến viếng Đại tướng, còn có các đại sứ, đại diện, trưởng các cơ quan ngoại giao ở Việt Nam, đại biểu kiều bào và nhiều hãng thông tấn nổi tiếng dự lễ tang Đại tướng.

Không gian của Nhà tang lễ Quốc gia đã chật kín, lực lượng công an, quân đội dù đã lên kế hoạch phân luồng từ xa nhưng các đoàn và người dân vẫn mong mỏi được đến gần hơn Lễ tang của Đại tướng. Chợt nhớ, hôm tác nghiệp ở nhà riêng Đại tướng, một người Hà Lan (Van Bruggen) đã thốt lên: “Đất nước các bạn thật đặc biệt. Tôi biết Việt Nam nhiều nhất là về Hồ Chí Minh- Võ Nguyên Giáp trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Đại tướng của nhân dân các bạn nằm xuống cũng thật đặc biệt. Ông tiếp tục được đón nhận tình cảm đặc biệt của người dân! Tôi càng thêm ngưỡng mộ”.


Biển người tiễn đưa Đại tướng ở Thủ đô Hà Nội

Đại tướng của chúng ta là con người đặc biệt, vĩ đại. Xin mượn tấm lòng của Nhà giáo, nhà văn hóa tên tuổi, Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu để nói thay lời của nhân dân “khóc đau từng khúc ruột”. Chính GS đã từng dâng tặng Đại tướng đôi câu đối khái quát nhất về Đại tướng, đó là:

“Võ công truyền quốc sử”

Giáo sư tặng câu đối này vào dịp Đại tướng tròn 80 tuổi và gần đây nhất, ngày 5-10, Giáo sư đã có bài viết gan ruột gửi Báo QĐND Online khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm xuống, ông lại trích đôi câu đối bất hủ về Đại tướng “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm”. Ông cắt nghĩa và nhận định: “Võ Nguyên Giáp là con người toàn diện, một trí thức yêu nước, hội tụ đầy đủ truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, phát huy, phát triển thành nhà quân sự đại tài, nhà văn hóa lớn. Ở ông có 3 đức tính toàn vẹn. Nhân (yêu nhân dân, nhân hậu), Trí (trí tuệ, sáng suốt trong các quyết định, mệnh lệnh trọng đại), Dũng (cử chỉ, hành động anh hùng). Ông có đời sống tinh thần dồi dào: đọc sách nhiều, tư duy sắc xảo, yêu chuộng nghệ thuật. Nhờ thế, ông đã huy động được nhiều trí thức, nghệ sĩ theo kháng chiến và nhận được lòng yêu quý của văn nghệ sĩ, báo giới trong nước và quốc tế nhiều thế hệ”.

Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương đánh giá: “Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân….Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta”.

Trong lời điếu đọc tại Lễ Quốc tang , Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta suy tôn Đồng chí là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh ghi trong sổ tang: “Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, nhà quân sự lỗi lạc, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh Cả của Quân đội ta, một nhân cách lớn với trí tuệ và đạo đức trong sáng, được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và cảm phục, là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ toàn quân…”

“Văn đức quán nhân tâm”

Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hàng trăm bức trướng treo kín tường, đấy là tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với Đại tướng mà không một ai khác có được. Có bức trướng lớn viết bằng tay đúng 1.000 chữ Thọ cổ. Có bức trướng vàng rực, thêu chữ hồng toàn bộ bài thơ 16 câu của Hội Nông dân Việt Nam dâng Đại tướng. Cụ Nguyễn Thị Vĩnh, một gia đình ở Vĩnh Phúc kính tặng bức trướng: “Văn võ song toàn lừng danh tướng/ Tâm hồn đức độ xứng hiền nhân”. Còn bức trướng của Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sơn thì ghi: “Mừng Anh tuổi 90/ Tâm hồn luôn sáng tươi/ Qua biết bao ghềnh thác/ Nhân cách một đời người”.

Khi Đại tướng mất đi, có hàng nghìn bài báo trong và ngoài nước viết về Người. Đặc biệt, tấm lòng của các tầng lớp nhân dân với Đại tướng thì gần như với Bác Hồ vĩ đại. Báo chí bình luận: Không có vinh quang nào bằng lòng dân vinh danh!

Những danh từ, cụm từ: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tướng Huyền thoại; Danh tướng thế giới; Thiên tài quân sự; Vị tướng chiến đấu vì hòa bình, danh tướng có học thức uyên bác! Nhân vật lịch sử; Nhân vật kiệt xuất; Nhà sử học; Nhà giáo; Nhà báo…Anh Văn- Đại tướng của nhân dân… đó thuộc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lễ truy điệu, tiễn đưa người, suốt dọc dài Thủ đô Hà Nội, từ Nhà tang lễ Quốc gia, qua Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi…Hoàng Diệu, Lăng Bác, Sơn Tây, Kim Mã, Phạm Văn Đồng, sân bay Nội Bài, lại một dòng sông người-hoa-nước mắt tuôn trào. (xem clip tiễn đưa Người Anh Cả)

Mặc cho cái nắng “rám trái bưởi”, cho sự ken kín của những con người muốn chứng kiến giây phút tiễn biệt Đại tướng, ai cũng không quản ngại. Người Hà Nội vốn rất sợ tắc đường nhưng đến viếng, đưa tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì điều đó lại là sự tự nguyện, tự hào của nhân dân.


Hoa tươi, hoa của lòng người kính dâng lên Đại tướng!

Cụ Nguyễn Thái Chuyền, 97 tuổi ở Ngọc Thụy, được con cháu đưa đến phố Tràng Tiền lúc 7 giờ để “chọn” chỗ, đợi đoàn xe rước Linh cữu đi qua, giọng nghèn nghẹn:

-Cụ Giáp là người có công lao lớn với dân tộc. Cả đời cụ hết lòng vì đất nước này. Tôi đã đến nhà riêng viếng cụ nhưng hôm nay tôi vẫn ra đây để tiễn cụ về với tiên tổ. Cầu trời để cụ linh thiêng phù hộ cho đất nước.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, người dân ở Đạ Tẻ (Lâm Đồng) nói, dù chưa một lần gặp Đại tướng nhưng uy danh của Đại tướng thì biết nhiều. Là người dân ở Việt Nam, ai mà không tự hào có Tướng Giáp!.

Trên quê hương Quảng Bình, Bà Phan Thị Lương, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch rưng rưng nói, chỉ thương Đại tướng thôi. Ở đây ai cũng gọi Đại tướng là bác. Bác Giáp biết lo cho nhân dân, giỏi đánh giặc, ai cũng phục, kính yêu Đại tướng.

Khuôn mặt khắc khổ, bà Phan Thị Boong, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, vốn là dân công hỏa tuyến, nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: Chúc Đại tướng yên giấc ngàn thu nơi đất mẹ!

Bà Nguyễn Thị Sinh cùng mấy đưa cháu nội ngay từ 11 giờ trưa, giữa trời nắng chang chang đã ra ngồi gần vệ đường để đợi linh cữu của Đại tướng đi qua. Bà nói, cho dù là người cùng tỉnh, cho dù chưa một lần gặp Đại tướng, nhưng đức độ, tài năng, tình yêu thương của Đại tướng với nhân dân là tấm gương sáng ngời. Tôi muốn các cháu học tập Đại tướng ở tinh thần học tập, đức hy sinh và biết quan tâm tới mọi người xung quanh.

Trên đất nước này, nếu hỏi ai, hầu hết đều nhận được chung một câu trả lời: Chiến công của Đại tướng, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam hiển hách quá. Đức độ của Đại tướng cũng vậy, hết lòng yêu thương chiến sĩ, cả cuộc đời chỉ lo cho nhân dân. Là con dân nước Việt, con cháu của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai mà không tự hào!.

Đại tá Ông Văn Bưu, cựu chiến binh tỉnh Phú Yên trải lòng: Đại tướng ra đi là một mất mát to lớn không chỉ với nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Dịp này, tôi rất muốn ra Hà Nội để chịu tang Đại tướng, nhưng chẳng thể đi được vì sức khỏe không cho phép. Cầu mong Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng thanh thản, yên giấc ngàn thu.


Một người dân tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh Vnexpress)

Bạn Nguyễn Phương Chi, sinh viên năm thứ 3, Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội khóc nấc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thầy, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh tài ba, lỗi lạc, một người tài đức nhân nghĩa vẹn tròn. Đại tướng đã nhận trọn niềm tin, sự kính trọng của toàn Đảng, toàn dân. Ông mất đi là tổn thất lớn. Việc ra đây tiễn ông là bày tỏ sự tri ân bằng tấm lòng thành kính.

Tại ngôi nhà số 30, Đoàn xe tang lễ dừng lại 10 phút theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Cháu nội ôm di ảnh vào để Đại tướng nhìn ngắm lần cuối nơi mình từng sống, làm việc, từng đón bao chiến sĩ, đồng bào, bao chính khách quốc tế. Vậy là từ nay, ngôi nhà này vắng bóng hình Đại tướng. Cây nhãn trước nhà, giò phong lan trước cửa lặng im. Chỉ có những tiếng nức nở của các tầng lớp nhân dân không thể kìm nén. Rồi linh cữu của Đại tướng chầm chậm đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh- lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta-người Thầy trực tiếp dìu dắt Đại tướng. Có điều gì đó thật linh thiêng, tốc độ hành quân quy định giống nhau nhưng đoàn xe dường như chậm hơn.

Thời gian lúc này, quả thật nhanh

Quãng đường từ trung tâm thành phố ra sân bay Nội Bài sao ngắn ngủi giữa lớp lớp, tầng tầng đồng bào, chiến sĩ.

Chuyên cơ mang số hiệu VN-B103 nhẹ nhàng cất cánh rời sân bay Nội Bài, hướng về mảnh đất trắng Quảng Bình quê hương Đại tướng. Dòng người tiễn đưa thổn thức, mất mát…Ước gì được theo Đại tướng vào Vũng Chùa?

Nếu người Hà Nội thấy thời gian trôi đi nhanh bao nhiêu thì ở Quảng Bình, bà con khắp nơi đổ về, nhất là nhân dân làng An Xá, Lệ Thủy, và Vũng Chùa (Quảng Đông, Quảng Trạch) lại sốt ruột bấy nhiêu. …
Những ngày qua Quảng Bình mưa tầm tã là thế, vậy nhưng ngày Đại tướng về với quê nhà, trời Thu trong xanh đến lạ. Rừng thông trên dãy núi Thọ Sơn vẫn mướt xanh, che mát nơi Đại tướng sẽ yên nghỉ. Biển Vũng Chùa-Đảo Yến, sóng hiền hòa vỗ nhẹ. Đất trời, sóng nước Quảng Bình đang mong ngóng Đại tướng-người con thân thương về với quê nhà.

Nắng là thế, nhưng hàng chục nghìn người vẫn tĩnh lặng xếp hàng dài từ quốc lộ 1A, hướng về nơi Người an nghỉ. Bà con về đây từ mọi miền Tổ quốc, nhưng trong nét mặt, ánh mắt mỗi người đều có một nét chung. Ấy là sự tiếc thương, yêu kính vô cùng dành cho vị Đại tướng của mình.

Sau những khắc khoải, đợi chờ của đồng bào, chiến sĩ, cỗ linh xa cũng đã đưa Đại tướng về với Vũng Chùa – Đảo Yến. Tất cả ánh mắt đều đăm đắm dõi theo chiếc xe chở thi hài Đại tướng. Nước mắt lại rơi, cho dù 9 ngày qua, nước mắt đã rơi nhiều.

Giữa dòng người từ mọi miền Tổ quốc về nơi đây tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ vĩnh hằng, có những cựu chiến binh đã từng xông pha trận mạc, tóc đã pha màu sương gió. Hướng ánh mắt tiếc thương vời vợi, cựu chiến binh Đặng Thanh mắt nhòa lệ. Bác Thanh quê ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn. Cùng bác về Quảng Bình lần này có 4 cựu chiến binh và 5 người thuộc 3 thế hệ trong gia đình bác. Cả đoàn đã bắt xe từ Xứ Lạng xuôi về vùng gió Lào cát trắng .

Nói về Đại tướng của mình, bác Thanh nghẹn giọng: “Tôi không có may mắn được gặp Đại tướng, nhưng Người luôn ở trong trái tim những người lính đã từng tham gia chiến đấu như chúng tôi. Là chiến sĩ của Quân đoàn 3, trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn, mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” đã thôi thúc chúng tôi không quản gian khổ, hy sinh, xông lên phía trước”.

Không thể kìm tiếng nấc đang dâng, cựu chiến binh Huỳnh Nguyên Trí tư miền Đông Nam Bộ lại nghẹn ngào: “Ngày xưa, tuân lệnh Đại tướng, chúng tôi quyết chiến và quyết thắng. Hôm nay, mệnh lệnh từ trái tim người lính đưa tôi về nơi đây tiễn Người Anh Cả của mình về cõi vĩnh hằng. Được lên thắp hương, tôi sẽ khấn với Đại tướng rằng Người cứ yên tâm nghỉ ngơi. Thế hệ con cháu sẽ noi gương Người giữ vững Tổ quốc này và cùng nhau xây dựng đất nước hùng cường”.


Đội danh dự QĐND Việt Nam nghiêm trang

chào từ biệt  Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu!

Trong đội hình cán bộ, chiến sĩ LLVT đến tiễn đưa Đại tướng về nơi yên giấc ngàn thu, có những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ được biết Đại tướng qua sách báo, phim ảnh, hay qua những lời kể của các thế hệ đi trước, song với họ, Đại tướng đã trở nên gần gũi, rất đỗi kính yêu tự lúc nào. Binh nhất Lê Công Tuấn và Binh nhất Lê Vĩnh Khang, thuộc Trung tâm huấn luyện của Vùng 3 Hải quân chia sẻ: Biết mình có mặt trong danh sách được về dự lễ an táng Đại tướng từ ngày 11, hai đêm nay chúng em cứ bồn chồn, mong sớm được về Quảng Bình. Các anh em chiến sĩ trong đơn vị ai cũng muốn được về viếng Đại tướng, song chưa có điều kiện. Mọi người nhắn chúng em về hứa với Đại tướng rằng các chiến sĩ của đơn vị nguyện học tập Đại tướng, xứng đáng là người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đội quân đã được Đại tướng hết lòng chăm lo, xây dựng”.

“Sóng” người trào dâng khi cỗ xe chở Đại tướng chuyển bánh từ sân bay Đồng Hới vào Vũng Chùa. Đại tướng về lòng đất mẹ quê hương giữa rừng người, trong niềm tiếc thương, niềm tự hào của bao thế hệ. Vĩnh biệt Người bằng xương, bằng thịt nhưng hình ảnh và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì sống mãi trong lòng dân tộc, trường tồn mãi với non sông!
“Văn lo vận nước, Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn”!

Xin kính cẩn nghiêng mình trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 16:44 )
 
Trang 131 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện