Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay3426
mod_vvisit_counterHôm qua1489
mod_vvisit_counterTuần này17452
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này141983
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3088209

Có: 4 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp: Hai cái tên song hành trong chiều dài lịch sử

Email In PDF.
Điện Biên Phủ là nơi ghi dấu ấn tài năng của một vị tướng huyền thoại trong lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã ghi tên địa danh Điện Biên Phủ trên bản đồ thế giới.
Hai cái tên Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ có lẽ trong lịch sử Việt Nam cận - hiện đại là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, dù rằng chưa có sự thống kê cụ thể.
Điện Biên Phủ - tiếng sấm chấn động địa cầu
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với sự toàn thắng thuộc về quân và dân Việt Nam. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của Kế hoạch quân sự Nava, đập tan âm mưu và ý chí xâm lược của Pháp, dưới sự giúp đỡ của Mỹ.
Điện Biên Phủ vốn không có trong kế hoạch quân sự của Tướng Nava và cũng không có trong kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam được đề ra trong Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng (9/1953). Nhưng Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn lịch sử, trở thành nơi tiến công chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam kéo dài từ tháng 12/1946 trên phạm vi cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Bộ Chính trị
quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. Ảnh tư liệu
Điện Biên Phủ đã trở thành nơi gặp gỡ, đối đầu trực tiếp giữa lực lượng quân đội viễn chinh Pháp (được tập trung đến mức cao nhất chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai) và lực lượng quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Hay nói khác đi, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi đối đầu giữa trí tuệ, văn hóa quân sự Pháp với ý chí quyết tâm và nghệ thuật quân sự tài tình của quân đội và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam cùng với học thuyết quân sự Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, “điểm hẹn lịch sử” Điện Biên Phủ đã ghi dấu ấn sâu đậm với sự toàn thắng của quân dân Việt Nam - một nước thuộc địa được cho là lạc hậu, thấp kém - trước một tập đoàn quân đội hùng mạnh, thiện chiến, hiện đại của Pháp.
Và để có được tiếng sấm Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, không thể không nhắc đến vai trò của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Quyết định khó khăn của vị tướng huyền thoại
Đương nhiên là, chiến thắng của quân và dân ta ở lòng chảo Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, không phải là chiến thắng được làm nên bởi một mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và sinh thời, ông cũng chưa bao giờ nhận đó là chiến thắng của riêng ông.
Nhưng thực tiễn lịch sử đã cho thấy, chiến thắng này đã ghi dấu ấn tài năng của ông trong danh mục 1/10 vị danh tướng nổi tiếng nhất trên thế giới.
Tài năng của ông ở chiến dịch này được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Lên kế hoạch và tổ chức các cuộc tiến công phá chủ trương tập trung quân của H. Nava để dọn đường đến Điện Biên Phủ; chỉ đạo chuẩn bị hậu cần cho trận quyết chiến chiến lược; xác định cách đánh, phương pháp tấn công địch…
Nhưng dấu ấn quan trọng của ông chính là việc quyết định phương châm tác chiến ở chiến dịch Điện Biên Phủ để đảm bảo cho chiến dịch này được toàn thắng.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch lịch sử. Ảnh tư liệu
Hồi ký của ông nêu rất rõ về quyết định khó khăn này, ông viết: “Đêm 25 tháng 1, tôi thao thức. Đầu đau nhức. Đồng chí bác sĩ buộc trên trán tôi một nắm ngải cứu.
Khi nghe anh Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh thắng nhanh, tôi đã thấy nếu ta làm như vậy là mạo hiểm. Từ đó tới nay đã nửa tháng qua. Tình hình địch đã thay đổi rất nhiều. Quân số của chúng không còn là mười tiểu đoàn, mà theo tin của quân báo đã lên tới hơn mười ba tiểu đoàn. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc rất mạnh, được sự yểm trợ của lực lượng không quân, pháo binh, thiết giáp tại chỗ, và chắc chắn còn được ưu tiên yểm trợ số 1 của lực lượng không quân địch ở miền Bắc Đông Dương…
Ba khó khăn hiện lên rất rõ.
Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ mới tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc, ở Nghĩa Lộ. Khi đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta mới đánh từng tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến, mà còn đánh rất dở!
Thứ hai, trận này ta không có xe tăng, máy bay nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng, vì không biết phối hợp như thế nào!
Thứ ba, bộ đội từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 13km và rộng 6km... Tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn cách giải quyết...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chỉ huy họp bàn
kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Sau đó, vị tướng huyền thoại gọi cho pháo binh: “Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích”.
Chính quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" của Đại tướng đã giúp cho trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn.
Và Điện Biên Phủ từ một địa phương, một lòng chảo “vô danh” ở vùng rừng núi Tây Bắc đã trở thành một địa danh nổi tiếng trên bàn đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ), trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Cần nhớ rằng, quyết định thay đổi cách đánh, phương châm tác chiến không chỉ được Đại tướng tiến hành một lần ở chiến dịch Điện Biên Phủ, mà trước đó, ông đã từng ít nhất một lần đưa ra quyết định này, đó là chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.
Hồi ký của ông viết: “Qua chuyến đi nghiên cứu thực địa Cao Bằng, tôi càng nhận thấy không thể chọn thị xã này làm điểm đột phá cho chiến dịch”.
Ông phân tích: “Đánh Cao Bằng sẽ khó bảo đảm nguyên tắc “trận đầu phải thắng của quân đội ta. Và nếu đánh thắng, cũng khó tránh khỏi tổn thất lớn trong khi ta chỉ tiêu diệt được một bộ phận nhỏ quân địch: 2 tiểu đoàn!
Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và giải phóng Cao Bằng. Làm cách nào để đạt được mục tiêu này? Tôi nghĩ cách mở đầu chiến dịch tốt nhất vẫn là đánh Đông Khê. Đông Khê là cứ điểm quan trọng nối liền Thất Khê với Cao Bằng.
Cứ điểm Đông Khê mặc dù được củng cố, vẫn nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, địch hoặc sẽ phải chiếm lại, hoặc sẽ phải rút khỏi Cao Bằng. Ta sẽ có điều kiện tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự. Nếu địch không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ đánh tiếp Thất Khê”.
Điều này cho thấy, ông là người đã nắm rất sát và chắc thực tiễn chiến trường và khả năng của quân và dân ta, để lựa chọn mục tiêu sao cho vừa sức, đảm bảo thắng lợi. Và thắng lợi của quân và dân ta ở chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 đã làm thay đổi cục diện của cuộc kháng chiến, và phần nào đó là dọn đường để đưa đến điểm hẹn Điện Biên Phủ.
Nền tảng để đưa đến những quyết định “táo bạo”, quyết đoán đó của ông, ngoài trí tuệ của cá nhân thì còn là nhờ ở chỉ dẫn, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhất là quyết định thay đổi phương châm kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ.
Như vậy, có thể nói, Điện Biên Phủ là nơi đã ghi lại dấu ấn tài năng của một vị tướng huyền thoại trong lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. Và ngược lại, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã ghi tên địa danh Điện Biên Phủ trên bản đồ thế giới, nhất là “bản đồ” về những trận quyết chiến chiến lược.
Tiến sĩ Phạm Minh Thế. Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Lần cập nhật cuối ( Thứ năm, 09 Tháng 5 2024 03:59 )
 

Hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ẩn sâu trong rừng già Mường Phăng

Email In PDF.
Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng luôn là 'địa chỉ đỏ' thu hút du khách tìm về khi đặt chân lên Điện Biên - vùng đất phên dậu của Tổ quốc.

Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, cách TP Điện Biên Phủ gần 30km. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thường làm việc và nghỉ ngơi.

Từ 31/1/1954 đến 15/5/1954, đây là cơ quan đầu não quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Con đường dẫn sâu vào nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên đã được nâng cấp bằng con đường bê tông xuyên dưới cánh rừng già Mường Phăng dài hơn 1km giúp du khách hồi tưởng lại ký ức xưa.

Từ Sở chỉ huy chiến dịch, đi lên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ TP Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1...

Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Chiếc lán đơn sơ này chính là nơi Đại tướng, Tổng
Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc trong Sở chỉ huy.
 

Từ lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông sang lán
Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và lán Cố vấn quân sự
Vi Quốc Thanh là một đường hầm dài 69m đi xuyên qua sườn núi.


Nhà tác chiến, nơi giao ban hàng ngày của Bộ chỉ huy Chiến dịch
Điện Biên Phủ. Tất cả vẫn còn như nguyên vẹn dấu ấn của lịch sử.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là "địa chỉ đỏ" của
du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Những ngày này, nhiều cựu chiến binh, người dân và
du khách tìm về xã Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hiện nay, khu di tích lịch sử Mường Phăng đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo với một số hạng mục như bia, biển, hầm, lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh…
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn
 

ÔNG VÕ HỒNG NAM KỂ CHUYỆN NGƯỜI CHA VÕ NGUYÊN GIÁP

Email In PDF.
Khi trút bộ quân phục bụi bặm của trận mạc ra, tướng Võ Nguyên Giáp cũng như mọi người cha trên đời. Ở đó có một chân dung khác phía sau vị tướng huyền thoại của lịch sử.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1963 - Ảnh tư liệu
Chắc đa số chúng ta không có nhiều dịp để nghe các con Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể chuyện cha mình.
Họ rất kiệm lời, chỉ phát biểu đôi lời trong những dịp thật đặc biệt. Và nếu có kể, cũng chỉ xoay quanh những chuyện... ai cũng biết.
Ông Võ Hồng Nam - con trai út của Đại tướng - nói với Tuổi Trẻ, lúc còn sống, ba ông thường nói chuyện chung của đất nước, ít khi nói về mình. Chuyện ở nhà thì về nhà, người nhà nói với nhau.
Năm nay có lẽ là dịp đặc biệt khi chiến thắng Điện Biên Phủ vừa tròn 70 năm, nên ông Nam mở lòng hơn.
Ba Võ Nguyên Giáp trong lòng các con
"Bác Giáp" hay "tướng Giáp" đều là cách gọi thân thương, trìu mến mà người Việt Nam nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng còn người ba Võ Nguyên Giáp trong lòng các con ông thì sao?
Ông Võ Hồng Nam năm nay cũng đã 68 tuổi, tóc hoa râm, lấm tấm thời gian. Nhưng trong trí nhớ của người con trai út cũng như các anh chị em khác, ký ức về ba Giáp vẫn vẹn nguyên.
Ông Nam chia sẻ từ bé, mấy anh chị em ông hay được ba kể cho nghe những câu chuyện về ngày chống Pháp, đặc biệt là giai đoạn đầu nhiều khó khăn.
Và trong dòng chảy 4.000 năm lịch sử, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại oanh liệt nhất. Cả dân tộc đã cùng nhau tạo nên kỳ tích.
Nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) ngày xưa vẫn thường đón những người bạn chiến đấu, đồng chí, đồng đội của ba ông, như các chú Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba... đến chơi.
Đón cả những người đồng bào các dân tộc lặn lội từ xa xuống thủ đô chỉ vì muốn thăm tướng Giáp.
Những câu chuyện về trận mạc, thuở nằm gai nếm mật mà người lớn tâm sự cho nhau nghe ấy, bằng một cách thật đặc biệt, cũng thấm vào lòng những đứa nhỏ một cách rất tự nhiên.
Ba ông luôn nói, những ngày đầu đó, cách mạng chẳng có gì, cơ sở tổ chức cũng sơ sài. Chính đồng bào tin tưởng, cưu mang, hy sinh và bảo vệ, cách mạng mà chúng ta mới có một đội quân anh hùng và toàn thắng.

Ông Võ Hồng Nam kể về ba Võ Nguyên Giáp - Ảnh: DANH KHANG
Ba Giáp và sự bù đắp sau chiến tranh
Ông Võ Hồng Nam kể, ba Võ Nguyên Giáp đi làm cách mạng biền biệt. Cũng như tất cả những người lính lao vào cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, ba ông nhiều khi không có mặt trong những lúc nguy khốn lẫn mất mát của gia đình.
"Khi ba tôi đi hoạt động và chiến đấu ở vùng Cao - Bắc - Lạng, mẹ Thái (vợ đầu của Đại tướng, tức bà Nguyễn Thị Quang Thái - em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) bị bắt và hy sinh, ba không biết.
Năm 1947, ông nội tôi bị bắt rồi hy sinh trong tù, ba tôi cũng không biết. Sau này, khi bà nội mất, ba cũng không thể về", con trai Đại tướng trải lòng với Tuổi Trẻ. Vì thế khi trở về, ông như muốn bù đắp lại tất cả những gì chưa làm được cho gia đình.
Ông Nam nhớ lại, ba rất quan tâm và chăm sóc mẹ ông (PGS Đặng Bích Hà) cũng như con cái trong nhà. Ông không bao giờ mắng mỏ, nói nặng lời với ai.

Ông Võ Hồng Nam (ngoài cùng bên trái), chụp ảnh cùng cha mình
 cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ban công nhà 30 Hoàng Diệu - Ảnh tư liệu
Ba cũng dạy chữ cho các con khi vợ vắng nhà. Ông Nam còn nhớ hồi đó có bài tập phải viết một bức thư, cậu bé Hồng Nam loay hoay không biết bắt đầu thế nào. Ba nói với con trai: "Con nghĩ gì, con thích gì thì cứ viết thế đó".
Ba cũng dạy con cái cả những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Ông dạy con học văn, học sử, học các môn khoa học khác ra sao cho khoa học. Nghe ba nói về lịch sử Việt Nam, con trai ba Giáp chỉ có mê tít.

Ông Nam chia sẻ với các bạn trẻ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
về chiến thắng Điện Biên Phủ tại chương trình Thắp lên những ngọn nến
tri ân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: DANH KHANG
Ba dạy ông học sử thì phải biết vẽ bản đồ. Ba đưa sách cho các con học, nói cho con nghe, rồi con tóm tắt cho ba nghe, đừng nhìn giấy.
Khi mấy ba con đi trên phố Hoàng Diệu, ba nói về những trận đánh năm xưa ở đây như kể chuyện. Các con cứ thế mà thấm dần, thấm dần những bài học đầu tiên về lòng yêu nước. Ông Nam nói được làm con của ba là một niềm hạnh phúc lớn.
ĐẬU DUNG
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 08 Tháng 5 2024 03:27 )
 

PHÁT HIỆN HANG ĐỘNG ĐẸP TẠI QUẢNG BÌNH

Email In PDF.
Phát hiện hang động đẹp tại Quảng Bình có “rèm thạch nhũ” lớn
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Tuấn vừa báo cáo với UBND xã Trường Sơn, UBND huyện Quảng Ninh và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình về việc đơn vị này phát hiện 1 hang động tại bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Hang động mới phát hiện có 1 nhánh là khô và 1 nhánh có nước
Ngày 20/4, doanh nghiệp này phối hợp với Ban Quản lý rừng cộng đồng bản Sắt, xã Trường Sơn thực hiện chuyến khảo sát, xác định hang động mới này có chiều dài 2 km, cửa hang cao 8 m, rộng 9 m, có 4 nhánh hang với 100 m hang khô, phần còn lại là hang có nước. Nơi cao nhất bên trong hang động khoảng 35 m, có hệ thống sông ngầm. Người dân địa phương đã tạm đặt tên hang động này là hang Lũ. Từ bản Sắt vào đến hang Lũ mất khoảng 1 giờ đồng hồ đi bộ. Doanh nghiệp này báo cáo lên các cấp thẩm quyền và đề nghị các ban, ngành liên quan lập đoàn khảo sát, đánh giá về hang động vừa mới phát hiện này.

Khối thạch nhũ lớn bên trong hang động
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, xã sẽ tổ chức chuyến khảo sát, xác minh để có báo cáo cụ thể về vị trí hang động thuộc tại khu vực rừng do ai quản lý, bảo vệ. Sau khi khảo sát sẽ có cơ sở báo cáo và đề xuất các phương án phát triển du lịch (nếu có) lên cấp trên. Việc phát hiện hang mới này cũng liên quan trong công tác quản lý rừng, quản lý tài nguyên môi trường của đơn vị phụ trách khu vực rừng này.

Hang động mới có tiềm năng khai thác du lịch
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình thông tin: “Theo đánh giá chung thì xã Trường Sơn vẫn có tiềm năng phát triển du lịch,  cho nên việc người dân hoặc doanh nghiệp phát hiện được hang động này rất ý nghĩa, góp phần đa dạng thêm trong tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn xã. Hang động này nếu nằm trong khu vực rừng do đơn vị nào quản lý thì trách nhiệm của chủ rừng phải có báo cáo,  hướng phát triển và phải đưa vào quản lý”.
Theo Thanh Hiếu. Theo VOV
Lần cập nhật cuối ( Thứ hai, 06 Tháng 5 2024 13:23 )
 
Trang 11 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện