Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay735
mod_vvisit_counterHôm qua3489
mod_vvisit_counterTuần này18250
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này142781
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3089007

Có: 17 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

MÙA LỄ HỘI BÊN BỜ SÔNG GIANH

Email In PDF.
(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. Minh chứng dễ nhận thấy chính là các lễ hội đầu xuân đặc sắc, đa dạng trường tồn từ thuở khai canh, lập làng cho đến ngày nay. Theo thống kê, TX. Ba Đồn có 7 lễ hội chào xuân được tổ chức trong tháng giêng (âm lịch). Mỗi lễ hội đều có những nét độc đáo riêng biệt của mỗi vùng quê nhưng tựu trung đều chứa đựng ý nghĩa về tâm linh, hướng về nguồn cội và hiện thân của sự gắn kết cộng đồng.
Lưu giữ văn hóa truyền thống
Như thường lệ hàng năm, lễ hội Kỳ phúc được tổ chức chu đáo, bài bản tại đình làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn). Đây là một trong những lễ hội đầu xuân còn giữ được những nét độc đáo có truyền thống hàng trăm năm qua.
Lễ có 2 phần chính: Phần thứ nhất là lễ tế được các cụ thông xướng, chủ tế, bồi tế và chấp sự đọc văn tế, dâng rượu. Phần thứ hai là lễ dâng hương, là thời điểm toàn thể người dân địa phương bày tỏ lòng thành kính của mình với các vị tổ tiên, thành hoàng. Những bài văn tế được trình bày theo thể thức được truyền từ các thế hệ đi trước, và người đọc văn tế thường là các cụ cao niên, đức cao vọng trọng cầu mong cho nhân dân bình an hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên ổn.

Rước kiệu ngài Thành hoàng tại lễ hội Kỳ phúc ở đình làng
Hòa Ninh, xã Quảng Hòa còn lưu giữ được những nét truyền thống.
Sau lế tế, người dân địa phương tổ chức lễ rước kiệu ngài Thành hoàng. Khiêng kiệu gồm 8 người, 2 người cầm lọng, 1 người chỉ huy mặc áo thụng màu xanh, đánh trống tiểu cổ tạo không khí linh thiêng, trang nghiêm. Đình làng Hòa Ninh có 5 gian và 4 vài, thờ tự những vị tổ khai cơ lập làng, những vị danh giá khoa bảng đỗ đạt có công lớn đối với làng. Hiện nay, ở đình còn giữ lại được 10 đạo sắc phong qua các triều vua ban tặng.
Sau phần lễ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm tại đình làng Hòa Ninh là phần hội diễn ra tại sân đình, bao gồm các trò chơi dân gian truyền thống, đặc biệt là cờ thẻ, trò chơi bắt buộc phải có trong lễ  hội Kỳ phúc.
Người làng Hòa Ninh tâm niệm rằng, lễ hội Kỳ phúc là dịp để các thế hệ sau biết về tổ tiên của mình, giáo dục cho người sống về đạo hiếu với tổ tiên, là một nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc luôn được giữ gìn và phát triển.
Trên địa bàn TX. Ba Đồn cũng có nhiều lễ hội đầu xuân nức tiếng, thu hút khách thập phương khác, như: Lễ hội Khai hạ, phường Quảng Long (7/1 âm lịch); lễ hội đình làng Phan Long, phường Ba Đồn; lễ hội đình làng La Hà, xã Quảng Văn đều được tổ chức vào ngày 15-1 (âm lịch) hàng năm…
Cũng có truyền thống từ hàng trăm năm qua, lễ cầu yên được tổ chức hàng năm ở đình làng Lũ Phong, phường Quảng Phong vào ngày 18/1 (âm lịch) hàng năm để tưởng nhớ công lao khai khẩn của 5 vị thành hoàng và cầu quốc thái dân an. Trước đó, đại diện các dòng họ trong làng sẽ tới các miếu của 5 vị thành hoàng để "rước linh" về đình làng. Ngày hôm sau mới bắt đầu các thủ tục cúng bái, dâng lễ. Phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống, như: Đấu roi, đấu quyền, hát nhà trò, kéo co, thả chim, bơi thuyền...
Ngày nay, nhiều trò chơi truyền thống được thay thế bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giải trí. Tuy nhiên, phần lễ vẫn do ban lễ tế là các cụ cao niên trong làng đảm nhận. Các thủ tục làm lễ cũng như các bài tế văn thần vẫn được giữ nguyên và tiếp tục truyền đời.
Bồi đắp thế hệ kế cận
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, cuộc sống hiện đại khiến văn hóa ngoại du nhập ồ ạt, các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ phai nhạt theo thời gian, đặc biệt là với người trẻ. Và thực tế ở TX. Ba Đồn cũng vậy, mặc dù nhiều lễ hội đầu xuân vẫn giữ được những sắc thái riêng biệt của từng vùng đất, từng địa phương nhưng có một điểm chung là “vắng bóng” những người trẻ. Đó cũng là bài toán đầy thách thức trong thời đại hội nhập như hiện nay, khi mà internet “lên ngôi” như chia sẻ của ông Trần Dương Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông TX. Ba Đồn.
Khác với những lễ hội xuân truyền thống ở các địa phương, hội vật truyền thống ở TX. Ba Đồn có lẽ là một trong những lễ hội thu hút sự chú ý và hưởng ứng tích cực nhất của lớp người trẻ. Năm nay, Ban tổ chức đặc biệt lưu ý các đội tổ chức tập luyện, ưu tiên cho những người trẻ tham gia. Hội vật có truyền thống và là thế mạnh ở TX. Ba Đồn. Bên cạnh các vùng đất có truyền thống như Quảng Long, Quảng Thọ, hầu hết các địa phương đều có các tổ đội, võ đường thi đấu môn vật.

Cờ thẻ, trò chơi không thể thiếu ở hầu hết các lễ hội chào xuân trên địa bàn TX. Ba Đồn.
Em Nguyễn Văn Tiến, 18 tuổi thuộc võ đường phường Quảng Phong là một trong những đô vật trẻ tuổi nhất tham gia hội vật lần thứ XXII năm nay. Tiến đang học lớp 12 và đây là năm thứ 2 tham gia nhưng đã xuất sắc đánh bại các đối thủ hạng cân từ 45-50kg để giành giải vô địch, nhất là các đối thủ nặng ký ở đất vật Tượng Sơn (Quảng Long), Minh Phượng (Quảng Thọ).
Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, ban đầu em tham gia võ đường chỉ để rèn luyện sức khỏe vì người nhỏ con quá, nhưng khi vào tập được các anh, các chú chỉ dạy thêm nhiều thế, miếng nên dần đam mê với môn vật. Vật cổ truyền cũng là một thể thao đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn, nhất là học được tinh thần của người tập võ. Hiện nay, nhiều bạn bè của em cũng tham gia môn vật để rèn luyện thêm sức khỏe.
Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Tình cho biết, điều đáng ghi nhận ở lễ hội vật năm nay, ngoài những vận động viên kỳ cựu thì các đội đều có những người trẻ từ 17-25 tuổi tham gia ở các hạng cân. Đó có lẽ là thành công nhất của lễ hội, bởi sự hưởng ứng của lớp người trẻ không chỉ góp phần nâng cao phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe mà còn là dịp để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài kế cận để thi đấu các giải cao hơn, đặc biệt là lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.
X.Phú
 

Cây gạo hơn 500 tuổi - cây di sản đầu tiên của Quảng Bình có gì đặc biệt?

Email In PDF.
(NLĐO) - Cây gạo "đại thụ" ước chừng hơn 500 tuổi được người dân xem là báu vật thiêng liêng, vô giá, gắn bó biết bao thăng trầm của lịch sử vừa được công nhận là cây di sản đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.
Cây gạo hoa cam này nằm ở thôn 3 - Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và nằm trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng Tuyên Hóa.
Chở che, ôm ấp dân làng
Theo các bậc cao niên ở xã Thạch Hóa, cây gạo hoa cam là một nhân chứng lịch sử gắn với thời kỳ mở cõi lập làng của các bậc tiền hiền và họ không rõ có từ đời nào. Chỉ biết, từ nhỏ họ đã thấy cây gạo sừng sững, tỏa bóng mát bên cánh đồng làng, dù trải qua thời kỳ bom đạn ác liệt.

Cây gạo có nhiều nhánh với hình thù độc đáo
Cụ Mai Xuân Thưởng (92 tuổi) là bậc cao niên khá tỏ tường về cây gạo cổ thụ của làng. Cụ Thưởng nhớ, từ thời ông nội của cụ kể, lúc nhỏ đã thấy cây gạo là cây cổ thụ, nhiều cành sài sà xuống mặt đất và vươn rộng ra xung quanh. Trải qua nhiều đời, cho đến khi cụ lớn lên, cây vẫn vươn mình, nẩy lộc.
Trong thời kỳ chống Pháp, dưới chân cây gạo, dân làng từng xây dựng có lò vôi để cung cấp vật liệu cho việc xây dựng đình chùa, miếu mạo cho cả vùng. Điều kỳ lạ, dù quê hương liên tục bị bom cày đạn xới, mưa bão triền miên khiến nhiều cây cổ thụ ngã đổ vô số, nhưng cây gạo vẫn nguyên vẹn, xanh tốt và hiên ngang đứng vững giữa đất trời.
"Từ xa xưa đến nay, cây gạo là biểu tưởng của quê hương, là bóng mát chở che, ôm ấp dân làng Thạch Hóa nên luôn được bà con yêu quý bảo vệ" - cụ Thưởng tâm sự. Đối với người dân nơi đây, cây gạo không chỉ là biểu tượng cho sự trường tồn và sức sống dẻo dai, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, với hình ảnh làng quê thân thuộc.
"Báu vật" của dân làng
Con đường dẫn vào cây gạo khá hoang vu, còn nguyên lũy tre làng. Từ xa đã thấy bóng cây gạo che mát cả một khoảng trời rộng. Bên cạnh cây gạo là miếu thờ Bà Sơn - một trưởng nữ có công với làng nên được người làng tôn kính và lập miếu thờ tự. Hằng năm, mỗi khi người dân vào cúng bái tại miếu thì thường ghé thăm cây gạo.

Cây gạo hoa cam Thạch Hóa - được công nhận cây Di sản Việt Nam đầu tiên của Quảng Bình
Cây gạo cao chừng 30m, tán vươn rộng khoảng 20m. Gốc cây rộng lớn, có nhiều rễ lớn bám xung quanh, rộng đến nổi 10 người ôm không xuể. Cây có nhiều nhánh rất to tỏa bóng một vùng, mỗi nhánh được tạo như những hình thù uốn lượn rất độc đáo giữa không trung.
Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết hiện nay địa phương đang triển khai mở đường vào khu vực cây gạo hoa cam để tổ chức đón nhận bằng di sản của Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong năm 2024. Xung quanh cây gạo đã được phát quang, dọn dẹp thực bì để thuận tiện cho người dân và du khách đến tham quan.
Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa nhuộm đỏ sắc thắm cả một góc trời, hài hòa với cảnh quan núi rừng xanh thắm đẹp như tranh vẻ. Thời điểm này, các đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim thường tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng xanh ngát.
Ông Nguyễn Thanh Tú - nhân viên Khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa - cho biết trong quá khứ, cây gạo cổ thụ không có người bảo vệ nên rất hoang hóa, từng có kẻ xấu lấy cưa đục vỏ cây. Trước nguy cơ xâm hại cây quý, nhiều năm nay, chính ông đã tự mình ra phát quang và bảo vệ cây gạo như một báu vật của quê hương.
Vì muốn gìn giữ cây gạo, ông Tú đã đã tình nguyện bảo vệ và đề xuất với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm hồ sơ gửi cho Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị công nhận Cây di sản. Khi nghe tin cây gạo hoa cam duy nhất ở xã Thạch Hóa được công nhận Cây di sản đầu tiên của Quảng Bình, ông Tú vô cùng xúc động vì quê hương có một di sản quý giá và những công sức của ông bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng…
Còn ông Trần Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa nói cây gạo hoa cam là niềm tự hào của nhân dân Thạch Hóa. Nó là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, yêu nước của người dân nơi đây. Cây gạo đã góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương; giúp mọi người biết đến miền sơn cước này nhiều hơn.

Khung cảnh gây gạo nhìn từ trên cao
 
Gốc cây gạo cổ thụ, 10 người ôm không xuể

Cây gạo bên Khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa
 

Tháng 3-4 hàng năm, cây gạo sẽ nở hoa nhuộm đỏ cả một vùng
 
Cây gạo là cây cổ thụ có kích thước lớn nhất còn sót lại ở vùng quê Thạch Hóa
 
Khu vực đi vào miếu Bà Sơn - cũng là cánh cổng duy nhất đi vào cây gạo cổ thụ
Hoàng Phúc
 

VỀ QUẢNG BÌNH ĐẦU NĂM, ĐI VIẾNG MỘ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Email In PDF.
(NLĐO) - Trong tiết trời nắng ráo những ngày đầu năm mới, dòng người từ nhiều nơi đã tìm về Vũng Chùa- Đảo Yến để viếng mộ, thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ sáng sớm 13-2 (tức mùng 4 Tết), dòng người xếp hàng dài để lên viếng khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa- Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Dòng người đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mộ Đại tướng nằm cách đường Quốc lộ 1 khoảng 2km và cách đèo ngang- nối 2 tỉnh Quảng Bình- Hà Tĩnh - hơn 3km.
Với những người con xa xứ như tôi, cứ có dịp về quê, tôi lại tranh thủ đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng, người con ưu tú của mảnh đất Quảng Bình, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc, vị tướng của lòng dân.

Viếng mộ Đại tướng dịp năm mới đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhiều gia đình
Ấn tượng của tôi khi đến nơi đây là khung cảnh yên bình, thơ mộng được bao bọc bởi ba hòn đảo bình phong lần lượt là Hòn Gió, Hòn Nồm và Hòn La, với phía trước là biển rộng lớn, xung quanh là rừng bạt ngàn xanh tươi.

Khuôn viên nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Nguyễn Hữu Phượng (65 tuổi, quê Quảng Bình), cho biết cứ vào dịp năm mới, ông cùng gia đình, con cháu lại cùng nhau đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gia đình ông khởi hành từ xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, mất khoảng hơn 30km để đến nơi an nghỉ của Đại tướng.

Từ trẻ nhỏ cho đến người lớn đều dành tình cảm đặc biệt cho vị tướng của lòng dân
Theo ông Phượng, đây là mùa xuân thứ 10 Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ vĩnh hằng trên đất mẹ Quảng Bình. Chỉ trừ những năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hay tu sửa một số hạng mục không cho người dân đến viếng, còn lại năm nào gia đình ông cũng đi đến đây dâng hương, dâng hoa tri ân Đại tướng.

Du khách thập phương tìm về mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày đầu năm mới
Dù phải di chuyển quảng đường hơn 500km từ Hà Nội vào, nhưng bà Nguyễn Thị Dậu (72 tuổi) vẫn không cảm thấy mệt. "Mặc dù năm nào cũng đến đây nhưng mỗi lần đến tôi đều trào dâng một cảm xúc rất đặc biệt, những ký ức về ngày đưa tiễn Đại tướng từ Hà Nội về đất Mẹ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi"- bà Dậu bày tỏ.

Người dân đi viếng Đền Mẫu Liễu Hạnh
Cách mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa đến 4km là Đền Mẫu Liễu Hạnh. Đây là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nằm ở Đèo Ngang của tỉnh Quảng Bình. Tương truyền rằng, chỉ cần đến đây thành tâm cầu bái, mọi việc sẽ suôn sẻ như ý nguyện.



Đền Mẫu Liễu Hạnh là một trong những đền thờ nổi tiếng
nhất tỉnh Quảng Bình, nơi đây thờ công chúa Liễu Hạnh - một
trong bốn vị thánh "Tứ bất tử" được nhân dân hết lòng tôn kính.
Cách Đền Mẫu Liễu Hạnh khoảng 3km là khu di tích lịch sử Hoành Sơn Quan, được ví như “cổng trời” trên đỉnh Đèo Ngang.

Đây không chỉ là điểm du lịch, Hoành Sơn Quan còn là một chứng minh lịch sử do vua Minh Mệnh lập ra để kiểm soát người qua đường và sau này là phòng tuyến, chiến địa quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Những dòng chữ được khắc trên tấm bia mộ tại Hoành Sơn Quan
Hoành Sơn Quan vẫn giữ được những nét cổ kính, với những cửa ải bằng đá được xây dựng trên núi, có cổng cao hơn 4 m, thành đăng dài hơn 30m xây dựng xung quanh cùng với 1.000 bậc ở hai phía núi thành.
Thanh Thảo
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 14 Tháng 2 2024 00:08 )
 

THEO DẤU CHÂN KONG Ở QUẢNG BÌNH

Email In PDF.

Từ con đường làng, dòng sông cho đến hệ thống hang động..., cảnh sắc bình dị trong cuộc sống thường ngày ở một xã miền núi của Quảng Bình đem đến những thước phim ấn tượng cho bộ phim "Kong: Skull Island".

Trải nghiệm lái xe ATV khám phá ngôi nhà của King Kong. Ảnh: Oxalis
Dấu ấn của phim bom tấn Hollywood vẫn hiện hữu bằng cách này hay cách khác, đầy bất ngờ đối với khách du lịch đến Quảng Bình. Thoạt nhìn, không ai nghĩ một con đường chạy qua xã miền núi vùng sâu Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lại gắn với một bộ phim bom tấn Hollywood.
Thực ra, đường Hollywood vốn là một lối đi hẹp chạy qua cánh đồng, in đầy vết chân trâu bò lầy lội. “Số phận” của con đường làng thay đổi vào năm 2016, khi đoàn làm phim của đạo diễn Jordan Vogt-Robert đến Việt Nam quay “Kong: Skull Island”.
Bộ phim có ngân sách 190 triệu USD khuynh đảo phòng vé khi ra mắt vào năm 2017. Và một phần của khoản kinh phí triệu đô đó dành để xây dựng con đường làng thành đường cấp phối dài gần 3km để phục vụ cho phim trường. Đoàn làm phim đã dành tặng con đường này cho địa phương như một món quà làm kỷ niệm.
Người dân xã Tân Hóa ban đầu bàn nhau đặt tên con đường là “King Kong”, như một cách gợi nhớ về bộ phim bom tấn. Cuối cùng, con đường được gọi với cái tên đặc biệt hơn là “Hollywood”, như để đánh dấu cột mốc về bộ phim bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam.
Đi hết con đường Hollywood, bạn sẽ đến bờ sông Rào Nan uốn lượn giữa những đồng lạc, trảng cỏ, rừng cây xanh rì và hệ thống núi đá vôi rất đặc trưng của Quảng Bình. Phía bên kia bờ lấp ló cửa Hang Chuột - thuộc hệ thống hang động Tú Làn xuất hiện trong bộ phim về Kong.

Bên trong hang Chuột, nơi trở thành bối cảnh phim Kong: “Skull Island“. Đây còn là nơi quay những bộ phim Việt nổi tiếng như: “Người bất tử“, “Truyền thuyết về Quán Tiên“... Ảnh: H’Anetta
Bên trong hang Chuột, nơi trở thành bối cảnh phim Kong: “Skull Island“. Đây còn là nơi quay những bộ phim Việt nổi tiếng như: “Người bất tử“, “Truyền thuyết về Quán Tiên“... Ảnh: H’Anetta
Có nhiều câu chuyện xoay quanh cái tên của Hang Chuột. Theo một câu chuyện truyền miệng, trước kia, khi nước lũ từ sông Rào Nan dâng cao, hàng trăm con chuột đã kéo ra từ trong hang động này. Có người lại lý giải rằng, hang động này được đặt tên theo câu thành ngữ “đầu voi, đuôi chuột”, bởi cửa vào rộng như đầu voi, trong khi lối ra nhỏ hẹp.
Hang Chuột được ghi nhận là hang động đầu tiên được khám phá tại khu vực Tú Làn vào năm 1992. Đây là một trong những hang dễ đi nhất, không có yêu cầu đặc biệt gì về thể lực hay kinh nghiệm trekking. Hang có tổng chiều dài hơn 280m, chiều cao trung bình từ 15 - 20m. Phía trên vòm hang cao vút có một khoảng nhọn hướng lên trên, tạo thành hình trái tim ngược kỳ thú. Chi tiết này chỉ có thể quan sát khi du khách đã vào bên trong. Hang động có hàng trăm, hàng nghìn thạch nhũ lấp lánh.
Bước đi trong Hang Chuột, bạn sẽ thấy trên đầu là những thạch nhũ treo, mọc lên theo từng giọt nước, dòng chảy rỉ từ trần hang, dưới chân là những măng đá vươn lên. Có đoạn, thạch nhũ và măng đá tưởng chừng sắp chạm vào nhau đến nơi, nhưng quá trình ấy cũng phải mất đến hàng trăm, hàng triệu năm để chúng thiên biến vạn hóa tùy theo điều kiện môi trường hóa lý. Khoảnh khắc chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ diệu ấy có thể gợi nhắc những tâm hồn yêu nghệ thuật nhớ đến kiệt tác “Creation of Adam” của thiên tài hội họa Michelangelo.
Tạm biệt Hang Chuột, du khách có thể xuôi theo dòng sông Rào Nan để trở về Tân Hóa, hoặc tiếp tục hành trình thăm hồ Yên Phú ở xã Trung Hóa, thung lũng Chà Nòi trên đèo Đá Đẽo... để “theo dấu chân Kong”.

Cửa hang Chuột ẩn trong những lùm cây. Ảnh: Ý Yên
Nếu muốn thêm chút gia vị cho những ngày sống chậm trong hành trình khám phá dấu ấn của bom tấn Kong ở Tân Hóa, bạn đừng ngần ngại tham gia một tour lái xe ATV xuyên rừng lim. Đây là một trải nghiệm mạo hiểm mới toanh ở Quảng Bình.
Xe môtô địa hình bốn bánh là phương tiện dễ điều khiển và đủ an toàn để cùng du khách khám phá rừng lim tự nhiên hiếm hoi còn tồn tại ở Việt Nam. Mở đầu hành trình, bạn sẽ được hướng dẫn cách sử dụng xe, thao tác an toàn để tự lái. Chiếc xe khỏe khoắn sẽ bon bon cùng du khách băng qua những con dốc dựng đứng, đường lầy lội lắt léo dẫn qua rừng lim cổ thụ, rừng cọ, rừng hoa sim, dòng suối...
Và sau khi chinh phục hết những thử thách trong rừng, du khách sẽ tiến đến đường hầm hun hút những lá cọ gợi nhớ đến nơi ở trong “Kong: Skull Island”. Xuyên qua hầm tối, phía bên kia lại là bản làng Tân Hóa bình yên hiện ra phía xa xa giữa những núi đá xanh tươi.
Ý Yên

 
Trang 18 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện