XEM TAY ĐOÁN LÒNG CHUNG THỦY
Thứ hai, 25 Tháng 3 2013 05:08
Nguồn: Ngô Quang Dũng (ST)
Menu Dọc -
Trao Đổi
Liệu tướng tay có giúp bạn nhận ra mức độ thủy chung của đối phương? Đâu là bàn tay của người có cuộc sống hôn nhân bền lâu, hạnh phúc.
Thực tế, một số người chỉ quan tâm tới sự chiếm hữu trong tình yêu. Ngược lại, nhiều người đề cao lòng thủy chung, son sắt. Liệu tướng tay có giúp bạn nhận ra xu hướng tình cảm và mức độ chung thủy của đối phương? Ngoài ra, đâu là người có cuộc sống hôn nhân bền chặt, lâu dài? Đường hôn nhân trên lòng bàn tay. Nguồn: Internet.
Bàn tay có duy nhất một đường hôn nhân với độ dài vừa phải: Những người như vậy thường rất thủy chung. Họ sẽ luôn đối tốt, trước sau như một với một nửa của mình. Vì chung tình, họ luôn có cảm nhận người yêu hoặc ông xã (bà xã) là đối tượng phù hợp nhất với mình. Tình yêu của họ không dễ đổi thay và đủ sức vượt qua thử thách thời gian. Cũng nhờ vậy, cuộc sống hôn nhân của những người này thường rất bền chặt.
Bàn tay chỉ có một đường hôn nhân nông và chạy dài: Nếu đường hôn nhân trong lòng bàn tay khá nông, nó cho thấy chủ nhân không quá khắt khe với một nửa của mình. Nếu đường này vừa nông vừa chạy dài, nó tiêu biểu cho một tình yêu bền chặt.
Tuy tình cảm của họ không quá mãnh liệt, da diết, nhưng lại thiên về xu hướng ổn định, bền chặt. Với những bàn tay có đường hôn nhân dài và sâu, "khổ chủ" thường có dục vọng chiếm hữu đối phương cực mạnh, tình yêu và cuộc sống hôn nhân có thể trường cửu.
Bàn tay có đường hôn nhân tương đối ngắn nhưng sâu: Những người sở hữu bàn tay này tương đối mãnh liệt khi yêu. Họ phân biệt rạch ròi yêu hận và dành cho đối phương tình cảm vô cùng sâu sắc. Tuy hay tranh cãi vì những chuyện vụn vặt trong nhà, nhưng họ thường không nhớ dai. Chỉ vài phút sau, hai người đã có thể nói cười thoải mái với nhau. Cũng chính vì vậy, hôn nhân của họ nhiều khả năng sẽ lâu bền.
Bàn tay có đường hôn nhân xuất hiện vết chữ thập hay vết giao cắt hình ngôi sao: Ai sở hữu bàn tay kiểu này thường kết hôn với những người thành công hoặc giàu có. Một nửa của họ là người lắm tiền nhiều của hoặc có khả năng kiếm bội tiền sau khi kết hôn. Quan hệ tình cảm của bạn và người ấy tương đối ổn định. Các bạn không xảy ra tranh cãi vì những khúc mắc nhỏ trong cuộc sống. Do đó, cả hai đều chuyên tâm kiếm tiền, phấn đấu trong sự nghiệp rồi dần trở nên giàu có, không phải canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tóm lại, một cuộc sống giàu sang, phú quý là nền tảng vững chắc cho hôn nhân của bạn đạt tới đích bền lâu.
Bàn tay có hai hay nhiều đường hôn nhân, nhưng đường phía trên cùng dài hơn so với những đường phía dưới: Những người này khi mới yêu thường trải qua nhiều sóng gió, khó được như ý, nhưng sau một thời gian không thuận lợi trong chuyện tình cảm, cuối cùng, họ cũng gặp và kết hôn với người phù hợp. Do những sóng gió ở các mối tình trước, họ thêm trân trọng tình cảm hiện tại mà mình đang nắm giữ và dành tình yêu thương đặc biệt cho bạn đời của mình. Vì vậy, cuộc sống hôn nhân của họ sẽ rất bền vững. Nhưng nếu sở hữu tướng tay này, bạn nên kết hôn muộn, vận thế sẽ cực thăng hoa.
Bàn tay có đoạn cuối đường hôn nhân gập vòng và hướng xuống phía dưới, nối liền với các đường khác trong lòng bàn tay: Nếu bạn có đường hôn nhân với đoạn cuối cong vòng xuống và nối liền với đường tâm đạo, chứng tỏ bạn rất trọng tình cảm. Hôn nhân chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của bạn. Vì hôn nhân, bạn có thể nhượng bộ tất cả. Nếu đoạn cuối đường hôn nhân gấp xuống phía dưới, cắt qua đường tâm đạo và nối với đường trí đạo thì cho thấy, bạn rất biết cư xử với đối phương. Những người này khi yêu thường rất lí trí, khôn khéo, lời họ nói ra khiến đối phương mê đắm, bất kỳ hành động nào của họ cũng đủ sức thuyết phục đối phương. Nếu đường hôn nhân vòng xuống phía dưới và tạo thành hình tam giác hay hình tứ giác với các đường khác trong lòng bàn tay, nó cho thấy cuộc sống hôn nhân của bạn không chỉ hạnh phúc mà còn sung túc, giàu sang.
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 31 Tháng 7 2015 14:30 )
CHÚNG TA NỢ NHAU LỜI XIN LỖI
Thứ bảy, 23 Tháng 3 2013 06:48
Yume
Menu Dọc -
Trao Đổi
Em đổ lỗi cho định mệnh, số phận hay một cái gì đó hão huyền để giải thích cho những gì đã diễn ra trong mối quan hệ của anh và em.
Giữa chúng ta không phải anh em, không phải bạn bè, người tình thì không đúng nghĩa, càng không phải là người yêu. Chỉ giống như những con người đi ngang qua nhau rồi dừng lại khi bất chợt thấy cô đơn, khi em không còn biết bấu víu vào đâu sau một cuộc tình đỗ vỡ…
Hai đường thẳng cắt nhau một lần rồi không bao giờ chạm vào nhau thêm nữa. Chúng ta đưa đẩy cho sự việc đi theo những suy nghĩ nhất thời, những điều mà với anh với em đều là phút thoáng qua trong cái cuộc sống vốn dĩ đầy rẫy những bon chen, những dối trá và lọc lừa.
những bon chen, những dối trá và lọc lừa.
Em lợi dụng anh để có một chỗ dựa tinh thần về mặt cảm xúc, mượn anh để tạm lấp một chỗ trống trải khi vô tình em đánh rơi mất một nửa yêu thương của mình, mượn anh để bước qua những nỗi đau thực tại, để cố gượng mình mỉm cười trước con đường dài phía trước mà em chưa đặt chân để vượt qua. Em tàn nhẫn, em ích kỷ, em chỉ nghĩ đến phải làm thế nào để có thể vượt qua những cay đắng, mà quên mất yêu lấy chính bản thân mình.
Anh cũng lợi dụng em để có một người an ủi khi anh đã lâu không có một ai bên cạnh, mượn em để lấp một khoảng trống cô đơn nhưng không phải về tinh thần. Anh tàn nhẫn, anh ích kỷ, anh chỉ nghĩ anh cần một người, một người tình như em vẫn nói, anh cũng quên mất anh nên yêu bản thân mình như thế nào.
Chẳng qua là chúng ta đang lợi dụng nhau.
Khởi đầu sai làm cho anh và em hiểu quá sai về nhau. Em nợ anh một lời xin lỗi, nhưng anh cũng còn giữ của em một câu xin lỗi mà anh chưa thốt nên lời.
Em xin lỗi vì đã gây ra những sự việc như đã xảy ra, xin lỗi vì em không có cách nào thay đổi được tư tưởng của anh, không làm sao có thể thay đổi những tiêu cực của anh về em. Em đã cố gắng chỉ để được bước qua khỏi cái mà anh gọi là người tình nhưng không được.
Có phải anh nợ em một lời xin lỗi không anh? Những tưởng anh không có lỗi gì trong chuyện này vì người bắt đầu là em, nên những thứ xảy ra là do em gieo nhân nên phải gặt quả. Em biết điều đó, em không hờn trách hay giận dỗi, hay đổ lỗi những gì đã xảy ra cho anh. Nhưng em cũng có tự trọng của bản thân mình, dù anh có nghĩ xấu về em như thế nào đi chăng nữa thì cũng xin anh để những ý niệm đó cho riêng mình, vì nói ra với em có phải quá tàn nhẫn không anh. Em không phải là đứa con gái mua vui cho kẻ khác, em cũng không có khả năng để làm điều đó. Thế mà sao anh luôn đặt cái tư tưởng đó áp lên người như em. Ừ thì em thất bại trong tình cảm, nên em muốn tìm một người tạm lấp khoảng trống đó nhưng cũng không có nghĩa em chấp nhận người khác xem em là thứ đồ giải trí. Em muốn dừng lại vì em không muốn suy nghĩ đó lớn dần trong anh thêm một chút nào nữa. Ừ thì em từng nói anh có thể tìm thấy đầy người ở ngoài kia để anh giải tỏa, rằng anh chỉ cần bỏ tiền ra là có được những gì anh mong muốn. Em không phải là một trong số đó anh à. Anh nợ em một lời xin lỗi cho việc cứa dao vào lòng tự trọng của em, hay anh nghĩ rằng em không có một chút tự trọng nào?
Để đánh giá một con người là quá khó khăn, em là nguyên nhân để anh suy nghĩ về em như thế. Không sao anh à, em không có một quyền năng để ép người khác suy nghĩ, hành động theo ý mình. Nhưng em vẫn đủ can đảm và bản lĩnh để đứng thẳng mà sống với phần người còn lại. Dù là người dưng cũng mong anh tôn trọng em một phần nào.
Chúng ta nợ nhau một lời xin lỗi, xin lỗi cho ngày hôm qua, cho hôm nay, cho anh và cho em.
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 31 Tháng 7 2015 14:30 )
BÀI VĂN CỦA CẬU HỌC SINH NGHÈO
Thứ sáu, 22 Tháng 3 2013 09:57
Vũ Quốc Lịch
Menu Dọc -
Trao Đổi
Bài văn của cậu học sinh nghèo trường Ams gây xúc động
Bài văn học sinh trường Ams gây xúc động cho nhiều giáo viên và các bậc phụ huynh. Bài văn học sinh trường Ams nói lên tấm lòng hiếu thảo của cậu học sinh nghèo trường Ams.
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams. Nguyễn Trung Hiếu “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.
Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với GV trường Ams (THPT Hà Nội - Amsterdam)
Trên đây là bài văn của học trò Nguyễn Trung Hiếu, hiện là học sinh lớp 11 chuyên lý, trường Ams (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Bài văn “lạ” trước hết bởi đề bài văn nghị luận cô giao là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền. Bài văn của em đã lật tung quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu” (!?). Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người cứ nhầm tưởng như thế. Chỉ những thày cô giáo đang công tác ở trường Ams mới hiểu rõ đó là ngộ nhận. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi quy tụ các học sinh giỏi, còn trong hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường cũng có rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Và trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ. Tuy nhiên, bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thày cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thày cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.
Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động. Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …
Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10/2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thày cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450 ngàn đồng; thày Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.
Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thày cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …Vũ Quốc Lịch (Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam)
Dưới đây là bài văn của Hiếu đã gây “sốc” với giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
Thư gửi Mẹ.
Mẹ thân yêu của con !
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ - Nguyễn Trung Hiếu
Gặp học trò nghèo với bài văn lạ gây xúc động cộng đồng mạng
Chúng tôi đến nhà Nguyễn Trung Hiếu vào chiều qua 6/11 nhưng chờ mãi đến 7h tối mới gặp được, bởi em tham gia CLB tình nguyện đóng đồ tiếp tế cho “Chương trình thắp sáng bản em” ở huyện Mường Tè (Lai Châu) cả ngày.
Cám cảnh thay khi nhìn bề ngoài ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm trong khu phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người sẽ nghĩ rằng gia đình đó thuộc loại khá giả. Nhưng, những người trong căn nhà đó đều sống lay lắt, bệnh tật và không còn khả năng lao động để kiếm sống và thuộc vào hộ nghèo của phường. Niềm hy vọng nhất trong ngôi nhà đó là cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu.
Bà nội Đỗ Thị Lạp của Hiếu năm nay 73 tuổi, nhỏ thó và gầy yếu đang cố gắng đưa người chồng bệnh tật 90 tuổi từ dưới đất lên giường, nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi thì khó lòng bà đưa nổi.Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, bà Lạp nghẹn ngào: “Hôm nay Hiếu đi tình nguyện cả ngày, mẹ nó cũng đi vắng nên một mình tôi hơi vất vả. Tôi cố gắng sống và chăm sóc ông ấy vì mức lương hơn 3 triệu/tháng quân đội về hưu cùng đồng lương ít ỏi hơn 1,4 triệu/ tháng của tôi là chỗ dựa cho cả gia đình Hiếu. Mỗi lần mẹ Hiếu chạy thận, tôi lo lắm vì mẹ cháu đã có lần suýt chết trong lúc đang chạy”.
Theo bà Lạp, bố Hiếu bị viêm tai giữa biến chứng não từ khi 3 tuổi nên rất chậm chạp và không ổn định về tinh thần, không thể làm thêm được việc gì. Mẹ của Hiếu – chị Nguyễn Thị Hạnh thì sức khỏe yếu ngay từ lúc còn trẻ nên sinh Hiếu chỉ được 2,1 kg. Sau khi chị sinh con, sức khỏe ngày càng giảm sút và chị đến bệnh viện phát hiện bị suy thận độ 4 và phải chạy thận tuần 3 lần.
Ngày đầu chưa có bảo hiểm nên việc chạy thận rất tốn kém, bố mẹ bên gia đình nội ngoại đã dồn hết số tiền tiết kiệm để duy trì sự sống cho chị nên tài sản cũng đã khánh kiệt. Cách đây 4 năm, bố chồng chị lại ngã bệnh và nằm liệt giường, gánh nặng lại tiếp tục đè nặng lên gia đình vốn nghèo và bệnh tật.
“Nghèo thì nghèo rồi nhưng tôi quyết tâm giữ ngôi nhà này vì đây là món quà cuối cùng của chúng tôi để lại cho cháu đích tôn duy nhất của gia đình” - bà Lạp nghẹn ngào nói.
Ở chung cùng ông bà nội nhưng gia đình Hiếu lại ăn riêng. Mỗi tháng ông bà nội chu cấp cho gia đình hơn 1 triệu nên việc ăn thịt và cá hàng tuần rất hiếm khi có trong bữa ăn của Hiếu bởi còn dành tiền chữa trị bệnh tật cho mẹ em.
Sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng suốt những năm học tiểu học và THCS, Hiếu luôn là học sinh giỏi của trường. Thi vào cấp ba, Hiếu đã đỗ cả 2 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Chu Văn An. Do sợ học trường Ams phải đóng nhiều tiền, gia đình đã bắt Hiếu học ở trường Chu Văn An. Hiếu đã nài nỉ gia đình cho học tại trường Ams và đã nhịn ăn gần 1 tuần để mong bà và mẹ chấp thuận cho ước nguyện của mình.
May mắn thay, ngay đầu năm nhập học, biết được hoàn cảnh gia đình Hiếu, thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 10 Bùi Văn Phúc đã kiến nghị lên nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp cho em. Để tiết kiệm, hàng ngày tới trường Hiếu mang theo âu cơm nhỏ với muối vừng để ăn bữa trưa.
Mẹ Hiếu gầy gò với gương mặt xanh xao, sau nhiều năm chạy thận chỉ còn 35kg, tâm sự: “Gia đình tôi sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương của ông bà nội. Hàng tháng, gia đình có thêm trợ cấp 250.000 đ/tháng của phường theo chế độ hộ nghèo. Thương mẹ, Hiếu nhiều lần xin phép tôi cho đi làm thêm nhưng tôi không muốn để cháu tập trung vào học tập. Tiết kiệm, Hiếu chỉ ăn cơm muối vừng và nhiều lần lén tôi nhịn ăn sáng nên nó gầy lắm. Bị mẹ mắng, Hiếu bảo với tôi: phải ăn dè mẹ ạ, phải tiết kiệm thì bữa sau mới có. Khi Hiếu học lớp 3, tôi chạy thận trong bệnh viện, Hiếu đã kêu gào bác sĩ cứu mẹ cháu với. Hiếu là động lực cuối cùng để tôi cố gắng sống, làm chỗ dựa động viên cho con học tập”.
Sau bài Văn Hiếu viết, cô giáo dạy văn Đặng Nguyệt Anh đã không cầm nổi nước mắt vì không nghĩ Hiếu lại khó khăn đến như vậy. Cô và các bạn học trong lớp đã làm ruốc để giúp đỡ Hiếu trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời cô đã kiến nghị Hội đồng trường cùng quyên góp hỗ trợ Hiếu. Mặc dù hoàn cảnh như vậy nhưng Hiếu vẫn lạc quan và tham gia nhiều chương trình tình nguyện như “Chương trình Thắp sáng bản em”, “Nhịp đập mùa thu”… giúp đỡ trẻ em nghèo lang thang cơ nhỡ, trẻ em là nạn nhân của chất độc màu da cam, dioxin, nhặt rác tình nguyện…
Hiếu tâm sự: “Khi cô giáo ra đề đề văn nghị luận Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, em viết những gì luôn thường trực, ám ảnh trong đầu em. Em đã từng nghĩ đến việc bỏ học để đi làm thêm nhưng em lại nghĩ phải có kiến thức thì mới làm được việc. Có buổi tình nguyện, chúng em chỉ ăn bánh quy và uống nước để tranh thủ làm việc nhưng em thấy rất thú vị và em yêu thích công việc này vì nó rất cần thiết. Tuy nghèo nhưng em còn may mắn hơn rất nhiều người, nhiều em bé bất hạnh khác vì em còn bố mẹ, ông bà”.
“Chính việc làm từ thiện được gần với những người nghèo khó miếng ăn cũng không có, em thấy cuộc sống nhiều khi quá bất công và tăm tối nên bắt buộc em phải hành động và hành động. Em phải sống, phải cố gắng học tập, phải chấp nhận cuộc sống để giúp đỡ gia đình và những người có hoàn cảnh nghèo khó hơn mình” – Hiếu quả quyết.
Ước mơ của Hiếu là theo học ngành có ứng dụng thực tế và điều đó thôi thúc em học tập để đi du học và đó là cách để em đạt được ước nguyện của mình.
Nguyễn Trung Hiếu cao 1,7m nhưng chỉ nặng 43 cân. Thế nhưng cậu luôn cố gắng để đạt kết quả cao nhất trong học tập.Cao 1m7 mà chỉ nặng 43 kg, Hiếu gầy và xanh nhưng nghị lực sống của em luôn mãnh liệt và luôn hy vọng vào cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp và luôn giúp đỡ người khác.Tâm sự với chúng tôi, cô Đào Phương Thảo – cô giáo chủ nhiệm lớp của Hiếu cho biết: “Hoàn cảnh của em Hiếu rất đáng thương, nghèo, trong gia đình không còn ai có sức lực để lao động. Tuy vậy, nhưng Hiếu rất chăm ngoan, học giỏi và giàu ý chí. Chúng tôi giúp đỡ em cũng rất tế nhị vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý của em. Tôi luôn căn dặn các em học sinh, lớp là nhà, bạn bè là anh em nên cần giúp đỡ nhau nên Hiếu cũng không bị mặc cảm ở lớp”.
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 31 Tháng 1 2016 16:31 )
"GOM" TẤT CẢ TÀI KHOẢN VÀO MỘT MỐI VỚI PASSWORD BANK VAULT
Thứ sáu, 22 Tháng 3 2013 09:40
Quế Trân
Menu Dọc -
Trao Đổi
Là người thường xuyên sử dụng Internet, chắc hẳn bạn sẽ có nhiều tài khoản trực tuyến như mail, blog, mạng xã hội, diễn đàn và các tài khoản giao dịch trực tuyến qua ngân hàng… Chẳng may, bạn lỡ quên một trong số những tài khoản đó, mà trước đó bạn không thể viết mật khẩu vào giấy rồi cất đâu đó trong tủ, càng không thể lưu các mật khẩu thuần text trong máy tính mà không có các biện pháp bảo mật nào cho file text này, vì nếu lỡ ai đó xem được chúng thì nguy, đặc biệt là với các tài khoản liên quan đến giao dịch ngân hàng.
Nếu gặp phải trường hợp này, bạn hãy sử dụng Password Bank Vault (PBV), chương trình quản lý tất cả tài khoản của bạn từ các tài khoản web, email, tài khoản FTP, tài khoản giao dịch ngân hàng, bản quyền các software… Tất cả tài khoản lưu trong PBV sẽ được mã hóa theo chuẩn 128 bit và lưu vào một nơi bí mật trong máy, đảm bảo chúng luôn được an toàn và chỉ có bạn mới có thể truy xuất được khi biết mật khẩu master.
Đầu tiên, download Password Bank Vault về tại địa chỉ http://goo.gl/IBZsS, dung lượng 3.1 MB, chạy tốt trên Windows, Mac và cả Linux.
Sau khi cài đặt thành công, bạn khởi động chương trình, lúc này chương trình yêu cầu bạn nhập mật khẩu master để login, mật khẩu mặc định là 1234. Sau khi login thành công, bạn phải đổi mật khẩu này đi, bằng cách nhấn chọn biểu tượng Password Generator trên thanh công cụ.
Lưu các tài khoản vào PBV
Trong giao diện chương trình, bạn sẽ thấy PBV có 5 tab chính bao gồm: Web logins: lưu các tài khoản web như diễn đàn, mạng xã hôi, blog… Tab Email or FTP Account: lưu tài khoản email hoặc tài khoản FTP. Tab Bank Accounts and PIN's: lưu tài khoản giao dịch thông qua ngân hàng hay mã PIN ATM… Tab Software Purchase: key bản quyền các software. Tab Other: các tài khoản khác. Tùy nhu cầu mà bạn chọn nhóm tài khoản cho thích hợp. Để thêm mới một tài khoản bất kỳ vào nhóm tài khoản, bạn chọn nhóm tài khoản đó, rồi nhấn vào biểu tượng New, sau đó nhập đầy đủ các thông tin tài khoản vào hộp thoại Data Insert Window, nhập xong nhấn Save Data để lưu lại. Nếu muốn chỉnh sửa lại thông tin tài khoản, bạn chỉ việc nhấn Edit hay để xóa tài khoản nào đó bạn chọn Delete.
Sao lưu và khôi phục các tài khoản đã tạo
Nếu bạn muốn sao lưu tất cả tài khoản đã tạo trong PBV để đem chúng sang một máy tính khác hay sao lưu dự phòng, phòng khi bị máy tính bị sự cố thì có thể khôi phục lại được. Để thực hiện, bạn nhấn chọn biểu tượng Backup, ngay lập tức tất cả dữ liệu sẽ được lưu lại, file backup có phần mở rộng là PSD và chỉ file này đã được mã hóa, chỉ có thể mở bằng chính PBV mà thôi, nên bạn cứ yên tâm nếu chẳng may file backup này có lọt vào tay người nào khác thì họ cũng không thể xem nội dung bên trong nếu không mở bằng PBV và biết mật khẩu master. Mặc định file backup sẽ được lưu cùng thư mực với thư mục cài đặt chương trình. Tương tự để khôi phục file đã backup trước đó, bạn nhấn chọn biểu tượng Restore.
Ngoài ra, PBV còn hỗ trợ xuất các tài khoản đã lưu thành file Excel. Nếu các tài khoản đã lưu trước đó không quan trọng hoặc không gồm mật khẩu thì bạn có thể sử dụng chức năng này. Tùy nhu cầu sử dụng mà bạn quyết định có nên export ra file CSV hay không.
Hy vọng với PBV tất cả tài khoản quan trọng của bạn sẽ được bảo vệ an toàn trước những nguy cơ gây mất mác tài liệu.
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 31 Tháng 7 2015 14:33 )
|
|