QUẢNG BÌNH - NHỮNG TRANG SỬ VÀNG
Thứ tư, 29 Tháng 5 2013 04:15
Nguồn: Ngô Quang Dũng (ST)
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
A- Thời kỳ chống Pháp
A.1- Chiến công trong chống Pháp:
- Quân dân tỉnh ta đã đánh 6.140 lớn nhỏ.
- Giết và bắt sống: 9.957 tên địch (trong đó có 1 trung tá,4 thiếu tá, 11 đại úy, 16 trung úy, thiếu úy, 10 đồn trưởng).
- Thu 8 máy vô tuyến điện, 732 súng các loại phá hỏng 118 xe quân sự, bắn bị thương 1 máy bay, phá hủy 3 ca-nô.
- Tuyên dương 3 anh hùng: Lâm Úy, Cao Thế Chiến, Trương Văn Ly.
A.2- Những ngày lịch sử:
- Ngày 02-7-1945: Hội nghị cán bộ các cơ sở Đảng trong tỉnh họp ở chùa An Xá (Lệ Thủy) chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
- Ngày 04-7-1945: Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh họp tại Trại sản xuất An Sinh (Trường Thủy - Lệ Thủy) triển khai nhiệm vụ khẩn cấp, thống nhất lực lượng, lấy tên "Việt Minh cô Tám", bầu Ban chấp hành Việt Minh 7 người và lập tờ báo "Vì nước’’.
- Đầu tháng 8-1945: Tỉnh bộ Việt Minh dời trụ sở từ Trung Lực - Mỹ Thổ về Võ Xá gần thị xã Đồng Hới.
- Ngày 17-8-1945: Hội nghị cán bộ Việt Minh họp tại Đồng Hới nghe đồng chí Tố Hữu truyền đạt lệnh của Trung ương về Tổng khởi nghĩa.
- Ngày 23-8-1945: Khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Đồng Hới và các huyện trong tỉnh.
- Ngày 27-12-1945: Đội quân Nam tiến của Quảng Bình lên đường.
- Ngày 27-3-1947: Quân Pháp tấn công vào cửa Nhật Lệ, cửa Sông Gianh, 27-3 trở thành ngày Quảng Bình kháng chiến.
- Ngày 30-3-1947: Quân Pháp tiến đánh Lệ Thủy.
- Ngày 07-4-1947: Quân Pháp đánh ra Bố Trạch và Thổ Ngọa (Quảng Trạch).
- Ngày 10-4-1947: Quân Pháp đánh chiếm Minh Lệ, Tiên Lệ (Quảng Trạch), 15-4 chiếm Ba Đồn. Sau đó đánh làng Cự Nẫm.
- Ngày 17-4-1947: Quân Pháp đánh lên Minh Cầm (Tuyên Hóa)
- Ngày 25-4-1947: Pháp đánh vào làng Hòa Duyệt.(Bố Trạch)
- Ngày 13-7-1947: Chúng sát hại 45 bà con tản cư ở Thuận Đức (Đồng Hới), 24-7, chúng tấn công Rào Trù (Quảng Ninh) đốt phá bệnh viện, giết 30 người, 29-11 chúng tàn sát thảm khốc 300 người ở Mỹ Trạch Thượng (Mỹ Trạch Thượng), thiêu hủy 400 ngôi nhà.
- Ngày 12-8-1947: Tỉnh ủy mở hội nghị tại Thuận Đức bàn việc củng cố tổ chức Đảng và thống nhất lãnh đạo phong trào. Hội nghị có tính chất như một Đại hội. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh được cử làm Quyền Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Hồng Xích Tâm, Nguyễn Đình Chuyên trong Ban Thường vụ.
- Ngày 28-7-1947: Đồng chí Hoàng Văn Diệm được Ủy ban kháng chiến hành chính Khu IV quyết định cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Bình.
- Ngày 02-9-1949: Trung đoàn 18 được thành lập tại Còi (Tuyên Hóa) gồm 2 tiểu đoàn 274 và 436.
- Ngày 20-7-1948: Tổ dân quân do xã đội trưởng Nguyễn Đăng Thái xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã dùng mẹo "ôm hè" cướp được 3 khẩu súng của địch giữa ban ngày, mở đầu cho phong trào "ôm hè", tay không cướp súng giặc trong toàn tỉnh.
- Năm 1947: Tỉnh ta có các tờ báo "Thống nhất" cơ quan của Hội Liên Việt, tờ "Công giáo kháng chiến’’ cơ quan Giáo vận, tờ ’’Inforlnation" của cơ quan tuyên truyền địch vận.
- Ngày 06-01-1948: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất họp tại thôn Đại Hòa (Tuyên Hóa) có 56 đại biểu đại diện cho 983 đảng viên toàn tỉnh về dự. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Ngày 07-01-1948: Địch cho 100 quân nhảy dù xuống Bang đốt phá nhà cửa, giết 10 người và bắt đi 30 người.
- Tháng 6-1948: Ủy ban kháng chiến hành chính Khu IV phát động thi đua ái quốc, xây dựng nhiều làng chiến đấu như Cự Nẫm.
- Ngày 12-7-1948: Pháp huy động 500 bộ binh phối hợp với quân nhảy dù với 28 xe, 8 ca nô mở trận càn quét lớn ở vùng Ròn và làng Cảnh Dương. Dân quân diệt 11 tên Pháp (có một quan ba).
- Ngày 10-8-1948: Quân ta phục kích đánh địch tại Tiên Lương (Quảng Trạch) diệt 17 tên, có 14 tên Pháp. Ba tên Nguyễn Hữu Nhơn, tỉnh trưởng, Hoàng Toản, tỉnh phó, Tôn Thất Cảnh, huyện trưởng Quảng Trạch đã bị chết trong trận này.
- Ngày 14-5-1949: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 họp tại Kim Bảng (Minh Hóa), 90 đại biểu thay mặt cho 4.698 đảng viên đã về dự. Đồng chí Võ Thúc Đồng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Ngày 15-7-1949: Được cuộc họp Tỉnh ủy bất thường quyết định làm ngày "Quảng Bình quật khởi’’ mở đầu tuần lễ ’’Tích cực cầm cự, chuẩn bị Tổng phản công’’ trên đất Quảng Bình. Tờ báo ’’Dân muốn’’ đổi thành tờ "Đánh mạnh’’.
- Ngày 16-7-1949: Dân quân Lộc Long (Quảng Ninh) đã phục kích địch từ đồn Xuân Dục về càn, nổ quả bom làm tên đồn trưởng bị thương nặng, nhiều tên khác bị thương, mở màn chiến dịch Quảng Bình quật khởi.
- Ngày 25-12-1949: Quân ta chống càn thắng lợi ở Thạch Xá (Lệ Thủy) diệt và làm bị thương 30 tên, bắt sống 51 tên, thu 60 súng, phá hủy 7 xe.
- Ngày 31-12-1949: Binh sĩ làm binh biến ở đồn Cổ Hiền (Quảng Ninh) diệt 3 sĩ quan Pháp.
- Ngày 27-02-1950: Chiến thắng Phú Trịch (Quảng Trạch) ta diệt 120 tên địch, bắt sống 10 tên, bắn cháy 4 ca nô.
- Tháng 5-1950: Chiến thắng Xuân Bồ, ta diệt 200 tên địch trên sông Kiến Giang. Xuất hiện gương anh hùng Lâm Úy.
- Ngày 25-5-1950: Công an thị xã diệt tên Lưu Đức Trừng, Trưởng ty an ninh của địch tại nhà riêng ở Đồng Hới.
- Ngày 02-7-1950: Tỉnh ủy mở hội nghị Đảng vụ bàn về dân chủ đấu tranh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên.
- Ngày 21-10-1950: Trận lụt lịch sử gây hậu quả nghiêm trọng: 137 người chết, mất 50% tài sản nhà cửa, hàng ngàn gia súc, chủ yếu là ở Lệ Thủy.
- Ngày 11-8-1951: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 3 họp tại Bến Tiêm (chiến khu Quảng Ninh) có gần 200 đại biểu vùng tự do và địch hậu về dự. Đồng chí Trương Văn Địch được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Nháng 12-1951, trước áp lực của quân dân ta, địch buộc phải rút đồn Cự Nẫm và một số đồn bốt trong tỉnh.
- Ngày 15-02-1952: Đánh địch ở ngoài đồn Sen Hạ, diệt 12 tên, bắt sống 2 tên, thu 7 súng.
- Ngày 25-3-1952: Đánh địch càn quét vùng Vạn Lộc - Hoàn Lão, diệt 250 tên.
- Ngày 19-5-1952: Trung đoàn 95 san bằng đồn Sen Bàng, diệt và bắt toàn bộ quân địch, giải phóng 3.500 giáo dân.
- Ngày 31-5-1952: giải phóng Ba Đồn và Mỹ Hòa, diệt và làm bị thương 180 tên địch, thu 200 súng, 5 tấn đạn.
- Ngày 11-7-1952: Tiêu diệt lô cốt Lộc Đại (Quảng Ninh nay thuộc thị xã Đồng Hới).
- Đầu năm 1953: Diệt các đồn Võ Xá, Thạch Xá Hạ.
- Ngày 06-4-1953: Diệt các đồn Bình Phúc, Mỹ Phước.
- Ngày 20-3-1954: Ta diệt đồn Thượng Phong (Lệ Thủy).
- Ngày 07-5-1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
- Ngày 02-7-1954: 6.000 dân Hoàn Lão (Bố Trạch) biểu tình chống địch đàn áp khủng bố, đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ.
- Ngày 25-7-1954: Ta diệt gọn vị trí Bến Mốc (Lệ Thủy)
- Ngày 01-8-1954: Lệnh ngừng bắn được ban hành trong toàn tỉnh. Thành lập ủy ban quân chính do đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Phó bí thư kiêm Chủ tịch.
- Từ 01 đến 06-8: Địch rút đồn Am Tiến, Vạn Lộc, Cồn Trụm, Lý Hòa, Trần Xá, Đức Phổ, Vĩnh Tuy, Lệ Kỳ, Tuy Lộc.
- Ngày 11-8: Địch rút Hoàn Lão, Chánh Hòa,
- Ngày 17-8: Địch rút khỏi Thanh Khê
- Ngày 18-8-1954: Tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cửa biển Nhật Lệ. 15 giờ cùng ngày bộ đội và nhân dân ta vào tiếp quản thị xã.
- Ngày 20-8-1954: Ủy ban quân chính ra mắt.
- Ngày 02-9-1954: Mít tinh lớn tại thị xã chào mừng thắng lợi sau 9 năm kháng chiến gian khổ.
(Từ khi nổ súng kháng chiến cho đến khi kết thúc là 7 năm 4 tháng 23 ngày).
B- Thời kỳ chống Mỹ:
B.1- Chiến công trong chống Mỹ:
- Bắn cháy, bắn rơi 704 máy bay các loại của Mỹ
- Bắn cháy, bắn chìm 86 tàu chiến địch
- Đánh tan 41 toán gián điệp, biệt kích.
- Tiêu diệt và bắt sống 119 tên.
- Được tặng thưởng:
+ 1 Huân chương Độc lập hạng nhất
+ 2 Huân chương Độc lập hạng nhì.
+ 979 Huân chương các loại.
B.2- Các anh hùng được tuyên dương:
Lực lượng vũ trang: Phạm Bá Hạt, Trần Thị Lý, Nguyễn Hữu Ngoãn, Nguyễn Thế Mật, Thái Văn A, Trịnh Xuân Bảng, Cao Lương Bằng, Hồ Phòm, Trần Phước Yên (liệt sĩ), Nguyễn Trọng Tấn (liệt sĩ), Phạm Văn Lái.
Anh hùng lao động của các ngành: Lê Văn Hiến, Trương Thị Diên, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Tương, Hồ Bá Thọ, Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Kim Huế, Võ Xuân Nở, Nguyễn Văn Số, Lê Trạm, Nguyễn Thị Khíu, Trần Chí Thành, Đinh Thị Thư Hiệp, Võ Xuân Khuể Ngô Mốc.
B.3- Những ngày lịch sử:
- Ngày 16-6-1957: Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh
- Tháng 9-1957: Ta bắt gọn bọn phản động "Đảng Việt Hưng’’ hoạt động ở Quảng Trạch, Minh Hóa.
- Ngày 23-5-1960: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (vòng 1) họp tại Đồng Hới có 169 đại biểu tham gia.
- Ngày 26-5-1960: HTX Đại Phong được công nhận là lá cờ đầu nông nghiệp toàn miền Bắc.
- Ngày 13-3-1961: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (vòng 2) đồng chí Nguyễn Tư Thoan được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Ngày 02-6-1961: Máy bay Mỹ thả 3 tên biệt kích xuống vùng núi Cây Lim (Bố Trạch) bị ta tóm gọn.
- Ngày 14-6-1962: Biệt kích người nhái đột nhập vùng biển Ngư Thủy.
- Ngày 30-6-1962: 16 tên biệt kích đột nhập cửa sông Gianh. Ta bắt gọn cả toán.
- Ngày 02-01-1963: Toán biệt kích đột nhập Khe Lũy (Đèo Ngang) cả 8 tên đều bị tóm gọn.
- Ngày 06-01-1963: Năm tên biệt kích nhảy dù xuống Tân Kiều (Minh Hóa) đều bị bắt.
- Ngày 27-3-1963: Thành lập Báo Quảng Bình.
- Ngày 06-8-1963: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 có 215 đại biểu tham gia. Đồng chí Nguyễn Tư Thoan được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Ngày 15-9-1963: Toán biệt kích 10 tên nhảy dù xuống Trường Sơn (Quảng Ninh) bị ta tóm gọn.
- Tháng 10-1963: Tên gián điệp Dương Chức từ miền Nam ra hoạt động bị dân quân Sen Thủy vây bắt.
- Năm 1963: Ngành văn hóa thông tin Quảng Bình được Bộ VHTT công nhận là đơn vị xuất sắc nhất miền Bắc.
- Ngày 27-3-1964: Tại hội nghị Chính trị đặc biệt, Hồ Chủ tịch kêu gọi "mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt’’
- Ngày 19-6-1964: 10 tên biệt kích nhảy dù xuống Cha Mác xóm Cục (Minh Hóa) ta bắt 9 tên, diệt 1 tên.
- Đêm 30-6-1964: 20 tên biệt kích tập kích vào cửa Nhật Lệ. Anh Trương Pháp dũng cảm hy sinh. Ta diệt 1 tên, làm bị thương 3 tên khác .
- Ngày 15-7-1964: 23 tên biệt kích đột nhập Nam Lãnh, Bắc Ròn. Ta diệt 1 tên, số còn lại bỏ chạy.
- Đêm 31-7-1964: Tàu Ma Đốc của Mỹ qua vùng biển Đèo Ngang, hòn Mát, Lạch Trường do thám.
- Đêm 03-8-1964: Tàu địch bắn phá cửa Ròn và khu vực Đèo Ngang.
- Ngày 04-8-1964: Máy bay Mỹ đánh phá cảng Gianh, Cửa Ròn.
- Ngày 05-8-1964: Quân dân vùng sông Gianh và Ròn bắn rơi 8 máy bay địch, mở đầu trang sử chiến thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở tỉnh ta.
- Ngày 18-11-1964: Đại đội 3, Nguyễn Viết Xuân (chính trị viên) trước lúc hy sinh, hô vang khẩu hiệu ’’Nhằm thẳng quần thù mà bắn".
- Đêm 22-1-1965: Tàu chiến Mỹ ngụy thả biệt kích và bắn vào Đồng Hới.
- Ngày 07-02-1965: (chủ nhật, mồng 6 tết) máy bay Mỹ đánh Đồng Hới. Ta bắn rơi 4 máy bay, phi công Đích-Xơn chết chìm dưới biển Nhân Trạch. Xuất hiện gương Lê Ngọc Lễ, mẹ Suốt.
- Tối 10-02-1965: 7.000 dân thị xã và 40 cơ quan cấp tỉnh sơ tán khỏi thị xã.
- Ngày 11-02-1965: 60 máy bay Mỹ đánh Đồng Hới và các vùng phụ cận. Quân dân ta bắn rơi 6 máy bay, bắt sống thiếu tá Su-mêch-cơ, phi công vũ trụ Mỹ,
- Ngày 02-3-1965: 160 lần chiếc máy bay Mỹ đánh phá cảng Gianh và nhiều nơi trong tỉnh. Quân dân ta bắn rơi 11 máy bay Mỹ. Đây là chiến thắng giòn dã nhất.
- Ngày 25-3-1965: Quân dân vùng miền Tây (có đường 12A) bắn cháy 7 máy bay. Xuất hiện gương Đinh Thị Thu Ngà.
- Ngày 31-3-1965: Hồ Chủ tịch tặng cờ thi đua luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" cho lực lượng vũ trang tỉnh ta.
- Ngày 04-4-1965: Địch đánh phá cầu Dài và vùng quanh thị xã. Xuất hiện gương Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Số (bưu điện).
- Ngày 17-4-1965: Đồn 111 bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 200 trên miền Bắc.
- Đêm 20-4-1965: Tổ tự vệ công trường Cẩm Ly (Lệ Thủy) do Trần Quốc Thản chỉ huy, bắn rơi chiếc AD6. Đây là chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ban đêm bằng súng bộ binh đầu tiên trên miền Bắc.
- Ngày 28-4-1965: trận đánh ác liệt trên sông Gianh giữa 5 tàu hải quân ta và máy bay Mỹ. Quân dân ta đã chiến đấu dũng cảm. Xuất hiện gương Lê Văn Hiến (Quảng Phúc), Trương Thị Diên (Thanh Trạch).
- Ngày 24-6-1965: Tổ dân quân do Trần Văn Đương (Quảng Long) chỉ huy đã bắn rơi 1 chiếc F105 bằng súng trường. Tổ tự vệ Nguyễn Thị Thụ (12A - Minh Hóa) dùng súng trường hạ 1 máy bay A4D.
- Ngày 17-7-1965: Bác Hồ gửi thư khen quân dân tỉnh ta bắn rơi 100 máy bay Mỹ. ’’Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi".
- Ngày 29-8-1965: Bác Hồ ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho quân dân Quảng Bình.
- Cuối năm 1965 tại Đại hội thi đua ở Xuân Hòa (Lệ Thủy), Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua "hai giỏi".
- Ngày 11-01-1966: Ta tóm gọn toán biệt kích gồm 15 tên nhảy dù xuống khe Giữa (Hàm Nghi - Đình Phùng - Lệ Thủy).
- Tết Nguyên Đán 1966: Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm tỉnh ta.
- Ngày 06-3-1966: 10 tên biệt kích mang mật danh "Kern" nhảy dù xuống Hóa Sơn (Minh Hóa). Sau gần 20 ngày, ta truy lùng và diệt một số, số còn lại bắt sống.
- Tháng 6-1966: Bác gửi thư khen quân dân tỉnh ta bắn rơi 200 máy bay Mỹ.
- Tháng 7-1966: Khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc" xuất hiện đầu tiên ở Võ Ninh, 37 ngôi nhà đã dỡ xuống lát đường cho 100 xe qua. Đức Trạch, Hải Trạch có trên 150 gia đình tình nguyện dỡ nhà lót đường cầu Lý Hòa.
- Ngày 03-7-1966: Địch đánh phá đường 12 vùng Y Leng (Minh Hóa). Xuất hiện gương đơn vị TNXP 759 và Nguyễn Thị Kim Huế.
- Ngày 17-7-1966: Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. "Không có gì qúy hơn độc lập tự do".
- Kế hoạch K8, K10 bắt đầu từ tháng 8-1966: đã đưa 3 vạn cháu nhỏ và hơn l vạn bà con ra sơ tán ở các tỉnh phía Bắc.
- Ngày 22-9-1966: Tự vệ Xí nghiệp In bắn rơi một máy bay Mỹ.
- Ngày 25-10-1966: Bộ đội địa phương ra quân, bắn cháy tàu khu trục hạm Men-phít của Mỹ.
- Ngày 01-3-1967: Đại đội 8 pháo binh bắn bị thương tuần dương hạm Can-be-ra.
- Ngày 17-5-1967: Pháo binh bộ đội địa phương ta bắn cháy khu trục hạm số 39 của Mỹ.
- Đêm 27-7-1967: Nguyễn Thị Triển chỉ huy tổ trực chiến Hưng Thủy bắn rơi RF4C, loại máy bay trinh sát chụp ảnh ban đêm. Chị Triển được Bác tặng chiếc đồng hồ đeo tay.
- Ngày 30-7-1967: Dân quân Dương Thủy bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 300 ở tỉnh ta.
- Ngày 10-11-1967: Dân quân gái Võ Ninh và Đại Phong bắn rơi 2 chiếc F4H, bắt sống 2 giặc lái.
- Ngày 21-11-1967: Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập.
- Ngày 06-12-1967: Cô Nguyễn Thị Xuân (Quảng Phúc) một mình bắn rơi F4H bằng đại liên.
- Ngày 17-12-1967: Đội lão quân Đức Ninh bắn rơi chiếc F4H ban đêm. Dân quân gái Xuân Ninh 17 ngày bắn rơi 2 chiếc F4H.
- Ngày 07-02-1968: Đội nữ pháo binh Ngư Thủy lập công đầu, bắn cháy tàu chiến số 013 của địch. 27-3-1968 lại bắn cháy một chiếc nữa.
- Ngày 26-02-1968: Đoàn thuyền Cảnh Dương gồm 10 chiếc chở vũ khí vào tiếp tế cho chiến trường Trị - Thiên xuất phát.
- Ngày 14-5-1968: Toán biệt kích nhảy dù xuống làng Mô, ta bắt sống 4 tên, diệt tên toán trưởng, tên toán phó bị đồng bọn ăn thịt.
- Ngày 16-5-1968: Đội nữ pháo binh Ngư Thủy bắn cháy chiếc tàu khu trục Mỹ thứ ba. Đơn vị được Bác Hồ gửi thư khen, được thưởng Huy hiệu của Người và kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 25, Đại đội được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.
- Ngày 25-6-1968: Đại đội 367, dân quân Minh Hóa và đơn vị 280 bắn rơi l F4H. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 3.000 bị bắn rơi trên miền Bắc.
- Ngày 27-6-1968: Bác Hồ gửi thư khen quân dân tỉnh ta bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.000.
- Ngày 03-8-1968: Quân dân tỉnh ta bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 500 trên bầu trời tỉnh ta.
- Ngày 08-8-1968: Bác Hồ gửi thư khen chiến công đó.
- Ngày 01-11-1968: Chiến dịch VT5 vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam với lực lượng tham gia đông đảo nhất của toàn dân.
- Ngày 21-02-1969: Đại hội tổng kết phong trào thi đua "hai giỏi" tổ chức tại Ba Rền, có 1200 đại biểu tham gia.
- Đầu năm 1969: Khởi công xây dựng công trình thủy lợi Rào Nan có 1.035 người tham gia.
- Ngày 07-5-1969: Quân dân ta bắn rơi tại chỗ 2 chiếc F105 được Bộ Tổng Tư lệnh gửi điện khen.
- Đầu năm 1970: Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm tỉnh ta.
- Ngày 25-11-1971: Quân dân ta bắn rơi 7 máy bay, bắt sống 4 giặc lái.
- Mồng 2 Tết Nhâm Tý (1972) quân dân Lệ Thủy và đơn vị tên lửa 274 bắn rơi 4 máy bay. Dân quân Mai Thủy bắt sống 2 giặc lái.
- Ngày 05-4-1972: Mỹ cho tàu tuần dương và khu trục bắn 500 quả đạn pháo vào khu vực Đồng Hới, Bố Trạch.
- Ngày 06-4-1972: Mỹ cho máy bay, tàu chiến đánh phá nhiều nơi, gây lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai.
- Ngày 08-4-1972: Đại đội 8 bộ đội địa phương bắn cháy 1 tàu chiến Mỹ.
- Ngày 09-4-1972: Đại đội 10 bắn cháy cả tốp 3 tàu địch; đại đội 48 bắn cháy 1 tàu địch.
- Ngày 09-4-1972: Hai máy bay MIG l7 từ sân bay dã chiến Khe Gát (Bố Trạch) đã ném bom đánh hỏng nặng 2 khu trục hạm của Mỹ cách bờ Nhật Lệ 16 km.
- Ngày 20-4-1972: Quân dân Minh Hóa đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.500 trên miền Bắc được Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư khen.
- Ngày 23-4-1972: Tiểu đoàn 9 pháo cao xạ bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Tên trung tá giặc lái bị bắt sống tại Nông trường việt Trung.
- Ngày 29-5-1972: Tàu Hồng Kỳ 150 vào vịnh Hòn La chở 6.000 tấn gạo của nhân dân Trung Quốc vào giúp ta.
- Tháng 6-1972: Đại đội 8 bắn cháy 3 tàu chiến địch bên cửa Gianh.
- Ngày 08-6-1972: Máy bay B.52 đánh xã Hoàn Trạch trong lúc bị lũ, làm chết 57 người. Đánh bệnh viện Đồng Hới làm chết 33 bệnh nhân và nhân viên y tế.
- Ngày 27-6-1972: Tàu Hồng Kỳ 152 chở tiếp 6.000 tấn gạo đã đóng sẵn 4 lớp bao bì đến Hòn La. .
- Ngày 22-9-1972: Tàu Hồng Kỳ 162A chở vào Hòn La chuyến gạo thứ ba.
- Ngày 01-12-1972: Tàu Hồng Kỳ 162B chở 6.000 tấn gạo cuối cùng vào Hòn La.
- Ngày 02-8-1972: Dân quân Mai Hóa bắn cháy l máy bay Mỹ.
- Ngày 04-8-1972: Dân quân Lý Ninh bắn cháy 1 máy bay.
- Ngày 21-8-1972: Bộ đội tên lửa bắn cháy l B.52 trên bầu trời tỉnh ta.
- Đêm 29-8-1972: Máy bay B52 đánh vào Xí nghiệp In làm chết 3 người, bị thương 3.
- Ngày 07-11-1972: Dân quân Phú Trạch (Bố Trạch) bắn rơi chiếc F111A (cánh cụp cánh xòe) đầu tiên trên miền Bắc.
- Ngày 21-11-1972: Đơn vị 359 và dân quân Phú Thủy (Lệ Thủy) lại bắn rơi 1 chiếc F111A.
- Ngày 01-12-1972: Dân quân Lệ Thủy và đơn vị 214 bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 700 trên bầu trời tỉnh ta.
- Ngày 02-01-1973: B52 đánh vào xã Quảng Sơn (Quảng Trạch) làm chết l05 người, bị thương 109 người, 150 nóc nhà bị phá hủy. Đây là trận thảm sát nặng nề nhất của giặc Mỹ đối với nhân dân tỉnh ta.
- Ngày 13-01-1973: Mỹ ném bom sát hại 156 dân quân và công nhân đang làm nhiệm vụ tại nam phà Gianh (Thanh Trạch).
- Ngày 17-1-1973: Dân quân Ngư Thủy bắn rơi l máy bay không người lái của Mỹ. Đây là chiếc thứ 704 của Mỹ bị bắn rơi ở tỉnh ta và là chiếc thứ 4.181 bị bắn rơi trên miền Bắc.
- Ngày 27-01-1973: Ký kết hiệp định Pa-ri
- Ngày 17-6-1974: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 họp tại Đồng Hới, có 300 đại biểu. Đồng chí Cổ Kim Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Ngày 30-4-1975: Giải phóng hoàn toàn Miền nam
- Ngày 16-6-1976: Hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên
- Ngày 01-7-1989: Quảng Bình trở về địa giới cũ.
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 08:32 )
HANG TÁM CÔ
Thứ ba, 28 Tháng 5 2013 05:08
Theo: phunuonline.com.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Hang Tám Cô thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách thành phố Đồng Hới 55km về hướng Tây Bắc, hang đá nhỏ bé này ghi dấu sự hy sinh to lớn của lực lượng TNXP trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Hang Tám Cô nằm trên cung đường 20 – một phần của đường Trường Sơn huyền thoại, nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng TNXP đổ máu để giữ cho tuyến đường thông suốt. Ngày 14/11/1972, trước cửa hang Tám Cô, tám anh chị TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom. Đền tưởng niệm liệt sĩ hang Tám CôLúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi, họ chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá.
Ba chiếc xe tăng được điều đến với hy vọng cứu thoát những người trong hang. Xe tăng đồng loạt rú ga, dây cáp căng lên, bánh xích cày vào đá tóe lửa nhưng tảng đá vẫn trơ trơ. Một phương án khác được đưa ra: nổ mìn phá đá. Sau một hồi cân nhắc, người chỉ huy cao nhất lúc ấy đã không đồng ý vì ức ép của lượng thuốc nổ đủ để phá tảng đá khổng lồ đó gần như chắc chắn sẽ giết chết ngay lập tức những người trong hang. Đó là chưa kể đến lượng đá văng ra mặt đường sẽ làm ách tắc tuyến đường huyết mạch vào miền Nam. Dọn dẹp số đá này trong thời gian ngắn dưới sự oanh tạc điên cuồng của máy bay Mỹ sẽ tổn hao thêm rất nhiều xương máu. Cái giá phải trả cho việc này quá đắt so với hy vọng sống mong manh của tám người trong hang sau khi nổ mìn.
Những ngày tiếp theo, đồng đội của 8 anh chị TNXP vẫn liên tục quanh quẩn ở cửa hang. Họ mò tìm những khe hở, đường nứt của khối đá để luồn ống bơm nước, bơm sữa, đổ cháo nhưng không thành công. Sau 8 ngày đêm, các TNXP trong hang hy sinh… Danh sách liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô
Không như mọi người vẫn lầm tưởng, tên gọi hang Tám Cô đã có từ trước khi xảy ra sự kiện đau lòng trên. Theo người dân địa phương kể lại, hồi ấy trên cung đường này thường xuyên có một tiểu đội nữ TNXP làm nhiệm vụ phá bom thông đường. Mỗi khi có bom, hoặc những lúc nghỉ ngơi, cả tiểu đội thường vào hang đá này. Không hẳn lúc nào cũng có 8 nữ TNXP, nhưng bà con địa phương vẫn quen gọi là hang Tám Cô. Không ngờ con số tám oan nghiệt ấy lại gắn liền với hang: tám TNXP hy sinh sau tám ngày bị giam cầm trong hang. Ngày 16/5/2009, trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch nước ký quyết định công nhận Tập thể Anh hùng cho các TNXP hy sinh tại hang Tám Cô. Ngày hôm ấy, con số tám lại một lần nữa xuất hiện như một sự chứng giám linh thiêng, khi cây chuối trước cửa hang đột ngột nở ra đúng tám nải…Lưu bút của Chủ tịch nước tại hang Tám Cô
Những TNXP nằm xuống ngày ấy chắc chắn sẽ nở nụ cười khi biết hơn 30 năm sau, cách hang Tám Cô chỉ 20 km là bến thuyền vào động Phong Nha – di sản thiên nhiên thế giới với những đoàn khách du lịch tấp nập, là dòng sông Son với những làng quê yên bình hai bên bờ…Sau đây là một số hình ảnh về "Hang tám cô":
Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 08:20 )
ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TRIÊM: CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Thứ ba, 28 Tháng 5 2013 04:53
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Sau gần 40 năm ông Nguyễn Văn Triêm về sinh sống tại quê nhà, nhiều người dân ở Sơn Trạch (Bố Trạch) sửng sốt khi biết người hàng xóm của mình là một chiến sĩ tình báo. Với những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 3-2011, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh hùng Nguyễn Văn TriêmCho đến bây giờ, bác Nguyễn Văn Triêm vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi biết mình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Cũng dễ hiểu thôi bởi theo bác, đó chỉ là những hành động bình thường của “lính cụ Hồ” thời chiến. Thế nhưng khi nghe bác Triêm kể lại, những hành động ấy quả không hề bình thường chút nào. Năm 1960, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Triêm, quê ở Xuân Sơn, Sơn Trạch, Bố Trạch được lệnh nhập ngũ vào đơn vị T12, phòng 76, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu ( nay là Cục 25 – Tổng cục 2). Vốn nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt, lại thông thạo địa hình, Nguyễn Văn Triêm được tổ chức phân công làm nhiệm vụ chuyển tài liệu mật theo đường mòn Hồ Chí Minh đến các căn cứ của ta ở Cha Lo, Đèo Mụ Dạ, La Trọng, Bản Dinh, Cổng Trời... Bao nhiêu lần hành quân là bấy nhiêu lần đối diện với hiểm nguy, gian khổ, với sự sống, cái chết gần kề gang tấc. Đến năm 1967, trước đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ đặc biệt này, bác được tổ chức gọi ra Hà Nội phong quân hàm trung sỹ và được cấp trên cho theo khóa đào tạo nghiệp vụ tại trường trinh sát đặc công ở Sơn Tây. Anh hùng trong chiến đấu: Năm 1968, Mỹ ồ ạt đưa quân trực tiếp xâm lược và dùng không quân đánh phá ngày càng ác liệt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh leo thang đánh phá miền Bắc. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng quyết định giao nhiệm vụ cho Cục Tình báo chiến lược 76 phải tiến hành đánh tập kích một số sân bay của Mỹ tại Thái Lan nhằm ngăn chặn sự chi viện của chúng vào miền Nam, phối hợp với toàn chiến trường miền Nam tổng tiến công vào Sài Gòn. Vậy là cùng với 3 đồng chí nữa, trung sỹ Nguyễn Văn Triêm xung phong vào đội cảm tử đánh sân bay U đon ở Thái Lan. Sau nhiều tháng hành quân vượt qua địa hình hiểm trở, tổ phục kích của bác Triêm đã đến vị trí tập kết và tiến hành điều tra, trinh sát sân bay địch. Sân bay chiến lược B52 U đon cách thủ đo Bangkoh khoảng 600km về phía Nam. Để xác định và thống nhất được phương án hành động, song song với nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, vũ khí chiến đấu và trinh sát địa hình, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Bùi Thế Sách, tổ trưởng, bác Triêm đã phải hàng chục lần cải trang thành dân thường để tiềm nhập vào sâu trong sân bay trong sự canh phòng cẩn mật của địch nhằm xác định vị trí bố trí từng loại máy bay để tiện hành động. Đúng 21 giờ 30 phút ngày 26-7-1968, bằng chiến thuật đánh từ trong đánh ra, bảo vệ lẫn nhau trong quá trình rút lui và với 5kg thuốc nổ TNT, 2 khẩu AK, 2 súng ngắn giảm thanh, 8 đồng hồ hẹn giờ, 1kg kíp mìn và dây cháy chậm, tổ phục kích đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, đã phá hủy 1 máy bay vận tải C41, 2 chiếc F4, 1 chiếc trực thăng, tiêu diệt và làm bị thương 42 tên lính đồng thời phá hỏng đường băng của sân bay. Thắng lợi của trận đánh này có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn. Nó không những tiêu hao sinh lực địch, hạn chế sự tấn công bằng không quân Mỹ vào Bắc Việt Nam mà còn là đòn cảnh báo đế quốc Mỹ và quân chư hầu. Qua đó thông báo cho cả thế giới biết rằng, quân giải phóng nhân dân Việt Nam có thể tấn công quân xâm lược Mỹ và tay sai ở bất cứ nơi đâu, kể cả sào huyệt của chúng. Trận đánh đã trở thành huyền thoại của lực lượng tình báo quốc phòng và ghi dấu ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mưu trí sáng tạo, dám đánh và quyết đánh đế quốc Mỹ của bác Triêm cùng các đồng đội của mình. Những tưởng tất cả đã lùi vào dĩ vãng thì một ngày đầu năm 2010, có người ở đơn vị cũ tìm gặp bác. Vẫn theo cách của “lính tình báo gặp nhau”, bác không hề biết rằng, kể từ đây, mình sẽ trở thành một anh hùng. Bác bảo, cũng có lúc bác muốn chia sẽ với ai đó về những kỷ niệm gian khổ thời kháng chiến nhưng ngẫm lại, mình là lính tình báo, chỉ khi nào được đơn vị cho phép mới được nói. Và thế là hơn 30 năm sau, chiến công của bác mới được mọi người biết đến. Người thân, bè bạn, xóm làng mới hay rằng, lâu nay mình đang cùng sống với một vị anh hùng. Anh hùng trong cuộc chiến chống đói nghèo Năm 1975, bác Triêm phục viên xuất ngũ trở về quê hương gây dựng cơ nghiệp. Với bàn tay, khối óc của mình, hai vợ chồng bác đã phải gồng mình làm lụng để duy trì cuộc sống gia đình với 7 miệng ăn. Vừa kiêm nhiệm công việc thôn, xã, bác Triêm vừa tranh thủ mọi thời gian có thể để cày cuốc kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Vào thời cả đất nước khó khăn, gia đình bác cũng không phải là ngoại lệ. Đất đai canh tác thì có hạn. Phương tiện sản xuất lại không có. Lúa gạo làm được chẳng đủ ăn… Hợp tác xã giao bác phụ trách một máy bơm thì lại sơ suất để người ta trộm mất phải đền. Thế là gom hết tất cả những thứ có thể bán (kể cả quần áo cũ), bác lên tận những bản vùng dân tộc thiểu số đổi lấy tiền về trang trải cuộc sống gia đình. Không cam chịu đói nghèo, với ý chí, nghị lực sẵn có của người lính, bác đã vươn lên bằng cách khai hoang, phục hóa hàng chục ha đất trống, đồi núi trọc trồng cây, phát triển chăn nuôi. Bác bảo, chiến tranh, gian khổ, ác liệt, hiểm nguy thế mà mình vẫn vượt qua thì những khó khăn của “Cơm, gạo, áo, tiền” không thể làm mình gục ngã… Thế là bác đã quyết tâm và đã thành công thật. Từ chỗ chỉ khai thác quanh các triền núi để trồng lúa, trồng ngô, bác đã tiến dần lên các khu đồi trống để khai thác trồng cây công nghiệp… Đến bây giờ, gia tài bác có được không chỉ là ngôi nhà khang trang với những tiện nghi cần thiết, không chỉ là trâu, bò, lợn gà mà bác đã có đến 2 mẫu cao su chia đều cho 5 người con. Ngoài ra, bác còn giữ lại cho mình 6 sào ruộng, 6 sào cao su đang vào kỳ khai thác. Anh hùng trong chiến đấu. Anh hùng trong lao động sản xuất nhưng dường như bản chất của người lính tình báo đã ăn sâu vào máu thịt nên bác rất kiệm lời, khiêm tốn khi nói về mình. Có lẽ cũng bởi vậy mà khi được xã ưu tiên nâng cấp con đường vào nhà bác để đơn vị cũ về tổ chức “Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng” cho bác thêm phần long trọng thì bác lại chối từ với suy nghĩ thật sâu sắc, nhân văn: “Xã mình vẫn còn đó những hộ thiếu ăn.
Vẫn còn đó những trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người bị thiệt thòi do chất độc da cam… Nên ưu tiên họ trước”. Tấm lòng của vị anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Triêm thật đáng quý.Phương Hiền
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:56 )
"ÔNG ALÔ" XÃ QUẢNG HÒA
Thứ hai, 27 Tháng 5 2013 04:45
vietbao.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Ngày nắng cũng như mưa, cứ đúng 5h và 21h là ông Tùng buộc đồ nghề lên xe đạp, tay cầm micrô, vừa đẩy xe khắp xóm vừa đọc tin thời sự, các thông báo về sản xuất, thu nộp sản phẩm, tin về dân số... Khi nào mỏi miệng thì ông bật cassette thư giãn cho bà con bằng vài bài cải lương hoặc những ca khúc cách mạng. Ông Tùng ở thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) vốn là bộ đội. Xuất ngũ năm 1978, ông về quê với hàm chuẩn úy và muốn làm gì đó để giúp đỡ xóm giềng. Vậy là cùng với bộ loa, ampli, cassette, micro, ông tình nguyện đi khắp làng đọc tin tức phục vụ bà con. Sau 20 năm gắn bó với công việc, ông Tùng truyền tin đã trở thành nhân vật không thể thiếu trong đời sống của dân làng với cái tên trìu mến "ông alô". "Tui chọn đi đọc tin lúc 5h và 21h vì bà con đều tập trung tại nhà, lại thanh tịnh nên ai cũng nghe rõ được. Có bữa, người ta nghe không rõ, còn lao từ trong nhà ra kêu tui đọc lại. Khi nào rét quá, cứng hết quai hàm thì lại tạt vào nhà ai đó xin cốc trà nóng, hay làm chén rượu ấm bụng, rồi lại lên đường", ông kể về công việc của mình. Ở xã cũng có loa phát thanh, nhưng thường phát lúc bà con đi làm, không tập trung nên chẳng mấy khi nắm được thông tin.Ông Tùng "alô"
Có người cho rằng ông làm nghề này để kiếm tiền hay vì động cơ gì đó, ông thì chỉ nghĩ: "Tui tự nguyện làm tốt việc thông tin là vì ngày trẻ, mình từng bị kỷ luật vì ý thức trách nhiệm kém, nay về già sống với bà con, thì cố bù đắp lại. Thấy có ích cho chòm xóm thì làm, để mai mốt chết cho yên mộ cỏ. Vậy thôi chứ động cơ động kiếc gì".Ở xã, ông Tùng - bà Ninh là đôi vợ chồng già ham văn nghệ. Họ vừa hát song ca, diễn kịch, tuồng, múa lân... không bao giờ thiếu vắng ở các kỳ hội diễn ở huyện, xã. Hai ông bà sống trong ngôi nhà cũ kỹ, thấp tè với 8 sào ruộng khoán, mấy trăm nghìn phụ cấp bệnh binh hằng tháng, các con chưa có việc làm ổn định. Trong nhà, bộ bàn ghế xộc xệch, mấy cái giường tre đơn sơ, gió hun hút thổi ngược xuôi. Dành dụm được đồng nào, ông Tùng dồn hết vào việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị thông tin. Nhiều lúc ông chỉ ước có vài triệu đồng để tân trang lại bộ đồ nghề cho tiếng rõ hơn, vang to hơn, phục vụ bà con tốt hơn.
(Theo báo Việt Báo ra ngày 28/11/2002)
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:53 )
|
|