Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2323
mod_vvisit_counterHôm qua3489
mod_vvisit_counterTuần này19838
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này144369
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3090595

Có: 34 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

DẤU TÍCH KHO VÀNG CỦA VUA HÀM NGHI TRÊN ĐẤT QUẢNG BÌNH

Email In PDF.
Rời kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đến đất Minh Hóa (Quảng Bình) triển khai phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Khi phong trào thất bại, vua bị bắt,...
Rời kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đến đất Minh Hóa (Quảng Bình) triển khai phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Khi phong trào thất bại, vua bị bắt, nhưng những câu chuyện cùng với kho báu của vua vẫn được người dân lưu truyền.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu ghi lại, giữa tháng 10 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng triều đình từ đồn Sơn Phòng, tỉnh Hà Tĩnh di giá về Cơ Sa - Kim Linh, huyện Minh Hóa bây giờ. Vua và quan quân triều đình ngự giá đầu tiên ở xóm Sạt (nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt) ba ngày ba đêm. Tại đây, vua phong cho ông Đinh Văn Nguyên làm chức Các Lộ Chiến cùng với đội nghĩa quân người Nguồn của mình canh gác, bảo vệ nhà vua. Sau đó, vua di giá về xóm Đồng Nguyên (thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) một đêm rồi về lại xóm Lim (thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa) ở 8 ngày đêm.

Vua Hàm Nghi. Ảnh tư liệu.
Ông Đinh Sâm, 81 tuổi ở làng Ba Nương kể, trong những ngày ở xóm Lim, vua Hàm Nghi phong cho ông Đinh Văn Xán chức Bang Tá, lập văn phòng tiếp nhận chỉ dụ của vua gửi đi và tiếp nhận biếu tấu các nơi gửi đến. Với tinh thần trung quân, ái quốc, nhiều người Nguồn ở Ba Nương và các nơi đã chặt cây vàng lô (một loại cây có nhiều gai) rào xung quanh khu vực vua ở nhiều lớp, tạo nên một làng chiến đấu vững chắc, bảo vệ nhà vua cùng quan quân triều đình.
Ngày thứ tám ở xóm Lim, vua nhận được tin báo thực dân Pháp đang truy đuổi sắp đến xóm Trèng (thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc). Thấy tình thế ở đây không an toàn, ngay đêm đó, vua cùng quan quân triều đình chia làm ba đoàn hành quân thần tốc vào Ma Rai, xã Hóa Sơn, trên ba con đường. Đoàn phò vua chủ yếu là nghĩa quân người Nguồn do ông Bang Tá Đinh Văn Xán điều hành thay phiên nhau cõng nhà vua đi bằng con đường gần nhất là từ xã Xuân Hóa qua xã Hóa Hợp theo đường Pặn Chuối, dốc Ải rồi qua eo Lập Cập vào Ma Rai, xã Hóa Sơn.
Qua eo Lập Cập, vua lệnh cho một bộ phận ở lại do ông Đinh Văn Nguyên chỉ huy canh gác tại đây và eo Chò. Bộ phận này là một đội quân tinh nhuệ chủ yếu là người Nguồn, được trang bị nỏ và tên độc. Đoàn quân thứ hai do đô đốc Tả quan Trần Soạn hành quân vào xóm Dò - Sy Thượng (xã Hồng Hóa) về ngã ba Khe Ve. Đoàn thứ ba là đoàn nghi binh do Tôn Thất Thuyết chỉ huy. Trong đoàn này có ông Nguyễn Văn Nhuận, người từng dạy học cho vua đóng giả vua Hàm Nghi.
Vị "vua" này được cải trang như thật với áo ngự bào, đội vương miện, ngồi trên võng vàng và được 4 binh lính khiêng bằng đòn rồng. Ngoài ra, đoàn quân hộ giá của "vua" có cả voi, ngựa và một đoàn dân phu người Nguồn đi theo khiêng vác rương, hòm đựng châu báu và đồ dùng của vua đi từ Ba Nương ra Quy Đạt xuống Tân Lý rồi dừng lại ở thác Dài (xã Trung Hóa). Hôm sau, quân Pháp từ Quy Đạt kéo vào Ba Nương để bắt vua nhưng không gặp. Chúng chia ra hai cánh quân để truy kích nhà vua. Cánh thứ nhất đi theo đường cái đến thác Dài. Thấy quân Pháp đến, "vua" liền ngồi lên võng cho 4 lính khiêng chạy. Đến cửa Rục Mòn thì "vua" xuống võng cho lính cõng chạy được một quãng đường rồi bị bắt.
Một cánh quân thứ hai do Đại úy Huygo chỉ huy bắt ông Lý Bài (lý trưởng làng Ba Nương) đi trước dẫn đường đến eo Lập Cập. Đến đây, ông Lý Bài không chịu đi trước vì sợ quân ông Tác Bình (một người Nguồn bắn nỏ rất giỏi) bắn tên độc. Do đó, Huygo lệnh cho trung đội quân Pháp giương súng xông lên. Nhưng tất cả tên lính bước qua "yếu hầu" Lập Cập đều bị tên độc bắn trúng. Trong cuộc chiến đấu đó, quân Pháp bị chết và bị thương hơn một nửa.

Eo Lập Cập được xem như là cửa tử của quân Pháp khi tiến vào xã Hóa Sơn.
Tức điên, Huygo bắt ông Lý Bài phải xông lên, nhưng ông một lòng trung quân, ái quốc. Huygo đã giương súng bắn chết ông Lý Bài ngay tại chỗ rồi liều mạng xông lên. Ngay lập tức, tên đại úy này đã bị trúng hai phát tên độc của quân ông Tác Bình. Bị thương nặng, Huygo đành ra lệnh cho quân rút khỏi eo Lập Cập chạy về Bãi Đức. Tập trung quân lại, Pháp mới biết ông  "vua" bị bắt chính là thầy dạy học của vua Hàm Nghi, liền thả cho "vua" giả về quê với gia đình.
Những tháng năm ở Ma Rai, vua Hàm Nghi và quan quân triều đình được dân làng nhường nhà cửa, vườn nương cho vua làm việc, xây dựng căn cứ. Người dân Hóa Sơn đã chặt cây vàng lô rào làng chiến đấu, bảo vệ nhà vua. Vua cùng với triều đình xây dựng trận địa kháng chiến chống Pháp, phát triển phong trào Cần Vương trên đất Cơ Sa - Kim Linh và những vùng lân cận. Các căn cứ địa được vua xây dựng vững chắc tạo nên thế trận chiến đấu liên hoàn. Nghĩa quân các căn cứ địa này đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều quân Pháp, bảo vệ vua Hàm Nghi cho đến khi ông bị bắt sau hơn ba năm ở trên đất Minh Hóa.
Trước khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã cho đem vàng bạc châu báu đi giấu vào một thân cây cổ thụ tại vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau. Nhiều người cao tuổi ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, kể lại trong một trận lũ lớn tháng 8/1956, có cô gái tên Qúy đi xúc cá đã phát hiện ra nhiều tấm kim loại màu vàng trên bãi đất bồi bên vực Trẩy, khe Dương Cau, xã Hóa Sơn.
Sau đó, cô gái này về báo lại với gia đình và nhiều người trong thôn đã đến xem, cho rằng toàn bộ số kim loại đó là vàng của vua Hàm Nghi. Thông tin này đã nhanh chóng đến được với chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Lúc đó, xã Hóa Sơn đã chỉ đạo cho lực lượng dân quân, công an bảo vệ rồi thu gom vàng. Tổng cộng số vàng thu được là 240 kg, bỏ đầy 5 cái nong phơi lúa. Đó là những tấm vàng có hình chữ "Đại". Vàng được gom về tập kết tại sân nhà ông Phát gần đó rồi đem giao nộp cho Nhà nước.
Tuy nhiên, trước khi thu gom, có nhiều người dân đã lấy đi một số vàng đem về làm đồ dùng trong nhà như những thứ sắt, thép khác chứ họ không quan tâm đến giá trị của vàng. Nhiều người còn nói, cô gái tên Qúy đã lấy đi một lượng vàng khá lớn rồi đi vào miền Nam sinh sống đến nay vẫn chưa về.

Vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau ngày xưa có cây Pằn Nàng là nơi vua Hàm Nghi cất giấu vàng.
Bà Đinh Thị Bình, 78 tuổi ở thôn Đặng Hóa kể lại: “Hồi đó, bên cạnh vực Trẩy có một cây Pằn Nàng rất lớn, nhưng trong thân lại bị rỗng. Sau trận lụt lớn, cây này bị đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Khi lũ rút đi để lại rất nhiều vàng. Chính tôi đã nhặt được 5 chữ vàng rồi đem giao nộp và được cấp trên thưởng cho một bộ quần áo mới. Còn xã được thưởng ba con lợn với rất nhiều lúa gạo để ăn mừng”. Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng, có thể vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây Pằn Nàng đại thụ này.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có còn kho báu nào của vua Hàm Nghi nữa không? Điều này cũng rất khó trả lời chính xác. Thế nhưng, gần 30 năm qua, ông Nguyễn Hồng Công, một người từ TP HCM đã tiêu tốn biết bao công sức, tiền của để tìm kho báu với một tấm bản đồ không biết thực hư. Và trong suốt thời gian dài đó, ông đã nằm gai nếm mật trên núi Mã Cú, xã Hóa Sơn để tìm vàng. Nhưng đến nay, sức cùng lực kiệt ông vẫn không tìm thấy kho báu nào. Dù trước đó, ông từng hai lần tuyên bố tìm thấy kho vàng của vua Hàm Nghi.
Ông Đinh Tiến Hùng, một người cao tuổi ở thị trấn Quy Đạt, đã có nhiều công trình nghiên cứu về vua Hàm Nghi nhận định: “Chẳng còn kho báu nào của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn nữa cả. Tôi cho rằng, bản đồ mà ông Nguyễn Hồng Công đang cầm đúng là bản đồ thật, được vẽ ngay tại thời điểm cất giấu vàng. Nhưng bản đồ này chỉ là chiêu bài đánh lừa hậu thế và giặc Pháp của nhà vua”.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã vào cuộc nghiên cứu và kết luận ở khu vực ông Công đào vàng trên núi Mã Cú không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó bị xáo trộn như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó chỉ toàn là mạch đất nguyên sinh. Một số ý kiến khác lý giải thêm trong lúc đang bị giặc Pháp truy đuổi ráo riết như thế, vua và quan quân không đủ thời gian, điều kiện để đào cả ngọn núi chôn vàng. Trong cuộc hành trình của nhà vua từ Huế ra toàn đi bí mật ở địa hình rừng núi hiểm trở nên không cho phép mang vác cả một khối lượng của cải nặng đi theo nên chuyện mang cả kho báu là điều không thể.
Và trong thời khắc “dầu sôi lửa bỏng” như thế, có lẽ vua đã nghĩ nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất và quyết định chọn gốc cây Pằn Nàng để giấu hết toàn bộ số vàng.
Theo báo Quảng Bình
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 09:50 )
 

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ GIA ĐÌNH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Email In PDF.
GiadinhNet - Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy TW, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường. Đằng sau ánh hào quang của chiến trận oai hùng, người ta vẫn gặp một “anh Văn” rất thương vợ, yêu con.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1963).  (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)
Nghỉ ngơi mới là… mệt!
Tôi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của ông ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) khi chỉ còn ít ngày nữa là ông bước sang tuổi 104. Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý Đại tướng cho biết, sức khỏe của ông hiện vẫn ổn. Tuy Đại tướng không còn nói được nhưng ông vẫn nhận biết được những người vào thăm. Đại tá Nguyễn Huyên nói: “Hiện Đại tướng được các bác sỹ Bệnh viện 108 chăm sóc đặc biệt. Phải nói rằng công lao của các y bác sỹ ở đây rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng. Họ thay nhau trực bên giường Đại tướng không kể ngày đêm. 24/24h đều có người bên cạnh theo dõi”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là chỉ huy chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Ông cũng trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Sau khi thông báo về sức khỏe của Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên kể khá nhiều chuyện khi cụ còn khỏe mạnh. Điều ông ấn tượng nhất ở Đại tướng chính là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Ông nói: “Cụ là người rất hiếm có. Cụ đã làm việc một cách cần mẫn cả ngày nhưng đêm về cụ lại tiếp tục nghiên cứu. Anh em chúng tôi nhiều lúc nhìn mà xót. Khuyên cụ thi thoảng nên dành cho mình thời gian thảnh thơi để giữ sức khỏe thì cụ bảo: “Cậu tưởng cho mình nghỉ là mình khỏe à? Một ngày mà không có gì vào trong đầu thì còn thấy mệt hơn!”.
Mặc dù bận rộn nhưng Đại tướng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp những người dân bình thường nhất. Đại tá Nguyễn Huyên còn nhớ, có lần, đội cảnh vệ vào báo với anh em trong Văn phòng có một người thương binh đến cổng xin được gặp Đại tướng. Do chưa có lịch hẹn nên anh em khá băn khoăn. Thế nhưng, Đại tướng vẫn đồng ý gặp người thương binh ấy. Hóa ra, người thương binh quê ở tận Hải Phòng. Anh bắt xe khách lên Hà Nội và chỉ mong được gặp Đại tướng một lần. Sau khi gặp gỡ, người thương binh ấy đã khóc rưng rức, nói: “Giờ em về quê có chết cũng được rồi. Cả đời em chỉ mong được gặp anh một lần”…
Đại tá Nguyễn Huyên cũng kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Cụ sống khá giản dị và có thói quen ăn uống không cầu kỳ. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Cụ cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê cụ cũng ăn. Cụ cũng có sở thích trồng phong lan nên đến giờ trong vườn nhà vẫn còn hàng trăm giò phong lan. Chỉ tiếc rằng, chủ nhân của những giò lan ấy giờ không còn có thể trực tiếp hàng ngày chăm sóc, tưới tắm và ngóng đợi từng bông hoa bừng nở nữa.
Người chưa bao giờ cáu giận vợ con
Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai). Bà Quang Thái trở thành liệt sỹ năm 1946 và để lại một người con gái là Giáo sư Võ Hồng Anh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hôn với bà Đặng Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai. Bà Hà sinh được 4 người con cùng Đại tướng gồm 2 trai 2 gái. Hiện cả 4 người con này đều rất thành đạt.

Bà Đặng Bích Hà vẫn thường dành sự chăm sóc đặc biệt cho chồng. Ảnh: TL
Tính đến giờ, đã 4 năm Đại tướng phải nằm trên giường bệnh. Bà Đặng Bích Hà cùng các con cháu vẫn thường xuyên vào viện thăm. Nhắc đến bà Đặng Bích Hà, Đại tá Nguyễn Huyên cho biết đó là một người phụ nữ cư xử rất khéo léo và đúng mực. Ngay kể cả với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Giáo sư Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo và đối xử công bằng như với 4 người con ruột khác.
Có lẽ, chính vì thế mà suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, người cộng sự này chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Theo Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tướng cũng là người hết mực yêu thương vợ con. Tuy một tay bà Hà chăm sóc các con nhưng cụ vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con.
Linh tính người cha trong bậc thầy quân sự
Anh Lê Văn Hải, một cán bộ giúp việc trong Văn phòng Đại tướng cũng bảo bà Đặng Bích Hà là một người phụ nữ rất đặc biệt trong mắt anh. Bà tuy là phu nhân của một vị lãnh đạo cấp cao như Đại tướng nhưng lại có phong thái vô cùng mộc mạc, giản dị và cởi mở. Anh Hải cũng đã có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Văn phòng Đại tướng. Tuy còn trẻ tuổi nhưng theo thói quen, anh vẫn thường gọi Đại tướng là “anh Văn” – cái tên trìu mến và gần gũi mà cán bộ, anh em thường gọi.

Đại tướng và con gái Võ Hồng Anh. Ảnh: TL
Không chỉ anh Hải mà rất nhiều người gần cận đều ấn tượng về tình yêu thương vô bờ bến với con cái của Đại tướng. Ngày Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng ra đi mãi mãi (năm 2009) thì Đại tướng đang nằm điều trị trong Bệnh viện 108. Ấy là do trong một lần đi họp, cụ bị vấp phải cái thảm nên bắt đầu vào nằm điều dưỡng trong Bệnh viện 108. Khi ấy cụ còn khá khỏe. Lúc cô Hồng Anh bắt đầu bị bệnh, cả nhà lo lắng nhưng giấu Đại tướng. Đến hôm cô mất, cả nhà vẫn không ai nói cho cụ biết nhưng chẳng hiểu linh tính sao, tối ấy anh Hải vào thăm cụ thì đột nhiên cụ hỏi: “Hải, ở nhà có việc gì không?”. Anh Hải quay mặt đi nơi khác trả lời: “Dạ, mọi thứ vẫn bình thường anh ạ!”. Thế nhưng, cứ một lát sau cụ lại nhắc lại câu hỏi ấy. “Đến lúc tôi về, ra đến cửa, cụ lại gọi giật lại “Hải, lại đây anh hỏi!”. Và đến lần thứ 5, vẫn một câu hỏi ấy: “Ở nhà có việc gì không?”. Tôi vẫn không dám nói… Cho đến hôm sau thì gia đình mới quyết định cho cụ biết vì không thể giấu mãi. Có lẽ, bằng trực giác của người cha mà cụ linh tính có việc gì đó. Cụ thương cô Hồng Anh lắm. Cụ thương cô ấy vì mẹ mất sớm, ngày nhỏ lại không được gần cha mẹ…Sau ngày cô mất, cụ buồn lắm” – Anh Hải nghẹn ngào kể lại!
Sau lần đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải nằm trên giường bệnh với chế độ chăm sóc đặc biệt cho tới nay. Ngày 25/8 tới đây là sinh nhật lần thứ 104 của Đại tướng, người cha, người anh của quân đội anh hùng. Sự tôn kính mà thế giới cũng như đồng bào trong nước dành cho anh Văn vẫn mãi còn đó, không chỉ bởi đó là một vị tướng tài ba lỗi lạc mà còn bởi phong cách sống, những tình cảm đời thường dung dị trong đối nhân xử thế với bè bạn, gia đình và thuộc cấp của ông.
“Anh Văn có thói quen ăn nhẹ giữa bữa. Thông thường, đó là việc của anh em phục vụ. Tuy nhiên, bà cũng thường xuyên tự mình làm những việc đó như một cử chỉ ân tình với chồng. Đi đâu thì thôi chứ ở Hà Nội, dù có cách xa mấy, đến giờ là bà Hà lại mang bữa ăn lên cho Đại tướng. Trong gia đình, bà có công rất lớn trong việc chăm sóc và dạy bảo các con. Gia đình đầm ấm lắm. Tôi ấn tượng nhất là cảnh mỗi lần con cháu của Đại tướng gặp gỡ là lại chạy đến thơm lên má ông rất vui vẻ. Đó là hình ảnh không phải gia đình nào cũng có được”.
(Anh Lê Văn Hải, cán bộ giúp việc kề cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 09:46 )
 

11 ĐẶC SẢN QUẢNG BÌNH DÂN DÃ MÀ NGON MIỆNG

Email In PDF.
Quảng Bình không chỉ có bờ biển Nhật Lệ tuyệt đẹp, những hang động có một không hai mà còn bởi những món ăn nhớ mãi không quên.
1. Bánh xèo Quảng Hòa

Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.
Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng rồi đem xay, dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được hai lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa (vùng nam Quảng Trạch) làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một chút, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5 cm, đáy bằng phẳng.
Bếp làm có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới nở dậy, có hình hoa văn. Khi khuôn đã nóng, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ ba thì bánh khuôn đầu đã chín, cứ lần lượt làm như thế.
Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.
Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.
2. Khoai deo

Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên "sâm đất".
Khoai deo đã trở thành món ăn thú vị của nhiều tầng lớp - từ bình dân lao động đến những cô cậu học trò lén giấu trong cặp sách mang đến lớp và cả những nhân viên văn phòng “ngồi nhai cho đỡ buồn”. Chầm chậm để vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi, cái cung cách thưởng thức mộc mạc đó phần nào thể hiện tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn nhưng có chút chịu đựng, kham khổ.
3. Đẻn biển

Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách "thích mê" trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ.
Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó.
Hãy một lần nhấm nháp hương vị của rượu tiết đẻn, bạn sẽ cảm thấy cái vị ấm nồng và hơi chát hòa lẫn, tạo nên cảm giác rất khó quên. Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món ngon từ đẻn biển. Những con đẻn được làm sạch sẽ, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị trộn đều. Ướp được một lúc cho thấm thì đem cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút, chưa ăn đã thấy thòm thèm! Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về.
Nếu có dịp về quê hương Quảng Bình, đến tham quan những địa danh nổi tiếng như Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách đừng quên dừng chân bên bờ Nhật Lệ để thưởng thức món ram đẻn nóng hổi hay rượu đẻn thật đặc biệt nhé!
4. Cháo canh
Có lẽ cũng như phở với người Hà Nội, cháo canh gắn bó với người Quảng Bình như thức ăn không thể thiếu vào buổi sáng. Chỉ có điều nếu phở thưởng thức cả ngày lẫn đêm thì cháo canh chỉ bán một buổi. Món này cũng không bày bán nhan nhản như phở Hà Nội bây giờ (từ Bắc vào Nam, từ vỉa hè đến cửa hiệu) mà được chọn lọc bởi những cửa hiệu uy tín hay những thực khách sành sỏi.
Giống như tính cách người Quảng Bình mộc mạc, chân chất, về hình thức cháo canh không đẹp mắt và cầu kỳ như phở. Sợi mì được làm khá thô sơ (nhào mịn, cán mỏng và cắt sợi theo cách thủ công) nên sợi to và dày chứ không mềm, mỏng như bánh phở. Nước dùng nhiều và có màu vàng ươm của thịt cua, chứ không sền sệt như tô bánh canh cua.
Trong tô cháo canh có sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc... Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.
Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Tô cháo canh nóng hổi được trộn thêm những lát rau cải xanh sẽ điểm thêm màu sắc và hương vị tươi ngon. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi thưởng thức.
Ở TP Đồng Hới, cháo canh có thể ăn kèm với nem chả - dù hai thức này không hề ăn nhập với nhau. Sự kết hợp này có xuất xứ từ những người nông dân quê Mộ Trạch để thêm no bụng. Miếng nem chả giòn tan, thơm phức sẽ cuốn hút bạn thưởng thức, sau đó nhâm nhi nước dùng, rồi những miếng cá lóc còn nóng sốt.
5. Lẩu cá khoai

Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.
Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi.
Vừa nói năm ba câu chuyện, nồi nước đã sôi sùng sục trên ngọn lửa mạnh, lúc này mới gắp cá cho vào. Không nên cho hết cá vào nồi cùng lúc; một người ăn hai khúc một lượt, cứ cộng lại rồi cho vào, hết lượt này đến lượt khác. Không để cá quá chín vì sẽ nát ra và mất hết chất; chỉ cần sôi lên một chút là vớt ra chén. Ăn ngay sau khi bớt nóng, đừng để nguội cá sẽ tanh.
6. Bánh lọc bột sắn, tôm sông

Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.
Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.
Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.
Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa. Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới, được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.
Ở Quảng Bình ngon nhất là bánh lọc của mệ Xá Đồng Hới. Loại bánh dày công, đủ chất bổ dưỡng ấy lại rất rẻ. Chỉ vài chục nghìn là cả nhà có thể có được bữa liên hoan hoặc mang đi xa thành một món quà quý.
7. Ruốc tháng sáu

Con ruốc, người miền Bắc gọi là moi, người trong Nam gọi là con khuyếc, thuộc loại nhuyễn thể. Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất. Ngạn ngữ Đồng Hới nói: "Ruốc tháng sáu là máu rồng". Đó là một cách nói ẩn dụ, hàm ý rằng ruốc tháng sáu quý hiếm vì ít năm ruốc tràn về trong tháng sáu và đối với người Việt chúng ta, cái gì thuộc về rồng, phượng đều mang ý nghĩa tốt, đẹp, hiếm quý; đồng thời ngạn ngữ này cũng mang ý nghĩa so sánh: ruốc tháng Sáu làm ra đỏ như máu rồng.
Mặt khác, đối với ngư dân Đồng Hới, năm nào tháng sáu có ruốc là năm đó sẽ được mùa cá, nhất là nục mộng, một loại cá làm nước mắm tuyệt vời, bởi lẽ ruốc áp lộng đến đâu là cá nục, cá cơm, cá trích theo ruốc kiếm ăn đến đó; đồng thời vụ ruốc cũng kéo dài đến tháng 8 âm lịch.
Những loại ruốc lạt thường được dùng như thức ăn hoàn chỉnh không qua khâu nấu nướng gì nữa. Những thứ ruốc mặn để lại hàng năm, thứ này thường để thay bột ngọt trong nấu nướng. Trong bữa cơm của người lao động Đồng Hới khi nào cũng có món ruốc lạt, ăn với khế rành, loại khế vừa ngọt vừa chua. Đó là một món ăn rẻ tiền nhưng lại có sức quyến rũ rất kỳ lạ. Ruốc ăn không với cơm, hoặc cà với ruốc, hoặc thịt lợn luộc chấm ruốc, ăn với bún, với bánh đúc, đều là những món ăn tuyệt vời đối với người Đồng Hới.
Bên cạnh ruốc còn có nước mắm ruốc. Muốn lấy nước mắm ruốc thì khoét một lỗ bằng cái bát giữa bề mặt vại chỉ vài giờ sau sẽ có một nửa bát nước mắm. Nước mắm ruốc tuy không ngon thơm như mắm cá, song ngọt và đậm đà hơn và nó cũng là món "đặc sản" trong ẩm thực của những người sành ăn Đồng Hới.
8. Gỏi cá nghéo

Cá nghéo thuộc họ cá xương sụn như cá mập, đẻ con chứ không đẻ trứng. Cá nghéo toàn thịt, gan béo, thịt ngon, tuy da có nhám (do đó gọi là cá nhám), có tanh, nhưng cạo da bằng nước sôi như cạo lợn thì không còn tanh nữa, thịt cá lúc ấy trắng như bông, mới nhìn đã thích.
Cá nghéo làm gỏi ăn với nước lèo, rau sống, nhấm rượu là một món nhậu đẹp; còn như kho với nghệ, mật, gừng là món ăn bổ âm. Các lương y ở Đồng Hới khuyên người bệnh nghèo nên ăn cá nghéo bao tử sau khi lành bệnh, không cần uống thuốc bổ, tốn tiền.
Chọn mua cá nghéo chửa, mổ lấy bọc cá con trong bụng cá mẹ, để nguyên bọc, tránh làm vỡ, rửa qua nước muối ấm (không quá sôi) bắc gạo nấu cháo, vừa chín tới thì thả bọc bao tử cá vào, hầm kỹ, thêm gia vị tiêu hành, thế là đã có thang thuốc bổ toàn diện âm dương vậy. Sau bệnh, chỉ cần ăn 5 hay 7 lần như vậy là khỏe.
9. Mắm lẹp

Cá lẹp là một loại cá con nhỏ, mình lép kẹp đúng tên gọi của nó; thân mềm nhũn do bộ xương hom không cứng, thịt lại nhão do quá nhiều mỡ. Người ta chỉ dùng cá lẹp làm mắm hoặc nướng tươi trên than.
Muối mắm lẹp không phải nhiều công đoạn như mọi thứ mắm khác. Ví dụ như muốn làm mắm cá ngừ hay cá thu... người ta phải làm cá ra từng khúc, đem muối một thời gian, vớt ra rồi trộn với một lớp bột ngô rang hoặc bột gạo rang xếp vào vại, vào chum, gài lá hoặc mo cau, bảo quản đến vài ba tháng mới thành mắm.
Còn như mắm cá lẹp, thường được gọi là mắm xổi, nghĩa là một thứ cá trộn muối, chỉ ép lại vài ba hôm đã ra thành phẩm. Mắm lẹp um mỡ, hành, kẹp với rau mưng (một loại rau rừng, thân cây to, mọc thẳng bờ sông, bờ suối, bờ khe núi) được người địa phương rất ưa thích.
10. Canh nấm tràm

Ở chợ Đồng Hới (Quảng Bình) luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Theo những người bán nấm tràm, thì loại nấm này không phải nơi nào và mùa nào cũng có. Nấm tràm thường mọc trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối, có hình tròn như quả trứng gà, nhìn béo múp, có màu tím đậm; những cây lớn hơn có màu nâu tím - màu của những trái sim vừa chuyển màu, sắp chín; những cây nấm đã già thì chỉ còn lại màu nâu thẫm. Mỗi năm, nấm tràm chỉ có hai mùa vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch. Gọi là mùa vậy thôi, nhưng thực ra thời gian rất ngắn ngủi, chỉ độ khoảng dăm bảy ngày sau mỗi đợt mưa.
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, nấm tràm có thể chế biến được nhiều món như nấu cháo, xào với các thực phẩm khác, nhưng có lẽ món ăn phổ biến, quen thuộc nhất với người dân Quảng Bình vẫn là canh nấm tràm.
Chế biến nấm tràm cũng khá công phu. Trước tiên, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, lấy mũi dao nhẹ nhàng bóc màng vỏ màu nâu trên tán nấm. Để nấm tràm bớt đắng và đỡ nhớt, nên ngâm nước muối loãng và rửa thật sạch hoặc có thể chần qua nước sôi rồi rửa lại bằng nước lạnh, để ráo. Nhưng với những người đã nghiền cái vị đắng này thì phải để nguyên, ăn thật đắng mới thấy "đã". Sau khi ướp tôm và thịt cho thấm, cho nồi lên bếp phi hành cho thơm, cho thịt ba chỉ vào đảo qua, tiếp đến cho tôm đã bóc vỏ vào đảo đều một lượt rồi cho nước vào đun sôi. Rồi mới cho nấm vào chờ nước sôi lại, bỏ rau vào đến khi rau chín thì tắt bếp. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn; lá trơng non, lá lốt xắt nhỏ, cho một ít vào, nồi canh sẽ dậy mùi thơm rất đặc trưng. Canh nấm tràm có thể nấu với nhiều loại rau khác nhau, nhưng người ta thường nấu với rau khoai lang bởi vị thanh mát của thứ rau này làm giảm đi phần nào vị đắng.
11. Bánh khoái

Thoạt nhìn bánh khoái có nhiều nét giống với bánh xèo miền nam. Chỉ khác là bánh to hơn, giòn hơn, chế biến cầu kỳ hơn và đặc biệt bát nước chấm (người dân địa phương thường gọi là nước lèo) mang nhiều hương vị.
Bột để làm bánh phải chọn được loại gạo ngon, xay nhuyễn, hòa với nước thành hỗn hợp lỏng. Để bánh khi chiên được giòn, người ta hòa thêm một ít bột ngô, thêm trứng gà hoặc vịt, ít bột nghệ để bánh có màu sắc đẹp và nhiều dinh dưỡng hơn.
Nhân bánh bao gồm thịt nạc heo băm nhỏ đã ướp gia vị, tôm bóc vỏ sơ chế qua, "khuyến mãi" chút giá sống. Khi chiên bánh khoái phải chú ý đến độ nóng của lửa để bánh được giòn và vàng. Nước chấm phải có hương vị đặc trưng, mùi thơm béo ngậy. Để làm được bát nước chấm như thế cần phải có thịt nạc, cà chua, dứa, bánh quy, lạc rang…
Vào những ngày mát trời khi thưởng thức một miếng bánh khoái nóng hổi thơm lừng cuộn lại với rau sống, chấm nước lèo chắc hẳn sẽ hiểu được vì sao nó mang cái tên thú vị ấy.
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: ngoisao.net
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 09:40 )
 

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỊ TRẤN BA ĐỒN

Email In PDF.
(Website Quảng Bình) - Ngày 30/8/2012, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2032/QĐ-CT về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Quyết định có những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên quy hoạch: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
2. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch:
2.1 Phạm vi: Phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ba Đồn đến năm 2030 gồm thị trấn Ba Đồn hiện tại và các xã Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Phúc, được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp xã Quảng Phương- Khu kinh tế Hòn La.
- Phía Nam giáp Sông Gianh.
- Phía Đông giáp Biển Đông.
- Phía Tây giáp xã Quảng Thanh.
2.2. Quy mô diện tích: Tổng diện tích lập quy hoạch: 4709,73 ha.
3. Tính chất của quy hoạch: Thị trấn Ba Đồn hiện là đô thị loại 4, với chức năng là trung tâm hành chính, chính trị kinh tế văn hoá xã hội của huyện Quảng Trạch. Ngoài ra đây còn là khu vực trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại phía Bắc tỉnh Quảng Bình, là một trong những đầu mối giao thông quan trọng về đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt quốc gia.
4. Dự kiến quy mô dân số trong khu vực
- Hiện tại : Toàn thị trấn có khoảng 44.578 người, dân số đô thị 8.158 người
- Dự kiến:
+ Đến năm 2020, toàn đô thị có 56.000 người, dân số đô thị 35.000 người
+ Đến năm 2030: Toàn đô thị trấn có 70.000 người, dân số đô thị 50.000 người
5. Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030
5.1 Định hướng phát triển không gian:
5.1.1 Phương án chọn đất và hướng phát triển: Với quan điểm đảm bảo đô thị phát triển bền vững, đảm bảo tính khả thi kinh tế, hạn chế giải toả đền bù, tạo điều kiện hấp dẫn thu hút đầu tư... quy hoạch định hướng phát triển như sau:
- Cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ.
- Phát triển mở rộng đô thị mới về hai phía Nam, Bắc Quốc lộ 12A.
- Phát triển loại hình đô thị sinh thái kết hợp du lịch về phía Đông QL1A
- Hạn chế xây dựng vào các vùng thoát lũ, úng ngập
- Trục Quốc lộ 12A giao cắt với Quốc lộ 1A và kết thúc tại bãi biển thuộc xã Quảng Thọ được xác định là trục Đông Tây của đô thị;
- Trục Quốc lộ 1A đoạn qua đô thị nối với cầu sông Gianh được cải tạo, xác định là đường đối ngoại của đô thị;
- Tuyến đường nối với Quốc lộ 1A qua cầu Quảng Hải (phía Tây thị trấn Ba Đồn), được nắn tuyến và được xác định là tuyến đường vành đai, liên kết các trục giao thông chính của đô thị.
5.1.2. Tổ chức cơ cấu không gian quy hoạch và phân khu chức năng:
a. Hệ thống trung tâm:
- Khu trung tâm hành chính chính trị: Tổ chức tại vị trí mới theo hướng trở thành Trung tâm hành chính chính trị Thị xã. Khu vực xây dựng thuộc xã Quảng Thọ. Khu trung tâm hành chính chính trị hiện tại chuyển đổi dần thành các công trình dịch vụ công cộng như khách sạn, nhà nghỉ, văn phòng.
- Khu trung tâm thương mại dịch vụ: Là khu vực chợ Ba Đồn hiện nay với diện tích hiện tại là 4,7 ha được mở rộng quy mô theo hướng trở thành một trung tâm thương mại dịch vụ lớn, diện tích quy hoạch 10,0 ha.
- Khu trung tâm dịch vụ du lịch: Xây dựng mới tại xã Quảng Thọ, khu vực kết thúc trục đường 12A kéo dài hướng ra biển, góp phần tạo động lực phát triển đô thị, khai thác tiềm năng dịch vụ du lịch biển, diện tích quy hoạch 7 ha.
- Khu trung tâm văn hoá- thể dục thể thao: Được xác định tại khu vực sân vận động trung tâm Thị trấn hiện nay với điện tích hiện tại là 1,2 ha, quy hoạch mở rộng diện tích lên 12,0 ha.
- Khu trung tâm y tế: Được xác định tại khu vực Bệnh viện Đa Khoa huyện Quảng Trạch hiện nay với diện tích hiện tại là 1,8 ha, quy hoạch mở rộng quy mô diện tích lên 3,0 ha.
- Khu trung tâm Khu ở: Theo cơ cấu khu ở quy hoạch điều chỉnh.
b. Các khu đô thị đến năm 2030: Định hướng đến năm 2030, các khu đô thị có tổng dân số 50.000 người; tổng diện tích đất xây dựng đô thị: 807,36 ha được phân ra như sau:
- Khu A (Phía Tây thị trấn cũ): Dân số 5.660 người; diện tích 78,06ha
- Khu B (Trung tâm thị trấn cũ): Dân số 12.090 người; diện tích 228ha
- Khu C (Phía Bắc thị trấn cũ) : Dân số 13.180 người; diện tích 263ha.
- Khu D (Khu mới phía Nam đô thị): Dân số 8.740 người; diện tích 109,3ha
- Khu E (Khu mới phía Đông đô thị): Dân số 10.330 người; diện tích 129ha
c. Các khu chức năng:
- Các khu vực công trình công cộng: Tổng diện tích hiện trạng là 7,32 ha. Dự kiến đến 2030 là 25,0 ha (5m2/người), được phân bố theo từng khu vực đô thị.
- Các khu cơ quan, trường chuyên nghiệp: Tổng diện tích hiện trạng là 14,5 ha. Dự kiến đến 2030 là 45ha.
- Các khu ở: Tổng diện tích hiện trạng là 57,27ha. Dự kiến đến 2030 là 225ha ( 45 m2/người), các khu ở hiện trạng tại khu vực Thị trấn hiện tại được cải tạo xen cấy và chỉnh trang, các khu ở mới được quy hoạch chủ yếu tại các xã Quảng Thuận, Quảng Thọ, Quảng Long và Quảng Phúc.
- Các khu cây xanh, công viên, TDTT: Tổng diện tích hiện trạng là 1,19 ha. Dự kiến đến 2030 là 15ha (3m2/người), được bố trí chủ yếu ven theo hệ thống sông, các kênh trong đô thị và khu vực xung quanh trạm điện 110 KV.
- Các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tổng diện tích hiện trạng là 2,37 ha. Dự kiến đến 2030 là 182ha (36,4m2/người), được quy hoạch thành cụm công nghiệp tập trung tại khu vực nhà máy gạch tuynen Cosevco hiện tại. Các cụm điểm công nghiệp làng nghề, diện tích 10 -15 ha mỗi xã.
- Các khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí: Dự kiến đến 2030 là 150ha, gồm khu du lịch sinh thái Cồn Két xã Quảng Thuận (28ha), khu du lịch sinh thái biển xã Quảng Thọ, Quảng Phúc (122ha).
- Các khu quân sự và di tích lịch sử văn hoá: Khu quân sự có tổng diện tích hiện trạng là 10,34 ha. Dự kiến đến 2030 là 15,34 ha (mở rộng thêm 5ha tại khu vực bến phà Gianh cũ theo đề nghị của ngành quốc phòng). Các di tích lịch sử văn hóa đã được UBND Tỉnh xếp hạng phải được giữ gìn, tôn tạo như: đình làng Thuận Bài (xã Quảng Thuận), di tích lịch sử Bến phà Gianh...
d. Các khu dự trữ phát triển đô thị: Các khu dự trữ phát triển đô thị sau năm 2030 hoặc có những đột biến về nhu cầu mở rộng đô thị trước năm 2030 được phát triển mở rộng về hai phía Bắc và phía Nam đô thị.
5.1.3 Quy hoạch sử dụng đất: Tổng diện tích đất phát triển đô thị đến năm 2030 là 4709,73 ha, trong đó:
- Giai đoạn đầu đến năm 2020:
+ Đất xây dựng đô thị là 554,61 ha, chiếm 11,8% diện tích;
+ Đất khác là 4155,12 ha, chiếm 88,2% diện tích.
- Định hướng đến năm 2030:
+ Đất xây dựng đô thị là 807,36 ha, chiếm 17,1% diện tích;
+ Đất khác là 3902,37 ha, chiếm 88,9%.

Bảng cân bằng đất xây dựng đô thị đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

TT

Chức năng sử dụng đất

Quy hoạch

Giai đoạn đến năm 2020

giai đoạn đến năm 2030

Ha

TL%

m2/ng

Ha

TL%

m2/ng


Tổng diện tích đất tự nhiên

4709,73

100,0


4709,73

100,0



- Đất xây dựng đô thị

554,61

11,8


807,36

17,1



- Đất khác

4155,12

88,2


3902,37

82,9


A

Tổng diện tích đất xây dựng đô thị

554,61

100,0

158

807,36

100,0

161

I

Đất dân dụng

271,25

48,9

77,5

355,00

44,0

71,0

-

Đất các đơn vị ở

192,50

34,7

55,0

225,00

27,9

45,0

-

Đất CTCC đô thị

17,50

3,2

5,0

25,00

3,1

5,0

-

Đất cây xanh, TDTT

8,75

1,6

2,5

15,00

1,9

3,0

-

Đất giao thông đô thị

52,50

9,5

15,0

90,00

11,1

18,0

II

Đất ngoài dân dụng

283,36

51,1

81,0

452,36

56,0

90,5

-

Cơ quan, trường chuyên nghiệp

30,00

5,4

8,6

45,00

5,6

9,0

-

Đất CN, TTCN, kho tàng

102,00

18,4

29,1

182,00

22,5

36,4

-

Giao thông đối ngoại

31,00

5,6

8,9

45,00

5,6

9,0

-

Đất di tích lịch sử, văn hoá

5,02

0,9

1,4

5,02

0,62

1,0

-

Đất cây xanh cách ly- sinh thái

90,00

16,2

25,7

140,00

17,3

28,0

-

Đất an ninh quốc phòng

10,34

1,9

3,0

15,34

1,9

3,0

-

Đất nghĩa trang

15,00

2,7

4,3

20,00

2,5

4,0

B

Đất khác

4155,12



3902,37



1

Đất nông nghiệp

2272,00



2180,00



2

Đất lâm nghiệp

583,00



545,00



3

Đất chưa sử dụng

683,00



554,00



4

Đất chuyên dùng khác

617,12



623,37



5.2 Định hướng quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật.

5.2.1. Định hướng phát triển giao thông:

a. Giao thông đối ngoại:

* Đường bộ:

- Mở mới một tuyến vành đai đô thị từ Cầu Quảng Hải bao quanh đô thị liên kết với QL1A, quy mô chỉ giới đường đỏ là 54m.

- Quốc lộ 1A: Cải tạo nâng cấp QL1A đoạn qua đô thị từ nút Cầu Nhân Thọ đến nút giao giữa Quốc lộ 1A và đường đôi Bắc Quảng Thuận (từ Km 619+700 đến Km 622+250. Trong giai đoạn đến năm 2030 xây dựng mới tuyến tránh Quốc lộ 1A từ nút Cầu Nhân Thọ đến nút giao thông gần Cầu Gianh. Đề xuất mặt cắt ngang Quốc lộ 1A đoạn qua đô thị có chỉ giới đường đỏ là 53m (đã có văn bản thoả thuận của Bộ Giao thông Vận tải).

- Quốc lộ 12A: Cải tạo nâng cấp thành trục chính đô thị, đây là trục ngang rất quan trọng đảm bảo giao thông trong khu vực và Lào qua cửa khẩu Cha Lo. Quy mô chỉ giới đường đỏ là 34m

* Đường thuỷ:

- Đường biển: Khai thác cảng Hòn La trong giai đoạn dài hạn không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn Lào và các nước khác trong khu vực.

- Đường sông: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống phục vụ (bến tầu, bến phà, kho bãi) để khai thác tiềm năng vận tải thuỷ trên sông Gianh và các sông khác.

* Các công trình phục vụ giao thông:

- Cầu Quảng Hải, thiết kế với tải trọng thiết kế H30-XB80, đã xây dựng sẽ kết nối với tuyến tránh QL12 qua Ba Đồn.

- Tổ chức nút giao cắt lập thể và nút giao bằng tại các điểm giao nhau có quy mô lớn (đã có văn bản thoả thuận của Bộ Giao thông Vận tải), chi tiết cụ thể sẽ theo dự án chuyên ngành.

- Bến xe ô tô đối ngoại trong tương lai được bố trí thành 2 bến phía Bắc và phía Nam Thị trấn. Bến xe phía Bắc có quy mô 1,5¸2ha tại khu vực nút giao thông cầu Nhân Thọ, bến xe phía Nam quy mô 1ha tại khu vực nút giao thông QL1A- đường đôi bắc Quảng Thuận.

- Nâng cấp các bến phà, bến thuyền phục vụ vận tải hàng hoá và du lịch.

b. Giao thông nội thị:

* Đường bộ:

- Nâng cấp, cải tạo tuyến đường đôi từ thôn Cồn Két tới khu trung tâm dịch vụ, đồng thời tiếp tục hoàn thiện tuyến đường đôi Bắc Quảng Thuận, quy mô mặt cắt dự kiến 34m ( đây là những tuyến đường tạo mĩ quan đô thị nên thiết kế giải phân cách giữa 9m để trồng cây xanh).

- Xây dựng mới các tuyến đường liên khu vực trên cơ sở song song với đường tránh QL12, quy mô mặt cắt dự kiến 23,5m.

- Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây mới các tuyến đường liên khu vực chạy theo hướng Đông -Tây của khu vực nghiên cứu ( song song với QL 12A cũ ), dự kiến mặt cắt 23,25m.

- Cải tạo nâng cấp, kết hợp xây dựng mới các tuyến đường khu vực trên cơ sở song song và vuông góc với các đườn trục chính tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, quy mô mặt cắt dự kiến 19,5m.

- Xây mới các tuyến đường ven biển có lộ giới 15,5m tạo cảnh quan cho Thị trấn nhằm phát triển cho dịch vụ du lịch.

* Đường thuỷ:

- Cải tạo luồng lạch các tuyến sông và kênh, kè sông một số đoạn bị lở.

- Xây dựng một số bến thuyền tại khu vực chợ đầu mối, trung tâm thương mại và bến thuyền du lịch .

* Các công trình phục vụ giao thông:

- Bãi đỗ xe: Bến xe Ba Đồn hiện tại trong trung tâm Thị trấn được mở rộng, nâng cấp thành bãi đỗ xe phục vụ khu vực trung tâm Thị trấn.

- Cầu, cống: Tiến hành nâng cấp hệ thống cầu cống tuỳ theo cấp hạng đường.

5.2.2. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

a. Định hướng san nền:

- Đối với khu công nghiệp: Cao độ xây dựng khống chế Hxd ≥+3,20m.

- Đối với khu dân dụng: Cao độ xây dựng khống chế Hxd ≥2,75m. (Tuân thủ theo cao độ QHC thị trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt)

- Các khu dân cư, làng xóm hiện trạng cũ cao độ nền Hxd≥ 2,75m, có thể giữ nguyên, song đối với khu vực làng xóm phía hạ lưu sông Ganh, cao độ tương đối thấp < +2,2m, khuyến cáo khi có điều kiện nên nâng nền công trình tới cao độ Hxd≥ 2,75m.

- Các khu vực dự kiến phát triển có nền lớn hơn +2,75m thì san gạt cục bộ tạo độ dốc thuận tiện cho việc thoát nước mặt và phải có giải pháp hợp lý để gắn kết hài hòa với khu vực dự kiến phát triển. Các khu vực có địa hình thấp hơn < 2,75m sẽ được tôn nền đến cao độ khống chế.

- Về độ dốc: Độ dốc nền 0,004 £ id £ 0,05 để thuận tiện cho thoát nước tự chảy; Độ dốc đường theo tiêu chuẩn hiện hành.

a. Định hướng thoát nước mặt:

Xây dựng hệ thống cống hỗn hợp, Khu vực nội thị cũ (phía Tây kênh Xuân Hưng) xây dựng hệ thống cống nửa riêng, các khu vực xây dựng mới xây dựng hệ thống cống riêng hoàn toàn, trên nguyên tắc đảm bảo thoát nước mưa tự chảy, thoát nước bám theo địa hình tự nhiên và phân chia thành các lưu vực nhỏ.

- Hướng thoát chính: Thoát ra Kênh Kịa, Kênh Xuân Hưng và một số kênh mương nhỏ khác.

- Hướng cục bộ: Theo từng lưu vực nhỏ, nước mưa được thu vào hệ thống cống trên các đường phố sau đó nối vào hệ thống cống chính để ra các trục tiêu chính;

- Kết cấu: Dùng cống hộp trên các đường phố, vị trí qua đường dùng cống tròn bê tông cốt thép.

5.2.3 Quy hoạch cấp nước:

a. Nhu cầu cấp nước :

- Quy hoạch đến năm 2020, nhu cầu dùng nước của đô thị là 11.000 m3/ngđ

- Định hướng đến năm 2030, nhu cầu dùng nước của đô thị là17.000 m3/ngđ.

b. nguồn nước: Dự án khai thác nước tại đập nước Rào Nan trên sông Rào Nan đang được thực hiện với công suất khai thác nước là 22.000m3/ngđ, cung cấp nước sạch cho 22 xã trong đó cấp cho khu vực thị trấn Ba Đồn và các xã là 12.000 m3/ngđ. Hồ Vực Tròn và hồ Tiên Lang hiện đang sử dụng để tưới tiêu đồng thời đủ khả năng để làm nguồn cấp nước cho sinh hoạt. Hồ Vực Tròn nằm ở xa nên việc dẫn nước để cấp cho Ba Đồn gập nhiều khó khăn và cần đầu tư kinh phí lớn. Vì vậy lựa chọn hồ Tiên Lang là nguồn nước để phục vụ cấp nước trong giai đoạn dài hạn. Nguồn nước ngầm do chưa được khoan thăm dò trên diện rộng nên chưa có kết luận pháp lý về trữ lượng cũng như khả năng khai thác.

5.2.4 Quy hoạch cấp điện:

a. Nhu cầu cấp điện:

Phụ tải điện đáp ứng nhu cầu của đô thị Ba Đồn theo các giai đoạn:

+ Đợt đầu (2020): 33,67 MW (t­ương đư­ơng 39,6MVA);

+ Dài hạn (2030): 58,84MW (t­ương đư­ơng 69,2MVA).

b. Nguồn cấp điện:

- Nâng công suất trạm 110KV Ba Đồn từ 110/35/22KV-25MVA thành 110/35/22KV-1x25MVA + 110/22KV-1x25MVA.

- Xây dựng trạm 220KV Ba Đồn làm nguồn điện cho các trạm 110KV mới xây dựng tại khu vực phía bắc tỉnh Quảng Bình. Theo quy hoạch của ngành điện(theo SĐ6), vị trí trạm 220KV dự kiến đặt tại khu vực trạm 110KV Ba Đồn hiện tại thuộc xã Quảng Thọ.

- Xây dựng mới các lưới điện truyền tải 220KV, 110KV và các trạm lưới điện 22KV để cấp điện cho đô thị.

5.2.5 Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường

a. Quy hoạch thoát nước thải:

- Đô thị sử dụng hệ thống thoát nước hỗn hợp. Thị trấn Bá Đồn đã có hệ thống cống chung sẽ được thay thế các tuyến ống cũ không đủ tiết diện, tiêu chuẩn. Xây dựng các tuyến cống bao, giếng tách nước thải về trạm xử lý tập trung. Các khu vực phát triển mới, sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng xử lý tập trung. Toàn đô thị tổ chức thành 5 lưu vực chính để tổ chức thu gom và đưa về các trạm xử lý.

- Toàn đô thị dự kiến xây dựng 2 trạm xử lý nước thải làm sạch bằng dây chuyền công nghệ sinh học. Mức độ làm sạch đạt đến tiêu chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT

- Nước thải bệnh viện: Tất cả các bệnh viện thuộc địa bàn đô thị phải xây dựng trạm xử lý cục bộ và sát trùng hợp vệ sinh sau đó mới được xả vào hệ thống cống chung.

- Các xí nghiệp công nghiệp nằm rải rác trong đô thị phải xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo QCVN 24: 2009/BTNMT trước khi xả vào mạng lưới cống đường phố.

b. Vệ sinh môi trường:

* Chất thải rắn:

- Tính toán theo tiêu chuẩn, lượng chất thải của toàn đô thị là 114,45 T/ng.

- Thu gom chất thải rắn:

+ Rác thải sinh hoạt: Toàn đô thị tổ chức mạng lưới điểm gom rác, mỗi điểm đặt 1 container có dung tích 4-6m3 có nắp đậy.

+ Rác thải của các bệnh viện: Phân loại tại mỗi cơ sở, các chất độc hại phải xử lý riêng bằng lò đốt, các chất không độc hại đưa về khu xử lý rác chung của đô thị.

+ Rác thải công nghiệp: Các nhà máy cần thu hồi các phế liệu để tái chế. Các chất thải hữu cơ không độc hại đưa về khu xử rác chung của đô thị. Các chất thải vô cơ, chất thải độc hại cần phải xử lý cục bộ, khử các chất đó đến tiêu chuẩn vệ sinh cho phép sau đó đưa về khu xử lý chung.

- Xử lý chất thải rắn: Cải tạo khu vực bãi rác hiện trạng thành trạm trung chuyển CTR diện tích 0,5ha. Rác thải toàn khu vực sẽ được thu gom và tập kết tại trạm trung chuyển sau đó được vận chuyển tới khu xử lý CTR của huyện tại khu vực xã Quảng Tiến.

* Nghĩa trang:

- Trong giai đoạn đầu bố trí tại mỗi xã một khu vực nghĩa trang tập trung nằm xa khu dân cư đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh. Các nghĩa trang không nằm trong khu vực giải tỏa cần khoanh vùng trồng cây xanh cách ly.

- Trong giai đoạn dài hạn thì toàn bộ khu vực sẽ được tập trung chôn lấp tại một khu vực nghĩa trang duy nhất diện tích 20 ha thuộc khu vực phía Tây Bắc tuyến đường vành đai đô thị nối từ cầu Quảng Hải đến Quốc lộ 1A. Khu vực nghĩa trang sử dụng các hình thức chôn lấp hỗn hợp gồm có khu vực địa táng và hỏa táng. Nghĩa trang nằm cách xa khu dân cư tối thiểu là 500m.

5.2.6 Quy hoạch thông tin liên lạc:

a. Dự báo nhu cầu mạng: Tính toán đến năm 2030 toàn đô thị Ba Đồn cần 27.000 thuê bao.

b. Hướng phát triển

- Hình thành các xa lộ thông tin có tốc độ cao trên cơ sở hội tụ công nghệ giữa viễn thông, tin học và truyền thông.

- Ứng dụng công nghệ mới trong các hình thức truy cập băng rộng tới từng thuê bao làm nền tảng cho ứng dụng phát triển các dịch vụ bưu chính, viễn thông thương mại điện tử, công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử và các dịch vụ hành chính công,...

- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp cả huyện với dung lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện để toàn xã hội cùng khai thác, làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin phục phu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện.

- Cung cấp cho xã hội và người dân được sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc hiện đại, đa dạng theo tiêu chuẩn quốc gia.

M.C

(Nguồn: Quyết định số 2032/QĐ-CT ngày 30/8/2012 của Củ tịch UBND tỉnh)

Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 08:38 )
 
Trang 153 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện