HOÀNG BÌNH TRỌNG "TRẬN CƯỜI BỂ DÂU ..."
Chủ nhật, 26 Tháng 5 2013 04:08
Nguồn: tuoitre.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
TT - Chuyến đi cứu trợ bà con ở các xã ven sông Gianh (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử cuối tháng 10 vừa qua không ngờ cho chúng tôi gặp được tác giả của cuốn truyện thiếu nhi trứ danh một thời: Bí mật một khu rừng. Nhà văn Hoàng Bình Trọng - Ảnh: L.Đ.DụcCuốn sách ra đời đã tròn 40 năm nhưng chắc trong lòng nhiều thế hệ thiếu nhi VN (nhất là khoảng thời gian trước khi... truyện tranh Ðôrêmon xuất hiện) khó quên được câu chuyện về những chàng kỹ sư địa chất đi tìm khoáng sản đã giải cứu cô gái "ma gà" A Nhi, đưa ánh sáng khoa học rọi vào những bản làng Tây Bắc còn chìm trong tăm tối hủ tục.
Ông cũng là tác giả, dịch giả của gần 20 tác phẩm khác với tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca. Nhà văn nổi tiếng ấy giờ đây đang sống lặng lẽ ở ngôi làng nhỏ ven sông Gianh có tên là thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch. Ông là Hoàng Bình Trọng.
Những trang sách thắp tình yêu đất nước Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời Đã lầm một kiếp làm người Thì đi cho hết trận cười bể dâu... "Thì đi cho hết trận cười bể dâu..." Cuộc đời này vẫn có những trận cười bể dâu như thế trong những góc khuất phận người. Và đôi khi nhớ về hình ảnh ông nhà văn với những tác phẩm trứ danh rồi một ngày về quê lụm khụm làm tiều phu gánh củi nuôi con, bất giác chúng tôi không nén được tiếng thở dài...
Giờ thì chúng tôi đang ngồi cùng ông trong căn nhà ba gian bé nhỏ, trên bức tường nhà còn in ngấn nước lũ cao quá đầu người. Góc nhà còn thùng mì cứu trợ chỉ lổn nhổn mấy gói. Trên gương mặt hằn những nét khắc khổ vẫn ánh lên nét hóm hỉnh, tinh anh của một người đã nếm đủ vị đời.
Quê Quảng Bình nhưng ông sinh năm 1942 tại Sài Gòn khi bố ông vào làm thông ngôn cho một công ty của người Pháp. Có lẽ cũng từ ông bố giỏi chữ nghĩa ấy mà Hoàng Bình Trọng đã rất giỏi Pháp văn và Hán văn từ nhỏ.
Mười tám tuổi vào Ðại học Mỏ - địa chất, ngành trắc đạc bản đồ, ra trường anh kỹ sư địa chất tài hoa này rong ruổi khắp miền Việt Bắc, Tây Bắc, Ðông Bắc... để lập những tấm bản đồ tỉ lệ 1/500.000.
Chính trong những ngày rong ruổi khắp những cánh rừng Tây Bắc đi tìm khoáng sản ấy, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Bình Trọng đã bắt tay viết những câu chuyện cho thiếu nhi, khơi dậy những ước mơ khám phá chân trời khoa học cộng với cả một chút lãng mạn của lý tưởng tuổi trẻ.
Ðã hơn 30 năm kể từ khi chúng tôi còn là những cậu bé, mê mẩn với những trang sách của cuốn Bí mật một khu rừng, giờ đây ngồi với ông vẫn nghe trong giọng kể của ông niềm háo hức rong ruổi ngày ấy. Ðã có bao nhiêu cậu bé trên đất nước này mơ mộng với những chàng kỹ sư địa chất trong truyện như Hoàng, Trung, Tuyên... trên đường đi tìm quặng apatit đã giải thoát cho cô gái A Nhi xinh đẹp bị lão thầy mo Ðèo Văn Sằn vu cho là "ma gà", như chàng hoàng tử giải cứu công chúa trong truyện cổ tích xưa.
Nhưng hấp dẫn và thú vị hơn bởi những bí mật khoa học của các loại quặng, vẻ đẹp nguyên sinh của thiên nhiên, những câu chuyện hấp dẫn của rừng xanh... qua vốn kiến thức phong phú của chàng kỹ sư địa chất Hoàng Bình Trọng đã thắp lên trong lòng nhiều cậu học trò ước mơ được làm nghề địa chất, đi tìm tài nguyên làm giàu cho đất nước.
Và tình yêu Tổ quốc trong mỗi đứa trẻ như chúng tôi ngày đó đã bắt đầu với những trang sách như thế. Nói theo kiểu bây giờ, cuốn Bí mật một khu rừng ngày đó thuộc dạng best-seller với bốn lần tái bản, lần in thứ hai (năm 1976) lên đến 100.000 bản. Cuốn truyện được dịch ra tiếng Nga và in ở Nhà xuất bản thiếu nhi Matxcơva. Hiện nay Bí mật một khu rừng được in lại và xếp trong "tủ sách vàng" các tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Ðồng.Ông nhà văn làm tiều phu Đã không chịu sống cúi luồn
Nhà văn Hoàng Bình Trọng
Ðất nước chiến tranh, chàng kỹ sư địa chất tình nguyện vào lính, nhiều năm ở chiến trường nước bạn Lào, anh lính trẻ lại tiếp tục tích lũy vốn sống để cho ra đời thêm nhiều tác phẩm khác như: Quanh chỗ anh nằm, Những tấm lòng yêu thương.
Hết chiến tranh, năm 1976 phục viên, anh quay lại với nghề địa chất nhưng ở một vị trí khác, làm giảng viên của Trường Mỏ - địa chất. Tuy nhiên nghề văn vẫn là nỗi mê đắm thiêng liêng của ông với gần chục cuốn tiểu thuyết ra đời từ đó đến những năm 1990. Nhưng nếu chỉ có thế thì câu chuyện đời ông cũng sẽ như bao nhà văn khác nếu không có giai đoạn tuổi 50 đắng đót ngậm ngùi.
Số là khi ông đã là nhà văn tên tuổi, Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) mời ông về làm việc ở tạp chí văn học Ðất Tổ. Công việc của một tạp chí văn học hàng tỉnh cũng sẽ giữ chân ông ở lại với miền trung du này nếu không có sự kiện hàng loạt tỉnh lớn được tách ra, tái lập theo địa giới cũ.
Tỉnh Bình Trị Thiên cũng chia thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Với tâm thế của một đứa con xa quê mấy chục năm, lúc xế bóng ai cũng muốn về với quê cha đất tổ. Vậy là sau bao nhiêu năm làm kỹ sư, cán bộ nhà nước, từng giữ cương vị liên đoàn phó Liên đoàn địa chất Mạo Khê phụ trách đến 600 cán bộ nhân viên, từng là nhà văn tên tuổi, phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú, vậy mà để mau chóng về quê hương ông xin về chế độ 176, nghĩa là nhận "một cục" trọn gói chừng đâu gần 2 triệu đồng và tất tả về với miền đất gió Lào cát trắng.
Về quê, số tiền chế độ như gió vào nhà trống, may có người anh ruột là nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa cho mảnh đất dựng túp lều để vợ chồng và đứa con nhỏ tá túc qua ngày. Hội văn nghệ tỉnh cũng "hết chỗ", nhà văn, tác giả Bí mật một khu rừng nức tiếng ngày nào lại vào rừng, dân ở đây gọi là rú Thọ Linh để đốn củi về bán ở chợ làng.
Một lần trên có lệnh thu thuế "cửa rừng" mà ông không biết, 500 đồng một gánh củi, ông không có tiền, bị kiểm lâm giữ lại, nhắn người nhờ vợ ở nhà mang tiền lên nộp. Trong lúc chờ đợi, nghe mấy chàng kiểm lâm đọc thơ Bút Tre nhưng không hề vần vè, "tức khí" ông bèn đọc cho cả hội nghe một mạch mấy chục bài từ Bút Tre thứ thiệt đến Bút Tre dị bản, tổ kiểm lâm lấy làm ngạc nhiên sao có ông già đi củi lại thuộc thơ phú làu làu như thế!
Biết ông ở Quảng Hòa, họ hỏi có biết nhà văn Hoàng Bình Trọng rất nổi tiếng ở đấy không, đang trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, ông không dám nhận là mình bèn đáp bừa: "Có biết, cái tay Trọng nhà văn ấy giờ khốn khó lắm, cũng đi củi như tui vậy thôi", ai nấy ngạc nhiên: "Bác lại đùa, làm chi có chuyện nhà văn nổi tiếng như ông nớ mà nghèo"!
Ðúng lúc ấy vợ ông mang tiền lên nộp, khai ngay tên chồng là Hoàng Bình Trọng, tổ kiểm lâm ngớ người ngạc nhiên rồi sau khi biết ông tiều phu này đích thị là nhà văn, họ ngưỡng mộ bèn điều hẳn một xe công nông chở về nhà cho ông thêm chục gánh củi!
Thấy ông bạn già khổ quá, nhà văn Văn Lợi, một người bạn cũ của Hoàng Bình Trọng, xin cho ông về tạp chí Nhật Lệ của Hội Văn nghệ tỉnh làm hợp đồng biên tập, lương mỗi tháng được 350.000 đồng. Ðể có thể dành dụm gửi về cho vợ nuôi con, ông tự đi chợ, nấu nướng, nhiều bạn văn chương ghé thăm vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông sống nhờ trong căn phòng bé tí với chiếc giường gỗ rộng tám tấc, hai cái xoong nhỏ, một dùng nấu cơm, một nấu canh.
Ông cũng không đòi hỏi gì thêm cho mình, cứ lặng lẽ sống, thi thoảng trong ánh mắt hóm hỉnh và thông tuệ kia lại lóe lên chút u buồn nhân thế.
Tuổi tác ngày mỗi cao, không thể mỗi tuần lóc cóc nhảy xe đò 100km đi đi về về giữa Ðồng Hới và Ba Ðồn, rồi cọc cạch đạp xe từ đó thêm chục cây số về nhà, ông lại về ngôi nhà ba gian bên ngôi làng nhỏ ven sông Gianh.
Lẽ ra với những gì đã cống hiến, có thể bây giờ ông đã an nhàn với một cuốn sổ hưu, nhưng ông đã chọn cho mình con đường này và âm thầm chịu những eo sèo áo cơm sinh kế mỗi ngày. Vẫn nhẫn nại viết, dịch và gửi các báo với mục tiêu kiếm cho được... 1 triệu đồng nhuận bút mỗi tháng!
Có điều, dù cuộc đời gieo neo đến mấy, ông vẫn bình thản mỉm cười như bài thơ Hát tặng mình viết riêng cho mình: Ðã không chịu sống cúi luồn/Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời/Ðã lầm một kiếp làm người/Thì đi cho hết trận cười bể dâu...LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:49 )
LÊ VĂN TRI TƯ LỆNH CỦA NHỮNG TRẬN CHIẾN TRÊN KHÔNG
Thứ bảy, 25 Tháng 5 2013 04:40
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Trung tướng Lê Văn Tri (QBĐT) - Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Đóng góp vào thắng lợi của quân và dân ta, không thể không nhắc tới những trận chiến trên không đã gắn liền với tên tuổi một vị tướng, Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân. Đó là Trung tướng Lê Văn Tri, (sinh năm 1922 tại Cao Lao Hạ, Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) người đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 và "Phi đội Quyết thắng" oanh kích vào sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.
Đ/c Lê Văn Tri - (thứ 3 từ trái qua) báo cáo đ/c Lê Duẩn và Thượng tướng Văn Tiến Dũng kế hoạch đánh máy bay B52 1972. (Nguồn: Internet)
Trong cuốn Hồi ký Mặt đất và bầu trời, NXB Quân đội Nhân dân, 2006, Trung tướng Lê Văn Tri đã kể lại những ngày tham gia chỉ huy trận "Điện Biên Phủ trên không": Tháng 8-1967, khi đang là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, ông được điều động về lại Quân chủng phòng không không quân, với cương vị Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng. Tháng 10 năm 1969, ông được đề bạt làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không- không quân. Năm 1972, bị thất bại nặng nề trên mọi mặt trận buộc Mỹ phải thỏa thuận với Chính phủ ta về một bản hiệp định "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Tuy nhiên, sau đó phía Mỹ đã lật lọng không ký hiệp định như đã thỏa thuận mà tăng cường viện trợ ồ ạt vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân ngụy Sài Gòn, mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Đặc biệt, Tổng thống Nich-xơn điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng không quân vào miền Bắc nước ta. Âm mưu của địch là bất ngờ tiến hành cuộc tập kích chiến lược quy mô chưa từng có trong chiến tranh ở Việt Nam. Chúng sẽ huy động một lực lượng không quân lớn mạnh, đặc biệt là máy bay B52 với gần 200 chiếc (chiếm 50% số lượng B52 của Mỹ), đánh vào những mục tiêu quan trọng, nhất là Hà Nội và Hải Phòng và nhiều địa phương khác hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam nhằm gây sức ép buộc ta phải nối lại đàm phán và phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương Chỉ thị cho các lực lượng vũ trang thường trực sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là lực lượng phòng không, không quân. Với cương vị là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, Tướng Lê Văn Tri đã quán triệt chỉ thị của Quân ủy Trung ương bằng những hành động cụ thể. Ngày 31-10-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng tổ chức hội nghị thông qua kế hoạch tác chiến: "Cách đánh B52 bằng hoả lực tên lửa". Ngày 24-11-1972, bản kế hoạch tác chiến đánh B52 của Quân chủng Phòng không- không quân được Bộ tổng tham mưu thông qua và giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân: "nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B52 mà tiêu diệt". Trước nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang này, Tư lệnh Lê Văn Tri đã có những kế hoạch, sách lược đánh B52, mang tính chất một chiến dịch phòng không tổng hợp của chiến tranh nhân dân đất đối không. Ông đã trực tiếp quán triệt cho toàn quân chủng đó là: "Quyết tâm thực hiện cho kỳ được yêu cầu của Bộ Chính Trị và Quân ủy là phải đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, tiêu diệt, bắn rơi nhiều B52 và bắt sống nhiều giặc lái". 16 giờ ngày 18 tháng 12, Quân chủng Phòng không - không quân nhận được lệnh từ Bộ Tổng tham mưu là máy bay B52 của Mỹ xuất kích từ sân bay Enđecxơn (đảo Guam) chuẩn bị tập kích vào miền Bắc nước ta. Đây là thời khắc mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không". 19 giờ ngày 18 tháng 12, Mỹ huy động nhiều tốp B52 và máy bay chiến thuật ném bom xuống một loạt mục tiêu trọng yếu ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngay trận đầu ra quân, Trung đoàn tên lửa phòng không 261 đóng tại Cổ Loa đã bắn rơi 1 máy bay B52 mang số hiệu 5212001 rơi tại Đông Anh. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị phòng không ta bắn rơi tại chỗ. Lúc đó là 20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972. Tin vui chiến thắng trận đầu được loan báo khắp nơi làm cho khí thế chiến đấu của quân dân ta càng tăng thêm. Trong đợt không kích 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc, Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay, trong đó có rất nhiều máy bay chiến lược B52 ném bom tàn phá hầu hết các điểm trọng yếu của ta như sân bay, cầu cống, bến cảng, bệnh viện, trường học... giết hại hàng trăm dân thường vô tội. Nhưng cuối cùng chúng cũng phải chịu thất bại. Quân dân ta đã giành được thắng lợi, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, 21 máy bay F4 và 21 máy bay chiến thuật khác. Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng bộ đội Phòng không không quân. Trong thời gian làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, Trung tướng Lê Văn Tri còn trực tiếp chỉ huy một trận chiến trên không lớn khác, đó là chỉ huy "Phi đội quyết thắng" ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong trận tập kích này, ngoài các phi công của ta như Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Mai Xuân Vượng thì còn có cả phi công của ngụy mà ta đã bắt được trước đó. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Phòng không không quân tham gia chiến dịch với phương án sử dụng máy bay mới thu được của địch để đánh địch. Cái khó của phương án táo bạo này là phần lớn máy bay ta thu được của địch là máy bay A-37 còn khá xa lạ với phi công của ta. Vì vậy. Tư lệnh Lê Văn Tri đã quyết định cho hai phi công và một số thợ máy của không quân ngụy mà trước đó ta bắt được ra trình diện, hướng dẫn các phi công ta về kỹ thuật và cách sử dụng máy bay A-37. Chỉ sau 2 ngày được hướng dẫn, các phi công của ta lần lượt tập bay thử thành công. Ngày 25 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh điện cho Bộ Quốc phòng đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân ngụy ở Sài Gòn". Nhận được mệnh lệnh, Trung tướng Lê Văn Tri trực tiếp tổ chức, chỉ huy trận đánh. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập "Phi đội quyết thắng". 14 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4, "Phi đội quyết thắng" được triệu tập. Mục tiêu oanh tạc là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, khu để vũ khí, khí tài của không quân ngụy tại sân bay Tân Sơn Nhất. 15 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975, "Phi đội quyết thắng" cất cánh, 5 chiếc A37- thu được của địch lần lượt trút bom xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy và làm cháy trên 50 chiếc máy bay địch. Tất cả máy bay và phi công ta đều trở về hạ cánh an toàn. Tư lệnh Lê Văn Tri ra tận đường băng ôm hôn từng phi công với niềm vui sướng xúc động. "Điện Biên Phủ trên không" và "Phi đội quyết thắng" là những trận đánh lớn đã đi vào lịch sử của quân và dân ta. Những trận đánh oai hùng, những chiến công vang dội đó gắn liền với Trung tướng Lê Văn Tri, vị Tư Lệnh Phòng không - không quân, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.Lê Chiêu Phùng - Văn Lộc
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:46 )
HOÀNG SÂM - VỊ TƯỚNG TÀI NĂNG
Thứ bảy, 25 Tháng 5 2013 04:24
Nguồn: media.qdnd.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915-1968)Có một dòng họ trong Bát đại tính của làng Lệ Sơn, ngôi làng nổi danh văn vật đất Quảng Bình từ hàng trăm năm trước nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Dòng họ mà cụ Tổ là Thầy đồ Trần Cảnh Huống, Hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn và đồng chí Hoàng Sâm - người Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - vị tướng nhiều tài năng, huyền thoại.
Đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông nội là Trần Hách sinh được hai người con trai: Trần Ngổng và Trần Hạc. Ông Trần Ngổng có 3 người con là: Trần Văn Kỳ (Hoàng Sâm), Trần Khôi và Trần Khoa. Cả ba người con của ông Trần Ngổng đều trở thành những cán bộ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó, có vị tướng tài ba Hoàng Sâm. Năm 1927, khi mới 12 tuổi, đồng chí đã theo bố, mẹ sang sinh sống ở Thái Lan. Khi đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Châu Âu về Thái Lan hoạt động lấy tên là Thầu Chín. Qua hoạt động, thấy bé Kỳ còn ít tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên Người đã chọn làm liên lạc viên. Hơn một năm, Trần Văn Kỳ theo Thầu Chín đi khắp các tỉnh trên đất Thái, vừa làm, vừa học và tham gia rải truyền đơn, vận động bà con Việt kiều tham gia phong trào yêu nước. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Thái Lan đi Trung Quốc để tổ chức Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, Trần Văn Kỳ ở lại tiếp tục học văn hóa. Đến năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, rồi sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in, phát truyền đơn. Bị mật thám bắt giam và trục xuất khỏi đất Thái nhưng Trần Văn Kỳ không trở về quê hương Quảng Bình theo lệnh trục xuất mà tìm đường trốn sang Trung Quốc. Ở nhà, bọn mật thám đã bắt và thủ tiêu bố của đồng chí. Mùa thu năm 1940, Trần Văn Kỳ cùng một số đồng chí sang Tĩnh Tây tìm bắt liên lạc với cấp trên đã tranh thủ học ở trường quân sự của Trương Bội Công. Tại đây, các đồng chí Cao Bằng đã bắt liên lạc được với trên và cũng tại đây Trần Văn Kỳ gặp lại Thầu Chín (Nguyễn Ái Quốc) và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo cách mạng. Tháng 5 năm ấy, Hoàng Sâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng đầy nguy hiểm do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao là đón các đại biểu về dự Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Khuổi Nậm. Cuối năm 1941, Đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập ở Pác Bó gồm 12 người do đồng chí Lê Thiết Hùng làm Đội trưởng, đồng chí Lê Quảng Ba làm Chính trị viên và Đội phó là đồng chí Hoàng Sâm (nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang sau này). Hoàng Sâm còn có bí danh là Trần Sơn Hùng nổi tiếng cả vùng Cao Bằng là người gan dạ, bắn súng bằng hai tay, có biệt tài phi ngựa và thông thạo tiếng Trung. Bọn trùm phỉ nghe danh cũng phải kiêng nể nhưng lại muốn thi gan, đọ tài. Trùm phỉ Lý Xíu đã mời ông Trần (Hoàng Sâm), ông Lê (Lê Quảng Ba) lên Lũng Nặm nơi sào huyệt của chúng để uống rượu thi bắn súng, không được đem theo quân cơ. Hai ông nhận lời và cưỡi ngựa vào tận sào huyệt bọn phỉ. Quả như lời đồn, gan và tài của ông Trần có một không hai - oai phong cả vùng Cao Bằng. Nhờ những hành động kiên quyết, khôn khéo và bằng tài năng của mình, Hoàng Sâm đã hạn chế được sự phá phách của thổ phỉ, nhân dân tin tưởng vào cách mạng, các Hội cứu quốc theo Việt Minh ngày càng phát triển. Chính vì vậy mà uy tín của đồng chí với đông đảo đồng bào dân tộc ở đây rất lớn và mãi còn in đậm trong tiềm thức của người dân Tây Bắc. Từ giữa năm 1943, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức bảo vệ các tổ xung phong Nam tiến, chỉ huy đội vũ trang "hộ lương, diệt ác" trừng trị bọn việt gian phản động và các nhóm quân Pháp đang gây tội ác ở Nguyên Bình, Ngân Sơn. Để sẵn sàng chuẩn bị lực lượng vũ trang cách mạng cho tổng khởi nghĩa, theo Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Sam Cao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) được sự ủy nhiệm của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt nam ngày nay. Đội có 34 người, họ là những chiến sĩ ưu tú, dũng cảm, kiên cường được lựa chọn từ các đội du kích Cao- Bắc- Lạng và một số đồng chí đi học nước ngoài về. Trong 34 cán bộ, chiến sĩ của đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên đó, có 3 người con Quảng Bình. Và một trong 3 người Quảng Bình được chỉ định làm đội trưởng - đó là đồng chí Hoàng Sâm, sau này là Thiếu tướng Hoàng Sâm. Vừa tuyên truyền xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, vừa đánh giặc, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày càng phát triển lớn mạnh không ngừng. Một tuần sau khi thành lập, đồng chí Hoàng Sâm đã chỉ huy đánh thắng 2 trận đầu vang dội: Phai Khắt và Nà Ngần, tiếp đến chỉ huy đánh trận Đồng Mu. Đội mở rộng thành Đại đội. Một thời gian sau, Đại đội phát triển thành Chi đội (tương đương Tiểu đoàn), đồng chí Hoàng Sâm làm Chi đội trưởng. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, đồng chí tham gia xây dựng và bảo vệ khu giải phóng, chỉ huy đánh quân Nhật ở Thái Nguyên. Đánh thắng quân Nhật, Chi đội trưởng Hoàng Sâm được lệnh của đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Chi đội của mình tiến về Vĩnh Yên diệt bọn Việt Nam Quốc dân Đảng phản động Đỗ Đình Đạo. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa một số đơn vị quân đội và nhiều cán bộ lên Tây Bắc xây dựng chính quyền cách mạng và đánh địch. Năm 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập do đồng chí Hoàng Sâm trực tiếp làm Chỉ huy trưởng. Sau đó, đồng chí Hoàng Sâm còn làm Khu trưởng Chiến khu II, rồi Chiến khu III. Các đơn vị vũ trang tuyên truyền Tây tiến đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì vậy, đã có nhiều câu chuyện như huyền thoại về tài năng quân sự của đồng chí Hoàng Sâm được bộ đội Tây tiến và bà con các dân tộc Tây Bắc khâm phục, truyền tụng. Ngày 1 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 11 người thì có 2 người quê ở Quảng Bình là đồng chí Võ Nguyên Giáp được nhận cấp hàm Đại tướng và đồng chí Hoàng Sâm được nhận cấp hàm Thiếu tướng. Sau này, đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, là phái viên của Bộ tham gia chiến dịch với các Đại đoàn 312, 304 và mặt trận Trung Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí tiếp quản Hải Phòng, rồi làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Tư lệnh Quân khu III. Từ năm 1962, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm chuyên gia quân sự cho nước bạn Lào với bí danh Chăn-đi cùng tướng Lê Chưởng. Với phẩm chất, đạo đức cách mạng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, cùng những đóng góp tích cực, hiệu quả trong thời gian làm chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Hoàng Sâm được các đồng chí lãnh đạo nước Bạn hết sức tin cậy và kính trọng. Hoàn thành nhiệm vụ về nước chưa được bao lâu, đồng chí được cử làm Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên, một chiến trường cực kì nóng bỏng và ác liệt. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Hoàng Sâm tiếp tục ra trận và đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên vào cái năm Mậu Thân bi tráng ấy (ngày 15-12-1968) khi vừa tròn 53 tuổi. Bạn bè, đồng đội thương tiếc đồng chí vô hạn, một vị tướng tài, một vị chỉ huy mưu trí, dũng cảm và hết lòng thương yêu bộ đội. Đất nước ghi ơn làng Lệ Sơn đã sinh ra và dâng hiến cho quân đội một vị tướng can trường. Cả cuộc đời đi theo cách mạng, từ lúc biết làm giao liên đến khi trở thành tướng lĩnh, đồng chí Hoàng Sâm đã có 41 năm liên tục công tác và chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng và Quân đội trao cho nhiều trọng trách trong lực lượng vũ trang. Năm 1999, Thiếu tướng Hoàng Sâm được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên của đồng chí được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt cho một con đường ở phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy - Hà Nội.
Hoàng Sâm là vị tướng tài ba, người học trò được Bác Hồ tin cậy và quí trọng, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin yêu. Qua hoạt động cách mạng, qua khổ luyện và những năm tháng lăn lộn, đổ máu trên nhiều chiến trường mới trở thành một cán bộ văn, võ song toàn. Cuộc đời và những đức tính bình dị, sống có nghĩa có tình, thương yêu bộ đội của đồng chí Hoàng Sâm được cán bộ, chiến sĩ tin yêu, nhân dân mến phục. Tài thao lược, giỏi đối ngoại, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, tất cả vì nghĩa lớn, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc. Đúng như lời đồng chí đã nói với cộng sự: "Khi gặp sự đen tối phải dám vượt qua với tinh thần mạnh bạo và dũng cảm. Có vậy mới chiến thắng!".Đồng chí Hoàng Sâm (bên trái) và đồng chí Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh: tư liệuLê Việt Bình
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:44 )
ĐEM XUÂN ĐẾN CHO NHỮNG CẢNH ĐỜI BẤT HẠNH
Thứ bảy, 25 Tháng 5 2013 04:05
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Không chỉ luôn kính chúa, yêu nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, giáo dân Lê Quang Hợp, sinh năm 1976 ở thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa (huyện Quảng Trạch) còn được nhiều người biết đến như là một tấm gương sáng bởi nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đáng trân trọng hơn, trong hành trình mưu sinh đầy gian truân vất vả của mình, anh luôn sẵn sàng dang tay cứu giúp những gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh ở xứ đạo Hòa Ninh. Anh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và giáo dân tiêu biểu được bầu chọn tham dự Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018.Chìm nổi với nghề truyền thống Tạo “thương hiệu” chạm gỗ Quang Hợp Mặc dù đã tạo dựng được tiếng tăm cho mình, được khách hàng tin cậy tìm đến, hiện tại anh Hợp vẫn ngày đêm cần mẫn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng khảm, chạm mới lạ, đẹp mắt, được nhiều người ưa chuộng, đồng thời quan tâm chỉ dạy, truyền nghề cho thợ để họ nâng cao tay nghề, có thể bung ra ngoài làm ăn. Nhiều ngón nghề mà xưa nay ông cha thường cất kỹ làm ‘bảo bối” cho riêng mình thì nay đều được anh mang ra truyền hết cho thợ, anh nói với chúng tôi rằng, muốn nghề phát triển bền vững và không bị mai một thì phải làm vậy.Cưu mang những phận đời Lời kết
Một sáng mùa đông, trong khí trời se lạnh, chúng tôi tìm về Thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, nơi gia đình anh Lê Quang Hợp đang sinh sống. Từ đầu ngõ đã nghe tiếng lóc cóc đục, chạm từ cơ sở mộc của anh vọng ra. Thôn Thanh Tân nằm trọn trong làng cổ Hòa Ninh, nổi tiếng với nghề rèn đúc và mộc gia dụng ở vùng nam Quảng Trạch. Nhiều sản phẩm do nghệ nhân trong làng làm ra đã vượt ra khỏi địa giới hành chính của huyện, có mặt nhiều nơi trong tỉnh, trong nước.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Thanh Tân, ruộng ít người đông, gia đình anh Hợp đã bao đời lấy nghề mộc nuôi thân. Cảnh nghèo khó có điều kiện đeo đuổi ước mơ như bao người, qua hết lớp 9, anh Hợp đành phải bỏ ngang việc học, tay cưa tay đục theo bố kiếm sống. Là một thanh niên có chí tiến thủ, anh Hợp nhận ra rằng, muốn sống tốt bằng nghề này cần phải nắm bắt được các “ngón nghề” về đục, chạm, khắc gỗ để tạo dấu ấn cho sản phẩm. Anh khăn áo ra tận Nam Định học nghề khảm, chạm gỗ, học cách các nghệ nhân ở đây tạo ra các mẫu mã độc đáo trong lĩnh vực mộc mỹ nghệ đang được thị trường ưa chuộng. Nhưng muốn “chạm” vào nghề anh đã phải nhận những “quả đắng”. Và 4 năm tuổi trẻ cũng trôi vèo bởi những chuyện không đâu.
Nhưng “Cái nghiệp đã bám bíu lấy thân không rứt ra được, trái lại tui càng say mê bởi những đường nét chạm, khắc trên gỗ. Đi đâu thấy có nghề này là tui đến xem, học hỏi thêm”- anh Hợp nói.
Giữa năm 2005, giáo dân Lê Quang Hợp lập cơ sở chạm, khảm gỗ mang tên Quang Hợp ngay tại quê nhà. Ban đầu cơ sở chỉ có anh và một người cháu ruột làm việc, người mới, việc mới, tiếng tăm chưa có anh phải tự mình đi đến các cơ sở mộc xin được làm những công đoạn về chạm, khảm. Dần dần với uy tín tay nghề của mình, anh Hợp đã tạo dựng được “thương hiệu” về khảm, chạm trong vùng, khách hàng tự tìm đến với cơ sở, số lượng thợ vào làm cho anh cũng tăng lên đến 15- 20 người.
Dưới bàn tay tài hoa của anh, những gốc cây, thớ gỗ đều hình thành những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp như tứ linh, 12 con giáp, lũa(...) được nhiều người ưa chuộng, nhất là các “đại gia” trong và ngoài tỉnh. Anh Hợp cho biết: “Tui trúng nhất là thời điểm các “đại gia” đổ xô vào thú chơi gốc cây, hàng nhiều, tiền công lại rất cao nên mới có tích lũy để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cho cơ sở. Hiện tại tui đã đầu tư vào máy móc khảm, chạm hơn 200 triệu đồng, cơ sở có thể tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 đến 15 người. Thợ lành nghề làm với tui được trả 200 ngàn đồng mỗi ngày, bao ăn buổi trưa”. Anh Hợp đang dạy nghề miễn phí cho những đứa trẻ bất hạnh.Trong câu chuyện với chúng tôi, đến lúc này trên khuôn mặt đôn hậu của giáo dân Lê Quang Hợp mới xuất hiện nụ cười. Anh phấn khởi cũng phải, bởi sau bao năm lận đận, đến thời điểm này anh mới sống được bằng cái nghề mà mình đam mê, mới đủ sức nuôi bố mẹ già yếu và vợ con của mình. Năm 2010, anh Hợp giải quyết xong tất cả các khoản nợ nần trước đó, có đồng vào đồng ra và kinh tế gia đình đã thực sự ổn định.
Chưa dừng lại ở đó, điểm đáng quý nhất của giáo dân Lê Quang Hợp được mọi người mến phục, đó là anh luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không chỉ trong giáo xứ Hòa Ninh mà cả những nơi khác.
Anh Hợp kể: “Trong vùng trẻ em cơ nhỡ, mồ côi bố mẹ, rồi gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhiều lắm, cái ăn cái mặc thiếu thốn quanh năm. Nhiều em mới tí tuổi đầu đã lang thang lêu lỏng, tập tành rượu chè hư hỏng. Thấy vậy, tui đã đến gặp, trao đổi với người thân, bố mẹ các em cho đến cơ sở học việc, tui không lấy tiền công mà còn nuôi cơm. Nghe nói thế ai cũng đồng tình, thế là lớp dạy nghề chạm, khắc mỹ nghệ miễn phí đầu tiên của tui ra đời với 8 học trò”.
Bắt đầu từ năm 2006 đến nay, mỗi năm anh Hợp đều mở một lớp dạy nghề miễn phí và bao ăn cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong vùng, lớp ít thì 7 đến 8 em, lớp nhiều từ 14- 15 em. Độ tuổi của những học trò đặc biệt này cũng không đồng đều, đứa nhỏ chỉ 14 tuổi, đứa lớn 19 đôi mươi, nhưng dưới sự chỉ dạy tận tình của người thầy đôn hậu, ai cũng đều chuyên tâm học nghề. “Gia đình tui trước đây cực khổ, nên khi thấy các em gặp cảnh ngộ khó khăn, tui thương lắm. Nhiều lúc dọn cơm ăn, các em đông quá không có đủ chỗ ngồi. Nhiều lúc làm ăn gặp khó khăn tui chỉ mong làm răng có đủ gạo để nấu cơm cho các em thôi chứ không mong giàu có gì”- anh Hợp nói.
Ngày tháng dần qua, những thế hệ học trò của anh Hợp đã trưởng thành, đủ sức làm nghề kiếm sống. Nhiều trò vào tận miền Nam làm ăn, gọi điện về báo cho thầy biết hiện đã có thu nhập 5- 7 triệu đồng/tháng. Cứ mỗi lần nhận điện của học trò, anh Hợp lại không giấu được niềm hạnh phúc.
Lo lắng đùm bọc cho những cảnh đời bất hạnh nên dù làm ăn có lãi, đến nay anh Hợp vẫn chưa sắm sửa được gì cho riêng mình. Vợ chồng anh cùng bố mẹ già vẫn ở trong ngôi nhà nhỏ có từ đời cụ cố để lại. Đây đồng thời cũng là nơi anh đặt cơ sở chạm khảm gỗ Quang Hợp, tiếng lục chạm, cưa xẻ ồn ào không dứt, bụi bặm mù mịt, nên ban đầu ngay cả vợ anh- chị Trương Thị Thu cũng không đồng tình với việc mở lớp dạy nghề miền phí. Nhưng rồi, thấu hiểu việc làm ý nghĩa của chồng, chị đã xắn tay giúp anh, ngày ngày tất bật chợ búa lo cho cơm nước cho mười mấy miệng ăn.
Dẫn tôi đi tham quan một vòng quanh cơ sở chạm khảm Quang Hợp, nơi có những đứa trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang cắm cúi học nghề, anh Hợp vừa ân cần chỉ bày cho học trò từng nét chạm. Những đưa trẻ ở đây đều có hoàn cảnh thật đáng thương, do điều kiện khó khăn của gia đình đã sớm phải bỏ ngang việc học, thân thể còm nhom, đã 15- 17 tuổi mà sức vóc các em chỉ như trẻ lên 9 lên 10 tuổi ở phố thị.
Em Đoàn Mạnh Hùng, 15 tuổi rơm rớm nước mắt: “Mẹ em bị ung thư, bố bị tai biến nặng nên em phải bỏ học giữa chừng. Được chú Hợp cưu mang, em chỉ muốn học nghề thật giỏi để làm việc, có tiền giúp bố mẹ”. Em Nguyễn Trung Hiếu, 17 tuổi giọng thật buồn khi nói về hoàn cảnh của mình: “Bố em bị mù, mẹ lại ốm đau triền miên nên gia đình khổ lắm. Em muốn học nghề để được làm thợ với chú Hợp”.
Một mùa xuân mới đang về, đất trời thay áo mới. Xin chúc cho giáo dân Lê Quang Hợp và gia đình gặp thật nhiều may mắn. Chúc cho cơ sở khảm chạm của anh ngày càng phát triển, để có thêm điều kiện giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh.Anh Tuấn
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:38 )
|
|