THỦ KHOA ĐẤT QUẢNG: NGÀY ẤY - BÂY GIỜ
Thứ ba, 14 Tháng 5 2013 03:57
Nguồn: dantri.com.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Lần giở lại những trang sử vàng dân tộc, vùng đất gió Lào cát trắng Quảng Bình là nơi nuôi dưỡng nhiều bậc danh nhân hào kiệt của đất nước, từ người mang gươm đi mở cõi trời Nam, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thuở nào... cho đến vị tướng tên tuổi lừng lẫy năm châu Võ Nguyên Giáp... Tiếp nối cha ông đi trước, thế hệ trẻ đất Quảng không ngừng nỗ lực, phấn đấu, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Trong không khí những ngày đầu xuân mới, chúng tôi đã tìm về các bạn trẻ thủ khoa đại học của tỉnh nhà ngày nào, để thêm một lần nữa thấu hiểu khát khao và ước vọng của họ.
Chàng trai của “cú đúp”
Mọi người đã gọi Nguyễn Văn Hoài, thủ khoa đại học đầu tiên của Quảng Bình sau thời kỳ chia tách tỉnh Bình-Trị-Thiên như vậy. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1993, anh Nguyễn Văn Hoài đã thi đỗ 3 trường đại học và đạt điểm thi cao nhất ở cả hai Trường đại học Xây dựng Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Vinh. Lựa chọn Trường đại học Xây dựng Hà Nội để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học vấn, nhưng sau đó, chàng trai chuyên toán Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới) đã xuất sắc dành được học bổng du học tại Trường đại học Newsouth Wales, nước Úc. Kết thúc khóa học, anh trở về Việt Nam và công tác tại thủ đô Hà Nội.
Mẹ anh - bà Phạm Thị Bích Đào-vẫn còn nguyên xúc động khi nhớ về những thành tích học tập xuất sắc của cậu con trai thứ ba. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ tấm bé, anh Nguyễn Văn Hoài đã luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập. Trả lời câu hỏi của một em học sinh trong đợt tuyên dương Thủ khoa năm đó: “Anh Hoài ơi, vì sao anh học giỏi rứa?”, Nguyễn Văn Hoài đã trả lời hết sức đơn giản: “...Để không làm phiền lòng hay thất vọng đối với ba mẹ và để không muốn kém cạnh người khác”. Tinh thần quyết tâm đó đã theo suốt anh trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Nhà giáo ưu tú Dương Viết Tuynh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, còn nhớ mãi ấn tượng về cậu học trò mặc dù không phải thông minh nhất trong lớp, nhưng kiến thức tổng hợp cực kỳ chắc chắn và đặc biệt rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó.
Một kỷ niệm khó quên nữa là khi anh Nguyễn Văn Hoài phải ôn luyện tiếng Anh để vượt qua kỳ kiểm tra ngoại ngữ. Đây là điều kiện tiên quyết để anh có thể sang nước Úc du học. Tiếng Anh thời kỳ đó là bài toán “nan giải” với cậu học sinh ở một tỉnh nghèo, xa Thủ đô mấy trăm cây số. Hai mẹ con anh phải lặn lội ra Hà Nội, nhờ sự giúp đỡ của những mối quan hệ quen biết để tìm được một thầy giáo tiếng Anh đúng chuẩn của nước Úc. Tìm được thầy đã khó, thuyết phục để thầy dạy học lại càng khó hơn. Sau hai tiếng kiểm tra trình độ cơ bản, cộng thêm thấu hiểu niềm đam mê học hỏi từ chàng trai giàu nghị lực, thầy giáo đã đồng ý dạy. Mãi đến tận khi anh thi đậu học bổng sang Úc du học, người thầy giáo vì cảm kích sự hiếu học của anh đã từ chối nhận bất cứ một đồng học phí nào.Các thủ khoa Đại học tỉnh ta năm 2012 -Những tài năng hứa hẹn sẽ tỏa sáng trong tương lại.
Còn nhớ khi trả lời phỏng vấn chuyên mục “Khách mời ngày thứ bảy” của Báo Quảng Bình những ngày đầu năm mới Đinh Sửu 1997, chàng trai du học sinh năm nào đã thẳng thắn khẳng định: “Học tập là con đường tốt nhất cho thanh niên khi bước vào ngưỡng cửa tương lai.... Thanh niên trong thời đại mới muốn cống hiến nhiều cho bản thân, gia đình, xã hội, vấn đề hàng đầu là phải học tập thật tốt...”. Phương châm đó đi suốt những năm tháng tuổi trẻ của cậu học sinh đất Quảng hiếu học. Sau khi hoàn thành khóa học ở Úc, anh Nguyễn Văn Hoài tiếp tục học Cao học tại thành phố Băng Cốc (Thái Lan). Dành bằng thạc sĩ loại xuất sắc, từ chối học bổng nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, anh trở về nước và vượt qua nhiều ứng cử viên “nặng ký” để trở thành chuyên viên của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Thủ khoa... “lặng lẽ”
Đến Trường THPT Chuyên Quảng Bình để hỏi thông tin về các thủ khoa niên khóa trước năm 2000, thật bất ngờ, khi chúng tôi lại được gặp chính một thủ khoa năm xưa – thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu phó nhà trường. Chúng tôi gọi thầy là thủ khoa... “lặng lẽ” cũng không sai, bởi hầu như ít ai ở trường, từ các thầy cô giáo đến các em học sinh, biết được thông tin “quý giá” trên. Quê ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, chàng trai thư sinh sinh năm 1979 này đã “dành dụm” được một “vốn liếng” kha khá trước khi giành được danh hiệu thủ khoa đại học: học sinh giỏi suốt 3 năm học cấp 3, đạt giải ba toàn tỉnh môn toán, tham gia đội tuyển quốc gia môn toán của tỉnh...
Trong kỳ thi đại học năm 1997, thầy Nguyễn Minh Tuấn đã đỗ thủ khoa Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng với số điểm 27, không chỉ vậy, thầy cũng đạt thành tích cao tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (24,5 điểm) và Trường đại học Giao thông-Vận tải Hà Nội (26,5 điểm). Khi được hỏi vì sao không theo hai ngành “hấp dẫn” là kinh tế và giao thông, mà lại lựa chọn con đường sư phạm nhọc nhằn, thầy giáo trẻ đã trả lời sư phạm là ước mơ từ thuở bé, và việc biến ước mơ đó thành hiện thực sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Và có lẽ, cũng còn bởi một nguyên nhân khác, tại thời điểm đó, với hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, theo nghề sư phạm, thầy sẽ làm giảm phần nào gánh nặng học phí cho các bậc sinh thành.Thầy Nguyễn Minh Tuấn từng là thủ khoa trường ĐHSP Đà nẵng năm 1997- vẫn luôn miệt mài với sự nghiệp trồng người.
Năm 2001, thầy Nguyễn Minh Tuấn về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Quảng Bình. Từ đó đến nay, với niềm đam mê và sự nỗ lực, quyết tâm, thầy đã đạt nhiều thành tích trong công tác như đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bằng khen về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi... Năm 2006, thầy cũng hoàn thành khóa học cao học tại Trường đại học Sư phạm Huế. Từ năm 2012, thầy Nguyễn Minh Tuấn được tín nhiệm giữ chức Hiệu phó Trường THPT Chuyên Quảng Bình.
Những thế hệ thủ khoa tiếp theo vẫn không ngừng phấn đấu tiếp nối thành tích mà các anh chị đi trước đã đạt được. Thủ khoa Trường đại học Y Huế năm 2010 - em Nguyễn Trung Kiên-đang theo đuổi ước mơ doanh nhân của mình ở thủ đô Pari, nước Pháp. Em Lê Văn Lâm, thủ khoa Trường đại học Đà Nẵng và á khoa Trường đại học Y Huế năm 2011, đang du học chuyên ngành hóa dầu tại Liên bang Nga... Không đạt danh hiệu thủ khoa đại học, nhưng nhiều người con đất Quảng đã có những thành tích rất đáng tự hào. Anh Trần Đức Long-người đạt Huy chương đồng môn sinh học tại kỳ thi Olympic quốc tế năm 1999 và là học sinh đạt huy chương Quốc tế đầu tiên ở Quảng Bình-sau khi tốt nghiệp xuất sắc lớp cử nhân tài năng Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện đang hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Singapore.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải-người đạt giải ba quốc gia môn toán đầu tiên của Quảng Bình và thi đậu cả 3 Trường đại học-đang công tác giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Và còn rất nhiều những cá nhân xuất sắc thuộc thế hệ sau khác như kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa,... vẫn đang nỗ lực làm rạng danh quê hương Quảng Bình ở Việt Nam và trên toàn thế giới.Theo Báo điện tử Quảng Bình
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 14:28 )
QUẢNG HÒA SAU HAI NĂM XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Thứ ba, 14 Tháng 5 2013 03:53
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Quảng Hòa là một trong 2 xã điểm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, đồng thời cũng là một trong 8 xã được huyện Quảng Trạch chọn làm điểm xây dựng NTM. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân trong toàn xã, sau gần 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Hòa đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, nên Quảng Hòa được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt của Ban chỉ đạo tỉnh và huyện. Hệ thống ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ giúp việc của xã và các ban phát triển thôn cũng sớm được thành lập đi vào hoạt động. Các thành viên ban chỉ đạo được phân công trách nhiệm, phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, động viên phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã.
Công tác tuyên truyền, vận động được xã chú trọng ngay từ lúc bước vào triển khai thực hiện chương trình. Nhờ vậy, mục đích, ý nghĩa của công cuộc xây dựng NTM đã nhanh chóng đến tận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Mặt khác, UBND xã đã hợp đồng với đơn vị có năng lực lập đồ án quy hoạch tổng thể sử dụng đất, đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, đã được UBND huyện phê duyệt. Đồ án cơ bản đã dựa trên thực trạng hiện có, tiềm năng lợi thế, điều kiện tự nhiên, xã hội, nhu cầu của người dân và chính quyền cơ sở để làm căn cứ quy hoạch. Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2014 của xã đã được UBND huyện phê duyệt. Đề án nêu rõ được các mục tiêu, nội dung, các nguồn lực và giải pháp cụ thể để phấn đấu thực hiện đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM của cơ sở.
Bên cạnh đó, UBND xã đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức được 2 lớp tập huấn áp dụng KHKT trong sản xuất lúa cho 420 học viên tham gia, 3 khóa học tập huấn sản xuất rau rạch và trồng ớt cao sản cho 630 học viên ở 2 thôn Thanh Tân và Cao Cựu; đồng thời, tổ chức cho cán bộ ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ giúp việc tham quan học hỏi kinh nghiệm về xây dựng NTM ở Nam Định, Bắc Giang, Huế, Quảng Nam và xã điểm Phong Thủy, huyện Lệ Thủy để học hỏi kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.Bộ mặt nông thôn xã Quảng Hòa có nhiều khởi săc.
Với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đến nay xã Quảng Hòa đã đạt được 11/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Trong đó, năm 2011 đạt 9 tiêu chí, gồm: tiêu chí về điện, trường học, chợ nông thôn, bưu điện, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Năm 2012 đạt thêm 2 tiêu chí gồm quy hoạch và nhà ở dân cư. Qua 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn xã đạt gần 5,650 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng, ngân sách xã gần 350 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 800 triệu đồng.
Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là bước đột phá trong xây dựng NTM, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo xã đã quan tâm chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn tỉnh, huyện và huy động nhân dân đóng góp để thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn. Trong 2 năm qua, Quảng Hòa đã xây dựng được 2 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 1.072,4m, giá trị đầu tư gần 2,5 tỷ đồng; tu sửa nâng cấp các trường học, xây dựng mới nhà lớp học trường mầm non khu vực thôn Hợp Hòa, Vĩnh Phú, giá trị đầu tư 3,2 tỷ đồng; xây dựng mới chợ Hòa Ninh bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, giá trị 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xã đã nâng cấp, sửa chữa mới đình làng Hòa Ninh, nhà văn hóa thôn Nhân Hòa, tổng trị giá gần 550 triệu đồng; cải tạo, nâng cấp cổng, hàng rào trụ sở UBND xã, trị giá đầu tư hơn 300 triệu đồng.
Trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Quảng Hòa đã được Sở Nông nghiệp- PTNT thống nhất làm thí điểm mô hình giống lúa nguyên chủng KD18 ra giống xác nhận tại 2 HTX nông nghiệp Hợp Hòa và Vĩnh Phú với diện tích 40 ha, năng suất bình quân đạt 59 tạ/ha; đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm trồng 12 ha rau, màu, ớt sạch tại thôn Thanh Tân và thôn Cao Cựu, giá trị đầu tư 370 triệu đồng. Các HTX và hộ nông dân có sự đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa đồng ruộng. Hiện tại, Quảng Hòa có 25 máy cày phục vụ khâu làm đất, 22 máy tuốt lúa, 7 máy gặt lúa phục vụ tốt công tác thu hoạch của bà con nông dân.
Có thể nói rằng, qua 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Quảng Hòa đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, tuy nhiện bên cạnh đó vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục. Đó là, hoạt động của ban chỉ đạo, ban quản lý còn lúng túng. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự hấp dẫn lôi cuốn để nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận đóng góp của toàn dân. Việc lập quy hoạch, đồ án chậm, điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, giữa quy hoạch và thực tế thiếu phù hợp. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM còn thấp so với thực tế.
Trao đổi với phóng viên về những giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND cho biết: Năm 2013, xã Quảng Hòa phấn đấu hoàn thành thêm 4 tiêu chí là môi trường, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất và hộ nghèo. Và theo lộ trình đã đề ra, đến năm 2014 xã điểm phải hoàn thành 19 tiêu chí, đây thực sự là thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, làm cho người dân thấy rõ trách nhiệm của mình với vai trò là chủ thể trực tiếp thực hiện và hưởng thụ. Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng NTM. Phát huy tối đa nội lực của xã để huy động, lồng ghép các nguồn vốn trong xây dựng NTM, triển khai thi công các hạng mục đã được ghi vốn, cấp vốn.
Mặt khác, xã tích cực đổi mới phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Đặc biệt, tích cực tiếp cận, huy động các nguồn vốn, trong đó, chú trọng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của cộng đồng để thực hiện các tiêu chí.
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 14:25 )
TS. Kim Hồng nhận danh hiệu “Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới”
Thứ bảy, 11 Tháng 5 2013 04:41
Nguồn: dantri.com.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(Dân trí) – Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới vừa quyết định trao tặng danh hiệu “Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới” cho Tiến sỹ Hoa hậu Kim Hồng. Bà cũng là người Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là người đầu tiên trên thế giới nhận được vinh dự này. Ông David Z. Marmel, Chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới cho biết, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý Bà Thế giới (Mrs. World) đã quyết định trao tặng danh hiệu “Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới” cho TS- Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng, người từng giành giải Hoa hậu được nhiều người mến mộ nhất tại cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2005 tại Ấn Độ. Quý bà Kim Hồng là người đầu tiên được trao tặng danh hiệu "Đệ nhất Hoa hậu Quý bà thế giới"Đây là danh hiệu cao quý dành cho những đóng góp lớn lao của bà Kim Hồng với tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới. Bà là người Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là người đầu tiên trên thế giới nhận được danh hiệu cao quý này. Theo ông David Z. Marmel, TS- Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng đã có những đóng góp cho Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới và đất nước Việt Nam. Hơn thế nữa, TS- Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng hiện đang giữ vai trò rất quan trọng, là Phó Chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Thêm vào đó, bà Kim Hồng đã hoàn thành trọng trách các lần làm giám khảo tại các cuộc thi như Hoa hậu Quý bà Thế giới 2008 tại Kaliningrad-Nga; Hoa hậu Quý bà Mỹ 2010 Mrs. America tại Greenbrier-White Sulphur Springs, West Virginia USA; Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2011 tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ. Bà Kim Hồng nhận danh hiệu “Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giớiBà Kim Hồng từng được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa Ngoài ra, bà là người đã tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2009 tại tỉnh Bà Rịa,Vũng Tàu,Việt Nam, đã có nhiều cống hiến nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu và tầm ảnh hưởng của Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Vì những họat động ý nghĩa trên, Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới quyết định trao tặng danh hiệu và vương miện “Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới” - First Mrs. World cho Bà Đoàn Thị Kim Hồng. Tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới cũng đã gửi thư thông báo về giải thưởng cao quý này tới Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh. Lễ trao tặng sẽ diễn ra ngày 6/2/2013 tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam, với sự góp mặt của nhiều Hoa hậu Quý bà Thế giới các năm. Hà Thanh
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 14:25 )
NGHỀ CHẠM GỖ Ở QUẢNG BÌNH
Thứ sáu, 10 Tháng 5 2013 04:34
Nguồn: baoquangbinh.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
(QBĐT) - Quảng Bình là tỉnh có nhiều làng nghề với nhiều loại nghề, trong đó nghề chạm gỗ khá đặc biệt, với nhiều làng nghề nổi tiếng như Trúc Ly, Văn La (huyện Quảng Ninh), Hòa Ninh (huyện Quảng Trạch)... Riêng ở Đồng Hới, nghề chạm gỗ tập trung ở làng Diêm Điền (nay thuộc phường Đức Ninh Đông) và làng giáo Tam Tòa.Ở Diêm Điền xưa có cụ Bùi Khúc là nghệ nhân chạm gỗ nổi tiếng nhất. Cụ học nghề ở Huế rồi về quê làm nghề. Cụ đã chạm nhiều tác phẩm đẹp cho cung đình Huế, cho nên được vua nhà Nguyễn mời vào kinh đô chạm trổ cho cung điện của vua và ban hàm Cửu phẩm, dân thường gọi là "Cửu Khúc". Cụ có làm một chiếc hộp chạm trổ đẹp được triều đình đem đi triển lãm ở Paris (Pháp). Cụ còn được làng suy tôn là Ông tổ nghề mộc làng Diêm Điền. Cụ đã đào tạo được một số học trò trong đó có con trai cụ là Bùi Kế, Bùi Thỏn và các cháu ngoại Hoàng Mậu Quế, Hoàng Mậu Huế, Hoàng Văn Toàn, Hoàng Đào cũng là thợ chạm giỏi... Nói chung nghề chạm khắc gỗ của làng Diêm Điền rất tinh xảo, điêu luyện với các chi tiết hoa văn, phong cảnh cây cối, chim chóc, rồng phượng,... rất sống động, các tác phẩm khảm trai, khảm xà cừ cũng rất tuyệt.Làng công giáo Tam Tòa xưa (nay là phường Đồng Mỹ vì giáo dân đã chuyển vào nam sau Hiệp định Genève tháng 8/1954), cũng có nghề chạm gỗ khá nổi tiếng. Nguồn gốc họ giáo Tam Tòa là giáo dân của họ giáo Sáo Bùn ở khu vực Cầu Ngắn (nay thuộc phường Phú Hải). Vùng đất Tam Tòa không phải là tên đất của xóm giáo này mà là của làng Lệ Mỹ, dân sống du cư trên sông Nhật Lệ.Nơi đây có ba miếu thờ (ba tòa) ba vị Thánh mẫu là Cửu Thiên Huyền Nữ, Liễu Hạnh Công Chúa và Huyền Trân Công Chúa, gọi là "Tam Tòa Thánh Mẫu", được vua Minh Mạng cho dựng năm 1821 nên mới gọi là "Tam Tòa". Năm 1886, họ giáo Sáo Bùn (còn gọi là xóm Lũy) xin chính quyền đương thời cho phép họ chuyển về định cư ở làng Lệ Mỹ tức là Tam Tòa, được chính quyền đồng ý và gọi là làng Tam Tòa. Anh nguyễn Văn Hiền ở thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa vẫn đang tiếp tục nối nghề chạm trổ của ông cha truyền lại. Ảnh: T.H Các tác phẩm của nghề chạm Tam Tòa là các loại tủ chè, tủ thờ, khay trà, các loại rương, hộp, tráp,... với các loại gỗ là dạ hương, gõ (gụ), huê mộc là những loại gỗ quý, chạm đẹp. Trong ba thứ gỗ thì gõ là loại được khách hàng ưa chuộng nhất vì để lâu nó "lên nước", đen bóng đều rất đẹp, điều mà dạ hương, huê mộc không có được. Hình thức chạm là chạm nổi, các vật thể như lọ hoa, bông hoa, lá, hoa văn khác rất tinh vi, sống động. Tiêu biểu nhất của nghề chạm Tam Tòa còn được giữ lại là bàn thờ của nhà thờ Tam Tòa, được chạm khắc năm 1902, hiện nay vẫn còn ở nhà thờ Tam Tòa ở thành phố Đà Nẵng. Một tác phẩm khác là chiếc hộp đựng trầu, thuốc, kỷ vật mà nhà ông Lại Kim Lân ở thôn Trung Bính đang cất giữ.Ngày xưa, nghề chạm Tam Tòa chỉ có một "mô típ" cổ truyền là "cổ đồ" và "bát bửu", tức là "đồ cổ" và "tám thứ quý", sau đó thị hiếu thay đổi, họ làm theo các "mô típ" do khách hàng yêu cầu, thường là các "mô típ" theo các câu chuyện cổ như Tam Quốc chí, Tây Du ký, Đông Chu Liệt Quốc,... Các sản phẩm của nghề chạm Tam Tòa không chỉ được dân địa phương ưa thích mà còn được xuất ngoại qua Thái Lan, Pháp, Nhật, Canada...Xưởng chạm Đồng Hới ở phường Đồng Đình (nay thuộc phường Hải Đình) do bà Lơ-gốt, người Pháp mở ra đã thu hút nhiều nghệ nhân Diêm Điền, Tam Tòa, Văn La, Trúc Ly. Các sản phẩm của xưởng này được đưa vào Sài Gòn, Pháp và một số nước khác tiêu thụ.Ở làng Thuận Lý xưa (nay là hai phường Nam Lý và Bắc Lý) cũng có một số người làm nghề chạm gỗ, trong đó có các ông Nguyễn Công Tư, Nguyễn Lương Cần,... cũng là những thợ giỏi.Làng Văn La xưa cũng có nhiều nghệ nhân chạm gỗ, giỏi nhất là ông Lê Bá Chậu và một vài người khác. Thời đó, nghề chạm gỗ của làng Văn La rất phát triển, có cả một xóm làm nghề. Ông Lê Bá Chậu đã đào tạo nhiều thợ chạm cho làng và trong vùng, trong đó có ông áng ở làng Trúc Ly. Các tác phẩm chạm của làng Văn La được đem bán nhiều nơi như Đồng Hới, Huế, Pháp. Tuy nhiên, hiện nay nghề chạm của Văn La cũng bị mai một do hoàn cảnh thay đổi.Làng Trúc Ly xưa cũng có một số nghệ nhân làm mộc giỏi. Đó là các ông Miễn Kỳ, Miễn Rụ, Miễn Yêm (Miễn là người được miễn làm phu phen, tạp dịch, miễn thuế đinh vì làm các công trình, tác phẩm đẹp cho triều đình), Trần Thế,... Các thợ chạm giỏi là ông áng, ông Châm, ông Tâm, ông á, ông Văn,... Đặc biệt, ông áng có biệt tài là nhìn người mà chạm chân dung giống như vẽ truyền thần. Ông có bức chạm Hồ Chủ tịch trên đường đi công tác trong kháng chiến rất sinh động. Ông rất yêu nghề, đã đào tạo một số học trò nghề chạm. Các tác phẩm chạm của làng Trúc Ly được bày bán ở Đồng Hới và đưa qua Pháp. Các thợ chạm của làng cũng đi làm ăn ở Huế, Đồng Hới. Với tài nghệ tuyệt vời của ông áng, năm 1967, ông được cử đi tham quan ở Trung Quốc.Các loại gỗ dùng để chạm là gõ, huê mộc, dạ hương. Hiện nay, do cơ chế thay đổi và các nghệ nhân già đã mất, thợ trẻ tay nghề không giỏi nên bị cạnh tranh làm cho nghề chạm gỗ của làng Trúc Ly bị mai một, chỉ còn lại rất ít thợ và việc làm cũng ít. Một số nơi có các thợ chạm ngoài Bắc vào, tay nghề khá hơn.Ở làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa cũng phát triển nghề chạm gỗ. Trước đây có các thợ giỏi là Đặng Phụng, Đặng Đoài, Hoàng Minh Hộ,... Các tác phẩm của làng Hòa Ninh không thua kém gì các tác phẩm của Đồng Hới và cũng được đem đi các nơi để bán. Khác với các nơi khác, hiện nay ở Hòa Ninh, nghề chạm gỗ vẫn phát triển khá tốt, có nhiều người đặt hàng, sản phẩm được tiêu thụ nhiều. Các thợ giỏi là Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Liên,... Các chất liệu gỗ chạm cũng là gõ, huê mộc, còn dạ hương thì hiếm, phải nhập từ Lào...Nghề chạm gỗ Quảng Bình là một nét văn hóa đặc sắc. Tỉnh cần có kế hoạch, biện pháp khuyến khích các địa phương có làng nghề bảo tồn và phát huy nét văn hóa đáng quý đó.Ngọc Hiên Hiên
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 14:15 )
|
|