LÀNG "SIÊU" ĐẺ Ở QUẢNG BÌNH
Thứ bảy, 20 Tháng 7 2013 04:01
Nguồn: vietnamnet.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Ở làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, một cặp vợ chồng sinh 10 con là bình thường, còn 7-8 đứa thì không tài nào đếm xuể.
Làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) như một ốc đảo nằm giữa bốn bề sông nước của dòng sông Gianh nhưng lại đang giữ kỷ lục về "siêu đẻ".
Ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết, phổ biến gia đình ở đây sinh 7 - 8 người con, nhưng cũng có nhiều gia đình sinh tới 10 đứa. Theo ông Cương, căn nguyên của chuyện sinh nhiều là do người làng này làm nghề đi biển, họ muốn sinh cho đủ "quân" đi tàu…
Ở làng Cồn Sẽ đi đâu cũng gặp trẻ con.Đang giữ kỷ lục về sự "đẻ nhiều" của làng Cồn Sẻ là gia đình ông Nguyễn Độ với 14 người con. Ông Độ năm nay 55 tuổi, nhưng con trai lớn đã 36 tuổi và cô con út thì mới 10 tuổi. Hiện gia đình ông Độ đã có 3 người con ra ở riêng, nhưng trong ngôi nhà chừng 30 m2 của ông vẫn còn lại khoảng 17 người cả con và cháu.
Hỏi ông Độ vì sao đẻ nhiều, ông hồn nhiên: "Nhà tui có 8 đứa con trai, thêm 4 đứa con rể nữa là đủ cho đội tàu đi biển, khỏi thuê người ngoài". Nhưng bà Hoàng Thị Hường, vợ ông, thì thở ra: "Chừng ấy con cháu, chỉ việc đi chợ lo đủ bữa ăn hàng ngày đã đứt hơi rồi chứ đừng nói đến việc kiếm tiền để nuôi chúng...".
Chuyện của ông Độ có thể giải thích là do hoàn cảnh “lịch sử” để lại. Nhưng ở làng Cồn Sẻ thì không như vậy, bằng chứng là hiện nay ở làng nhiều người mới 30 tuổi mà đã có 4-5 mặt con.
Chị Phạm Thị Nhi ở đội 1 mới 37 tuổi đã có 10 đứa con. Đang bữa ăn trưa nhưng nhìn quanh chỉ có vợ chồng chị và con. Anh Nguyễn Trà, chồng chị, cười: "Mỗi đứa một tô rồi bưng chạy, ít khi cả nhà cùng ngồi ăn. Đông như ri có chỗ mô ngồi đủ". Cưới nhau từ năm 1992, sau đó một năm thì sinh con đầu. Đến giờ họ đã có 10 đứa con, đứa lớn 19 tuổi sắp lấy chồng, đứa thứ 10 mới 5 tháng tuổi.
Anh Phạm Văn Chung, cán bộ y tế thôn Cồn Sẻ cho biết, làng có 650 hộ, nhưng lại có trên 3.000 nhân khẩu. Riêng số trẻ em từ 0 đến 5 tuổi đã có trên 500 em. Học sinh tiểu học ở làng cũng chiếm trên 50% của xã (xã Quảng Lộc có 7 thôn) với 412 em nhưng lên đến cấp 3 chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Theo anh Chung, hầu hết trẻ trong làng học xong lớp 6 là nghỉ. Đám con trai 14 - 15 tuổi đã lên tàu đi biển, con gái thì ở nhà đan lưới, đến tuổi thì lấy chồng. Anh Chung trầm ngâm: "Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con sẽ có người đi biển, sau này sẽ sướng".
Như trường hợp của chị Phạm Thị Nhi. Trong 10 đứa con của chị thì cô con gái đầu chỉ học đến lớp 4, cậu con trai nghỉ học từ lớp 5 và đi biển lúc 12 tuổi. "Mỗi năm nó đi biển được trả công hơn 15 triệu đồng. Người ta khỏe mạnh thì làm việc nặng, nó còn nhỏ nên chỉ làm việc nhẹ như gỡ cá, vá lưới, nấu ăn. Rứa có hơn đi học không", chị Nhi so sánh.
Một lãnh đạo của xã Quảng Lộc cho biết, trình độ dân trí của làng Cồn Sẻ rất thấp, nhiều người mù chữ, khi lên ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên. Có lẽ một phần vì đẻ nhiều mà cuộc sống người dân ở đây còn chìm trong mịt mùng…
Trưởng thôn Nguyễn Cương chia sẻ thêm, không chỉ thất học, thiếu ăn, hệ lụy đầu tiên của việc đẻ nhiều mà làng Cồn Sẻ phải gánh chịu là thiếu đất ở trầm trọng. Cả làng trên 650 hộ dân mà chỉ có vỏn vẹn 6ha đất ở. Là làng nhưng nhà cửa ở Cồn Sẻ san sát, chật chội còn hơn ở thành phố. Không có đất ở, có đến 200 hộ dân đã “liều mạng” ra ngoài đê sông Gianh làm nhà để ở.(Theo Dân Việt)
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 13:48 )
KHAI THÁC THỬ NGHIỆM TOUR DU LỊCH HANG SƠN ĐOÒNG
Thứ tư, 17 Tháng 7 2013 04:50
Nguồn: dantri.com.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Ngày 14/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã ký văn bản cho phép khai thác thử nghiệm tuyến du lịch ở hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Theo dự kiến, mỗi tháng sẽ tổ chức hai lượt tour, thời gian 7 ngày 6 đêm, hoặc 5 ngày 4 đêm sẽ có 3 chuyến đi. Mỗi chuyến không quá 7 du khách và khoảng 15 người địa phương để gùi hành lý cho du khách. Sau thời gian thử nghiệm, nếu thuận lợi sẽ triển khai hình thức du lịch mạo hiểm ở hang Sơn Đoòng vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài chủ trì cuộc họp xem xét đề án thử nghiệm du lịch khám phá động Sơn Đoòng
Hang Sơn Đoòng sẽ được khai thác du lịch thử nghiệm
Hang Sơn Đòong là hang động lớn nhất thế giới hiện nay, được phái đoàn của Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh do ông Howard Limbert dẫn đầu,thám hiểm năm 2009. Hang có chiều cao 150m, rộng 200m.
Việc đưa vào khai thác thử nghiệm tuyến du lịch Sơn Đoòng sẽ mở ra một hướng phát triển mới của ngành du lịch hang động ở Quảng Bình.Đặng Tài
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 13:45 )
NHỚ BÁT CHÁO CANH BA ĐỒN
Chủ nhật, 07 Tháng 7 2013 05:18
Nguồn: vpub.quangbinh.gov.vn
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Cháo canh có mặt gần như khắp các vùng phía bắc miền Trung, đặc biệt là Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng bát cháo canh quê hương Ba Đồn, phía Bắc sông Gianh lại khác. Cháo không nấu từ tôm, cá lóc, hay nguồn cá nước ngọt, mà bát cháo dậy khói từ con cá Biển Đông.
Sợi cháo làm từ bột gạo nấu với cá biển có hương vị thơm ngọt, mặn mòi của biển khơi
Sợi cháo làm từ bột gạo nấu với cá biển có hương vị thơm ngọt, mặn mòi của biển khơi.Một người bạn ở Quảng Trạch rủ chúng tôi về chơi, mỗi bận ghé thăm vùng đất có Đèo Ngang là mỗi lần lạ lẫm với món cháo canh Ba Đồn. Từ mấy trăm năm trước, món cháo có cả một câu chuyện truyền khẩu nhớ thương lứa đôi.Bát cháo của mối tình bên sông
Chuyện kể rằng, một bữa mùa đông, khi đàng Trong đàng Ngoài còn phân tranh, dòng sông Gianh là giới tuyến. Một người lính canh đồn bên mô đất sông Gianh của nhà Trịnh đã ngã lòng với một người con gái phía bờ Nam nhà Nguyễn. Người con gái vốn con nhà của một thuyền ngư dân đánh bắt trên biển, tuy là chia giới tuyến, nhưng buôn bán hoặc đánh bắt vẫn cứ giao thoa nhau. Phía Nam sông Gianh có món cháo canh vẫn thường đưa về bán cho các đồn ở bờ Bắc. Lính lệ vừa ăn vừa thổi trên những chiếc thuyền nhỏ ven trảng cát, phải ăn vội vàng vì sợ quan cai phát hiện mua đồ phía nam, sợ lệnh trên phạt nặng vì lơ là canh phòng.
Nhưng “sương khói” của bát cháo cứ quấn lấy lòng người phía bắc, rồi một lính canh đã phải lòng người con gái bán cháo canh rày đây mai đó trên sông. Và rồi họ cũng ở với nhau, nhưng khi biết chuyện, họ lại bị cấm thuỷ chung, người đàng Trong không được cưới người đàng Ngoài. Khóc hết nước mắt, đôi trai gái ở miền thảo dã biên thuỳ chỉ xin cùng ở lại phía Bắc một đêm. Cũng vì nghĩa tình, cai lính đã cho phép cô gái thả neo phía ngoài đồn, đêm đó thuyền nổi lửa to hơn thường lệ. Thì ra cô gái nấu một nồi cháo thật lớn để đãi cả đồn lính canh. Món cháo cô thường nấu là cá từ sông Gianh đánh bắt được, nhưng hôm đó, cô suy nghĩ thoáng qua, nấu cháo cá của dòng sông này, lỡ ai hỏi bắt cá phía nào cũng…khó nói. Vậy nên cô đã mua cá biển của ngư dân đánh bắt từ phía biển để nấu cháo buổi chia ly.
Bữa sáng, chị dọn những bát cháo trên mẹt lá, mời những người lính phía đồn của chúa Trịnh bên mô đất sông Gianh. Họ xì xụp ăn, cái vị lạ, nồng thơm mùi biển, có người hỏi, sao không thấy cá sông Gianh; có người hỏi, cá biển bắt đàng Trong hay Ngoài? Người con gái vô danh ấy nói: “Cá ở biển thì làm sao phân biệt được đâu là Trong là Ngoài được. Cá đều của biển quê cha đất tổ. Mời các thầy đội cùng ăn”. Không ngờ câu nói đó, những người lính quý thương tấm lòng, đã xin cho người con gái phía đàng Trong làm dâu người lính canh phải lòng, nhưng chỉ với một điều kiện, anh phải giải ngũ. Từ đó, họ về phía sau, mở món cháo canh bán cho những người đi chợ tụ hội về Ba Đồn.Cháo canh của người… Du mục
Thật ra cháo canh Ba Đồn của ngày xưa vẫn không khác ngày nay là mấy. Đó là món ăn rất dân dã, không hề cầu kỳ, chỉ khác xưa không nêm nếm bột ngọt mà bằng ruốc biển. Mấy trăm năm món cháo tồn tại xứ Ba Đồn đều nấu từ con cá biển như cá nục, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá ngứa, cá chim...đều ngon ngọt đậm đà. Nước dùng được hầm từ xương cá, cá luộc rồi vẽ thịt cho vào bát. Sợi cháo làm từ bột gạo, dùng ống tre dằn đều, cắt sợi cho vào nồi nước dùng đang sôi, chín tới, bỏ hành tiêu, nén múc ra bát; khói lên thơm, vị cháo canh ngọt đáo để. Kiểu nấu này ngày nay miệt Nam, Nam Trung bộ gọi là bánh canh.
Ba Đồn xưa là vùng chinh chiến liên miên của mấy trăm năm phân tranh, nên món này còn được truyền như bát cháo canh du mục. Cháo canh Ba Đồn bán từ sớm ở góc chợ bò, chợ phiên, thu hút thực khách khắp vùng hoặc cho những ai đi Bắc vào Nam đều ghé lại thưởng thức. Vậy, mà tính “du mục” của nó như không mất đi. Dù đã sang thế kỷ 21, nhưng chốn ngồi ăn bát cháo ở Ba Đồn vẫn y như chỗ ngồi của trăm năm trước. Bàn ăn đơn giản, băng ghế dài làm thượt, người địa phương gọi là đòn bào, ghế dài có khi cả hai mét, cứ vài ba người tụ lại, không quen biết nhau ngồi một băng, cứ ngồi vào là người bán bưng ra. Ăn bát cháo gốc gác vùng đất này mới biết người bản địa tài hoa lịm hồn trong cách dùng các loại cá biển nấu cháo, nó không gây tanh mà thơm ngon lạ thường bởi cách hấp cá...
Ngày nay, những ngư dân ven biển Quảng Trạch không chỉ đánh bắt vùng lộng mà còn đóng thuyền lớn đánh cá ở Hoàng Sa, người Ba Đồn lại có thêm phong vị món cháo cá biển Hoàng Sa. Anh bạn tôi vẫn thường mua cá đánh bắt từ những thuyền đi Hoàng Sa về đãi khách. Bưng bát cháo lên giữa chộn rộn cuộc sống hôm nay, vẫn nhớ vô cùng bao sức lực tiều ngư sớm hôm chống chọi bất trắc để đưa về phía bờ hương vị biển cả quê nhà.Sưu tầm: T.Q (Ghi chú: Tin bài trên được sưu tầm và đăng tin trên trang web nội bộ VP UBND tỉnh nhằm mục đích phục vụ thông tin nội bộ cơ quan)
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 13:42 )
NHỮNG ĐẶC SẢN NÍU KÉO DU KHÁCH CỦA QUẢNG BÌNH
Chủ nhật, 07 Tháng 7 2013 04:50
Nguồn: Eva
Menu Ngang -
Tin tức - Sự kiện
Quảng Bình mang trong mình những bài hùng ca của một thời anh dũng nay bình yên và giản dị với những phong cảnh tuyệt vời và các món ăn ngon đặc sản, khó qaauên.Quảng Bình, không chỉ là dải đất miền Trung nổi tiếng với vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thế giới, bờ biển đẹp cùng những câu chuyện lưu giữ lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó còn là tên một vùng đất chứa trong mình nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng khiến cho người đến đây cứ lưu luyến mãi chẳng quay về.
1- Cháo canh
Không phải nấu như cháo, nguyên liệu chính lại là sợi mì làm từ bột gạo nhưng người Quảng Bình vẫn gọi món này là cháo canh (Ảnh: Internet)Cháo canh là một trong những đặc sản Quảng Bình cũng như phở Hà Nội hay bún bò Huế. Có người gọi là cháo bánh canh hay bánh canh Quảng Bình bởi thành phần của nó là những sợi như bánh canh gạo.
Giản dị và không hề chau chuốt, loại sợi bánh canh này được làm thủ công, từ nhào, cán, cắt mỏng nên khá to, dày, cứng. Thêm nước dùng sền sệt với sự kết hợp của cá, tôm, thịt heo nạc... Khi phục vụ khách, cháo canh được rắc lên hành, ngò thái mỏng thơm lừng. Món cháo canh ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ tạo cảm giác bùi bùi, cay hăng khi thưởng thức.
Đặc biệt, một số người còn ăn chung cháo canh với nem chả cho vị lạ miệng hơn.
2- Khoai deo
Khoai deo giản dị và chân chất như người dân nơi đây.Món khoai deo - đặc sản Quảng Bình rất đặc biệt. Dù chỉ từ nguyên liệu duy nhất là khoai lang, họ làm ra món dân giã mềm dẻo, ngọt nhẹ và thơm rất ngon miệng.
Cách chế biến khoai deo đơn giản như chính cuộc sống người dân nơi đây. Khoai để một thời gian cho bớt tươi nhưng chưa được mọc mầm, rửa sạch, luộc chín, rồi bóc vỏ, thái lát mỏng đem phơi dưới trời nắng miền Trung, càng gay gắt càng tốt cho đến khi khoai chuyển màu cánh gián.
Ăn khoai deo không được nóng vội nếu không thì chỉ thấy cứng và khô mà thôi. Phải nhâm nhi từ từ, từng chút một mới tận hưởng hết vị nắng gió, mùi khoai thuần chất và cái ngọt ngào của đất chắt chiu trong những miếng khoai “xấu mã”.
Đến Quảng Bình, mang khoai deo về làm quà là mang cả trời, cả tấm lòng mộc mạc nhưng chân thành của họ theo cùng.
3- Bánh lọc
Cũng từ bột gạo, tôm… nhưng vị bánh lọc Quảng Bình khác hẳn bánh lọc Huế.Không phải có quê nhà từ Quảng Bình nhưng bánh lọc nơi đây lại được gia giảm và biến đổi khác đi, khiến cho nó có điểm khác hơn ở xứ Huế. Thứ bột sắn lọc bọc ngoài tôm đồng, mộc nhĩ và các loại gia vị khác lại tạo nên hương vị khó quên cho người dùng.
Nhìn thì đơn giản nhưng quá trình chế biến cũng lắm công phu, bột làm bánh một nửa đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín.
Sau đó, cho loại tôm nhỏ ở cửa sông, cùng với mộc nhĩ và các gia vị thân thuộc khác rồi gói lá chuối đem hông (giống như đồ xôi). Nếu không, có thể trụng trực tiếp và ăn nóng tại chỗ.
Bánh lọc chấm mới nước mắm chắt và ớt chỉ thiên cay xè mới đúng điệu. Món bánh này vừa rẻ, vừa ngon lại để được khá lâu nên khách du lịch đến đây không chỉ thưởng thức tại chỗ mà còn mua về làm quà.
4- Bánh xèo gạo lứt
Bánh xèo gạo lứt đặc biệt từ nguyên liệu chính cho đến các phụ liệu ăn kèm.Khác tất cả các loại bánh xèo thường thấy, bánh xèo Quảng làm bằng bột gạo lứt màu đỏ đặc trưng với những hoa văn nổi đều đẹp.
Bánh xèo là mộ trong những món đặc sản Quảng Bình ăn kèm với nhiều nguyên liệu đặc sắc khác như cá chuối, nộm, rau sống. Trong đó, có món “cá chuối” thật đặc biệt. Đó không phải tên một loại cá mà là chuối sứ bánh tẻ gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ, luộc chín, uốn thành hình con cá, nhúng qua vào bát gia vị. Nộm gồm giá, rau két và vừng. Bánh xèo cuốn rau sống, cá chuối, nộm, rồi kẹp bánh đa kèm nước chấm ngon.
Bánh xèo ăn nóng, ngon nhất là đổ tới đâu ăn tới đó. Đến Quảng Bình phải ghé qua Quảng Hòa mới thấy hết vị của bánh xèo đặc trưng vùng đất này.
5- Đẻn biển
Đẻn biển – món ngon với nguyên liệu do trời đất ban cho Quảng Bình.Đây là tên khác của loài rắn biển thân nhỏ, dài, thon và có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Những món chế biến từ đẻn biển rất tươi ngon, bổ dưỡng, đáng để thử qua.
Trong số đó, tiết đẻn là món du khách ưa thích và thường gọi khi đến Quảng Bình. Đẻn biển được người có nghề cắt tiết, cho vào rượu và phục vụ khách ngay khi xong hoặc cho vào ngâm nguyên con rất tốt cho phụ nữ và khiến người ta ăn ngủ tốt hơn.
Tiết đẻn với rượu cho vị ấm nồng và chan chát rất khó quên cho người ta lâng lâng trong men say, nhất là khi vừa được tận hưởng vẻ đẹp của các hang động tuyệt vời.
Thịt đẻn được làm thành nhiều món khác nhau từ băm nhỏ, ướp gia vị đem chiên thành từng chiếc ram nhỏ hay cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc… Món nào cũng tuyệt vời, món nào cũng thơm lừng và ngon đến miếng cuối cùng.
6- Ốc ruốc
Món ốc ruốc thú vị khi nhể và ngọt lành khi ănLoại ốc đẹp bởi những hoa văn sở hữu trên mình thường dùng làm đồ mỹ nghệ, vòng vèo các loại. Ốc ruốc nhỏ ơi là nhỏ, những tưởng “làm gì có gì mà ăn” nhưng nếu thử một lần nếm vị thì khó mà quên. Người Quảng Bình gọi khêu ốc là nhể ốc. Người ta kiên nhẩn nhể từng con ốc chỉ bằng cái cúc áo để lôi ra cái ruột bé tí teo, chỉ như cái tăm để cảm nhận hết vị ngon thơm lạ lùng của giống này.
Ốc ruốc không phải luộc như bình thường mà được nêm muối, bột ngọt, lá chanh, ớt, thêm chút nước để xào nhanh với dầu ăn. Người làm phải thật khéo léo nếu không muốn ốc teo hết thịt, vừa khó nhể, vừa không giòn và ngọt.
Muốn thưởng thức ốc ruốc, các bạn nên thăm Quảng Bình từ tháng hai đến tháng tư – mùa ốc ruốc duy nhất trong năm. Ốc ruốc bán theo lon, mỗi lon cũng chỉ mấy ngàn đồng, ăn không ngán mà… mỏi tay.
7- Chắt chắt bánh tráng Chắt chắt xúc bánh tráng có vị lạ hơn hến xúc bánh tráng của Huế
Chắt chắt là tên gọi một loại hến ở cửa sông. Chắt chắt rửa kĩ, luộc qua cho há vỏ, lấy nhân làm món chắt chắt bánh tráng rất ngon.
Thịt chắt chắt cho gia vị đầy đủ, xào qua với dầu ăn, đem xúc bánh tráng như kiểu hến xúc bánh tráng ở Huế. Nhưng vị của chắt chắt lạ hơn do nó sinh ra ở nơi giao thoa giữa nước ngọt và mặn.
Khi ăn, không cần muỗng chén, chỉ cần bẻ bánh tráng cầm xúc chắt chắt, cho lên miệng kèm miếng rau thơm là đủ. Cái giòn thơm mùi vừng của bánh tráng, beo béo đậm đà của gia vị, dai dai, ngầy ngậy của chắt chắt thật khiến người ta khó kiềm lòng.
Món này ăn hoài không ngán, ăn no rồi mà còn vẫn thèm. Khắp các quán nhậu đều có món đơn giản và ngon lành này.
8- Lẩu cá khoai
Cá khoai xương mềm, thịt mềm, rất dễ ănCá khoai, loại cá có xương mềm, thịt nhão nên nhiều người còn gọi là cá cháo, xưa chỉ dùng cho gia súc, nay biến đổi thành món đặc sản. Cá khoai ở Quảng Bình được đánh bắt và đem lên bờ sớm nên khách thường được ăn đồ tươi, thịt thơm ngon hơn nhiều nơi khác.
Cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường để ướp làm lẩu. Nước dùng cũng chỉ xung quanh dăm ba loại cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Khi ăn, mọi người quây quần bên nồi nước dùng, chờ sôi thì cho cá vào, sôi lại chút là vớt ra ăn liền lúc còn nóng hổi.
Vừa nói chuyện, vừa rẽ thịt cá khoai, hay nếu thích thì nhai cả xương, kèm chút rau sống: rau tương ơ, rau xà lách, rau cần, rau cải, rau ngò… thì không còn gì mong muốn hơn.
Chỉ là những món gần gụi và dân dã như thế thôi, đặc sản Quảng Bình vẫn khiến người ta không quên thương nhớ khi rời xa.
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 13:37 )
|
|