Lịch âm dương

Xem tin theo ngày

< Tháng 12 2024 >
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2218
mod_vvisit_counterHôm qua3489
mod_vvisit_counterTuần này19733
mod_vvisit_counterTuần trước48969
mod_vvisit_counterTháng này144264
mod_vvisit_counterTháng trước291538
mod_vvisit_counterTất cả3090490

Có: 35 khách trực tuyến

Tin tức - Sự kiện

THỦ KHOA CAO ĐIỂM NHẤT NƯỚC "BẬT MÍ" BÍ QUYÊT HỌC TẬP

Email In PDF.
(Dân trí) - Với số điểm 29,5, Phạm Thái Sơn (THPT số 2 Quảng Trạch, Quảng Bình) đỗ thủ khoa ĐH Y dược Huế. Tính đến thời điểm này, em cũng là thủ khoa có điểm thi cao nhất nước. Chia sẻ về bí quyết học tập, Sơn thẳng thắn: “Em chưa bao giờ học quá 11h khuya”.

Với số điểm 29,5, Phạm Thái Sơn đỗ thủ khoa ĐH Y dược Huế. Tính đến thời điểm này, em cũng là thủ khoa có điểm thi cao nhất nước. (Ảnh: Diệu Hương)
“Quan trọng là phải học thật tập trung”
Kỳ thi đại học năm nay, Sơn thi vào 2 trường là ĐH Bách khoa Hà Nội nhóm ngành Điện tử viễn thông - công nghệ thông tin và Trường ĐH Y khoa Huế, ngành Bác sỹ Đa khoa.
Không chỉ đỗ thủ khoa Trường ĐH Y khoa Huế với 29,5 điểm trong đó môn Toán đạt điểm tuyệt đối 10 điểm, môn Hóa 9,75, môn Sinh 9,75 điểm, Sơn còn đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội Sơn với 27 điểm (Toán 8,75 điểm, Hóa 8,5 điểm, Lý 9,5 điểm).
Từ qua đến nay, con đường từ trung tâm xã Quảng Hòa về thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trở nên tấp nập, từ đầu làng đâu đâu ai cũng kháo nhau tin thằng Sơn vừa chăm chỉ lại vừa học giỏi đã đỗ thủ khoa điểm cao nhất nước. Tại nhà Sơn, đông đảo bà con thôn Cao Cự và bạn bè đến chia vui.  
Đến nhà gặp Sơn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng thủ khoa Trường ĐH Y dược Huế là cách nói chuyện hồn nhiên và nụ cười khá hóm hỉnh. Trò chuyện với chúng tôi khi tin em đỗ thủ khoa cao điểm nhất nước đã lan khắp các tờ báo mạng, nỗi bất ngờ vẫn hiển hiện trên khuôn mặt em. Sơn kể: “Lúc làm bài xong, đối chiếu với đáp án, em tin mình sẽ đạt từ 28 điểm trở lên, nhưng thực sự em không nghĩ là mình đạt đến vị trí thủ khoa”. Nhận được tin báo, mẹ em đã bật khóc vì sung sướng. Bố em xin nghỉ hẳn một buổi làm thuê để về nhà. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên hai khuôn mặt đã sạm đen vì nắng gió.

  Bố mẹ Sơn rất tự hào về con. (Ảnh: Đình Phong)  

Đông đảo người thân và bạn bè đến chia vui cùng gia đình Sơn. (Ảnh: Đình Phong)
Thái Sơn học giỏi đều tất cả các môn nhưng có năng khiếu nổi trội nhất ở các môn tự nhiên. Bảng thành tích học tập của em từ các năm cấp hai đến nay luôn khiến người khác phải nể phục. Tại cuộc thi học sinh giỏi lớp 11 và 12 cấp tỉnh, Phạm Thái Sơn đạt giải nhì cả hai môn Toán, Hóa.
Thầy Phạm Quang Quý, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT số 2 Quảng Trạch nơi Sơn theo học cấp ba cho biết: Trong tổng số 47 học sinh của lớp thì đã có 24 em đạt học sinh giỏi của trường và Sơn là một trong những số đó. Năng lực học tập của Sơn rất tốt, em rất chịu khó học tập. Tuy gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Sơn đã biết vươn lên để trở thành một tấm gương sáng.
Về phần mình, Thái Sơn chia sẻ rằng em không phải là người học tập quá chăm chỉ, học ngày học đêm nhưng em đã tìm ra cho mình một phương pháp học tập hiệu quả.
Ngoại trừ những thời điểm ôn thi học sinh giỏi căng thẳng, còn chưa bao giờ Sơn học quá 11 giờ đêm. Bí quyết học giỏi của em là nắm chắc kiến thức ngay tại lớp. Về nhà, em ôn lại bài cũ và đọc trước bài cho ngày hôm sau. Buổi tối là quãng thời gian em tập trung giải bài tập trong tài liệu ôn thi. Phương pháp mà Sơn thường sử dụng là làm bài với người bạn thân cùng lớp. Sơn và người bạn cùng tìm các dạng bài tập hay trong sách tham khảo, tự giới hạn thời gian làm bài, rồi dùng điện thoại đối chiếu kết quả. Với những bài không trùng kết quả, sáng mai lên lớp, hai em cùng ngồi lại và tìm ra những cách làm hay.

Phạm Thái Sơn (phải) và bạn thân cùng lớp.  (Ảnh: Diệu Hương)
Ngoài giờ học chính khóa, Sơn thường tổ chức học nhóm với nhóm bạn cùng lớp. Nhóm học tập của Sơn gồm có năm người, đều đăng ký dự thi vào trường Đại học Y dược Huế. Với những bài toán khó, cả nhóm thường đưa ra thảo luận chung. Mỗi người phải tự đưa ra một cách giải thuyết phục và hiệu quả nhất. Thời gian trước lúc thi đại học, việc tổ chức học nhóm được tăng cường hơn. Khi Trường ĐH Y dược Huế công bố điểm thi, niềm vui càng nhân lên khi cả năm thành viên trong nhóm học tập của Sơn đều đạt từ 23 điểm trở lên. Việc tổ chức học nhóm đã thực sự phát huy được những hiệu quả tích cực.
Nhìn lại sự nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua, Sơn thẳng thắn chia sẻ: “Muốn học tốt không có nghĩa là suốt ngày ngồi vào bàn học mà quan trọng là phải học thật tập trung và tìm ra được một phương pháp tiếp thu kiến thức phù hợp và hiệu quả nhất”.

Thủ khoa Phạm Thái Sơn bên góc học tập. (Ảnh: Đình Phong)
Quê nghèo nuôi dưỡng ước mơ
Vùng quê Quảng Hòa (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) của Phạm Thái Sơn là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lịch sử tháng 10/2010 vừa qua. Cùng với hàng nghìn hộ dân khác, nước lũ đã cuốn trôi đi của gia đình em tất cả tài sản, làm sập hoàn toàn hệ thống hàng rào bao quanh nhà. Gần một năm kể từ ngày cơn lũ tràn qua, gia đình Sơn vẫn chưa đủ điều kiện để xây dựng lại hàng rào và tu sửa lại nhà cửa. Khó khăn càng đè nặng lên cuộc sống gia đình em kể từ ngày đó.   Sinh năm 1993, Sơn là con cả trong gia đình nghèo có 3 anh em, thu nhập chủ yếu dựa vào khoản tiền ít ỏi từ nghề làm thuê của bố. Hiểu những khó nhọc của gia đình mình, hàng ngày ngoài việc học tập, Sơn phụ giúp gia đình làm các việc trong nhà. Những lúc rảnh rỗi, Sơn lại theo bố đi gặt lúa thuê và làm đồng cho các gia đình trong xã để có tiền ăn học.
Bố Sơn, ông Phạm Bình Bảo cho biết: "Sơn là đứa chăm ngoan,  gia đình chúng tôi có 5 sào ruộng, là anh cả trong gia đình nên Sơn phải phụ giúp hết mọi việc. Từ việc đồng áng đến các việc vặt trong gia đình như: nấu cơm, giặt giũ và nó là một tấm gương sáng cho các em trong gia đình học tập"
Phạm Thái Sơn cho hay thần tượng trong cuộc sống và trong học tập của em là Lê Vũ Hoàng - người đồng hương quê Quảng Bình đã vô địch trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 6.
“Anh Lê Vũ Hoàng có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã biết để vươn lên học giỏi. Em chỉ mong mình cũng có được sự nỗ lực của anh ấy để những khó khăn trước mắt”, Sơn tâm sự.
Còn mẹ Sơn là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó.Vì thương chồng con vất vả, bà đã từng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, chấp nhận cuộc sống chui lủi để kiếm thêm thu nhập. Vì hoàn cảnh, bà phải trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Thương bố mẹ tần tảo, Sơn luôn nỗ lực để vươn lên học tốt. Việc theo học suốt 6 năm tại ĐH Y dược Huế sắp tới thực sự là một gánh nặng to lớn đè nặng lên cuộc sống vốn đã lắm những khó nhọc của gia đình em. Nhưng với Sơn, được trở thành bác sĩ là niềm mơ ước lớn lao mà bấy lâu nay em vẫn từng ấp ủ. Ngày ngày, nhìn bố mẹ và những người dân nghèo quê em vừa phải đối diện với cuộc sống mưu sinh khốn khó vừa chống chọi với bệnh tật, niềm mơ ước trở thành bác sỹ đã lớn dần lên trong em. Với việc thi đậu vào ngành Bác sỹ đa khoa, Đại học Y dược Huế, Sơn đã đặt những bước chân đầu tiên lên con đường thực hiện ước mơ của mình.

Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Sơn phụ giúp gia đình làm nông. (Ảnh: Đình Phong)
“Người nghèo nhất thế giới không phải là người không có tiền mà là người không biết ước mơ”, đó là câu châm ngôn mà Sơn thích nhất. Rồi ngày mai, niềm vui đỗ đạt sẽ lùi lại phía sau, nhường chỗ cho những khó khăn đang chất chồng phía trước. Nhưng tin rằng, với niềm tin, ý chí và sự nỗ lực, Phạm Thái Sơn sẽ vượt qua những thiếu thốn vật chất để vươn lên thực hiện ước mơ của mình.
Diệu Hương - Đình Phong
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 03:33 )
 

NGHỀ ĐÚC Ở HÒA NINH

Email In PDF.
(QBĐT) - Không biết từ bao giờ, bên dòng Hòa Giang êm đềm trôi, với đình làng Hoà Ninh ngày ngày soi bóng, đã có một làng nghề của những người thợ đúc, suốt một đời cần mẫn giữ lửa truyền nghề. Đó là nghề đúc ở làng Hòa Ninh thuộc xã Quảng Hòa (Quảng Trạch).
Cũng như nhiều làng nghề khác trong tỉnh, nghề đúc ở làng Hòa Ninh đã có từ lâu đời, nhưng do biến động của lịch sử, nên các gia phả và kỹ thuật của làng nghề bây giờ không còn giữ lại bằng văn bản mà chủ yếu là cha truyền cho con, ông truyền cho cháu.
Theo tài liệu khảo cổ học thì vùng đất Quảng Trạch là nơi đã phát hiện ra đồ đồng với các mảnh đồng, bình hoa bằng đồng, nồi đồng và cả trống đồng...Điều đó có thể khẳng định từ xa xưa nghề đúc đã manh nha hình thành với việc  khai thác nguyên liệu đồng để đúc đồ dùng sinh hoạt và tín ngưỡng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, 56 tuổi, người đã có thâm niên gắn bó với nghề cho biết: gia đình ông có nhiều đời làm nghề đúc, bản thân ông đã phụ giúp cha mẹ làm nghề này từ khi còn nhỏ. Đây là nghề tuy vất vả nhưng đã từng mang lại cho người dân trong làng một cuộc sống ổn định.
Gia đình anh Đoàn Mại ở thôn Nhân Hòa, Quảng Hòa vẫn miệt mài với nghề rèn truyền thống của mình. Ảnh: T.H
Làng nghề truyền thống này được biết đến với các sản phẩm nồi nấu cơm đủ các cỡ, nồi nấu bánh chưng, nồi nấu rượu và các loại nồi khác. Không những phục vụ nhu cầu người dân 9 xã vùng nam Quảng Trạch, sản phẩm của làng còn được đưa đi tiêu thụ ở chợ Ba Đồn, đưa lên Tuyên Hoá, Minh Hóa, ra Hà Tĩnh và sang cả thị trường Lào. Ngoài ra, làng còn làm theo đơn đặt hàng của các lái buôn.
Có thời kỳ, nghề đúc của làng phát triển mạnh, lúc đó làng nghề đã có sự chuyên môn hoá rõ rệt, người dân trong làng chỉ biết toàn tâm toàn ý với nghề mà không phải lo làm thêm một nghề phụ nào. Nghề  đúc đòi hỏi phải có sức khỏe nên chủ yếu nam giới làm thợ cả, phụ nữ chỉ phụ giúp nhóm lò, khiêng khuôn đúc và gọt giũa lại sản phẩm cho đẹp.
Để làm ra sản phẩm, người thợ thực sự rất vất vả. Đầu tiên người thợ phụ nhóm lò than đỏ, cho nguyên liệu nhôm vào nồi bắc lên lò để nấu, cũng là lúc người thợ cả bắt tay vào đóng khuôn gỗ, bỏ cát vào nồi làm mẫu, sau đó  lấy nồi mẫu ra để tạo hình cái nồi ở trong khuôn. Khi người thợ phụ nấu nhôm đã nóng chảy là lúc người thợ cả vừa làm xong khuôn và họ cùng nhau đổ  nhôm đã nóng chảy vào khuôn, chờ khoảng 5 phút thì tháo khuôn rồi lấy nồi ra.
Quy trình từ khi nấu nhôm đến khi làm ra một sản phẩm mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Nếu làm cật lực từ sáng tới tối được khoảng 7 sản phẩm. Ông Vinh còn cho biết thêm: nghề đúc hơn nhau là nhờ kỹ thuật và mỗi lò đúc luôn cất giữ cho mình một bí quyết riêng, đó chính là kinh nghiệm lâu năm được kết tinh qua bàn tay đóng khuôn khéo léo của người thợ cả, kinh nghiệm chọn cát làm khuôn, cũng như cách nhận biết độ nóng của nước nhôm để cho ra đời những ra sản phẩm có chất lượng, làm hài lòng người tiêu dùng.
Nhưng sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến tình yêu nghề như đã hòa cùng tiếng ống bệ thổi lửa, len lỏi vào từng chi tiết của khuôn đúc, từng giọt mồ hôi nhọc nhằn chảy qua năm tháng, bất chấp dưới cái nắng như thiêu như đốt hay giữa mùa đông lạnh lẽo, người Hòa Ninh vẫn say sưa với nghề.
Kinh tế ngày càng phát triển, cùng với chính sách mở cửa hội nhập với thế giới, hàng hóa từ nước ngoài tràn về trong đó phải kể đến các loại đồ dùng sinh hoạt như nồi cơm điện, nồi áp suất, nồi đa năng, nồi chống dính, nồi Inoc, nồi men, nồi thuỷ tinh..., phong phú về chủng loại, đẹp về mẫu mã, tiết kiệm được nhiên liệu lại thích hợp trong việc sử dụng các loại bếp bảo vệ môi trường đã được đưa về bày bán tại các chợ lớn, nhỏ cũng như chợ của quê hương làng nghề làm cho sản phẩm của nghề đúc vào thế cạnh tranh không có lợi, bị thu hẹp dần.
Số lượng lò đúc trong làng đã giảm xuống chỉ còn 4-5 lò, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, thu nhập của người lao động rất thấp. Thêm vào đó, nghề đúc cần có số vốn lớn, giá nguyên liệu đầu vào lại rất đắt nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh với hàng hoá trên thị trường. Để tồn tại với nghề truyền thống mà cha ông để lại, gia đình ông Vinh còn phải kiêm luôn đại lý thu mua phế liệu để từ đó có thể tận dụng nguồn nguyên vật liệu cũ cần thiết vào trong sản xuất, nhằm giảm chi phí mua nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm làm ra để còn có cơ hội cạnh tranh với hàng hoá trên thị trường, và hơn thế nữa là để có điều kiện giữ lửa truyền nghề như ước nguyện thời trai trẻ của ông cũng như biết bao người thợ của làng đúc Hoà Ninh.
Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có Thông tư 04/2010 TTBVHTTDL quy định việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Làng đúc Hoà Ninh được vinh dự nằm trong danh mục những di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh cần được bảo vệ.
Sẽ không ai muốn nghề truyền thống của ông cha mình bị mai một, nhưng nếu cứ tiếp tục giữ lấy nghề thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là nỗi trăn trở của những người thợ ở làng đúc Hòa Ninh. Liệu nghề đúc Hòa Ninh có giữ được lâu dài?
Phan Thị Hằng
Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 03:33 )
 

ĐÌNH HÒA NINH – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA QUỐC GIA

Email In PDF.
1. Tên di tích: Đình Hòa Ninh
2. Loại công trình: Kiến trúc nghệ thuật
3. Loại di tích: Di tích lịch sử văn hóa
Điều dễ nhận thấy ở đình Hòa Ninh, đó là kiến trúc đình rất đồ sộ, có tính quy mô, nhưng lại rất tỷ mỹ kể cả trong bố cục lẫn hình thức trang trí về nội và ngoại thất. Đình được bố trí theo kiểu thông thường: Hệ thống tường thành bao quanh và cổng trụ; bình phong và toà đại đình nằm ngang. Cửa đình nhìn về hướng Tây Bắc.
Qua cổng chính để vào đình, điều đầu tiên đó là sự kết hợp hài hòa về màu sắc trang trí ở hai trụ biểu; những đường nét mềm mại, sắc sảo thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xã Quảng Hòa trong việc khắc hoạ, bài trí. Hình ảnh hai con nghê được ốp bằng sứ men xanh hay men nâu nhạt rất công phu đứng ở trên hai đỉnh trụ biểu, gợi nên một biểu tượng đẹp đẽ về sức mạnh đoàn kết của những người con trên quê hương Hòa Ninh.
Mái đình được xây theo kiểu tứ giác, hai mái thượng trước và sau, hai mái hạ ở hai đầu hồi Đông và Tây. Ở giữa nóc đình là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt.
Đình gồm có 5 gian, 4 vài; có một cửa chính và 4 cửa phụ. Trước cửa chính có khắc chữ “THỌ” lồng trong mặt trăng và 3 chữ Hán đắp nổi: Phúc, Du, Đồng (muôn vàn tinh hoa của dân làng tụ họp ở đây). Đây là trung tâm thể hiện các họa tiết trang trí như: Long, Ly, Quy, Phượng, bát bửu, hoa lá ... bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành, sứ. Đặc biệt ở cửa chính có khắc câu đối của ông Nguyễn Tiến Ích là cử nhân tặng: “Nhị khí lương năng phong vật dự tuỳ, sơn thủy hoán - Bách niên hội điển họp tôn chung, dự trạch sơn hàm” (Tài năng trời không cho mà có, phong cảnh tuỳ thuộc phối lại với nhau sông núi hài hoà - Trăm năm hội họp lại làm sao quên được).
Điều đáng chú ý ở đình Hòa Ninh, ngoài kiến trúc xây dựng đình, còn kể đến nghệ thuật chạm trổ trên gỗ, là nơi đua tài, đua trí của các nghệ nhân làng thời đó như các Ông Đặng Chịnh, Đoàn Uy, Đoàn Định, Đoàn Thơi. Qua cách bài trí bố cục các hình ảnh: rồng móng, rồng phun nước, cá chép hoá rồng, rồng ẩn mây, long tranh hổ đấu ... ở các cột, vài, xuyên cho chúng ta thấy được sự linh hoạt tài tình trong chạm khắc, hợp lý trong bố cục của các nghệ nhân xưa. Tính đăng đối cũng biểu hiện khá rõ nét trong trang trí như: Sen, Trúc, Cúc, Mai, Sơn thuỷ hữu tình.
Nhìn chung về trang trí nội thất Đình Hòa Ninh mang những nét tương đồng với các đình khác ở huyện Quảng Trạch song nó lớn hơn và hoàn thiện hơn. Các đường nét ở đây đều được chọn lọc và trau chuốt rất công phu và tỉ mỉ, mang đầy đủ giá trị tinh thần, truyền thống và ý nghĩa văn hóa của một công trình kiến trúc nghệ thuật.
Bên trong ngôi đình, ở gian giữa thờ tự vong linh thành hoàng làng đã có công khai phá lập nên làng. Thành hoàng làng là một vị nhân thần biểu tượng cho cầu phúc. Hai gian bên thờ các vị bách thần sở hội, là các vị thần có chức sắc, đức độ khoa bảng, được nhân dân mến mộ và thờ phụng. Các phong tục lễ hội của làng diễn ra tại đình vào mùa xuân đều tập trung phản ánh các quan niệm thờ cúng và thể hiện tư tưởng của người nông dân làng xã trong sự tôn vinh các vị thần.
Đình Hòa Ninh cũng là biểu tượng cho một vùng quê nông thôn Việt Nam có nhiều nhân tài đỗ đạt khoa bảng. Đó là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của cha ông đi trước.Truyền thống đó đã được các sử sách, gia phả của làng qua nhiều thế hệ ghi lại. Hiện nay, ở Đình còn lưu giữ được 10 sắc phong bằng chữ Hán qua các triều vua nhà Nguyễn ban tặng.
Cùng với các giá trị về văn hóa, Đình làng Hòa Ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nỗi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ (8-1945). Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đây cũng là nơi lực lượng vũ trang ta tập kết và là kho cất dấu vũ khí sẵn sàng đánh trả lại máy bay địch khi chúng đánh phá miền Bắc. Đình Hòa Ninh thực sự trở thành một không gian văn hóa, là nơi hội họp sinh hoạt văn hóa của một làng quê sau luỹ tre làng. Nó không chỉ phản ánh nghệ thuật kiến trúc đình làng của một vùng, một miền mà còn phản ánh sự phát triển của một cộng đồng làng xã trên một không gian địa văn hoá miền Trung Trung Bộ.
7.    Một số hoạt động nhà trường đã làm trong nội dung chăm sóc di tích lịch sử nói trên
Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng GD- ĐT huyện Quảng Trạch, Đảng Uỷ UBND xã Quảng Hoà và các tổ chức  ban ngành đoàn thể trong và ngoài nhà trường, trong những năm qua Liên đội dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, BGH nhà trường, Liên đội luôn đề cao hoạt động “Theo dòng lịch sử”. Một trong những hoạt động phong trào đó  là hoạt động chăm sóc và bảo vệ di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn xã nhà.
Trường THCS Quảng Hoà luôn mang trong mình niền tự hào trên quê hương xã Quảng Hoà có di tích lịch sử “Đình Hoà Ninh” đã được xây dựng từ lâu. Từ đớ Liên đội trường THCS Quảng Hoà thường xuyên có các hoạt động thiết thực góp phần đề cao giá trị văn hoá và bảo vệ, chăm sóc đình văn hoá này.
4. Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 1430- QĐ/BVHTT ngày 12 tháng 10 năm 1993
5. Địa chỉ di tích: thôn Nhân Hòa, xã Quảng Hòa,huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
6. Tóm lược thông tin về di tích:
Từ thị trấn Ba Đồn, ngược lên bến đò cửa Hác, đi theo đường bờ đê về phía Tây khoảng 4km là đến đình Hòa Ninh. Đình nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng ở trung tâm xã Quảng Hòa với tổng diện tích 1.758 m2. Đình Hòa Ninh được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Trải qua thời gian và chiến tranh, đình đã bị hư hỏng nhiều. Ngôi đình hiện nay, được nhân dân tu tạo lại năm 1976.
Hàng năm cứ đến ngày 15 hàng tháng và trong các ngày lễ lớn trong năm của Liên Đội, luôn tổ chức cho học sinh làm công tác  lao động tại đình “Đình Hoà Ninh” như quét dọn, làm vệ sinh toàn bộ quang cảnh của Đình làng và lau chùi, quét vén trong khu vực Đình. Hầu hết các học sinh làm việc tích cực, hăng say có ý thức cao luôn được chính quyền địa phương ủng hộ, ngợi khen. Liên đội trường THCS Quảng Hoà phối hợp với Ban văn hoá xã tổ chức cho học sinh nghe truyền thống lịch sử của “Đình Hoà Ninh” nhằm giáo dục cho các em truyền thống svà những hiểu biết về lịch sử địa phương mình, từ đó hình thành cho các em có ý thức tự hào, ý thức được bảo vệ và chăm sóc khu di tích lịch sử “Đình Hoà Ninh”.

Đình Hòa Ninh
Nguyễn Hữu Đích.
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 14:43 )
 

SÔNG GIANH QUÊ TÔI

Email In PDF.
Trong hàng trăm con sông lớn nhỏ chảy qua đất Việt thì sông Gianh là sông duy nhất chảy qua một tỉnh - tỉnh Quảng Bình. Bắt nguồn từ Minh hóa, chảy giữa lòng huyện Tuyên, phần hạ lưu chảy qua Quảng Trạch rồi đổ ra Biển Đông ở cửa Gianh. Như bao dòng sông khác, sông Gianh quê tôi là ngọn nguồn cho bao cảm hứng sáng tạo để nhiều nhà thơ nhà văn vung bút tạo nên những kiệt tác, để dòng sông trở thành bất tử trong lòng những người con yêu quê.
“Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông ’.......
1. Trong hàng trăm con sông lớn nhỏ chảy qua đất Việt thì sông Gianh là sông duy nhất chảy qua một tỉnh - tỉnh Quảng Bình. Bắt nguồn từ Minh hóa, chảy giữa lòng huyện Tuyên, phần hạ lưu chảy qua Quảng Trạch rồi đổ ra Biển Đông ở cửa Gianh. Như bao dòng sông khác, sông Gianh quê tôi là ngọn nguồn cho bao cảm hứng sáng tạo để nhiều nhà thơ nhà văn vung bút tạo nên những kiệt tác, để dòng sông trở thành bất tử trong lòng những người con yêu quê.

Các nhà sử học nói rằng sông Gianh có tên cội nguồn là Linh Giang - là dòng sông linh thiêng cắt ngang đất nước. Sông đã trở thành giới tuyến chia cắt đằng ngoài và đằng trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Cùng với thế núi thế sông đắc địa: ba phía là núi trước mặt là biển, khí hậu khắc nghiệt... đã hun đúc cho con người Quảng Bình một bản lĩnh cứng cỏi, vững vàng, một tâm hồn trong sáng và tự do.
2. Sông núi quê tôi như một cặp tình nhân muôn thủa quấn quýt bên nhau không nỡ xa rời. Những dãy núi đá vôi hùng vĩ không kém phần kiêu sa, duyên dáng, khi dỗi hờn như muốn vùng vằng vượt ra khỏi vòng ôm uốn lượn của dòng sông, khi lại tình tứ tắm mình trong dòng nước trong xanh mát rượi đầy mê đắm....Núi sông quê tôi hiền hòa, trong vắt, người ta bảo màu xanh của nước có nguồn gốc từ những dãy núi đá vôi có cây phủ xanh tốt quanh năm.Vẻ đẹp nên thơ của quê hương in đậm trong trái tim những con người nơi đây.

Sông Gianh, ranh giới chia cắt ngày xưa nay đã được nối liền bằng những cây cầu bắc trên mình nó. Con sông quê và những cây cầu là quà tặng cho một vùng đất như cách nói của Nguyễn Quang Vinh cũng là quà tặng riêng cho người Tuyên – Minh Hóa và Quảng Trạch (Quảng Bình) quê tôi.
3. Quãng sông đẹp nhất là khúc trung lưu chạy dài từ chân ga Lệ Sơn lên đến cầu Chợ Gát, sông quãng này không rộng như ở hạ lưu, không hẹp như phần thượng nguồn, lòng sông vừa phải, nước chảy lững lờ, những đêm trăng lấp lánh nước dường như không chảy mà dùng dằng nửa ở nửa về như một chàng thi sĩ đa tình muốn ở lại để giữ hết vào lòng mình cảnh đẹp. Những lúc thủy triều lên sóng vỗ vào vách đá qua tháng năm hình thành những phần lèn đứt chân ăn sâu vào núi đá tạo nên cảnh đẹp kì thú và bí ẩn mà không một con sông nào có được!
Mùa lũ về, con sông đỏ ngầu cuồn cuộn, sông như đổi hẳn tính nết, nước từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, dâng cao... Sông Gianh mùa lũ như thử thách bản lĩnh con người sinh ra nơi mảnh đất khắc nghiệt này .... Trên những chuyến đò ngang mong manh, những đứa trẻ ham học quê tôi vẫn bình thản gan dạ băng ngang qua giữa dòng nước xiết! Vị thần sông linh thiêng đã không nỡ nhấn chìm những đứa trẻ quê tôi, bây giờ sau mấy chục năm nhớ lại tôi vẫn cứ rùng mình! Có những kí ức như thế mới thấy hết niềm khao khát cháy bỏng trên quê tôi về những cây cầu! Những cây cầu vững chãi bắc ngang sông đã làm cho quê hương đẹp hơn, sang trọng hơn. Đứng giữa cây cầu mới xây trong một đêm trăng sáng, lòng tràn trề cảm xúc, tâm hồn thoát khỏi những vụn vặt, rối rắm phức tạp của đời thường, tôi thấy lòng lại vui, lại đắm say, lại tha thiết ý định viết về con người và vẻ đẹp của quê hương...

4. Ngược đường 12 đến hết Đồng Lê bạn sẽ gặp tuyến đường xuyên Á, đi tiếp đường này đến với Cha Lo, vùng rừng núi miền tây Quảng Bình có nắng gió rất đặc trưng của một miền biên giới, chúng ta sẽ thấy hết vẻ đẹp hùng vĩ của một vùng đất, với những nẻo đường nơi đây, bạn sẽ hiểu sông quê được bắt nguồn từ đâu, bắt nguồn như thế nào, chúng ta sẽ thấy yêu hơn vùng đất nắng gió riêng có của quê mình....Tôi đã đến Cha Lo vào một ngày mùa mưa tháng tám, những con đường vững chãi là thế mà vẫn bị sụt lở, đất đá lấp hết cả đường đi, nhìn tận mắt cảnh tượng này mới thấy hết sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và nỗ lực không mệt mỏi của con người cho những tuyến đường giao thông miền núi.

Phần thượng nguồn sông Gianh có nhiều đồng bào dân tộc định cư: người Chứt, người Khùa, người Rục, cuộc sống của họ còn lắm gian nan, những chiếc nhà tạm chỉ cần có mưa to gió lớn là sẽ bị cuốn đi, tôi lại ước mơ giá mình có thể làm được điều gì đó dù rất nhỏ, rất nhỏ thôi cho quê hương vẫn còn nhiều lam lũ... Có lẽ vì nghèo mà quê tôi đang trả giá rất đắt cho công cuộc hiện đại hóa quê hương. Những nhà máy xi măng liên tiếp mọc lên hai bên bờ sông, tôi không hiểu vì sao mà quê mình có nhiều nhà máy xi măng đến thế? Những tiếng nổ mìn phá đá như muốn vạch trời đất phá tan giấc mộng bình yên của một vùng sông núi từ ngàn đời nay vẫn êm đềm lặng lờ trôi như chảy về miền cổ tích! Và khi những dãy núi đá không còn thì màu nước sông Gianh sẽ ra sao? liệu nước sông còn giữ được nguyên màu xanh vốn có? Rồi cả khói bụi ngùn ngụt từ nhà máy xi măng bay lên như cắt ngang màu xanh êm ả thanh bình của bầu trời trong sáng quê tôi. Cuộc sống có quá nhiều mâu thuẫn, vì sự mưu sinh mà môi trường sinh thái ở đây đang dần bị phá hủy nghiêm trọng. Nhìn ra thế giới,ở những đất nước phát triển, môi trường thiên nhiên hầu như được bảo vệ vẹn nguyên, biết đến khi nào để quê mình được như quê người? Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái đang là vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra cho vùng sông nước quê tôi.

5. Nhớ sao thời thơ bé, những trưa hè ngụp lặn trên sông để lấy toong về giúp mẹ chăn heo, những sọt toong lá non mềm, sọt toong tún giòn rúm, được mẹ khen lòng vui khôn tả . Nhớ tuổi thơ mãi miết vui chơi nào đã hiểu đâu mẹ chân bùn tay lấm. Lại nhớ có lần nước cạn ra chơi thật xa, quên mất con nước đã lớn dần không thể tự vào bờ được nữa, sợ quá rủ nhau phải gào khóc thật to để các anh chị trong làng nghe mà ra cứu! Không biết các anh chị ngày xưa có ai còn nhớ không? Nếu không có các anh hôm đó chắc chắn bọn em đã về chầu Hà Bá!
Yêu sao tuổi thơ và dòng sông tràn đầy kỉ niệm trong vắt, êm đềm. Sông quê vẫn chảy trôi cùng năm tháng, những người con của quê hương đã khôn lớn bay khắp đó đây, dẫu có già, có chết đi... con sông quê trong kí ức mỗi người vẫn trẻ và đẹp mãi!
“Ai sống cho tuổi thơ người đó mãi mãi trẻ và không bao giờ chết.” Nếu ai có chê cười, tôi vẫn thấy lòng mình son trẻ, và chợt nghĩ chẳng ai tồi tệ đến quên tuổi thơ của mình trên sông nước quê hương!
Đặng Thị Ánh Tuyết. Quê nhà 19/08/2010
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 27 Tháng 8 2022 14:39 )
 
Trang 159 trong tổng số 169 trang.
Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức - Sự kiện